Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Cấu Uế: Tích Năm Cận Sự Nam Thính Pháp
“Natthi rāgasamo aggi
Natthi dosasamo gaho
Natthi mohasamaṃ jālaṃ
Natthi taṇhāsamā nadi”.
“Không lửa nào bằng tham!
Không chấp nào bằng sân!
Không lưới nào bằng si!
Không sông nào bằng ái!”.
Pháp Cú nầy được Đức Bổn Sư thuyết lên khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến năm cận sự nam.
Năm cận sự nam nầy muốn đi nghe Pháp, bèn rủ nhau đến chùa, đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi ngồi nép lại một bên nghe Pháp. Tâm bậc Chánh Đẳng Giác không bao giờ khởi lên, nghĩ rằng: “Đây là Sát Đế Lỵ, đây là Bà La Môn, người nầy là Trưởng Giả, kẻ ấy là Thủ Đà La (dòng nô lệ). Đây là người giàu, nọ là kẻ nghèo. Đối với người nầy ta sẽ thuyết pháp cao siêu, đối với người kia ta sẽ thuyết trung bình. Còn đối với người nầy ta sẽ không thuyết”. Dầu bất cứ đối tượng nào, thuyết pháp nào, Ngài vẫn giữ lấy Pháp làm trọng yếu, thuyết Pháp như Thiên Hà đổ từ cao xuống vậy (ākāsagaṅgā).
Trong khi Đức Như Lai đang thuyết giảng Pháp như thế: Năm cận sự nam có năm trạng thái khác nhau: Một ông thì ngủ gật, một ông thì dùng ngón tay xủi dưới đất, ông kia thì ngồi lắc một cái cây, một ông nhìn lên trời, chỉ có một vị ngồi chăm chú lắng nghe Pháp mà thôi.
Đang quạt hầu Đức Thế Tôn, Đại Đức Ānanda nhìn thấy những hành động ấy, bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Ngài, Ngài thuyết pháp cho các người nầy nghe, ví như trời sấm sét trong trận mưa to, thế mà họ lại hành động như thế nầy thế nọ trong khi Ngài đang thuyết giảng Pháp.
– Nầy Ānanda! Ngươi không biết gì về những cận sự nam nầy ư?
– Bạch Ngài! Con không biết.
– Trong những ông ấy, người ngồi ngủ gật đã từng là rắn năm trăm kiếp và mỗi kiếp đều tựa đầu lên mang mà ngủ. Bây giờ ông ta vẫn mê ngủ như thế.
Không có tiếng nói nào của ta lọt vào tai ông ta cả.
– Bạch Ngài! Xin Ngài giải rõ sự tái sanh của ông ta tuần tự diễn tiến hay là có bị gián đoạn?
– Nầy Ānanda! Có khi ông sanh làm người, có khi ông sanh làm chư Thiên, có khi làm Long Vương. Sự tái sanh của ông ta nhiều vô số kể, không thể biết chính xác số lượng. Nhưng trong năm trăm kiếp liên tục, ông đã sanh làm rắn và cứ mê ngủ như thế, cho đến kiếp nầy vẫn còn mê ngủ như thế.
Người dùng tay xủi đất kia, đã sanh làm con trùn năm trăm kiếp liên tục, cứ lo đào đất mãi. Bây giờ do thói quen từ trước, ông ta cứ lo xủi đất như thế, tiếng của Như Lai không vào tai ông ta được.
Ông đang ngồi lắc cây, thì đã từng là khỉ liên tục năm trăm kiếp, vì thói quen tạp nhiễm như thế, ông ta cứ lo lắc cây chớ không lắng nghe Pháp Như Lai.
Còn ông Bà la môn nhìn trời do đã từng là nhà thiên văn trọn năm trăm kiếp liên tục. Giờ đây do thói quen tạp nhiễm nên cứ ngồi nhìn trời như thế. Tiếng nói của ta không lọt vào tai của ông.
Vị Bà la môn ngồi nghe Pháp chăm chú kính cẩn, thì đã từng sanh liên tiếp năm trăm kiếp là vị Bà la môn trì tụng Tam Phệ Đà, chuyên việc tham thiền niệm chú, bây giờ cũng ngồi kính cẩn nghe Pháp, giống như đang niệm chú vậy.
– Bạch Ngài! Pháp của Ngài thuyết banh da xẻ thịt, thấu tận xương tủy. Tại sao trong khi Ngài thuyết pháp, mấy ông nầy lại không chăm chú nghe?
