Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I
Phẩm Hoa: Tích Tu Sĩ Ngoại Đạo Tiểu Hiệp
“Na paresaṃ vilomāni,
Na paresaṃ katākataṃ;
Attano’va avekkheyya,
Katāni akatāni ca”.
“Đừng oán lời thô bỉ,
Việc người làm rồi chưa.
Hãy quán xét tự kỷ,
Việc mình làm xong chưa”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự gần thành Sāvatthī, đề cập đến tu sĩ Pāṭika (Tiểu Điệp).
Tương truyền rằng: Trong thành Sāvatthī có một bà thí chủ hằng chu cấp cho một tu sĩ ngoại đạo thường xuyên, tên ông ấy là Pāṭika (Tiểu Điệp) mà bà nhận làm con nuôi.
Trong xóm bà ở đó có những người đi nghe Đức Bổn Sư thuyết pháp, lúc về hằng ca tụng ân đức Phật Bảo bằng nhiều lời lẽ như là: “Ôi Pháp của chư Phật thuyết ra thật là huyền diệu phi thường!”.
Được nghe lời tán dương ân đức Phật Bảo , bà nầy phát tâm muốn đi chùa thính pháp, bèn ngỏ ý với tu sĩ Pāṭika:
– Bạch thầy, tôi muốn đến viếng Đức Phật.
Tu sĩ Pātīka can rằng: “Thôi đừng đi má ơi!”.
Bà nài nỉ nhiều lần, vị tu sĩ cũng đều cản như vậy hết. Sau cùng bà nghĩ rằng:
“Thầy không bằng lòng cho ta đi chùa nghe pháp, thôi thì ta hãy thỉnh Đức Thế Tôn đến đây! Như thế ta sẽ được nghe pháp”.
Sáng hôm ấy, bà chủ nhà cho gọi cậu con trai đến và bảo:
– Nầy con, con hãy đi thỉnh Đức Tôn Sư ngày mai đến đây.
Trước khi đi, cậu con trai ghé vào chỗ ngụ của tu sĩ Pāṭika đảnh lễ vị ấy rồi ngồi xuống. Vị tu sĩ hỏi cậu:
– Cậu đi đâu vậy?
– Má tôi sai tôi đi thỉnh Đức Bổn Sư.
– Cậu đừng nên đến chỗ ông Sa môn đó.
– Không được đâu thầy. Tôi sợ má tôi lắm. Thôi để tôi đi.
– Cậu đừng đi, đồ lễ vật sắp dưng cho ông ấy, để hai ta cùng chia nhau cùng ăn.
– Thôi thầy ơi! Má hăm đánh, tôi sợ lắm.
– Thế thì cậu hãy đi thỉnh đi, nhưng nhớ đừng chỉ rõ đường nào, lối nào đến nhà ta. Cậu giả như người ở gần đâu đó, và khi từ giã, cậu hãy chạy nhanh cho khuất mắt, rồi rẽ sang ngã khác đến đây.
Vâng lời tu sĩ ngoại giáo ấy, thiếu niên đến thỉnh Đức Bổn Sư rồi làm theo cách thầy ấy đã dặn, xong trở về phục lịnh.
Vị tu sĩ hỏi cậu ta: “Cậu đã làm cách nào?”.
– Thưa thầy, tôi đã làm đúng như lời thầy chỉ dạy.
– Cậu giỏi thật, vậy phần lễ vật dâng cho ông Sa môn ấy, hai đứa mình sẽ chia nhau ăn nhé.
Hôm sau, từ sáng sớm, tu sĩ Pāṭika đã đến nhà bà tín chủ ấy, bà rước tu sĩ ngồi trong nhà nghỉ.
Phía nhà trước, những người láng giềng phụ tô vách, phòng bằng phân bò ướt, đoạn lấy bông lúa và bông ngũ cốc khô gieo rắc khắp nơi cho đẹp. Họ sửa soạn bảo tọa cực kỳ xinh đẹp và sang trọng để cung thỉnh Đức Bổn Sư ngồi. Quả thật, những người chưa từng thân cận với chư Phật thì không biết rằng cách sắp đặt chỗ ngồi cho bậc Sa môn. Vả lại, chư Phật không cần phải có người dẫn đường chỉ lối cho Ngài đi.
