Bạn Lành Hay Thầy Tốt
Trái lại, một người bạn lành hay thầy tốt sẽ có những đức ngược lại. Tức là họ có đức tin, giới hạnh vẹn toàn, có sự hiểu biết với một tấm lòng quảng đại và trí tuệ. Vị thầy và bạn tốt nhất trên đời này là Đức Phật. Nương tựa Đức Phật là nương tựa bậc thầy tốt nhất. Mặc dù Đức Phật đã nhập Niết Bàn song những ai nghe theo lời dạy của ngài, kính trọng những kỷ niệm của ngài là đã có một người thầy tốt nhất để nương tựa. Thời Đức Phật, Trưởng-lão Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên được xếp vào những bậc thầy tốt nhất thứ hai, Trưởng-lão Ma-ha-ca-diếp, A-nậu-lâu-đà,… như những vị thầy tốt nhất thứ ba. Về sau các bậc thánh A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, và Tu-đà-hoàn là những bậc thầy tốt nhất theo thứ tự đó. Tất nhiên những người bình thường có đức tin và giới hạnh sẽ được xếp sau các bậc thánh như những vị thầy tốt nhất.
Ngày nay thật khó để nhận ra một bậc A-la-hán hay một Bậc Thánh đã đắc các thánh đạo khác. Chỉ những bậc Thánh đích thực và thông thạo mới có thể đánh giá được sự chứng đắc tâm linh của một người. Nếu là một người học đạo bình thường, bạn muốn tìm ra một người bạn tốt hay thầy tốt, bạn phải áp dụng tiêu chuẩn của bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī) mà chúng tôi đã nói ở trên, đó là., đức tin, giới, sự hiểu biết (kiến thức), một tấm lòng quảng đại và trí tuệ.
Bạn tốt hay thầy tốt phải có đức tin. Người ấy phải hết lòng sùng mộ và tôn kính Đức Phật. Một số người nói rằng một Bậc A-la-hán thì đâu cần những sự sùng bái như vậy. Nhưng theo chú giải, một Bậc A-la-hán luôn hết lòng sùng kính ngôi Đại Điện Thờ Xá-Lợi (Mahācetiya). Bạn tốt hay thầy tốt cũng phải có đức tin nơi Giáo Pháp (Dhamma) và Chư Tăng (Sangha). Người ấy tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, tránh điều ác và làm các điều thiện. Người ấy khích lệ người khác có đức hạnh tốt giống như mình. Người ấy phải có kiến thức. Người ấy phải được khéo trang bị với kiến thức thế gian nếu người ấy là một vị thầy tốt trong lãnh vực đời sống thế tục. Những vị Tỳ-kheo không hành thiền thì phải có đủ kiến thức để dạy học trò của mình những việc như đọc, viết kinh điển Pāḷi không phạm luật.
Một số vị Tỳ-kheo thông thạo kinh điển Pāḷi, nhưng lại viết rất kém. Thậm chí cách đánh vần và cách viết các từ Pāḷi của họ rất dở. Tất nhiên kiến thức mà vị Tỳ-kheo chủ yếu phải có là kiến thức về Pháp. Một vị thiền sư phải có hai loại kiến thức, đó là, kiến thức về kinh điển và kiến thức dựa trên thực hành và trải nghiệm. Nếu vị thầy được khéo trang bị với hai loại kiến thức như vậy, người đệ tử dù kiến thức không đầy đủ vẫn có thể đắc tuệ giác thực thụ bằng cách hành thiền theo sự chỉ dẫn của người thầy.
Thật dễ biết những dấu hiệu của một tấm lòng quảng đại. Một vị thầy có lòng quảng đại sẽ cho hết những gì mà mình không cần đến hàng đệ tử và những người theo mình. Trí tuệ (paññā) là cái mà một vị thầy tốt có được bằng cách học, suy xét và hành thiền. Người thầy phải có minh sát trí, như trí về sự sanh diệt của mọi hiện tượng (udayabbayañāṇa-sanh diệt trí).
Một bài thuyết pháp của người thầy sẽ cho thấy rõ ông có minh sát trí hay không. Tuy nhiên rất khó để một người bình thường nhận ra được trí này. Một người đọc sách nhiều có thể biết điều được đó nhưng sẽ không dễ nhận ra tí nào đối với một người không có kinh nghiệm. Người ta có thể hiểu lầm những gì người thầy nói trên căn bản kinh nghiệm của ông hoặc họ có thể lầm lẫn kiến thức sách vở thuần tuý cho là kinh nghiệm thực. Còn khó hiểu hơn nữa là các loại trí kết hợp với thánh đạo, thánh quả, và trí phản khán (paccavekkhanañāṇa). Vì thế chúng ta nên xem một người là thầy tốt nếu họ có đức tin, kiến thức,… và mô tả được bản chất của minh sát trí trên căn bản kinh nghiệm tu tập của mình và hợp với tinh thần kinh điển.