– Nầy Ānanda! Ngươi ngỡ rằng Pháp Như Lai thuyết là dễ nghe lắm sao? Dễ lãnh hội lắm sao?
– Bạch Ngài! Ngài cho rằng Pháp ấy khó lãnh hội lắm sao?
– Thật như vậy, nầy Ānanda.
– Tại sao vậy? Bạch Ngài.
– Nầy Ānanda! Những chúng sanh nầy đã trải qua vô số trăm ngàn kiếp trái đất, chưa từng nghe tiếng Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, cho nên bây giờ không thể nghe được Pháp của ta thuyết đây.
Trong vòng luân hồi vô thủy, những chúng sanh nầy chỉ thường nghe ngôn ngữ của cầm thú dưới mọi hình thức, bởi vậy họ quen la cà tại những nơi mà người ta ăn uống vui chơi, ca hát, nhảy múa. Họ không thể nào nghe Pháp được.
– Bạch Ngài! Tại cớ nào mà họ không thể nghe Pháp được.
– Nầy Ānanda! Không thể nghe Pháp được tại vì tham (Rāga), tại vì sân (Dosa), tại vì si (Moha). Không có lửa nào bằng lửa tham, một thứ lửa không thấy tro than mà hằng thiêu đốt chúng sanh. Lửa nương từ bảy mặt trời sanh lên trong Hoại kiếp của trái đất để thiêu đốt cháy tan thế gian nầy, thứ lửa ấy có lúc thiêu đốt, có lúc không có để thiêu đốt. Còn lửa tham thì không lúc nào là không thiêu đốt cả. Bởi thế mới gọi rằng: “Không có lửa nào bằng lửa tham, không chấp nào bằng sân, không lưới nào bằng si, không sông nào bằng sông ái”.
Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:
“Natthi rāgasamo aggi
Natthi dosasamo gaho
Natthi mohasamaṃ jālaṃ
Natthi taṇhāsamā nadi”.
“Không lửa nào bằng tham!
Không chấp nào bằng sân!
Không lưới nào bằng si!
Không sông nào bằng ái!”.
CHÚ GIẢI:
Rāgasamo aggi: Mặc dầu bên ngoài không thấy có khói, nhưng sức thiêu đốt của tham phát khởi bên trong không có lửa nào sánh bằng.
Dosasamo: Mặc dầu Dạ xoa, con trăn, con sấu… có thể cầm giữ quấn chặt, gấp cái xác thân nầy, nhưng so với sự sân thì sự nắm chắc hay cố chấp, không có lưới nào bằng lưới si.
Taṇhā samā: Các sông rạch, khi nước lớn, khi nước ròng và khi cạn hết cũng đều có thể thấy rõ được. Còn khát ái (taṇhā) không có khi đầy tràn hoặc khô cạn. Luôn luôn lúc nào cũng thấy nó thiếu thốn. Về sự khó làm cho đầy của khát ái, không có sông nào sánh bằng. Cuối thời Pháp, ông cận sự nam chăm chú nghe Pháp chứng đắc quả Tu Đà Hườn. Hội chúng cũng được hưởng nhiều sự lợi ích.
Dịch Giả Cẩn Đề
– Ông ngồi nhắm mắt ngáy o o…
Mặc Pháp cao siêu cứ ngủ khò
Thưở trước đã từng quen tánh rắn
Năm trăm kiếp ngủ ít buồn lo.
– Ông ngồi sủi đất chẳng nghe kinh
Tánh cũ thường quen lủi xuống sình
Sợ đói đêm ngày, trùn kiếm đất
Ngờ đâu đất vẫn ở quanh mình
– Ông lắc cây kia giữ tánh xưa
Năm trăm kiếp khỉ nết không chừa
Ngồi nghe thuyết Pháp tai dường điếc
Tâm động, người ông cứ đẩy đưa.
– Ông nầy ngồi cứ ngó trên không
Quen tánh xem trời, đoán kiết hung
Tai chẳng buồn nghe Kinh Phật thuyết
Tâm còn bận nghĩ chuyện mông lung.
– Còn ông kính cẩn ráng nghe kinh
Do biết tham thiền, đắc quả linh
Được Phật nhắc vài câu Pháp Cú
Năm trăm kiếp đạo đủ công trình.
DỨT TÍCH NĂM ÔNG THIỆN NAM NGHE PHÁP