Trong ngày Đức chánh Biến Tri đắc đạo quả dưới cội Bồ đề, khắp cả mười ngàn thế giới Ta bà đều rúng động. Ngài đã thấu rõ con đường luân hồi của chúng sanh: Đây là đường đi địa ngục, đây là đường đi súc sanh, đây là đường đi ngạ quỷ, đây là đường nhân loại, đây là đường chư thiên và đây là đường bất diệt Đại Níp Bàn. Không bao giờ Ngài cần ai chỉ đường vào làng, hay vào thị trấn, hay đến những nơi khác. Vì thế nên sáng hôm ấy, Đức Bổn Sư mang y bát đến nhà bà đại tín chủ, bà ra khỏi nhà, gieo năm vóc xuống đảnh lễ Đức Bổn Sư, thỉnh Ngài an tọa trong nhà xong, xối nước khai mạc lễ cúng dường đến Ngài các vật thực loại cứng loại mềm ngon quý. Khi Đức Bổn Sư độ xong bữa, bà cận sự nữ xin thỉnh bát Ngài, để Ngài thuyết kinh phúc chúc đến cho bà. Đức Bổn Sư ôn tồn thuyết pháp hồi hướng phước báu đến thí chủ làm cho bà vô cùng thỏa thích, vừa nghe pháp vừa thốt lên lời hoan hỷ: “Lành thay! Lành thay!”.
Khi ấy, tu sĩ Pāṭika ngồi ở nhà trong, nghe tiếng bà má nuôi đang thính pháp mà khen dồn như vậy thì dằn lòng không được, đứng dậy ra đi trong lòng nghĩ rằng:
“Như vậy bà nầy bây giờ không còn là đệ tử của ta nữa rồi”.
Tu sĩ Pāṭika xỉ mạ bà đại tín nữ luôn cả Đức Phật bằng những lời lẽ bất nhã như là : “Mụ già đốn mạt, tới số rồi đa, hãy lo phụng sự hắn ta như vầy mãi nghe…”, đoạn bỏ đi luôn.
Bà cận sự nữ hổ thẹn vì lời mắng nhiếc của tu sĩ Pāṭika tâm bị xao lãng, không còn chú ý nghe pháp nữa.
Thấy vậy Đức Bổn Sư hỏi bà:
– Nầy bà tín nữ, bà không còn chú ý nghe pháp được nữa phải chăng?
– Bạch Ngài, những lời của thầy ấy làm cho tâm con xao lãng.
Đức Thế Tôn bảo rằng: “Những lời lẽ của con người ưa khích bác, chống đối như thế, nói ra bà không nên nghĩ nhớ làm gì. Đừng chất chứa nó trong tâm, chỉ nên xem sự việc mình đã làm xong chưa, và việc mình chưa làm là hơn”.
Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết bài kệ sau đây:
“Na paresaṃ vilomāni,
Na paresaṃ katākataṃ;
Attano’va avekkheyya,
Katāni akatāni ca”.
“Lời thô bỉ gác ngoài tai,
Việc làm đắc thất của ai mặc tình?
Hãy lo quán xét việc mình,
Việc nầy việc nọ hoàn thành hay chưa”.
CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ nầy, câu Phạn ngữ Na paresaṃ vilomāni nghĩa là không nên để ý đến những lời nói thô bỉ, độc ác, xuyên tạc của kẻ khác.
Na paresaṃ katākataṃ: Không nên nhìn xem việc đã làm, hoặc không làm của kẻ khác, chẳng hạn như thấy rằng: Ông thiện nam nọ kém đức tin, không trong sạch, chưa hề bố thí tại nhà một vá thực phẩm nào, không làm phước Trai Tăng, không dâng cúng tứ vật dụng… Hoặc là ở nơi đó Tỳ khưu nọ kém đức tin, không trong sạch, không hầu hạ thầy tế độ, không phục vụ thầy tiếp dẫn, không làm tròn bổn phận đối
với Tăng mới đến, đối với Tăng sắp đi xa, với Thánh Pháp, nơi làm lễ phát lộ, trong trai đường, trong nhà tắm nước nóng… Vị ấy cũng không thọ chi đầu đà nào, không tinh tấn tham thiền hành đạo…
Attano’va avekkheyya: Tự kỷ hằng quán xét như vầy:
Kathambhūtassa me rattindivā vitīpatanti: Ngày và đêm qua mau thấm thoát ta đã làm xong việc chi chưa?
Người tại gia nên luôn luôn quán xét như vậy, lại phải nhớ đến huấn từ nầy: “Con người gia giáo có đức tin xuất gia nhập đạo phải tự hỏi rằng: “Tam tướng là Vô thường, Khổ não, Vô ngã. Tại sao ta chưa dứt được bốn ách và chứng đắc Níp Bàn? Phải nên quán việc đã làm hoặc chưa làm như thế”.
Bài kệ vừa dứt, bà tín nữ đắc chứng Tu Đà Hườn quả. Đại chúng thính pháp cũng đều hưởng được sự lợi ích.
Dịch Giả Cẩn Đề
Bày mưu thỉnh Phật chỉ sai đường,
Tiểu Điệp ganh người được tán dương.
Trước ỷ làm con cao giọng mắng,
Sau do biết mẹ nặng tình thương.
Mất phần thực lộc thà ly biệt,
Được quả Thinh Văn cũng đoạn trường!
Hai lẽ chánh tà không hiệp một,
Kẻ còn ở lại, kẻ tha phương.
DỨT TÍCH TU SĨ NGOẠI ĐẠO TIỂU ĐIỆP