Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I
Phẩm Song Đối: Tích Đại Đức Nanda
“Yathā’gāraṃ ducchannaṃ,
Vuṭṭhi samativijjhati;
Evaṃ abhāvitaṃ cittaṃ,
Rāgo samativijjhati”.
“Yathā’gāraṃ succhannaṃ,
Vuṭṭhi na samativijjhati;
Evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ,
Rāgo na samativijjhati”.
“Như nhà mái lợp thưa,
Dễ bị dột nước mưa.
Tâm không tu luyện kỹ,
Tham dục vào có thừa”.
“Như nhà lợp kín tốt,
Nước mưa không thể dột.
Tâm tu luyện kỹ càng,
Tham dục vào chẳng lọt”.
Kệ Pháp Cú 13-14 nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Đại đức Nanda.
Quả nhiên, lúc Đức Giáo chủ là đấng Chuyển Pháp Luân vân du đến thành Rājagaha (Vương Xá) và đang ngự tại Tịnh xá Veḷuvana (Trúc Lâm), thì đại vương Suddhodana (Tịnh Phạn) dồn dập biệt phái mười đoàn sứ giả với lời ủy thác: “Chư hiền khanh khá mau qua đó rước Thái tử về, cho quả nhân được gặp mặt con”.
Từng đợt, hàng ngàn thị giả theo vị đoàn trưởng nối tiếp ra đi, để rồi tất cả đều đắc A La Hán quả và nhập luôn vào Giáo hội Tăng già, đến lượt cuối cùng vị đoàn trưởng là Đại đức Kāḷudāyi nhận biết là đã đúng thời kỳ thỉnh Phật, bèn ngâm lên sáu mươi bài kệ, ca tụng con đường trở lại cố đô.
Với đoàn Thánh Tăng hai muôn vị Lậu Tận (A La Hán), giữa cảnh trùng phùng với tất cả vương gia quyến thuộc, Đức Thiên Nhơn Sư đã khiến cho một trận mưa hồng rơi xuống như hoa (Pakkharavassa) để làm sống lại một thời xưa, rồi nhân đó Ngài nhắc tích Bồ Tát Vessantara là tiền thân của Ngài.
Qua ngày sau, lúc ngự vào thành khất thực, Đức Bổn Sư độ cho phụ vương Ngài đắc quả Nhập Lưu (Sotāpattiphala) với bài kệ Pháp Cú:
“Uttiṭṭhe nappamajjeyya,
Dhammaṃ sucaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ setī,
Asmiṃ loke paramhi ca”.
“Pháp môn khất thực chớ khinh thường,
Chánh hạnh Tỳ khưu pháp đáng nương.
Kẻ y chánh pháp hằng an lạc,
Kiếp trước đời sau vạn kiết trường”.
Và với bài kệ sau đây:
“Dhammañcare sucaritaṃ,
Na naṃ duccaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ seti,
Asmiṃ loke paramhica”.
“Chánh hạnh hành theo pháp đáng thương,
Tà hạnh đừng nên giữ lệ thường.
Kẻ y chánh pháp hằng an lạc,
Kiếp trước đời sau vạn kiết trường”.
Ngài đã độ cho Di mẫu Mahāpajāpaṭi Gotamī đắc quả Nhập Lưu và đưa Phụ vương Ngài tiến lên quả Nhất Lai (Sakadāgāmi).
Kế đó, sau một bữa thọ thực trong hoàng cung, Đức Bổn Sư thuyết tích nàng Candakinnarī, là một chúng sanh mình chim đầu người vốn là tiền thân của nàng Yasodharā, ngõ hầu để cho ân nghĩa mẹ Rāhula đối với chính Ngài từ những lúc còn mang kiếp thú…
Đến ngày thứ ba, đang lúc Thái tử Nanda tưng bừng cử hành song lễ là tức vị Quốc vương cùng tấn phong Hoàng hậu, thì Đức Bổn Sư ngự vào biệt điện hoàng gia để lấy bát. Thọ thực xong, Ngài trao bát tận tay Thái tử Nanda, ban lời chúc phúc, rồi từ bảo tọa đứng lên cất bước ra đi, không thâu hồi bát lại.
