Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Thế Gian: Tích Nàng Ciñcamāṇavikā

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Thế Gian: Tích Nàng Ciñcamāṇavikā

Ekaṃ dhammaṃ atītassa,
Musāvādissa jantuno;
Vitiṇṇaparalokassa,
Natthi pāpaṃ akāriyaṃ.

“Ai vi phạm một pháp,
Ai nói lời vọng ngữ,
Ai bác bỏ đời sau,
Không ác nào không làm”.

Kệ pháp cú này được Đức Bổn Sư thuyết lên, khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến nàng Ciñcamāṇavikā. Tương truyền rằng: Trong thời đầu tiên hoằng hoá Chánh Pháp, Đấng Thập Lực có rất đông đại chúng, số lượng đệ tử ngày càng tăng thịnh, hội chúng Sa môn Thích Tử càng phát triển. Đa số Chư Thiên cùng nhân loại đi vào Thánh Vức. Khi Đạo Quang của Đức Thế Tôn càng lan rộng thì Tăng chúng càng phát sanh nhiều thắng lợi, danh thơm, tài vật càng tăng thịnh…

Bấy giờ, các ngoại đạo giống như con đóm đóm giữa ánh sáng nhật nguyệt rạng ngời. Bọn ngoại đạo sư cuồng nộ, đứng bên ven lộ tuyên bố với chúng thị dân rằng:

– Này các người! Chẳng phải chỉ có Sa môn Gotama là vị Phật thôi. Chúng tôi cũng là vị Phật vậy. Cúng dường đến Sa môn có quả báu như thế nào, thì cúng dường đến chúng tôi cũng có nhiều quả phước như thế. Các người nên làm những gì đáng làm đến chúng tôi đi.

 Tuy ngoại đạo tuyên thuyết lên như thế, những lợi lộc vẫn không phát sanh đến cho họ được. Họ liền hội họp cùng nhau rằng:

– Chúng ta hãy nêu tội trạng của Sa môn Gotama giữa đại chúng khiến cho lợi lộc của y sẽ bị tổn giảm. Nhưng chúng ta phải làm như thế nào đây nhỉ?
Trong khi ấy, trong thành Sāvatthī có nàng cư sĩ ngoại đạo là Ciñcamāṇavikā, nàng ta có một nhan sắc lộng lẫy như thiên tiên, thân nàng có đầy đủ những nét diễm kiều.

Bấy giờ một gã ngoại giáo suy nghĩ được một cách vu hoạ đến Đức Thế Tôn rằng:

– Chúng ta hãy nhờ nàng Ciñcamāṇavikā nêu tội của Sa môn Gotama làm cho y cùng hội chúng của y bị tổn giảm lợi lộc.

Chúng ngoại đạo hoan hỷ tán thành kế ấy rằng: “Thật là diệu kế”.

Thế là, khi nàng Ciñcamāṇavikā đi đến tu viện của ngoại Đạo Sư, nàng đảnh lễ xong rồi, đứng yên tại một chỗ. Bọn ngoại đạo không ngó ngàng cũng không nói đến nàng chi cả. Nàng Ciñcamāṇavikā suy nghĩ rằng:

– Hẳn là ta đã phạm tội gì với quý Ngài đây, nhưng ta không biết được lỗi ấy là lỗi chi?

Nàng liền bạch hỏi rằng:

– Thưa các Ngài! Có phải là tôi đã phạm một lỗi lầm trầm trọng đến quý Ngài chăng?

Bọn ngoại đạo vẫn im lặng, nàng bạch hỏi đến ba lượt:

– Bạch các Ngài! Tôi xin đảnh lễ các Ngài, chẳng hay tôi đã phạm vào lỗi gì đối với các Ngài vậy? Tại sao các Ngài lại im lặng đối với tôi như thế?

– Này cô! Cô không biết rằng Sa môn Gotama đã làm chúng tôi tổn giảm lợi đắc hay sao?

– Bạch các Ngài! Tôi nào biết việc ấy đâu. Vậy thì trong chuyện này tôi phải làm sao?

– Này cô! Nếu cô muốn đem lại sự an lạc cho chúng tôi, cô hãy nêu tội Sa môn Gotama ra, như thế sẽ khiến lợi đắc của y tổn giảm.

– Được thôi, điều ấy là việc làm của tôi, xin các Ngài đừng có suy nghĩ chi cả.

