Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I
Phẩm Tâm: Tích Các Tỳ Khưu Quán Tự Ngã
“Kumbhūpamaṃ kāyamimaṃ viditvā,
Nagarūpamaṃ cittamidaṃ ṭhapetvā;
Yodhetha māraṃ paññāyudhena,
Jitañca rakkhe anivesano siyā”.
“Biết thân như ngói gạch,
Giữ tâm như thành quách.
Dùng gươm trí đánh ma,
Thủ thắng mãi vô địch,
Mọi ô nhiễm đều xa”.
Kệ Pháp Cú nầy Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài an ngự tại gần thành Sāvatthī (Xá Vệ), có năm trăm Tỳ khưu đến xin thọ giáo đề mục Minh sát với Ngài rồi cùng nhau đi kiếm chỗ hành Sa môn pháp. Sau khi trải qua lộ trình hằng trăm do tuần, chư Tỳ khưu đến một thị trấn dân cư
trù mật. Khi ấy nhiều người trông thấy chư Tăng, bèn ra rước thỉnh các Ngài vào nhà an tọa trên những chỗ ngồi đã được soạn sẵn, dâng cúng vật thực ngon lành xong rồi hỏi rằng:
– Bạch chư Đại đức chẳng hay các Ngài đi đâu vậy?
– Chúng tôi đi tìm nơi cảnh tiện nghi.
Nghe đáp như thế, họ liền yêu cầu rằng:
– Bạch chư Đại đức, nếu có thể xin thỉnh quý Ngài lưu lại nơi đây, trong ba tháng an cư nầy, chúng tôi sẽ nhờ quý Ngài giáo truyền Quy giới để vâng giữ hành theo. Khi được biết chư Tăng đã nhận lời, họ đưa chư Tăng đến một khu rừng lớn gần đó:
– Xin thỉnh các Ngài hãy trú ngụ lại nơi nầy.
Nói rồi họ cáo từ trở lại làng, để chư Tăng đi vào khu rừng ấy, chư thiên ngụ trong rừng nghĩ thầm: “Chư Tăng nầy là những bậc có Giới đức, nay lại có dịp quang lâm đến khu rừng nầy, trog lúc quý Ngài cư ngụ nơi đây, mà chúng ta đưa con cháu, em út trèo lên ở trên cây thì coi không được”. Vì thế chư thiên đều tuột ngồi xuống đất hết, tính thầm rằng: “Chắc quý Ngài chỉ ngụ đỡ một đêm nầy thôi, rồi sáng mai sẽ
đi nơi khác”.
Hôm sau, chư Tỳ khưu vào làng khất thực xong, lại trở về khu rừng ấy. Chư thiên cho rằng: “Chắc hôm nay có ai thỉnh các Ngài, nên các Ngài còn ráng ở lại. Hôm nay chưa đi thì mai các Ngài sẽ đi vậy”.
Chư thiên cứ ở dưới đất với sự hi vọng từng ngày như vậy cho đến nửa tháng, khi đó chư thiên nghĩ thầm rằng: “Chắc chắn quý vị Đại đức nầy trú ngụ tại đây cả ba tháng rồi, suốt thời gian quý Ngài cư ngụ tại đây như thế nếu chúng ta ngự trên cây thì không phải cách, còn nếu chúng ta đem con cái em út nằm ngồi dưới mặt đất cả ba tháng trường thì cũng khó nhọc cho chúng ta. Ta phải làm sao cho chư Tỳ khưu nầy bỏ chạy mới được”.
Thế rồi, chư thiên hiện ra làm ma nhát chư Tăng, khi thì cho thấy đầu lâu, khi thì cho thấy thân mình mất đầu, khi thì cho nghe tiếng rú kinh dị của phi nhơn, phi nhơn phá phách khắp nơi ngụ của các Ngài, hoặc nơi hành đạo, trên đường đi kinh hành chẳng hạn.
Chư Tỳ khưu mất ăn mất ngủ, sa sút hao mòn lần lần nhuốm bịnh, quý Ngài hỏi lẫn nhau: “Đạo hữu bịnh gì?”. Vị thì nói tôi đau thần kinh, vị thì nói tôi đau phổi… truy ra nguyên nhân của bịnh thì mới biết là bị ma nhát.
– Nầy đạo hữu, hôm nay tôi thấy một cái đầu lâu ở cuối con đường kinh thành.
– Tôi thì thấy một thân hình không đầu ở trong chỗ ngủ.
– Tôi lại nghe tiếng rú kinh dị ở chỗ ngồi thiền.
