Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
Phẩm Tạp Lục: Tích Con Trai Ông Dārusākaṭika
296. “Suppabuddhaṃ pabujjhanti
Sadā Gotamasāvakā
Yesaṃ divā ca ratto ca
Niccaṃ budhagatāsati”.
297. “Suppabuddhaṃ pabujjhanti
Sadā Gotamasāvakā
Yesaṃ divā ca ratto ca
Niccaṃ dhammagatāsati”.
“Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Phật Đà”.
“Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Chánh Pháp”.
298. “Suppabuddhaṃ pabujjhanti
Sadā Gotamasāvakā
Yesaṃ divā ca ratto ca
Niccaṃ saṅghagatāsati”.
299. “Suppabuddhaṃ pabujjhanti
Sadā Gotamasāvakā
Yesaṃ divā ca ratto ca
Niccaṃ kāyagatāsati”.
“Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Tăng Già”.
“Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm sắc thân”.
300. “Suppabuddhaṃ pabujjhanti
Sadā Gotamasāvakā
Yesaṃ divā ca ratto ca
Ahiṃsāya rato mano”.
301. “Suppabuddhaṃ pabujjhanti
Sadā Gotamasāvakā
Yesaṃ divā ca ratto ca
Bhāvanāya rato mano”.
“Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui niềm bất hại”.
“Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui tu thiền quán”.
Khi Bậc Đạo Sư trú tại Veḷuvana, Ngài đề cập đến con trai ông Dārusākaṭike, thuyết lên kệ ngôn nầy.
Tương truyền rằng: Có hai đứa trẻ cùng nhau trú ngụ chung một kinh thành, một đứa là con nhà chánh kiến, đứa kia thì con nhà tà kiến. Đứa có chánh kiến trước khi chơi môn nào, thường tưởng niệm ân đức Phật: “Namo buddhassa”. Còn đứa kia niệm tưởng tà giáo: “Namo arahantānaṃ”. Và trẻ chánh kiến thường thắng bạn trong những môn chơi. Trẻ tà kiến thấy bạn mình hằng niệm như thế mà thắng nó, nên nó cũng lần lần niệm tưởng theo cách của bạn mình.
Một hôm, hai cha con vào rừng kiếm củi, trên đường trở về kinh thành, dừng chân tạm nghĩ gần mộ địa để ăn tối, và cho bò nghỉ ngơi uống nước. Chẳng may bò của ông lại nhập đàn với bầy bò khác, đi vào thành. Ông rượt theo bắt được nhưng khi ấy đã xế chiều, cửa thành đã đóng không về được. Khi ấy chỉ còn có con trai ông đang ngủ dưới xe.
Thành Rājagaha rất nhiều phi nhơn. Hai phi nhơn thấy đứa bé đang ngủ gần đó, một phi nhơn tà kiến đối nghịch với Đức Phật, còn phi nhơn kia là hạng chánh kiến luôn có lòng tin Tam Bảo.
Phi nhơn tà kiến bảo bạn rằng:
– Ta sẽ ăn thịt đứa bé.
Nhưng phi nhơn chánh kiến cản lại, không đồng ý với sát niệm ấy.
Dù bị ngăn cản, nhưng phi nhơn nầy vẫn hành động, lôi chân đứa bé. Lúc đó, đứa bé giật mình niệm: “Namo budhassa” vì trong đời sống bình nhật quen niệm rồi, phi nhơn ấy khiếp sợ biến mất. Khi phi nhơn chánh kiến nói với phi nhơn tà kiến:
– Chúng ta không nên hành động như vậy. Vậy hãy vào thành vua, đem vật thực về cho đứa bé nầy mong chuộc lỗi.
Hai phi nhơn như cha mẹ đứa bé, lúc thức dậy đứa bé thấy thực phẩm đầy mâm mà phi nhơn mang về. Rồi với nguyện lực của mình, hai phi nhơn nguyện rằng: “Chỉ có Đức vua mới nhìn thấy chúng ta thôi”.
Sáng hôm sau, quân lính báo động: “Bọn cướp đã vào hoàng cung đánh cắp mâm vàng”. Các cổng thành đóng kín, chúng lùng sục khắp nơi, thấy mâm vàng ở trong xe củi, chúng cho rằng: “Đứa bé nầy đánh cắp mâm vàng”. Nên bắt đem về trình với Đức vua. Đức vua nhìn thấy phán hỏi rằng:
– Nầy em bé, chuyện nầy là thế nào?
