Tà Giải Thoát (Micchāvimutti)

Tà giải thoát là trạng thái tâm mà người ta nhầm tưởng là đã giải thoát thực. Có nhiều loại tà giải thoát vì có nhiều quan niệm sai lầm về sự giải thoát giữa những người Phật tử và không phải Phật tử. Những người không phải Phật tử tin rằng khi họ thành công trong việc khám phá ra cái atman (bản ngã) của họ hay khi họ phân biệt được (sự khác nhau giữa) atman với các uẩn (khandhas) hay cá nhân (mỗi con người) thì kể như họ đã được giải thoát. Trong thời Đức Phật những người theo đạo Jains (Kỳ-na-giáo) vốn là đệ tử của Nigaṇṭhanāṭputta (Ni kiền tử), vị đạo sư nổi danh hồi ấy chủ trương rằng họ có thể thành tựu sự giải thoát thông qua việc thực hành các pháp khổ hạnh giúp làm tiêu mòn những nghiệp cũ và miễn nhiễm với nghiệp mới. Họ sống trong một trạng thái tự nhiên (không mặc quần áo,…) vì họ tin rằng không dính mắc vào quần áo là một dấu hiệu của sự giải thoát hoàn toàn. Những đạo sĩ loã thể này thường được đám môn đồ của họ tôn kính như các bậc thánh A-la-hán.

Ngày nay vẫn còn những đạo sĩ loã thể như thế ở Ấn Độ. Một số tìm sự giải thoát bằng cách thờ lửa, một số hy vọng rằng nếu họ tẩy sạch được những tội lỗi bằng cách tắm trong nước của sông Hằng họ sẽ được giải thoát. Môt số hy vọng đạt đến sự giải thoát trên thiên giới nhờ thờ cúng đấng Thượng Đế Toàn Năng. Một số người giống như Ālāra và Udaka (hai vị thiền sư mà Đức Phật đã thọ giáo khi còn là bồ tát) tin sự giải thoát thông qua Vô Sở Hữu Xứ Thiền hoặc Phi Phi Tưởng Xứ Thiền. Một số người đồng nhất các bậc thiền sắc giới với sự giải thoát. Đối với phạm thiên Baka sự giải thoát là chứng sơ thiền sắc giới.

Trong số những người Phật tử cũng vậy, có quan niệm đánh đồng sự giải thoát với việc chứng một trong những bậc thiền. Ngay phần mở đầu của bài kinh Đức Phật đã đề cập đến điều này. Chúng tôi cũng đã liên hệ lại trường hợp của hai vị Trưởng-lão Mahānāga và Mahātissa, cùng có ảo tưởng như vậy. Có những người hành thiền nói về sự chứng đắc đạo quả của họ khi gặp những kinh nghiệm phi thường như thấy ánh sáng, cảm giác hoan hỷ, đê mê lúc trí về sự sanh-diệt (udayabbaya ñāṇa, sanh diệt trí) xuất hiện. Một số người tin rằng họ đã tạo ra được nhiều tiến bộ tâm linh ngay cả khi họ có những kinh nghiệm phi thường nhưng ít quan trọng như cảm giác mát mẻ, tươi tỉnh, ánh sáng loé lên, bất ngờ rùng mình, đổ sụp xuống, thấy những cảnh sắc lạ thường, nghe những âm thanh kỳ lạ, thấy những vật đáng nhờm gớm, cảm giác tiếp xúc với hư không, cảm giác như mình đang ở trên một mặt nước lớn, thấy ánh sáng, và v.v…

Một số sau khi hành chánh niệm trở nên vô thức trong suốt thời ngồi một hoặc hai tiếng đồng hồ hay có khi suốt hai hoặc ba ngày liên tiếp. Khi thân của hành giả như vậy được nâng bổng lên, oai nghi ngồi của họ vẫn giữ nguyên không đổi nhưng khi được hỏi, họ không thể chỉ ra sự khác biệt giữa sắc và tâm hay tính chất vô thường, khổ, và vô ngã. Vì thế những kinh nghiệm bất thường này hoàn toàn dựa trên định chứ không phải đắc đạo quả gì cả. Tuy nhiên đối với những người không hiểu biết thì có thể xem đó như sự diệt của các hiện tượng tâm-vật lý (danh sắc) hay sự an chỉ trong thánh quả của đạo.

Điều được xem là quan trọng là sự sanh khởi nối tiếp nhau của các loại minh sát trí dẫn đến thánh đạo trí, thánh quả trí và giải thoát. Những người tự xem mình là người đã giải thoát ít nhất cũng phải có niềm tin bất động nơi Đức Phật, Pháp, và Tăng cũng như trong tính toàn vẹn về giới của họ, họ không tin bất kỳ một pháp hành nào rỗng không đạo (quả). Nói chung họ phải thoát khỏi thân kiến, hoài nghi, và giữ ngũ giới nghiêm ngặt. Một người có thể tuyên bố những tiến bộ tâm linh của mình hay tuyên bố đã đắc đạo quả nhập lưu nhưng còn phạm vào ngũ giới thì có thể nói ý thức về sự giải thoát của họ là tà giải thoát hoàn toàn.

Ở đây, vì lợi ích của người đọc chúng tôi sẽ đề cập đến nguyên nhân phát sanh tà giải thoát được trích dẫn trong chú giải Kinh Samāgama của Trung Bộ Kinh.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app