Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II
Phẩm A La Hán: Tích Phụ Nữ Ghẹo Thiền Sư
“Ramaṇīyāni araññāni,
Yattha na ramatī jano,
Vītarāgā ramissanti,
Na te kāmagavesino”.
“Khả ái thay núi rừng,
Chỗ người phàm không ưa,
Vị ly tham ưa thích,
Vì không tìm dục lạc”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến một phụ nữ nọ.
Tương truyền rằng: Có vị Tỳ khưu hạnh Đầu Đà đi khất thực, sau khi thọ giáo đề mục Chỉ Quán nơi Đức Bổn sư, bèn vào một vườn bách thảo đã bỏ phế, thực hành Sa môn pháp.
Khi ấy có một phụ nữ là gái kỹ nữ nơi thành, đã hẹn hò với tình nhân: “Tôi sẽ đến nơi ấy, nơi ấy… Anh hãy đến nơi đó mà gặp tôi”. Nhưng khi phụ nữ ấy đến chỗ hẹn thì gã nhân tình lại không đến, cô nàng thất vọng đi tới đi lui, rồi đi vào vườn bách thảo, nàng trông thấy vị Trưởng lão đang ngồi kiết già. Cô ả nhìn quanh nhìn quất không thấy ai khác cả, tự nói thầm rằng: “Đây cũng là một thanh niên, ta sẽ giải tỏa tâm chàng nầy”. Thế rồi cô ta đứng ngay trước mặt Trưởng lão, cởi áo choàng ngoài ra rồi mặc lại, nhiều lần như vậy, còn không thì xả tóc ra, bới tóc lại hoặc vỗ tay cười trêu ghẹo.
Trưởng lão sanh tâm kinh cảm, toàn thân đều rởn óc, tự nghĩ: “Cái chi đây vậy?”. Ngay lúc ấy, Đức Bổn Sư dùng Phật nhãn quán xét: “Thầy Tỳ khưu đã đến xin đề mục Chỉ Quán của Ta để hành Sa môn pháp, hiện giờ tiến hóa ra sao?”.
Ngài thấy được nàng kỹ nữ đang lơi lả để quyến rũ vị Tỳ khưu và biết được sự phát tâm kinh cảm của vị Trưởng lão, Ngài vẫn ngồi yên trong hương thất, nói với Trưởng lão rằng: “Nầy Tỳ khưu, chỗ ở không khả ái với những người đi tìm dục lạc như vậy, chính là chỗ ở khả ái của những người xa lánh tình dục (Rāga)”. Rồi Đức Bổn Sư phóng hào quang soi sáng đến Trưởng lão, đồng thời Ngài thuyết pháp rồi ngâm kệ rằng:
“Ramaṇīyāni aranññāni,
Yattha na ramatī jano;
Vītarāgā ramissanti,
Na te kāmagavesino.”
“Lâm tuyền hẻo lảnh xa xôi,
Cảnh La Hán thích, người đời chẳng ưa.
Dục lạc cảnh La Hán chừa,
Mặc cho kẻ thế thích ưa, tầm cầu”.
CHÚ GIẢI:
Araññāni: những cánh rừng đáng gọi là khả ái, là những khu rừng non có cây trồng từng khóm, trổ đầy hoa đủ màu sắc, cảnh trí tuyệt đẹp lại có đủ nước trong mát bốn mùa.
Yatthā ti: trong những khu rừng nói trên, theo nghĩa rộng như rừng sen (Padumavana) thì giống ruồi ở làng xóm là con người đi tìm dục lạc không ưa thích.
Vītarāgā: các bậc Lậu tận đã xa lánh tình dục, ưa thích với cảnh núi rừng, giống như những con ong nó ưa thích cảnh rừng sen trên đây vậy. Tại sao?
Na te kāmagavesino: tại vì các bậc ấy không phải là những người đi tìm dục lạc.
Cuối thời Pháp, vị Trưởng lão chứng đạt A La Hán quả với Tuệ Phân tích ngay tại chỗ ngồi, rồi bay bổng lên hư không ca ngợi ân đức của Đức Như Lai và đáp xuống đảnh lễ dưới chân Ngài rồi ra đi.
Dịch Giả Cẩn Đề
Vườn cây cổ thụ ít người qua,
Hành giả ngồi thiền, bắt Kiết già.
Cô ả đợi mèo, lâu chẳng thấy,
Cợt trêu Trưởng lão hạnh Đầu Đà!
Phật biết nhà Sư phát cảm kinh,
Dạy rằng: Dục lạc, đời ưa thích,
La Hán không theo lối thế tình.
DỨT TÍCH PHỤ NỮ GHẸO THIỀN SƯ
DỨT PHẨM A LA HÁN