Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Phẫn Nộ: Tích Thích Nữ Rohinī

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Phẫn Nộ: Tích Thích Nữ Rohinī

“Kodhaṃ jahe vippajaheyya
Mānaṃ, saṃyojanaṃ
Sabbamatikkameyya;
Taṃ nāmarūpasmimasajjamānaṃ,
Akiñcanaṃ nānupatanti dukkhā”.

“Bỏ phẫn nộ, ly mạn,
Vượt qua mọi kiết sử,
Không chấp trước danh sắc.
Khổ không theo vô sản”.

Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại chùa Nigrodha, đề cập đến Thích Nữ Rohinī.

Tương truyền rằng: Một lần nọ, Đại đức Anuruddha cùng với 500 Tỳ khưu tùy tùng về thành Kapilavatthu. Khi hay tin Đại Đức về, những thân quyến của Đại Đức đều đến thăm Đại Đức, trừ ra người em gái của Ngài là Công chúa Rohinī. Đại Đức hỏi các quyến thuộc rằng:

“Nàng Rohinī ở đâu rồi?”.

– Bạch Ngài, ở nhà.

– Tại sao nàng ấy không đến?

– Bạch Ngài, nàng ấy nói: “Khắp mình tôi bị bịnh lác”, vì mắc cỡ nên nàng ấy không đến.

– Hãy cho gọi nàng ấy đến đây!

Khi nàng Rohinī vận kín y phục, che khắp mình rồi, đi đến Đại Đức hỏi rằng:

“Nầy Rohinī! Vì sao nàng không đến?”.

– Bạch Ngài, khắp mình tôi nổi lác, bởi vậy tôi mắc cỡ không đến nơi nầy.

– Thế thì nàng cần phải làm phước thiện đi.

– Bạch Ngài! Tôi phải làm gì đây?

– Nàng hãy cất lên một Tăng đường đi.

– Tôi lấy chi để cất lên Tăng đường bây giờ?

– Nàng há chẳng có đồ trang sức ư?

– Bạch Ngài có, nhưng không đủ.

– Giá có được là bao nhiêu?

– Bạch Ngài, lối chừng 10 ngàn đồng vàng.

– Nếu vậy, nàng hãy xuất hết tiền ấy ra cất Tăng đường đi.

– Bạch Ngài! Tôi sẽ nhờ ai kiến tạo Tăng đường bây giờ?

Đại Đức nhìn những thân bằng đứng cạnh đó bảo rằng:

– Các thân quyến hãy đảm trách việc nầy với nàng Rohinī đi.

– Còn Ngài, Ngài sẽ làm việc chi?

– Ta cũng lưu ngụ tại nơi đây. Vậy các thân quyến hãy mang vật liệu đến cho nàng Rohinī.

– Lành thay! Lành thay.

Rồi họ chở vật liệu xây dựng đến, Đại đức trông coi việc cất Tăng đường, đề nghị cùng nàng Rohinī rằng:

– Nàng hãy cho cất Tăng đường hai tầng. Từ lúc cho đóng ván để xây dựng tầng trên, lập tức nàng hãy quét dọn sạch tầng dưới, cho lót chỗ ngồi và chăm lo đổ đầy nước vào nơi chứa thường xuyên.

– Lành thay, bạch Ngài.

Nàng Rohinī bỏ ra toàn bộ nữ trang của mình, mướn cất một Tăng đường hai tầng, khi tầng trên bắt đầu xây dựng, nơi tầng dưới nàng thường xuyên quét dọn sạch sẽ, các Tỳ khưu thường xuyên trú ngụ tại nơi ấy.

Trong khi nàng Rohinī quét dọn Tăng đường thì bịnh lác của nàng giảm bớt. Đến khi cất xong Tăng đường, nàng cung thỉnh Đức Phật và chư Tăng ngự đến Tăng đường, rồi cúng dường vật thực thượng vị cứng, mềm đến chư Tăng có Đức Phật là tọa chủ.

Khi độ xong bữa, Đức Phật hỏi:

– Cuộc trai thí nầy của ai vậy?

– Bạch Ngài, của nàng Rohinī.

– Cô ấy đâu rồi?

– Bạch Ngài, ở trong nhà.

– Hãy cho gọi nàng ấy đến đây.

– Bạch Thế Tôn, nàng Rohinī không chịu đến.

– Hãy gọi nàng ấy đến, nhân danh Như Lai vậy.

Dù không muốn đến, nhưng vì lịnh của Đức Phật gọi, nên nàng Rohinī phải đến, đảnh lễ Ngài xong rồi, ngồi xuống một bên, Ngài phán hỏi rằng:

– Nầy Rohinī! Vì sao nàng lại không đến đây?

– Bạch Ngài, vì con bị bịnh lác, con mắc cỡ nên không dám đến.

– Nàng có biết vì sao bịnh ấy lại phát sanh lên cho nàng chăng?

– Bạch Ngài! Con không biết.

– Bệnh ấy phát sanh do nương vào sự phẫn nộ của nàng.

– Bạch Ngài, con đã làm cái chi?

– Nếu thế, nàng hãy lắng nghe.