Thanh Tịnh Đạo mô tả một vị thiền sư tốt như một người nhã nhặn. Người ấy tự làm cho người khác yêu mến bằng giới hạnh vẹn toàn, thiện chí và lòng từ thể hiện trong lời nói và hành động của mình.
Người ấy phải xứng đáng với lòng kính trọng. Ở đây, nếu vị ấy có giới, định và tuệ vị ấy sẽ có được thuộc tính này.
Người ấy phải xứng đáng với tâm từ của người khác. Thật dễ rải tâm từ (mettā) đến một người có nhân cách tốt đẹp, nhất là khi được truyền cảm hứng bởi tâm từ trong lời nói và hành động của người ấy.
Người ấy phải biết cách làm thế nào để dạy dỗ và rèn luyện những người khác. Nếu một người đệ tử có khiếm khuyết và lỗi lầm, người thầy không được nhắm mắt làm ngơ mà phải biết khiển trách họ. Đây là một phẩm chất quan trọng của một người thầy tốt. Thái độ thờ ơ đối với những vấn đề đòi hỏi phải có sự khiển trách sẽ làm tổn hại đến quyền lợi của người đệ tử.
Người ấy có thể phải đương đầu với những sự chỉ trích. Dù cho người chỉ trích mình ở lứa tuổi nào, nếu sự trích ấy là chính đáng, người ấy phải đón nhận nó và hành động hợp theo đó, như trong trường hợp của ngài Xá-lợi-phất đã biết chấp nhận lời khuyên của một chú sa-di vậy.
Có lần ngài Xá-lợi-phất bận một công việc gì đó đến nỗi y ngoài của ngài bị tuột xuống. Tất nhiên cách mặc y như vậy là không hợp với giới luật nhưng vì lẽ ngài không có ý muốn vi phạm, nên ngài không phạm vào một tội nào cả. Nhìn thấy y của ngài tuột, một chú sa-di trẻ liền lưu ý ngài. Trưởng lão Xá-lợi-phất đón nhận lời nhắc nhở của chú với thái độ biết ơn và điều chỉnh lại y của mình, thậm chí sau khi sửa xong ngài còn hỏi, “Thế này đã được chưa, bạch ngài?”
Một vị thầy tốt còn phải có khả năng thuyết về những đề tài sâu sắc như Uẩn (khandha), Xứ (āyatana), Giới (dhātu), Đế (sacca), Duyên Sanh (paṭiccasamuppāda), Minh Sát (Vipassanā), v.v…Nếu vị thầy không có khả năng giảng giải những đề tài này, người đệ tử sẽ không có cơ hội để hành thiền một cách hiệu quả bất chấp mong muốn được như vậy của họ.
Một người thầy tốt không bao giờ khuyến khích đệ tử làm những điều không phải lẽ. Có một số vị thầy sai đệ tử làm những điều bất thiện vì những mục đích ích kỷ của họ. Nếu người đệ tử tuân theo sự chỉ dạy của những người thầy như vậy, họ thường gặp tai hoạ. Nếu y từ chối không hợp lẽ, ít nhất y cũng bị chỉ trích. Nếu y phạm tội, y sẽ bị trừng phạt. Nếu y làm những nghiệp bất thiện, y sẽ phải đoạ vào một trong bốn ác đạo sau khi chết. Vì vậy người thầy không nên khuyến khích những đệ tử của mình làm điều không phải lẽ.
Những phẩm chất thiết yếu của một vị thầy tốt này được đề cập trong Thanh Tịnh Đạo và ẩn tàng trong năm đức, đó là, tín, giới, sự hiểu biết, một tấm lòng quảng đại, và trí tuệ mà Bộ Pháp Tụ của Tạng Diệu Pháp đề nghị. Như vậy sự nhã nhặn và đức đáng được sự yêu mến (tâm từ) của người khác hàm ý có giới (sīla). Tư cách đáng kính là thuộc tính của những người có giới đức, kiến thức và trí tuệ và đó cũng là khả năng có thể rèn luyện người khác và khả năng biết chấp nhận lời khuyên. Khả năng để thuyết giảng về những đề tài sâu sắc được dựa trên kiến thức và trí tuệ. Vì thế, có thể nói, về cơ bản những đức của một người thầy tốt theo Thanh Tịnh Đạo và Bộ Pháp Tụ là như nhau.