Nàng Ciñcamāṇavikā đi vào Tịnh Xá Jetavana ngày hôm sau, nàng mặc chiếc áo có màu vàng như con rùa vào Tịnh Xá, tay cầm hương hoa, vật thơm… Khi vào Tịnh Xá nghe Pháp được thời gian ngắn, bấy giờ nàng đợi cho thính chúng nghe Pháp ra về hết, nàng mới ra về sau; rồi thì nàng chờ cho Đại chúng nghe pháp ra về khi ấy nàng mới đi đến Tịnh Xá, khi gặp người hỏi, thì nàng xảo quyệt trả lời câu hỏi của người ấy: “Nàng đi đâu đến Tinh Xá vào giờ này?”.

Nàng: “Tôi đi đâu thì mặc kệ tôi, các người hỏi mà làm gì?”. Thừa lúc vắng người, nàng lẻn trốn về trú nơi Tịnh Xá của ngoại đạo ở gần đó. Khi gần sáng, đợi có bóng người lảng vảng, là cận sự nữ hay cận sự nam đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, nàng lại giả vờ như người vừa từ trong Tịnh Xá Jetavana trở về, các cận sự hỏi rằng: “Này cô! Cô ở đâu mà về thế?”.

Nàng trả lời: “Các người hỏi nơi trú ngụ của tôi để mà làm gì?”.

Trải qua một, hai tháng sau, khi bị hỏi, nàng tỏ vẻ thật thà nói rằng: “Tôi ngụ chung Hương Thất với Sa môn Gotama trong Tịnh Xá Jetavana”.

Những kẻ phàm nhân nghe vậy, phát sanh nghi hoặc rằng:

– Điều này nàng nói có thật như thế chăng nhỉ?

Đến khoảng ba, bốn tháng sau, nàng lấy vải độn vào bụng, giả như người có mang, làm cho hạng phàm nhân thiếu trí nghĩ rằng: “Đây là thai bào do Sa môn Gotama tạo ra”. Vào khoảng 8-9 tháng sau, nàng dùng gỗ tròn, đẽo gọt tròn lẳn rồi độn vào bụng phủ áo bên ngoài, nàng còn gian xảo dùng cây đập vào tay chân, mình mẩy cho sưng lên, giống như người sắp đến thời kỳ sanh nở.

Một hôm, vào buổi chiều khi Đức Thế Tôn đang giảng Pháp thoại giữa đại chúng nơi Giảng Pháp đường, nàng Ciñcamāṇavikā đi vào giữa Giảng đường, đứng giữa hội chúng, trước mặt Đức Như Lai, nói rằng: “Này ông Đại Sa Môn! Ông chỉ giỏi nói Pháp cho thính chúng nghe mà thôi, tiếng của ông thanh cao, giọng nói của ông ngọt ngào, lời nói của ông thật là êm ái. Riêng tôi cũng vì thế mà nay đã đến ngày sanh rồi. Sao ông không biết đến việc sanh nở của tôi, ông không biết điều dưỡng thai nhi bằng những loại thuốc bổ dưỡng như bơ lỏng, sữa, đậu mè… Ông không tự làm, cũng không hề sai bảo cận sự nam hay cận sự nữ của mình như bà Vīsakhā hoặc ông Anāthapiṇḍika, hoặc giả một cận sự nào khác rằng: “Hãy lo cho nàng Ciñcamāṇavikā này”. Ông chỉ là người biết hưởng thụ khoái lạc, không hề biết đến phận sự chu toàn cho thai nhi của chính mình”.

Nàng Ciñcamāṇavikā giống như người cầm phân toan bôi bẩn mặt trăng sáng, nàng tạo thành ác trọng nghiệp quá nặng, là phỉ báng Đức Thế Tôn, vu hoạ cho Ngài giữa đại hội chúng như thế.

Khi ấy, Đức Thế Tôn rống lên tiếng rống Sư Tử Vương rằng:

– Này Ciñcamāṇavikā! Sự việc mà nàng vừa nói đó, chỉ có nàng và Như Lai biết rõ mà thôi.

– Đúng như thế, này ông Đại Sa Môn! Điều đó phát sanh lên chỉ có ông và tôi biết mà thôi.

Đức Thế Tôn im lặng, khi ấy nơi Bảo Toạ của Đức Thiên Vương bỗng nóng ran, Ngài ngạc nhiên suy nghĩ: “Ai muốn chiếm ngôi vị của ta như thế”.

Thiên chủ dùng Thiên Nhãn quán xét thế gian biết rằng nàng Ciñcamāṇavikā đã phỉ báng và vu cáo Ngài giữa đại chúng, làm phát sanh nghi ngờ cho đại chúng. Thiên Chúa suy nghĩ: “Ta sẽ thanh minh việc này giữa Hội chúng, làm thanh tịnh Giới hạnh Sa môn của Ngài”, Đế Thích sai bốn vị Thiên Tử đến phán:

– Các ngươi hãy đến Tịnh Xá Jetavana làm rõ ràng minh bạch việc nàng Ciñcamāṇavikā vu cáo Đức Thế Tôn.