– Chúng ta nên bỏ chỗ nầy, kiếm chỗ khác thích nghi hơn, chớ ở đây thấy bất tiện quá.
– Chúng ta hãy về yết kiến Bậc Đạo Sư.
Chư Tăng đồng ý lìa bỏ khu rừng, đi bộ lần hồi về đến chỗ ngự của Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài xong rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, Đức Bổn Sư phán hỏi chư Tăng:
– Nầy chư Tỳ khưu, chắc chắn nơi ấy các ông không được an vui phải chăng?
– Vâng bạch Ngài! Trong lúc chúng con ở đó có nhiều hiện tượng phát sanh rất đáng sợ, khiến cho chúng con mất sự an vui, chúng con đồng ý cho rằng: “Nơi nầy không tốt, cần phải xa lánh”, nên chúng con rời bỏ nơi ấy mà về đây với Ngài.
– Nầy các Tỳ khưu, các ông nên đến chỗ ở như vậy.
– Bạch Ngài! Không thể được.
– Nầy các Tỳ khưu! Lần trước các ông ra đi không mang theo khí giới. Lần nầy nên lấy khí giới đem theo rồi hãy lên đường.
– Bạch Ngài! Thứ khí giới nào vậy?
Đức Bổn Sư đáp: “Để Ta ban cho rồi hãy đi”.
Nói rồi, Đức Bổn Sư khẩu truyền dạy hết bài Kinh Từ Bi:
“Karaṇīyamatthakusalena
Yantaṃ santaṃ padaṃ abhisamecca
Sakko ujū ca suhujū ca
Suvaco cassa mudu anatimānīti…”.
“Pháp hữu ích nên hành cần biết,
Đường Niết Bàn nếu quyết ruổi giong.
Trí năng, chơn chánh, phục tòng,
Thẳng ngay, mềm mỏng, không lòng cống cao…”.
Tiếp theo bài kinh, Đức Bổn Sư dạy rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Bài kinh nầy các ông hãy tụng niệm cho thường, từ lúc đặt chân vào khu rừng cho đến lúc đến vòng ngoài Tịnh xá, rồi sẽ vào trong… Thôi các ông cứ yên trí lên đường.
Chư Tỳ khưu đảnh lễ từ biệt Đức Bổn Sư, ra đi lần hồi đến bìa rừng ấy, đồng thanh vừa niệm Kinh Từ Bi vừa đi vào trong rừng. Toàn thể chư thiên ngụ trong rừng đều phát tâm Từ bi, ra nghinh tiếp chư Tăng, xin rước y bát, hoặc xin đấm lưng, hoặc xin bóp tay chân cho các Ngài. Những nơi ăn, chốn ngủ hoặc chỗ hành thiền. Và xúm nhau gìn giữ luân phiên, sắp đặt trang hoàng, không còn có tiếng kêu rú phi nhơn.
Nhờ thuận cảnh, chư Tăng hành đắc định tâm (Ekaggata citta). Nơi chỗ hành thiền ban đêm và ban ngày các Ngài dùng tâm Minh sát quán sự sanh diệt của tự ngã, tiến hành pháp Quán, các Ngài thấy rõ ràng: “Cái bản ngã nầy nó giòn yếu, dễ tan vỡ, cùng như một món đồ gốm vậy thôi”.
Đức Chánh Biến Tri ngự tọa trong hương thất, hiểu biết chư Tỳ khưu ở trong rừng đang trong trạng thái tiến hành Tuệ Minh sát, bèn gọi các vị ấy và dạy rằng:
– Nầy các Tỳ khưu, cái bản ngã nầy có tính dễ tan vỡ, chẳng vững bền như thế.
Nói rồi Đức Bổn Sư phóng hào quang sáu màu rực rỡ, hiện kim thân cho chư Tăng ngó thấy như Ngài đang ngồi đối diện, mặc dù lúc ấy Ngài đứng cách xa chư Tăng hàng trăm do tuần, và đọc kệ rằng:
“Kumbhūpamaṃ kāyamimaṃ viditvā,
Nagarūpamaṃ cittamidaṃ ṭhapetvā;
Yodhetha māraṃ paññāyudhena,
Jitañca rakkhe anivesano siyā”.
“Thân nầy đã biết mỏng manh,
Như đồ gốm hay bể, thành giữ tâm.
Sẵn gươm trí tuệ đang cầm,
Khá mau đánh dẹp Ma quân vây thành.
Giữ phần thắng lợi về mình,
Chớ đừng đắm trước, mê tình không nên”.