Thái tử vì lòng tôn kính Đức Như Lai, không dám mở lời kêu gọi:
“Bạch Ngài! Xin hãy lấy bát đi”.
Lẳng lặng theo hầu Đức Thầy, Thái tử nghĩ thầm:
“Tới cầu thang chắc Ngài sẽ lấy bát”, nhưng tới đó Đức Bổn Sư không dừng chân lại lấy bát.
Thái tử lại tính thầm:
“Chắc là xuống chân cầu thang, thì Ngài sẽ lấy lại chẳng sai” nhưng đến đấy Đức Bổn Sư vẫn làm ngơ đi luôn một mạch. Thái tử lại tự nhủ:
“Thế nào tới sân ngự trước đền rồng, Ngài cũng sẽ thâu bát lại” nhưng đến nơi đây, Đức Bổn Sư cũng vẫn điềm nhiên đi thẳng”.
Mặc dầu trong thân tâm vẫn muốn quay gót trở lui, Thái tử vì nể Đức Thầy, không hề dám hở môi kêu nài: “Ngài ơi! Xin Ngài lấy bát lại giùm”.
Vừa đi vừa mong ước lầm thầm: “Tới đây Ngài sẽ lấy bát lại… tới đằng ấy Ngài sẽ lấy bát lại…”.
Cứ như thế, Thái tử lầm lùi theo sau chân Đức Bổn Sư, làm một vị thị tùng miễn cưỡng.
Ngay lúc ấy, có bọn cung tần trông thấy Thái tử ra đi, bèn chạy đi báo tin cho bà tân Hoàng hậu là công nương Janapadakaḷyānī (Hoa Khôi) được biết.
– Tâu lịnh nương nương, Đức Thế Tôn đã dắt tân vương đi rồi vậy lịnh bà phải liệu làm sao, một khi tân vương vắng mặt…
Nghe tin cấp báo công nương không cầm được suối lệ, lật đật bới sơ đầu tóc đang chải dở dang, bương bả chạy theo gọi vói:
– Hoàng tử ơi! Xin khá mau trở lại trào ca.
Những lời kêu than thiết tha của ý trung nhân, dường như châm thấu trái tim đa cảm của vị Hoàng tử si tình, khiến chàng phải bàng hoàng ngơ ngẩn… Nhưng Đức Bổn Sư Ngài vẫn tiếp bước, không hề quay lại thâu hồi bình bát, để cho Hoàng tử được rảnh tay.
Dắt chàng đến chùa, Đức Bổn Sư phán hỏi:
– Nanda! Có muốn xuất gia không?
Vì quá tôn kính Đức Tôn Sư, Thái tử không thể từ chối rằng: “Không”, nên ngập ngừng đáp lại:
– Dạ thưa… Muốn! Bạch Ngài.
Đức Giáo Chủ liền bảo: “Nếu vậy, nầy các Tỳ khưu, các ông làm lễ xuất gia cho Thái tử Nanda”.
Đức Bổn Sư độ cho Thái tử Nanda xuất gia đúng vào ngày thứ ba kể từ ngày Ngài trở về thành Kapilavatthu.
Trong ngày thứ bảy, mẫu thân của Thái tử Rāhula, cho con vận một bộ triều phục sang trọng hoa mỹ dạy con hãy đến gần Đức Thế Tôn và đinh ninh dặn rằng:
“Vương nhi thấy không! Vị Sa môn da như vàng ròng, hình dáng như Phạm Thiên, có đến hai muôn Sa môn khác theo hầu hạ, chính là phụ vương của con đó, khi phụ vương ra đời thì người có được những hầm châu báu vĩ đại, nhưng từ khi người xuất gia đến giờ mẫu hậu không còn trông thấy được nữa. Vậy vương nhi, con hãy đến xin người ban cho con phần di sản ấy. Con thưa như vầy nghe: Bạch Ngài Đại Sa môn,
con là trưởng tử của Ngài. Sau khi kế vị ngai vàng, con sẽ là một Chuyển Luân Vương giàu sang bốn biển, nên con cần phải có những kho sản quý giá vì lẽ phụ nghiệp thì tử năng thừa, xin Ngài ân tứ cho con những hầm châu báu của Ngài”.