Bốn vị Thiên Tử vâng lịnh Đế Thích, đi đến Jetavana, hoá thành bốn con chuột, cắn đứt vải buộc khúc gỗ tròn, rồi nổi gió lên thổi tung vạt áo, khiến khúc gỗ tròn đột nhiên rơi xuống bàn chân của nàng Ciñcamāṇavikā, khiến hai chân nàng đau đớn kinh khủng.

Sự việc ấy, đã làm sáng tỏ giới hạnh thanh nghiêm của Đức Thế Tôn, và tố cáo sự cáo gian của nàng Ciñcamāṇavikā, đại chúng phẫn nộ rằng: “Này ác nữ! (Tại sao) ngươi lại phỉ báng Đức Thế Tôn với những lời phi chân thật như thế?”. Đại chúng tẩn xuất nàng ra khỏi Tịnh Xá Jetavana, cùng làm những hình phạt ô nhục dành cho nàng. Nàng Ciñcamāṇavikā vừa ra khỏi Tịnh Xá Jetavana, khuất mắt Đức Thế Tôn, quả địa cầu bỗng nứt ra rút nàng vào tận Đại địa ngục A Tỳ, ngọn lửa trong ngục A Tỳ phun ra thiêu đốt nàng vàng hực như tấm vải vàng mà nàng hằng mặc. Sau việc này, lợi đắc của ngoại giáo càng tổn giảm nặng nề, trái lại lợi đắc của Tăng chúng càng thêm tăng thịnh.

Sáng hôm sau chư Tỳ khưu cùng nhau bàn luận trong Giảng đường rằng:

– Này chư Hiền giả! Nàng Ciñcamāṇavikā đã phỉ báng Đức Thế Tôn Chánh

Đẳng Giác, là bậc đáng cúng dường cao thượng hơn mọi nhân thiên, là bậc có ân đức vô lượng như thế. Với lời vu khống phi chân như thế đã mang đến tổn thất nặng nề cho nàng.

Từ nơi Hương Thất, với thiên nhĩ thuần tịnh Siêu Nhân, Bậc Đạo Sư nghe được sự luận bàn ấy, Ngài ngự đến Giảng đường, ngồi vào nơi được soạn sẵn, phán hỏi rằng:

– Này các Tỳ khưu! Bấy giờ các ngươi ngồi lại đây, bàn luận về việc chi thế?

– Bạch Thế Tôn, về chuyện như vậy…

Đức Thế Tôn, Ngài phán dạy rằng:

– Này các Tỳ khưu! Chẳng phải chỉ trong kiếp này nàng Ciñcamāṇavikā vu khống Như Lai rồi phỉ báng. Mà trong quá khứ, nàng cũng đã từng làm như thế rồi, và cũng bị tổn hại như thế.

Theo thỉnh cầu của chư Tỳ khưu, Đức Thế Tôn thuyết lại Bổn Sanh Mahāpaduma trong Dvādosakanipāta với đầy đủ chi tiết rằng: “Người không thấy
được lỗi nhỏ, lớn của người khác một cách toàn diện. Tự mình chưa kịp quán xét (thì) không nên hành phạt”.
Ngài phán rằng: Trong thời đó, nàng Ciñcamāṇavikā chính là kế mẫu của Bồ Tát Mahāpaduma, là Hoàng Hậu của Đức vua, cha của Bồ Tát, đã toan nài ép Bồ Tát hành phi phạm hạnh với nàng, nhưng Bồ Tát cự tuyệt, nàng giả vờ bịnh nặng, tâu với Đức vua rằng:

– Con của Bệ Hạ đã làm cho thần thiếp không còn muốn sống nữa, nên phải bị bịnh.

Đức vua nổi giận, cho bắt Bồ Tát ném xuống núi, là hố chôn xác bọn cướp cho chết đi.

Một Thiên nhân ngụ gần sườn núi ấy, đã đỡ lấy Bồ Tát mang Ngài xuống Long Cung. Long Vương nhường cho Bồ Tát nửa Thuỷ Quốc, Bồ Tát sống ở Long Cung được một năm, Ngài lại trở về Nhân giới, xuất gia làm đạo sĩ trong rừng Tuyết Lãnh, chứng đắc thiền định và thần thông.

