Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm A La Hán: Tích Ngự Y Kỳ Bá Băng Chân Phật

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm A La Hán: Tích Ngự Y Kỳ Bá Băng Chân Phật

“Gataddhino visokassa,
Vippamuttassa sabbadhi;
Sabbagandhappahīnassa,
Pariḷāho na vijjati”.

“Đến đích không ưu phiền,
Giải thoát ngoài tất cả;
Trừ diệt mọi buộc ràng,
Không còn lửa tham ái”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết khi ngự tại vườn xoài của ông Jīvaka (Kỳ Bá), đề cập về một câu hỏi của ông ấy. Sự tích Ngự y Jīvaka đã giải rõ rộng rãi, đầy đủ chi tiết, đây chỉ lược thuật vắn  tắt mà thôi:

Một thuở nọ, sau khi chia rẽ Tăng và liên kết với Thái tử Ajātasattu (A Xà Thế), Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) có ác ý muốn ám sát Đức Bổn Sư, bèn trèo lên núi Gijjhakūṭa (Kỳ Xà Quật), xeo một hòn đá cho lăn xuống lúc Đức Bổn Sư đang đi phía  dưới. Thời may, tàng đá bị hai ngọn núi giữ lại. Nhưng một mảnh đá vỡ bằng tai nấm rơi xuống, làm giập chân Đức Thế Tôn, đến nỗi máu chảy ra khiến Ngài đau nhức dữ dội. Các Tỳ khưu tiếp đỡ dìu Ngài đi. Đức Bổn Sư muốn từ đây đi đến vườn xoài nên bảo: “Hãy đưa ta đến đó”.

Các Tỳ khưu vâng lệnh Đức Thệ Tôn đưa Ngài đến vườn xoài của ông Jīvaka. Ngự y Jīvaka hay tin này liền đến gặp Đức Bổn Sư, để chữa trị vết thương, ông dùng thứ thuốc cay nồng băng bó xong, bạch với Đức Bổn Sư rằng: “Bạch Ngài, con phải đi làm thuốc chữa bịnh cho một người ở trong thành rồi sẽ trở lại, xin Ngài hãy chịu khó chờ con về mở băng thuốc này ra”.

Ông y sĩ ra đi, làm xong phận sự đối với người bịnh thì đã tới giờ đóng cửa thành, ông không kịp tới cửa cổng. Khi ấy ông lo lắng tự nghĩ: “Chao ôi! Nghiệp ta đã tạo thật là nghiêm trọng, ta đã vì một người bịnh khác mà không lo châu toàn cho Đức Thế Tôn, đã cho thuốc men cay nồng và băng bó vết thương, nhưng bây giờ tới lúc mở băng ra cho Ngài, ta lại không có mặt trong thành để mở băng. Cả đêm nay Đức Như Lai toàn thân sẽ phát nhiệt”.

Ngay lúc đó, Đức Thế Tôn cho gọi Trưởng lão Ānanda và bảo rằng: “Nầy Ānanda! Ngự y Jīvaka tối nay không về kịp đến cửa thành, hiện giờ ông đang lo lắng vì đã đến giờ mở băng vết thương. Vậy ông hãy mở băng vết thương đi”.

Trưởng lão Ānanda mở băng ra, vết thương đã kéo da non.

Qua ngày sau, mặt trời chưa mọc, ông Jīvaka đã về thành, lật đật đến thăm Đức Bổn Sư và hỏi: “Bạch Ngài, Ngài nghe trong châu thân có nồng nhiệt lắm không?”.

Đức Bổn Sư đáp:

– Nầy Jīvaka! Dưới cội cây Bồ Đề của Đức Như Lai, tất cả mọi sự nồng nhiệt thảy đều lắng dịu.

Nhân dịp nầy, Ngài thuyết lên thời pháp thích hợp, rồi ngâm lên kệ ngôn rằng:

“Gataddhino visokassa,
Vippamuttassa sabbadhi;
Sabbagandhappahīnassa,
Pariḷāho na vijjati”.

