Ghen Tị (Issā)
Ghen tị là cảm giác khó chịu khi thấy người khác hơn mình. Chúng ta không muốn thấy một người nào đó thành công và giàu có hơn chúng ta. Người bình thường không muốn nghe hay thấy bất kỳ người nào hơn mình về sự giàu sang, quan hệ xã hội, ngoại hình, sự thông minh hay kiến thức. Chúng ta cảm thấy ghen tức hơn khi đối tượng ghen tỵ của chúng ta ngẫu nhiên lại là người mà chúng ta không ưa hay người có cùng nghề nghiệp hoặc cùng địa vị xã hội. Vì vậy mà chúng ta thấy cậu trai này sẽ ghen tị với cậu trai khác, cô gái này sẽ ghen tị với cô gái khác, cũng có những sự ghen tị giữa các vịthầy (dạy học), giữa những người tu với nhau, và v.v…
Người giàu thường thường bị người nghèo ghen tị. Người dân quê có ruộng đất thì bị những người kém may mắn hơn ghen tị. Những nhân viên chính phủ không được thăng cấp thì ghen tị với những đồng nhiệp được thăng quan tiến chức. Sự vĩ đại và quyền lực cũng là nhân sanh ghen tỵ đối với những người ít vĩ đại và quyền lực hơn. Người diễn thuyết hay thì bị người diễn thuyết dở ghen tỵ,…Như vậy, sự ghen tị giữa con người có rất nhiều nguyên nhân.
Trong những phân tích cùng tột thì ghen tị chỉ làm cho những ác nghiệp nảy sanh chứ không làm cho chúng ta tốt hơn tí nào. Ghen tị khiến cho người ta phải khổ sở và vì thế nó tự huỷ hoại bản thân. Theo lời dạy của Đức Phật trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Cūlakammavibhaṅga Sutta), ghen tị dẫn đến các cõi thấp và nếu có tái sanh làm người, người ghen tị sẽ có ít người phục vụ và bạn bè.
Ngược với ghen tị là hỷ (muditā), một trong bốn vô lượng tâm (từ, bi, hỷ và xả). Hỷ (muditā) làm cho chúng ta biết quan tâm đến sự thành công và hạnh phúc của người khác. Nó đem đến hạnh phúc vì chính nó làm cho chúng ta hoan hỷ với vận may và sự thành công của người khác. Theo Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, hoan hỷ với sự thành công của người khác sẽ cho một người được tái sanh trong thiên giới và nếu có tái sanh làm người, Hỷ sẽ giúp họ có đông bạn bè và người phục vụ.
Nếu trong việc tu tập tâm từ, người hành thiền phải đọc, “Nguyện cho tất cả chúng sanh được thoát khỏi cái khổ đang nhấn chìm họ!” Thì trong tu tập tâm hỷ (muditā), họ sẽ bày tỏ ước nguyện: “Cầu cho tất cả những ai đã thành công và hạnh phúc sẽ tiếp tục có được vận may ấy!”
Vì thế nhờ tu tập tâm hỷ người ta có thể phát triển được những thiện nghiệp mà không tốn một cắc bạc nào. Thiện nghiệp này có thể đưa họ lên thiên giới và nếu tái sanh lại làm người họ sẽ là những người lãnh đạo có đông đồ chúng. Trái lại ghen tị chỉ tạo ra những ác nghiệp chứ không có được lợi ích gì từ nó. Ghen tị đưa đến địa ngục và một cuộc sống cô độc, nghèo đói trong kiếp sau.
Chúng ta phải đặc biệt lưu ý không để nuôi dưỡng tâm ghen tị khi làm việc thiện. Ghen tị với những người khác đang làm những thiện nghiệp, hay ghen tị với những người có thể thuyết pháp hấp dẫn được số đông, hay những người đã có được những tiến bộ tâm linh trong việc hành thiền, nói chung tốt ít hại nhiều. Vì thế điều cấp bách là phải làm sao tránh tâm ghen tị khi làm các điều thiện.