– Tâu Hoàng thượng! Con không rõ, cha mẹ của con đem cho con hồi hôm và bảo vệ cho con, cho nên yên tâm ngủ, con chỉ biết có bấy nhiêu.
Khi cho đòi cha mẹ của đứa bé đến, rồi thì hai phi nhơn hiện rõ cho Đức vua biết sự kiện nầy. Cả ba người là cha mẹ đứa bé cùng đến Tịnh xá yết kiến Đức Bổn Sư, bạch trình tự sự và hỏi rằng:
– Bạch Thế Tôn! Chỉ có niệm tưởng ân Đức Phật, ân Đức Pháp, ân Đức Tăng… mà được bảo vệ sao?
– Nầy Đại vương! Chẳng phải chỉ có niệm Phật, người nào tâm khéo tu tập sáu đặc điểm, người ấy không bị bùa chú hay tật bệnh.
Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn:
296. Chư đệ tử của Đấng Cồ Đàm, ngày đêm luôn giác tỉnh, hằng suy niệm về Phật.
297. Chư đệ tử của Đấng Cồ Đàm, ngày đêm luôn giác tỉnh, hằng suy niệm về Giáo Pháp.
298. Chư đệ tử của Đấng Cồ Đàm, ngày đêm luôn giác tỉnh, hằng suy niệm về Tăng già.
299. Chư đệ tử của Đấng Cồ Đàm, ngày đêm luôn giác tỉnh, hằng suy niệm về Thân.
300. Chư đệ tử của Đấng Cồ Đàm, ngày đêm luôn giác tỉnh, hằng suy niệm về đức Vô hại.
301. Chư đệ tử của Đấng Cồ Đàm, ngày đêm luôn giác tỉnh, hằng suy niệm, thỏa thích trong Thiền định.
CHÚ GIẢI:
Câu: “Suppabuddhaṃ pabujjhanti”: là ngày đêm giác tỉnh, hằng suy niệm về Phật, lúc ngủ hay lúc thức cũng vậy.
Câu: “Sāda Gotamasāvakā”: là đệ tử của Đấng Cồ Đàm là người tín thọ lời dạy của Đức Thế Tôn.
Hai câu: “Buddhagatāsati”: là tâm luôn luôn niệm các Hồng Ân của Đức Phật như: “Itipi so Bhagavā…” ngày đêm không xao lãng. Một ngày người ấy không niệm đủ cả ba lần, hay hai lần, dù chỉ niệm một lần cũng gọi là thức tỉnh.
Hai câu: “Dhammāgatāsati”: là tâm luôn luôn niệm ân đức Pháp như: “Svākhāto bhagavatā dhammo…”
Hai câu: “Saṅghagatāsati”: là tâm luôn niệm tưởng ân đức Tăng như “Suppati panno bhagavato sāvakasaṅgho…”
Hai câu: “Kāyagatāsati”: là luôn niệm thân, suy niệm 32 thể trược, tử thi, tứ đại, thể xác như màu xanh…
Hai câu: “Ahiṃsāya rato”: là thỏa thích trong Thiền định và Đức Thế Tôn đã truyền dạy: “Vị Tỳ khưu an trú từ tâm rải nhất hướng”.
Hai câu: “Bhāvanāya”: an trú tâm từ. Lời của Đức Thế Tôn chỉ về Bhāvanāya trong phần đầu. Nhưng ở đây Ngài ám chỉ tu tập tâm từ. Những câu sau như trên. Dứt thời Pháp thoại ấy, đứa bé cùng cha mẹ chứng Quả Dự Lưu. Sau đó đều xuất gia chứng quả A La Hán, Pháp thoại kết quả lợi ích cho hội chúng.
Dịch Giả Cẩn Đề
Sáu đề niệm thắng bùa linh,
Tinh tấn hành thâm bảo hộ mình,
Mộ địa rừng đêm, con trẻ sợ,
Âm vang hiệu Phật, Dạ xoa kinh,
Đức vua mất đĩa, truy ra lý,
Cha mẹ tìm con, thấu rõ tình,
Sum họp một nhà, nghe chánh pháp,
Xuất gia hạnh đắt quả vô sinh.
DỨT TÍCH CON TRAI ÔNG DĀRUSĀKAṬIKA