Thái tử Rāhula đến gần Đức Thế Tôn, đảnh lễ xong thì phát tâm yêu mến phụ thân mình nên âu yếm thỏ thẻ rằng: “Bạch Ngài Sa môn! Bóng mát của Ngài làm con vui sướng làm sao”.
Đoạn Thái tử đứng lên, nói thêm những lời lẽ, bày tỏ nguyện vọng của mình.
Sau khi thọ thực và phúc chúc xong, Đức Thế Tôn từ bảo tọa đứng dậy ra về. Thái tử Rāhula cũng vội vã đi theo Đức Thế Tôn và nhắc đi nhắc lại: “Xin Ngài Đại Sa môn ân tứ phụ sản cho con, xin Ngài Đại Sa môn ân tứ phụ sản cho con…”.
Đức Thế Tôn lặng thinh, không bảo Thái tử quay gót trở về. Nội thị triều thần trông thấy Thái tử đi chung với Đức Bổn Sư thì cũng không ai dám đứng ra ngăn cản lại. Do đó, Thái tử theo Đức Thế Tôn đi luôn cho đến vườn chùa.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Thứ phụ sản mà Rāhula mong mỏi, chỉ là thứ tài sản luân lưu giả tạm (Vaṭṭānugata) không được trường tồn vĩnh cữu. Vậy để Như Lai ban cho nó Thánh sản (Ariyadhana) có Thất bảo mà Như Lai đã đắc nơi cội Bồ Đề của Như Lai vậy”.
Liền đó, Đức Thế Tôn kêu Đại đức Sāriputta: “Ông hãy cho Rāhula xuất gia”.
Đại đức y lịnh, làm lễ xuất gia cho Thái tử.
Nghe được tin nầy, đức vua Suddhodana hết sức buồn phiền. Không thể nhẫn nại làm thinh, đức vua ngự đến yết kiến Đức Thế Tôn, bày tỏ nỗi lòng sầu khổ và đưa ra thỉnh nguyện như vầy: “Bạch Thế Tôn, xin Ngài đừng cho chư Tăng làm lễ xuất gia cho đứa trẻ vị thành niên nào chưa được cha mẹ cho phép”.
Đức Thế Tôn chấp nhận lời yêu cầu của đức vua. Hôm sau, khi Đức Thế Tôn ngự trong đền vua, dùng bữa điểm tâm (pātarāsa) xong, Tịnh Phạn Vương ngồi nép một bên và bạch rằng:
– Bạch Ngài, trong thời gian Ngài tu khổ hạnh có một vị chư thiên đến mách bảo quả nhân rằng: “Thái tử của đại vương đã mệnh chung”. Quả nhân nhất định không tin lời vị chư thiên ấy, cho nên phản đối ngay rằng: “Không bao giờ Thái tử của trẫm có thể mạng chung, trước khi đắc thành Thánh quả”.
Nghe vậy, Đức Thế Tôn bảo rằng:
– Tâu đại vương, trong kiếp nầy làm sao đại vương còn tin được vì trong kiếp trước cũng chính người đó trưng cho đại vương thấy một bộ xương và nói: “Con ông đã chết”, nhưng đại vương nghe xong chẳng chút gì tin.
Nhân dịp nầy, Đức Thế Tôn thuyết tích Bổn Sanh nói về công tử Mahādhammapāla (Đại Hộ Pháp).
Nghe đến đoạn kết, đức Tịnh Phạn Vương liền đắc quả A Na Hàm (Anāgāmi). Sau khi độ cho phụ vương Ngài đắc ba quả Thánh rồi, Đức Giáo Chủ cùng với tất cả Tỳ khưu Tăng thị tùng lên đường trở lại gần thành Vương Xá. Từ đấy, do theo lời hứa với Trưởng giả Anāthapiṇḍika, Đức Bổn Sư ngự hành sang qua Sāvatthī, để chủ tọa lễ khánh thành ngôi Đại Tự Jetavava vừa kiến trúc xong và ngự an nơi đó.
Trong thời gian Đức Thầy ngự an nơi Jetavana như thế, Đại đức Nanda cảm thấy bực bội, bứt rứt, nóng nảy, bồn chồn nên hằng thở than với chư Tăng rằng:
– Các sư hữu ơi! Tôi không thấy chút gì hứng thú khi hành theo phạm hạnh.