Không còn lo sợ mảy may,
Khi đã cắt đứt mọi dây buộc ràng;
Người đã giải thoát hoàn toàn,
Là người đi mút con đường tử sanh”.

CHÚ GIẢI:
Gataddhino: người đã hoàn tất cuộc hành trình, tức là đã chứng đắc đạo quả A La Hán. Có hai lộ trình là lộ trình băng qua cõi hoang vu (Kāntaraddhā) và lộ trình đi quanh một vòng luân hồi (Vaṭṭaddhā).

Trong hai lộ trình đó, người lữ hành (Addhiko) đang đi trên lộ trình băng qua cõi hoang vu là chưa đạt đến mục đích đã nhắm, một khi đạt đến mục đích là Níp Bàn rồi, thì gọi là đã hoàn tất cuộc hành trình (Gataddhā). Những chúng sanh còn dính mắc trong vòng luân hồi cứ luẩn quẩn trong đó, thì còn là những người lữ hành mãi mãi (Addhikā). Bởi thế cho nên phải tận cùng vòng luân hồi, các bậc Thánh Nhân nhất là Tu Đà Hườn là những người lữ hành đã tận cùng vòng luân hồi, là những bậc Lậu tận, đã được gọi là những người đến đích (Gataddhā). Đó nghĩa là tiếng Gataddhino.

Visokassa: không ưu phiền (Soka) là đã dứt hết mọi nỗi khổ lo âu, phiền muộn có căn bản là vòng luân hồi.

Vippamuttassa sabbadhi: đã giải thoát hết tất cả là đã giải thoát Pháp Hữu vi nhất là Ngũ uẩn.

Sabbagandhappahīnassa: đã trừ bỏ mọi trói buộc là đã dứt cả bốn loại trói buộc (Gantha): Abhijjā (Tham xan), Vyāpāda (Oán hận), Sīlabbatāparāmāsa (Giới cấm thủ) và idaṃ saccābhinivesa (Kiến thủ).

Pariḷāho na vijjati: Có hai loại nồng nhiệt: một của thân và một của tâm. Đối với bậc Lậu tận, khi bị ảnh hưởng của điều kiện bên ngoài, nhất là sự lạnh, sự nóng thì chỉ có thân nhiệt sanh lên mà thôi.

Câu hỏi của ngự y Jīvaka liên hệ với thân nhiệt này, còn Đức Bổn Sư là bậc Pháp Vương chuyên môn thuyết pháp, giảng đạo, nên nhân dịp này, Ngài thuyết pháp đề cập đến ảnh hưởng của tâm nhiệt (Cetasikapariḷāho)1: “Nầy đạo hữu Jīvaka, nói theo Chân Đế (Paramattha) thì đối với bậc Lậu tận như vậy, không có sự nồng nhiệt”.

Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đạt Thánh quả, nhất là quả vị Tu Đà Hườn.

Tích nầy đề cập đến câu hỏi của ngự y Jīvaka, còn nguyên sự tích của ông ngự y nầy rất dài, trong tạng Luật quyển 6 có kể rõ.

Dịch Giả Cẩn Đề
Ngự Y Kỳ Bá hỏi Phật rằng:
“Ngài thấy trong người có nóng chăng?”.
Phật đáp: “Từ khi Ta đại Ngộ,
Trong Ta lửa dục đã trừ căn”.
Ý Ngài ám chỉ đến Tâm không,
Phiền não đâu còn cháy phía trong,
Nhưng phía ngoài thân, sao khỏi khổ,
Giập chân, nát thịt, máu ròng ròng.
Nghiệp mới tuy là đã dứt rồi,
Nhưng bao quả cũ vẫn còn nhồi,
“Hứa thân hữu khổ là Chân lý!”.
Dầu Phật hay ai, cũng thế thôi!
DỨT TÍCH NGỰ Y KỲ BÁ BĂNG CHÂN PHẬT

82

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app