CHÚ GIẢI:
Tiếng Kumbhūpamaṃ trên đây, nghĩa là sánh như đồ gốm, là do tính giòn yếu, dễ tan vỡ, không bền bỉ lâu dài. Cái khối tập hợp bởi ba mươi hai thể trược, gọi là xác thân nầy đây, ta phải biết nó không bền bỉ gì hơn một món đồ gốm, như chậu đất, như bình sành hay là ngói gạch.
Nagarūpamaṃ cittamidaṃ ṭhapetvā (giữ tâm như thành quách): Thành trì thì mặt ngoài kiên cố, chung quanh phải có hào sâu, lũy cao phải có cửa cho chắc. Bên trong phải có ngăn nắp thứ tự, đường xe rộng rãi, phải có ngã tư, như thế bọn cường khấu bên ngoài muốn vào cướp phá bên trong không thể được, đành phải bỏ đi chẳng khác nào chúng chạm phải núi đá vậy. Con nhà gia giáo và bậc thiền minh cũng thế, sau khi điêu luyện tâm Minh sát cho kiên cố như thành trì, vị nầy bế cửa thành tâm, đứng vững trong thành.
Yodhetha māraṃ paññāyudhena (Dùng gươm trí đánh Ma): Bọn cướp cầm đủ thứ khí giới, đồng côn, xông đến hãm thành trì, ví như những ma phiền não cần phải diệt tận hay khử trừ với khí giới làm bằng Minh sát tuệ, Thánh đạo tuệ và Bát nhã tuệ.
Jitañca rakkhe (thù thắng): Là giữ phần thắng là tuệ Minh sát vừa mới phát sanh, đừng cho suy giảm, chọn chỗ ở thích hợp, thời tiết thích hợp, thính pháp thích hợp… mà nương theo để hành cho đắc các bậc thiền rồi xuất thiền, dùng tâm thanh tịnh phán xét, thấu rõ các pháp hữu vi, gọi là đem phần thắng lợi về mình.
Anivesano siyā (Mọi ô nhiễm đều xa): Là hãy dứt lìa sự luyến ái, trở thành bậc vô nhiễm.
Cũng như một chiến tướng ở tiền tuyến, sau khi xây đắc thành trì kiên cố rồi mới giao tranh với địch quân đến lúc đói khát có thể cầm theo hoặc buông bỏ vũ khí, tùy thích trở vào thành bế cửa nghỉ ngơi, ăn uống xong rồi lại nai nịch mang theo vũ khí trở ra chiến đấu nữa. Tướng ấy tuy tạm thủ quyền thắng lợi, nhưng cũng còn lo giữ sự thắng, bằng sự phòng vệ, cho đến lúc đánh tan quân địch. Quả thật, nếu lúc chiến
tướng đang nghỉ ngơi vui chơi trong thành như vậy, mà địch quân chiếm phá được thành thì cả quốc vương phải lọt về tay kẻ khác vậy. Cũng như thế ấy, Tỳ khưu mới đắc tuệ Minh sát, nhập thiền nhiều lượt rồi mới xuất thiền thì có thể dùng tâm thanh tịnh gìn giữ sự giác ngộ của các pháp hữu vi, thắng được phiền não Ma vương, nhờ đắc đạo cao thượng. Nếu như vị nầy vui thích Thiền định, không xuất thiền dùng tâm thanh tịnh mà quán đi quán lại cho thấu triệt các pháp hữu vi thì không thể thấu triệt đạo quả. Vì vậy, chỉ nên gìn giữ pháp nào tâm
cần gìn giữ, không nên đắm trước mê say theo nó như sau khi định tâm trong đề mục thiền rồi, không nên lưu luyến giữ mãi tâm nơi đó. Các ông hãy hành như vậy. Đức Bổn Sư đã thuyết pháp dạy các Tỳ khưu như thế. Khi thời pháp chấm dứt, cả năm trăm vị Tỳ khưu chứng đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích ngay tại chỗ ngồi bèn tán thán ca tụng kim thân đấng Như Lai, đảnh lễ Ngài rồi lui gót.
Dịch Giả Cẩn Đề
Nhờ kinh Bác ái của chư Thiên,
Ngũ bá Tỳ khưu ở mới yên,
Hết bị tà ma gây bịnh sợ,
Còn nhờ giả quỷ hộ rừng thiền.
Đem tâm Minh sát xây thành trí,
Lấy kiến siêu nhân dẹp giặc phiền.
Bản ngã quán rời như ngói bở,
Thoát trần nhẹ bước gót thiên nhiên.
DỨT TÍCH CÁC TỲ KHƯU QUÁN TỰ NGÃ