Chắc là tôi không sống được đời tu sĩ lâu, có lẽ rồi đây ta sẽ xả giới và trở về cương vị cũ của tôi khi trước.
Khi Đức Bổn Sư nghe chư Tăng tường trình câu chuyện nầy, Ngài cho gọi Đại đức Nanda đến và phán hỏi:
– Nầy Nanda! Nghe nói ông đã thốt với nhiều Tỳ khưu những lời như vầy: “Các sư hữu! Tôi không thấy hứng thú trong sự hành theo phạm hạnh, chắc là tôi không sống cuộc đời tu sĩ được lâu. Có lẽ rồi đây tôi sẽ xả giới mà trở về cương vị cũ của tôi lúc trước”.
Có quả thật vậy chăng?
– Bạch Ngài! Quả thật vậy.
– Nầy Nanda! Ông mắc chứng cớ gì mà không thấy hứng thú trong sự tu hành theo phạm hạnh, không ưng sống cuộc đời tu sĩ, toan xả giới xuống cương vị của ông như cũ?
– Bạch Ngài! Tôi không thể quên nàng Thích Nữ của tôi là công chúa Kaḷyānī, khi nàng từ trong biệt điện hoàng gia, tóc chải nữa chừng, mắt chưa ráo lệ. Nàng đã van lơn: “Hoàng tử ơi! Xin chàng hãy mau trở lại trào ca”. Bạch Ngài! Tôi nhớ mãi hình bóng của nàng mà không thấy chút gì hứng thú trong sự hành theo phạm hạnh, không ưng sống cuộc đời tu sĩ và sẽ xả giới lui về cương vị tân vương.
Liền đó, Đức Thế Tôn nắm tay Đại đức Nanda, dùng thần thông đưa Đại đức lên Đao lợi thiên cung, dọc đường bay Đức Thế Tôn chỉ cho Đại đức lưu ý đến một con khỉ cái sứt tai, sứt mũi, đứt đuôi, ngồi chết rục trên một gốc cây cháy nám, trong một cánh đồng khi hỏa hoạn.
Trên cung trời Đao Lợi, Đức Thế Tôn dẫn cho Đại đức Nanda được vào xem cảnh năm trăm thiên nữ đang chầu hầu đức Ngọc Đế (Sakka), năm trăm Hằng Nga yêu kiều diễm lệ, gót đỏ như son thắm, tựa như chân chim bồ câu. Cho xem mãn nhãn rồi, Đức Thế Tôn mới hỏi: “Nầy Nanda! Ông nghĩ thế nào? Nếu đem so sánh năm trăm Ngọc nữ yểu điệu nầy với Thích Nữ Kaḷyānī, thì ai diễm lệ ai mỹ miều, ai khả ái
hơn ai?”.
Nghe Thế Tôn hỏi, Đại đức vội đáp: “Bạch Ngài, nếu đem so nàng Thích Nữ Kaḷyānī với năm trăm ngọc nữ nầy, thì nàng ấy xấu như con khỉ cái ngồi chết rục sứt cả tai, mũi và cụt đuôi kia vậy. Về nhan sắc nàng thua kém quá xa mười phần không bằng được một, lẽ dĩ nhiên năm trăm tiên nga nầy yêu kiều mỹ lệ, mỹ miều, khả ái hơn nhiều”.
– Nếu vậy thì nầy Nanda, ông hãy vui lên, hãy vui lên đi. Như Lai cam đoan là ông sẽ được năm trăm ngọc nữ yểu điệu gót son nầy.
Nghe vậy Đại đức Nanda mừng rỡ, trả lời rằng:
– Bạch Thế Tôn, nếu Ngài chịu đứng chủ hôn giúp cho tôi cưới được năm trăm ngọc nữ gót son yểu điệu ấy, thì tôi nguyện sẽ vui vẻ luôn và thực hành phạm hạnh, bạch Ngài.
Liền khi ấy, Đức Thế Tôn nắm tay Đại đức Nanda, biến mất trên cung trời Đao Lợi và hiện xuống nơi Tịnh xá Veḷuvana.
