Palāsa (Ganh Đua)
Palāsa là tự xem mình như ngang hàng (bằng vai phải lứa) với các bậc thánh nhân và nói về họ với thái độ vô lễ. Hay, có thể nói, đó là khuynh hướng so sánh với các bậc đại nhân mà về trí tuệ và lĩnh vực tinh thần được xem như độc nhất và vô song. Một số người ít học nhưng họ lại tự xếp mình ngang hàng với các học giả đa văn và nói về họ một cách thiếu tôn kính. Họ dám chắc rằng một số vị Sayādaw (bậc Tôn Túc Trưởng-lão) vẫn chưa thoát khỏi những lỗi lầm và vô minh, một lý lẽ được chọn để làm tăng cao uy tín của họ. Một số người không có tư cách đạo đức song lại tự xem mình như ngang hàng với các vị Sayādaw thánh thiện.
Một số người kiến thức kém cỏi nhưng chẳng bao giờ quan tâm đến việc gần gũi những bậc đa văn để học hỏi. Một số chẳng bao giờ hành thiền nghiêm túc nhưng họ lại ra vẻ kẻ cả đối với những người có nhiều năm kinh nghiệm về thiền. Mới đây có một số vị sư xuất gia lúc tuổi đã già nhưng dám đi xa đến mức thách thức các vị Sayadaw thánh thiện và học thức, họ khăng khăng cho những lời nói của họ là đúng và lên án những lời dạy của các vị Sayadaw cũng như những gì dạy trong kinh điển cổ là sai. Nghiêm trọng ở chỗ nhiều kẻ si mê lại chấp nhận quan điểm của những vị sư già này, coi đó là đúng đắn. Như vậy các vị sư này đã nuôi dưỡng ác nghiệp là do sự ganh đua lầm lạc của họ.
Từ trước đến đây chúng tôi đã đề cập bảy loại phiền não, đó là., hôn trầm, trạo cử, hoài nghi, phẫn nộ, oán hận, vô ơn, và ganh đua. Trong những phiền não này, hôn trầm và trạo cử bị bứng gốc ở giai đoạn A-la-hán, phẫn nộ và oán hận ở giai đoạn Bất Lai, và ba phiền não còn lại ở giai đoạn Nhập Lưu. Ba phiền não này có thể dẫn đến tái sanh các cõi thấp và vì thế điều cấp bách là ít nhất chúng ta cũng phải thắng phục được hoài nghi, vô ơn, và ganh đua này.