Tinh Tấn Nghiêm Túc Là Cần Thiết
Một số hành giả thiếu sự tinh tấn nghiêm túc do đức tin yếu và kết quả là họ không phát triển được định tâm và không thể vạch ra một sự phân biệt giữa danh và sắc. Mặc dù đã hành thiền cả một hoặc hai tháng, họvẫn không có bất cứ một trải nghiệm bất thường nào và vì vậy họ cảm thấy hoài nghi về kinh nghiệm mà các thiền sinh khác trình báo. Thái độ của họ không khác với những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm của thời hiện đại tuy nhiên họ nên xét lại sự thất bại trong thiền của họ một cách nghiêm túc. Nói chung một người không nghiêm túc trong một công việc gì thì không thể có được bất kỳ kinh nghiệm bất thường nào mà công việc ấy hứa hẹn.
Hơn nữa, trường hợp nào cũng cứ đòi phải thấy mới tin thì thật là chưa hiểu gì cả. Kính viễn vọng có thể thấy được những vật mà người ta không thể thấy với mắt thường. Chúng ta phải tin những gì một số người nói về những phần đất của thế giới mà họ đã viếng thăm mặc dù nó mãi mãi vẫn chỉ là những địa danh đối với chúng ta. Những mô tả về việc đặt chân xuống mặt trăng của những nhà du hành phải được chấp nhận mặc dù đi đến đó đối với chúng ta là việc không thể xảy ra.
Về bản chất, kinh nghiệm tâm linh rất vi tế. Người ta không thể có nó nếu thiếu căn bản trí tuệ hay tinh tấn không đầy đủ. Không có được kinh nghiệm tâm linh cũng có thể là do nghiệp (kamma), quả của nghiệp (vipāka), những khuynh hướng bất thiện (vītikkama), phỉ báng bậc thánh hoặc những quan kiến đi ngược lại Thánh đạo. Nhưng phần lớn có thể quy kết cho sự thiếu tinh tấn và không có định. Tuy nhiên số người hành thiền không có được kinh nghiệm như vậy không quá hai phần trăm. Sự thất bại này đang làm hại đức tin nghèo nàn của họ và vì thế nếu họ chưa từng hành thiền có lẽ sẽ tốt hơn.
Những người hành thiền nghiêm túc chắc chắn sẽ có được những kinh nghiệm lạ thường. Những buổi trình pháp trực tiếp của một số hành giả đã cho thấy rõ điều đó và những hành giả như vậy gồm đủ thành phần, các vị sư, nam cư sĩ và nữ cư sĩ, trẻ cũng như già. Một số chỉ mới mười một, mười hai tuổi và chưa bao giờ nghiên cứu kinh điển. Nhưng báo cáo của họ rất rõ ràng, dứt khoát và phù hợp với kinh điển Pāḷi. Điều này nghe có vẻ khó tin đối với những người chưa từng có kinh nghiêm, nhưng nó lại thực sự là một nguồn cảm hứng đối với những người muốn theo những tấm gương của họ. Nếu có được nguồn cảm hứng như vậy người hành thiền hãy cố gắng thực hành chánh niệm, không sớm thì muộn vị ấy sẽ đắc sanh diệt trí (udayabbayañāṇa) dẫn đến đạo quả.