Giữa chư Tăng có tiếng đồn đãi rằng: “Nghe nói Đại đức Nanda, là em một cha khác mẹ với Đức Thế Tôn, cố công hành đạo chỉ vì mong mỏi được gần ả thiên nga… Nghe nói Đức Thế Tôn cam đoan sẽ giúp cho Đại đức Nanda được gần năm trăm ngọc nữ gót son yểu điệu”.
Từ khi ấy, các Tỳ khưu bạn của Đại đức Nanda hễ gặp mặt Đại đức là buông lời khinh chê, chọc ghẹo nào là: Đại đức tu hành theo lối người ở đợ; nào là: Đại đức làm như kẻ nô lệ, cố công hành đạo chỉ vì muốn cưới năm trăm ngọc nữ yểu điệu gót son mà Đức Thế Tôn đã hứa chủ hôn thành toàn cho Đại đức.
Cứ nghe bạn đồng tu lặp đi lặp lại mãi những lời chế nhạo gay gắt ấy, Đại đức Nanda cảm thấy khó chịu, bực mình, chán ngán quá, nên lánh đi tìm một chỗ khuất tịch vắng vẻ, đem hết tâm tư chuyên thực hành phạm hạnh Sa môn pháp. Không bao lâu Đại đức đạt tới mục tiêu cứu cánh của đời phạm hạnh, tự mình chứng ngộ sự tri kiến các pháp và an tâm nơi đó, cũng như bất cứ con nhà gia giáo, thoát ly gia đình,
xuất gia hành đạo, tu theo chánh pháp vậy.
Đại đức tự mình giác ngộ: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã tròn, việc phải làm đã làm, sau kiếp nầy ta sẽ không còn kiếp nào khác nữa”.
Thế là từ đây, trên cõi trần ai có thêm một vị A La Hán nữa là Đại đức Nanda vậy. Khi ấy vào khoảng nửa đêm, một vị chư thiên hiện xuống, hào quang chiếu sáng khắp cả Jetavana, đến bên Đức Bổn Sư đảnh lễ Ngài xong, mách bảo rằng: “Bạch Ngài! Đại đức Nanda là em cùng cha khác mẹ với Ngài, đã diệt trừ lậu hoặc, thành bậc Vô Lậu, có tâm giải thoát, có tuệ giải thoát, tự mình chứng đắc các pháp tri kiến và an tâm nơi đó rồi”.
Kế đó, khi đêm gần tàn, Đại đức Nanda cũng về gần Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn! Xin Ngài hủy bỏ lời cam đoan hứa đứng chủ hôn cho tôi với năm trăm ngọc nữ gót son, từ nay tôi không tính tưởng đến việc ấy nữa.
– Nầy Nanda! Như lai nhờ Tha tâm thông đã biết rõ rằng là Nanda đã tận trừ lậu hoặc, thành bực Vô Lậu, có tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự mình đã chứng ngộ các pháp tri kiến và an tâm nơi đó rồi… Nầy Nanda! Ông được tâm giải thoát tất cả lậu hoặc, nhờ buông bỏ chấp thủ từ giờ phút nào thì lời cam đoan của Như Lai cũng được cởi mở từ giờ phút ấy.
Thế rồi, Đức Thế Tôn ngâm kệ hoan hỷ tán thán rằng:
“Yassa tiṇṇo kāmapaṅko,
Maddito kāmakaṇṭako;
Mohakkhayamanuppatto,
Sukhadukkhe na vedhatīti”.
“Vũng bùn dục lạc đã băng qua,
Gai ngũ trần kia đã đạp chà.
Ai dứt bỏ si mê thì giác ngộ,
Khổ vui chẳng động đến tâm mà”.
Sau đó, có một hôm các Tỳ khưu cật vấn Đại đức Nanda rằng:
– Nầy sư hữu! Lúc trước sư hữu thường hay than phiền bất mãn, thế bây giờ thì ra sao?
– Nầy các sư hữu! Tôi không còn muốn hoàn tục đâu.
