Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II
Phẩm Ác: Tích Phú Thương Tránh Hiểm Lộ
“Vāṇijova bhayaṃ maggaṃ,
Appasattho mahaddhano;
Visaṃ jīvitukāmova,
Pāpāni parivajjaye”.
“Ít bạn đường, nhiều tiền,
Người buôn tránh đường hiểm,
Muốn sống, tránh thuốc độc,
Hãy tránh ác như vậy”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Kỳ Viên Tự (Jetavana Vihāra), đề cập đến ông lái buôn đại phú. Tương truyền rằng: Có năm trăm tên cướp muốn đột nhập vào nhà ông lái buôn nầy, nhưng tìm chưa được cơ hội thuận tiện. Một thời gian sau, ông lái buôn cho chở hàng hóa đầy năm trăm cỗ xe bò, rồi bạch với các Tỳ Khưu rằng:
– Tôi sắp đi buôn hàng hóa ở một địa phương nọ. Nếu chư Trưởng lão nào muốn đi đến đó, xin các Ngài hãy cùng đi với tôi, dọc đường các Ngài khỏi lo khất thực vất vả.
Nghe vậy, năm trăm vị Tỳ Khưu tháp tùng với ông lái buôn lên đường. Bọn cướp hay tin ông lái buôn đã khởi hành, bèn đứng đón ở ven rừng. Ông lái buôn ra đi, đến đầu truông rậm thì dừng xe lại, tạm trú trong làng ở cận rừng độ vài ba ngày, để cho người và xe bò được nghỉ ngơi sửa chữa. Trong lúc ấy, chư Tăng vẫn được để bát thường xuyên.
Bọn cướp chờ lâu không được, bèn sai một tên đồng bọn ra đi thám thính: “Hãy đi dò cho biết ngày họ xuất hành, rồi hãy về”. Tên nầy đến làng hỏi một người bạn:
– Chừng nào ông lái buôn khởi hành?
Người bạn đáp:
– Quá hai, ba ngày!
Rồi hỏi lại: “Anh hỏi để làm gì?”.
Tên cướp tỏ thật cho biết: “Chúng tôi, năm trăm tên cướp, đang ở trong rừng, đón chặn bắt ông lái buôn”.
Người bạn tiễn chân tên cướp đi và nói: “Vậy thì anh hãy đi! Ông ta sẽ đi cấp tốc”.
Tên cướp đi rồi, người dân làng suy nghĩ: “Giữa bọn cướp và ông lái buôn, ta nên bênh ai và bỏ ai?”.
Rồi người ấy quyết định: “Ta bênh bọn cướp làm gì? Ông lái buôn là chỗ nương, để nuôi mạng sống của năm trăm vị Tỳ khưu. Vậy ta sẽ mật báo cho ông ta biết”.
Đến gặp ông lái buôn, người dân làng hỏi:
– Chừng nào ông mới khởi hành?
– Đến ngày thứ ba.
Nghe vậy, người dân làng nói: “Ông hãy làm theo lời tôi. Nghe nói có năm trăm tên cướp núp ở trong rừng để chận đường các ông, vậy các ông đừng nên đi”.
– Sao anh biết tin nầy?
– Trong nhóm ăn cướp có người quen với tôi, y đã nói cho tôi biết.
– Nếu vậy tôi sẽ không đi tới làm chi, tôi sẽ quay trở về nhà.
Trong khi chờ đợi quá lâu, bọn cướp lại sai tên đồng đảng đi lấy tin. Tên nầy đến hỏi người bạn, biết được dự tính của ông lái buôn, quay trở về thông tin với bọn cướp: “Nghe nói ông ta sẽ trở về nhà”.
Hay tin nầy, bọn cướp lại chuyển đến một con đường khác để chặn lối về của ông lái buôn. Ở đó đợi quá lâu, bọn cướp lại sai tên đồng đảng đi tiếp xúc với người bạn lấy tin, người nầy biết được chỗ núp của bọn cướp lại thông tin cho ông lái buôn biết.
Ông lái buôn suy xét rằng: “Ở đây ta không biết thiếu sót thứ gì. Nếu vậy, ta sẽ không đi tới hay đi lui chi cả. Ta nhất định sẽ lưu lại nơi đây”. Thế rồi, ông đến gặp chư Tỳ khưu và nói: “Bạch Ngài, nghe nói có bọn cướp định đón đường, cướp giựt hàng hóa. Bấy giờ chúng hay tin tôi định trở về, chúng lại chuyển qua chận đón lối về, phần tôi tấn thối lưỡng nan, chắc phải lưu lại ở đây lâu. Nếu các Ngài muốn ở lại đây thì cứ ở, còn các Ngài muốn đi thì cũng tùy thích ra đi”.
Các Tỳ khưu đáp: “Nếu vậy, chúng tôi sẽ quay về”.
Qua ngày sau, chư Tăng cáo từ ông lái buôn rồi trở về Sāvatthī đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi ngồi xuống.
Đức Bổn Sư hỏi: “Nầy các Tỳ khưu, các thầy không cùng đi với ông lái buôn đại phú phải không?”.
– Bạch Ngài, phải. Cả hai đường tới lui của ông lái buôn đều bị bọn cướp chặn đón. Do đó, ông ta phải đình trú ở một nơi, chúng con thấy vậy, cáo từ ông ta mà trở về. Nghe vậy, Đức Thế Tôn dạy:
– Nầy các Tỳ khưu, người lái buôn lớn biết né tránh con đường có nhiều kẻ cướp. Con người muốn sống biết né tránh chất độc của thuốc độc dữ. Tỳ khưu nào biết được con đường tương đương bị bọn cướp Tam giới đang ngăn đón thì phải biết né tránh điều ác.
Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết giảng thêm và kết luận bằng kệ rằng:
“Vāṇijova bhayaṃ maggaṃ,
Appasattho mahaddhano;
Visaṃ jīvitukāmova,
Pāpāni parivajjaye”.
“Như người đi buôn mang nhiều của báu mà thiếu bạn đồng hành, tránh xa con đường nguy hiểm làm sao, như kẻ tham sống tránh xa thuốc độc thế nào, thì các người phải tránh xa điều ác thế đó”.
CHÚ GIẢI:
Bhayaṃ: Ở đây có nghĩa là đáng sợ (Bhāyitabbaṃ), nguy hiểm, vì có nhiều kẻ cướp chặn đường. Như người thương khách có nhiều của cải, nhưng ít người vầy đoàn cùng đi, né tránh con đường nguy hiểm, như người ham sống né tránh thuốc độc thế nào thì Tỳ khưu là bậc Hiền trí phải né tránh các điều ác, không nên dễ duôi cũng như thế ấy. Cuối thời Pháp, các Tỳ Khưu ấy chứng đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích. Đại chúng thính pháp cũng đều hưởng được sự lợi ích.
Dịch Giả Cẩn Đề
Phú thương đi bán thỉnh Tăng theo,
Làm phước mong qua chỗ hiểm nghèo,
Bị cướp chận đường lui tới hết,
Thỉnh Tăng quay lại, tạm gieo neo!
Tăng trở về thăm Đức Bổn Sư,
Ngài rằng: Cần nhất phải suy tư,
Lánh xa điều ác, như ngừa độc,
Như phú thương ngừa cướp ẩn cư.
DỨT TÍCH PHÚ THƯƠNG TRÁNH HIỂM