Bấy giờ, có người thợ săn, y lạc đường khi đi sâu vào rừng Tuyết Lãnh, thấy Bồ Tát liền trở về báo lại Đức vua. Đức vua rất vui mừng ngự thân đến nơi cư ngụ của Bồ Tát, được Bồ Tát tiếp đón rất cung kính. Ngài thuật lại mọi việc câu chuyện, cùng với sự dâm loạn của Hoàng hậu. Nghe rõ câu chuyện, Đức vua hối hận, mời Bồ Tát trở về thay Vua trị quốc, nắm giữ Vương quyền. Nhưng Bồ Tát khước từ, trước khi từ giã Phụ vương, Ngài ban lời giáo huấn Vương Phụ:

– Tâu Phụ vương! Con chẳng còn có phận sự gì đối với Vương Quốc cả. Xin Phụ vương hãy trị dân theo đúng Thập pháp Vương, hãy từ bỏ sự thiên vị. Xin Phụ vương hãy là người cai trị Vương Quốc tốt đẹp đi, hãy xứng đáng là vị Minh quân vậy.

Đức vua đành gạt lệ từ giã đứa con thân yêu hiền trí trở về kinh thành, trên đường về Đức vu hỏi các Đại Thần rằng:

– Do ai mà Trẫm mất đứa con hiều trí, hiếu hạnh như vậy?

– Tâu Bệ hạ! Đó là do Hoàng hậu làm ra.

Đức vua nghe tâu như thế, truyền lịnh bắt Hoàng Hậu, tự thân Ngài nắm lấy hai chân Hoàng hậu đỡ lên cao, ném xuống hố bọn cướp, rồi Ngài trở về kinh thành cai trị Vương Quốc theo đúng Thập Vương Pháp của vị Minh quân.

Bồ Tát Mahāpaduma chính là tiền thân của Đức Thế Tôn, kế mẫu của Ngài nay là nàng Ciñcamāṇavikā.

Sau khi thuyết giảng ý nghĩa này xong, Đức Thế Tôn phán dạy rằng:

– Này các Tỳ khưu! Gọi là ác nghiệp mà người đã từ bỏ pháp chân thật ấy, sống bằng pháp hư nguỵ phi ngôn, là người làm mất đi gốc hướng thượng cho đời sau, vì rằng: Như vậy thì không có tội lỗi nào mà người ấy không dám làm cả. Rồi Ngài phán lên kệ ngôn rằng:

Ekaṃ dhammaṃ atītassa,
Musāvādissa jantuno;
Vitiṇṇaparalokassa,
Natthi pāpaṃ akāriyaṃ.

“Ai vi phạm một pháp,
Ai nói lời vọng ngữ,
Ai bác bỏ đời sau,
Không ác nào không làm”.

176. Không có điều ác nào mà người vọng ngữ vi phạm định luật (chân thật), và dửng dưng trước thế giới bên kia, không làm được.

CHÚ GIẢI:
Ekaṃ dhammaṃ: Nghĩa là pháp độc nhất, chính là pháp chân thật.

Musāvādissa: Nghĩa là trong 10 lời nói chân thật, thì một lời cũng không có đến cho người nào, người ấy được gọi là người thường vọng ngôn.

Vitiṇṇaparalokassa: Nghĩa là người đã mất gốc, đứt mãi sự tăng trưởng tốt đẹp cho đời sau. Người như thế sẽ không nhận được một trong ba loại tài sản là nhân sản, thánh sản và thiên sản.

Natthi pāpaṃ: Nghĩa là sự nghi ngờ là tội lỗi như vậy mà người đó, tức là người như vậy không làm thì không có. Dứt Pháp thoại, nhiều người an trú vào Dự Lưu Quả…

Dịch Giả Cẩn Đề
Ngoại đạo Chinh Cha đẹp tợ tiên,
Hằng ngày độn bụng đến Kỳ Viên.
Để phao vu Phật trò ân ái;
Dân chúng ngu khờ cũng đảo điên!
Thiên Vương Đế Thích nóng ngai vàng,
Không thể ngồi yên, xuống đạo tràng,
Hoá chuột, cắn dây đai buộc bụng
Làm rơi khúc gỗ, dập chân nàng.
Thiện tín đứng lên đánh Chinh Cha,
Người cầm gạch đá, đuổi nàng ra,
Khỏi chùa, đất sụp và chôn sống
Kẻ cố tâm bôi nhọ Thích Ca.
Phật dạy: Ai vi phạm lý chân,
Nói lời giả dối, gạt thường nhân,
Không tin quả báo, luân hồi nghiệp,
Thì có ác nào chẳng dấn thân?
DỨT TÍCH NÀNG CIÑCAMĀṆAVIKĀ

28

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app