Nghe qua lời ấy, chư Tăng bảo nhau rằng: “Đại đức Nanda đã nói lời giả dối, có ý không muốn cho ta biết rõ sự thật, những ngày trước, chính Đại đức than phiền luôn miệng là: Tôi chán nản quá, mà bây giờ lại nói: Tôi không còn muốn hoàn tục nữa là sao?
Thế rồi, chư Tăng đem câu chuyện nầy bạch lên Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Vì trong dĩ vãng tâm tư Nanda giống như gian nhà mái lợp thưa thớt, còn bây giờ tâm ông ta giống như gian nhà mái lợp kín đáo rồi vậy. Quả thật từ khi nhìn thấy các Thiên nữ về sau ông đã tịnh tâm tu hành để đạt đến mục đích tối thượng của đời xuất gia, nhờ vậy mà nay ông đã kỳ sở nguyện.
Dứt lời, Đức Thế Tôn xướng lên hai bài kệ sau đây:
“Yathā’gāraṃ ducchannaṃ,
Vuṭṭhi samativijjhati;
Evaṃ abhāvitaṃ cittaṃ,
Rāgo samativijjhati”.
“Yathā’gāraṃ succhannaṃ,
Vuṭṭhi na samativijjhati;
Evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ,
Rāgo na samativijjhati”.
“Mái thưa mưa thấm dột lần.
Tâm không tu luyện dục tham lọt vào.
Mái dầy ngăn giọt mưa rào,
Tâm tu luyện kỹ, tham nào lọt vô”.
CHÚ GIẢI:
Chữ Agāraṃ trên đây nghĩa là gian nhà, bất cứ là nhà nào.
Ducchannaṃ: nghĩa là che lợp thưa thớt trống trải (Viralacchannaṃ) có nhiều kẽ hoặc lỗ hở (chiddāvacchaddaṃ) Samativijjhati (dột): là nước mưa xuyên qua được.
Abhāvitaṃ (không tu luyện): ví như giang nhà mái lợp thưa trống thì nước mưa dột được. Tâm người không tu luyện bằng thiền định thì tham dục mới có thể lọt vào, chẳng phải hoàn toàn chỉ có tham dục mà thôi. Ngoài ra còn có nhiều thứ phiền não khác nữa như sân hận, si mê, ngã mạn… dễ xâm chiếm được cái tâm không tu luyện ấy.
Subhāvita (tu luyện kỹ): là tu luyện đúng bằng thiền Chỉ quán (samatha vipassanā bhāvanāni). Tâm được tu luyện đúng đắn kỹ càng như thế, thì các thứ phiền não nhất là tham dục (rāga) không thể lọt vào, y như gian nhà mái lợp đầy đặn kín đáo, thì nước mưa không thể dột được như vậy. Khi bài kệ vừa chấm dứt, nhiều vị Tỳ khưu đắc quả Nhập Lưu, đại chúng cũng hưởng được sự lợi ích nhờ nghe thời pháp của Đức Bổn Sư. Kế đó, chư Tăng tụ tập trong giảng đường (Dhammasabhāyaṃ) tiếp tục bình luận về câu chuyện vừa qua.
– Nầy các sư hữu! Chư Phật quả thực là oai lực phi thường. Như Đại đức Nanda đã chán đời phạm hạnh vì si tình công chúa Kalyāṇī. Thế mà Đức Thế Tôn đã khéo áp dụng miếng mồi Thiên nữ để giáo hóa và thuyết phục khiến cho ông trở nên con người tốt, dễ dạy (Vinīto).
Đức Thế Tôn ngự trở vào giảng đường và phán hỏi:
– Nầy các Tỳ khưu! Đây không phải là mới lần đầu tiên mà Nanda được cả hóa bằng miếng mồi nữ sắc đâu. Chuyện nầy đã từng xảy ra trong tiền kiếp của ông ta y như thế rồi.
Chư Tăng nghe đến đây, liền thỉnh cầu Đức Thế Tôn dẫn tích tiền thân, Ngài bèn nhắc lại cổ tích như sau:
Thưở xưa, trong thành Bārāṇasī, dưới triều quốc vương Brahmadatta, có một người lái buôn tên là Kappaka.
Ông Kappaka có nuôi một con lừa để kéo xe, chở đồ gốm, mỗi ngày đi được bảy do tuần.
