Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Cấu Uế: Tích Du Sĩ Subhadda
254. “Ākāse padaṃ natthi “Hư không không dấu vết
Samaṇo natthi bāhire
Papañcābhiratā pajā
Nippapañcā tathāgatā”.
255. “Ākāse padaṃ natthi
Samaṇo natthi bāhire
Saṅkhārā sassatā natthi
Natthi Buddhānaṃ iñjitaṃ”.
Ngoại đạo không Sa môn
Chúng sanh thích hư vọng
Như Lai vọng diệt trừ”.
“Hư không không dấu vết
Ngoại đạo không Sa môn
Hữu vi không thường trú
Chư Phật không loạn động”.
Pháp Cú nầy Đức Thế Tôn thuyết ra khi Ngài ngự tại rừng Ta la xứ Kusināra, đề cập đến du sĩ Subhadda, khi Ngài ngọa thiền trên giường của xứ Malla, tại
Upavattana.
Tương truyền rằng: Trong thời quá khứ, khi em trai của Subhadda trong một mùa lúa đã làm phước cúng dường chín lần những sản phẩm đầu tiên thì chính Subhadda không thích làm phước, nên cứ trì hoãn mãi, nhưng rốt cuộc cũng làm phước. Do đó, ông không gặp được Đức Phật trong thời giác ngộ đầu tiên và thời giác ngộ khoảng giữa của Ngài. Tuy nhiên vào lúc hậu thời giác, khi Đức Bổn Sư sắp Níp Bàn, Subhadda tự nghĩ:
– Ta vẫn thắc mắc về ba nghi vấn mà ta chưa hỏi Sa môn Gotama, vì ta cho là ông ta còn trẻ quá. Nhưng giờ đây, là thời Sa môn Gotama sắp viên tịch, nếu ta không hỏi ông thì sau nầy ta phải hối tiếc.
Khi ông vào gần Đức Bổn Sư, Đại Đức Ānanda tìm lời ngăn cản ông, nhưng Đức Bổn Sư đã cho phép ông được dịp may gặp Ngài. Ngài bảo:
– Nầy Ānanda đừng cản ngăn Subhadda, hãy để cho thầy ấy vào gặp Như Lai.
Nghe vậy, Subhadda vén màn bước vào trong, ngồi tại chân giường và hỏi Đức Bổn Sư ba câu rằng:
– Thưa Sa Môn Gotama, trên hư không có dấu vết gì chăng? Ngoài Phật giáo có Sa Môn chăng? Pháp hữu vi có thường tồn chăng?
Đức Thế Tôn chỉ rõ những vật ấy là không thật hữu, rồi Ngài dạy hai kệ ngôn rằng:
254. “Ākāse padaṃ natthi
Samaṇo natthi bāhire
Papañcābhiratā pajā
Nippapañcā tathāgatā”.
“Hư không không dấu vết
Ngoại đạo không Sa môn
Chúng sanh thích hư vọng
Như Lai vọng diệt trừ”.
255. “Ākāse padaṃ natthi
Samaṇo natthi bāhire
Saṅkhārā sassatā natthi
Natthi Buddhānaṃ iñjitaṃ”.
“Hư không không dấu vết
Ngoại đạo không Sa môn
Hữu vi không thường trú
Chư Phật không loạn động”.
CHÚ GIẢI:
Padaṃ: Trên hư không nầy không có vết tích của ai cả, ví như ta không thể làm hiển lộ vật gì không có màu sắc, hình dáng ra sao cả.
Bāhino: Ngoài Giáo Pháp của Như Lai, không có hạng Sa Môn chứng đắc Bốn Đạo và Bốn Quả.
Pajā: Chúng sanh trên thế gian nầy vui thích trong những Pháp chướng ngại cho sự giải thoát, nhất là ái dục (Taṇhā).
Nippapañca: Như Lai không còn chướng ngại vì đã cắt đứt tật và mọi chướng ngại trong bờ giác ngộ dưới cội Bồ Đề.
Saṅkhārā: Trong ngũ uẩn, không có một uẩn nào là thường tồn cả.
Iñjitaṃ: Trong các tâm vọng động, cố chấp rằng các pháp hữu vi là thường tồn, như tâm ái dục, ngã mạn, tà kiến… Chư Phật không có một vọng tâm nào cả. Cuối thời Pháp, du sĩ Subhadda đắc quả A Na Hàm, Tứ chúng hiện diện nơi ấy cũng hưởng được lợi ích.
Dịch Giả Cẩn Đề
Chần chờ, chậm gặp Đức Như Lai
Những thắc mắc nầy biết hỏi ai
Phật sắp Níp Bàn, cơ hội chót
Bỏ qua, sau sẽ hận lâu dài
Phật vẫn trông chàng Sú Phách Đa
“Thinh Văn tối hậu của đời ta,
Ānanda cứ để chàng vào hỏi
Dứt hết hoài nghi đắc quả đa”.
“Hư không không giữ dấu chân bay
Chẳng có Sa môn ngoài đạo nầy
Ngũ uẩn thường tồn không thể có
Tam không, Phật đã giải cho thầy!”…
DỨT TÍCH DU SĨ SUBHADDA
DỨT PHẨM CẤU UẾ – MALA VAGGA