Thế rồi, Đức Bổn Sư thuyết lại Bổn Sanh rằng: Thưở xưa, có bà Hoàng Hậu của Quốc Vương Bārāṇasī, bà kết oan trái với một cô vũ nữ của Đức Vua. Bà nghĩ rằng: “Ta sẽ làm cho nó phải khổ”. Bà sai người đi hái một loại trái cây có chứa chất ngứa (kacchu) đem về, nghiền nát ra thành bột, Hoàng hậu cho đòi nàng vũ nữ ấy đến cung mình, đồng thời cho người lén rắc bột ngứa lên giường, ghế, áo choàng, mùng, mền… của cô ấy, bà lại giả vờ giỡn chơi, rắc bột ngứa vào mình nàng vũ nữ ấy. Ngay khi ấy, nàng vũ nữ nổi lên nhiều mụn ngứa, cô vừa gãi vừa làm việc hay vũ múa, khi lên giường nằm, cũng bị chất bột ngứa tẩm vào người, mặc áo cũng vướng phải bột ngứa… Nàng chịu đau khổ vô cùng. Hoàng Hậu ấy nay chính là nàng Rohinī.

Sau khi nhắc lại tiền tích, Đức Bổn Sư dạy rằng:

– Nầy Rohinī, đó là bất thiện nghiệp mà cô đã tạo trong lúc trước.

Quả thật vậy, phẫn nộ hay ganh tỵ, dù cho chút ít, cũng không hề thích đáng cả.

Nói rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Kodhaṃ jahe vippajaheyya
Mānaṃ, saṃyojanaṃ
Sabbamatikkameyya;
Taṃ nāmarūpasmimasajjamānaṃ,
Akiñcanaṃ nānupatanti dukkhā”.

“Bỏ phẫn nộ, ly mạn,
Vượt qua mọi kiết sử,
Không chấp trước danh sắc.
Khổ không theo vô sản”.

CHÚ GIẢI:
Kodhaṃ: Tất cả các mức độ của sự phẫn nộ và chín lớp ngã mạn đều bỏ cả (Kho tàng Pháp bảo trang 130)

Aṃyojanaṃ: Cả mười kiết sử, nhất là dây ràng buộc về tình dục (Kāmarāga) đều được giải thoát hết.

Asajjamānaṃ: Alaggamānam: là không bị dính mắc. Người nào cố chấp sắc của ta, thọ của ta… tức là cố chấp danh sắc và thở than, khóc lóc khi danh sắc tan rã, người ấy gọi là dính mắc trong danh sắc. Người không cố chấp như thế, gọi là không dính mắc. Người ấy không bị dính mắc do không có tình dục, không gặp nỗi khổ bất ngờ xảy đến cho mình. Cuối thời Pháp nhiều người chứng đắc Thánh Quả, nhất là Quả Dự Lưu, nàng Rohinī cũng chứng đạt quả Tu Đà Hườn. Ngay khi ấy toàn thân nàng tỏa rực màu vàng y. Sau khi từ trần, nàng được sanh về cõi Trời Đao Lợi, chỗ giáp ranh của bốn vị Thiên Tử, nhan sắc nàng mỹ miều, khả ái. Bốn vị Thiên Tử thấy nàng đều phát sanh lòng luyến ái, vị nào cũng nói: “Nàng nầy sanh trong ranh giới của tôi”. Để giải quyết vụ tranh chấp nầy, họ đưa nhau đến trước Thiên Vương Đế Thích, yêu cầu phán xử:

– Tâu Thiên Vương! Xin Ngài xét đoán giữa chúng tôi, xem ai đáng được nàng Thiên nữ nầy.

Đức Đế Thích trông thấy Thiên nữ Rohinī cũng sanh lòng yêu mến, nên phán rằng: “Từ khi trông thấy Thiên nữ nầy, tâm của quý vị sanh khởi ra sao?”.

Một vị Thiên Tử đáp: “Từ bây giờ, tâm của tôi rộn ràng như trống trận, không thể nào im lặng được”.

Vị thứ hai đáp: “Tâm của tôi cuồn cuộn chảy nhanh như thác đổ”.

Vị thứ ba nói: “Từ lúc thấy nàng nầy, cặp mắt tôi lồi ra như cua”.

Vị thứ tư đáp: “Tâm của tôi thì giống như phướn treo trên Thánh tháp, không thể nào đứng yên được”.

Đức Đế Thích bèn nói với bốn vị Thiên Tử: “Quý vị ơi! Tâm của quý vị thật là nồng nhiệt. Tuy nhiên đối với Trẫm, nếu được Thiên nữ nầy Trẫm mới sống, còn không được thì trẫm sẽ băng hà”.

Chư thiên đồng thanh: “Tâu Đại Vương, Ngài không cần phải chết”. Nói rồi, họ nhường Thiên Nữ lại cho Đức Đế Thích và ra đi.

Thiên nữ là người yêu mến của Đức Đế Thích. Mỗi khi nàng đề nghị:

– Chúng ta hãy đi dự cuộc vui đó.

Đức Đế Thích không thể nào từ chối, bác bỏ lời nói của nàng.

Dịch Giả Cẩn Đề
Vì nhân hại vũ nữ sần mình
Thích nữ không ngờ quả lác sinh
Xấu mặt, ngẩn mừng Tăng Đại Đức
Hổ mày gặp Phật cao minh
Quét chùa tẩy sạch lòng sân hận
Dọn cốc trừ tan ý ghét ganh
Sắc đẹp khi lên trời Đao Lợi
Làm Vua Đế Thích cũng si tình…
DỨT TÍCH THÍCH NỮ ROHINĪ

57 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app