Một lúc nọ ông lái buôn chất đầy hàng hóa lên xe cho con lừa kéo đi đến thành Takkasilā. Đến nơi ông dừng xe lại bán hàng và thả lừa ra cho nó đi kiếm ăn tự do.
Trong lúc lang thang dọc theo bờ mương bên đường, lừa ta chợt thấy một nữ lưu đồng chủng, bèn mon men đến gần đó để làm quen.
Cô lừa thân mật chào mừng khách lạ đường xa, rồi hỏi rằng:
– Nầy anh lừa! Anh ở đâu lại đây vậy?
– Anh ở thành Bārāṇasī.
– Anh lại đây làm chi vậy?
– Lại để buôn bán em à.
– Anh chở hàng gì vậy anh?
– Anh chở đồ gốm.
– Kéo một xe đồ nặng anh đi được bao nhiêu do tuần?
– Anh đi được bảy do tuần em ạ.
– Tới chỗ nghỉ ngơi có ai bóp cẳng đấm lưng cho anh không?
– Chà nếu vậy thì đời anh chẳng những là cực khổ nhọc nhằn mà còn quạnh quẽ cô đơn lắm vậy.
(Dĩ nhiên súc vật thì chẳng hề có ai bóp cẳng, đấm lưng bao giờ, nhưng cô lừa nói như vậy là để lấy lòng bạn mới, hy vọng có thể thắt chặt mối tình sơ giao).
Chú lừa bị ảnh hưởng cuộc gặp gỡ qua đường, từ đó bỗng nhiên sanh tâm bất mãn.
Khi người lái buôn bán hàng xong, định thu xếp trở về, quay lại thấy con lừa bèn bảo nó:
– Lừa ơi! Ta hãy lên đường.
– Ông cứ đi đi, tôi không đi đâu hết.
Người chủ lừa dùng lời dịu ngọt vỗ về khuyên bảo con vật của mình nhiều lần, không thấy kết quả mới tính thầm rằng:
– Nó không chịu đi thì ta hăm cho nó sợ mới được.
Nghĩ rồi ông Kappaka ngâm kệ:
“Patodante karissāmi,
Soḷasaṅgulikaṇtakaṃ;
Sañchindissāmi te kāyaṃ,
Evaṃ jānāhi gadrabhāti”.
“Ta sẽ làm đót nhọn,
Mũi dài mười sáu phân.
Đâm lủng nát thây lừa,
Biết thân thì lựa chọn”.
Lừa nghe xong, đáp trả lại ngay: “Nếu quả như thế, lừa nầy cũng biết cách đối phó với ông vậy”. Nói rồi lừa cũng kệ rằng:
“Patodante karissāmi,
Soḷasaṅgulikaṇtakaṃ;
Purato patiṭṭhahitvāna,
Uddharitvāna pacchato;
Bhaṇḍaṃ te pātayissāmi,
Evaṃ jānāhi kappakāti”…
“Ông cứ làm đót nhọn,
Mũi dài mười sáu ngón.
Cẳng trước tôi đứng yên,
Giò sau tôi búng gọn.
Liệu hồn, đừng xăm xỏn…”.
Ông Kappaka nghe con lừa của mình trả lời trịch thượng như vậy, thì tự hỏi thầm: “Do đâu mà hắn dám hổn xược với ta như thế?”.
Đưa mắt nhìn quanh, ông trông thấy con lừa cái tơ, mới chợt hiểu rằng: “À! Hèn gì hắn ta dám giở giọng bướng bỉnh. Chắc con lừa cái nầy đã dạy hắn ta những điều học ấy. Được rồi, để ta bảo với hắn: Lừa ơi! Ta sẽ kiếm cho ngươi một con vợ hình dung giống y như con kia, ta phải dùng miếng mồi nữ sắc để câu nhử mà sai khiến nó đi mới được”.
Nghĩ diệu kế, ông Kappaka ngâm kệ hứa với lừa rằng:
“Catuppadiṃ saṅkhamukhiṃ,
Nāriṃ sabbaṅgasobhiniṃ;
Bhariyaṃ te ānayissāmi,
Evaṃ jānāhi gadrabhāti”.
“Một kiều nữ tứ túc,
Mặt ngọc, dáng ngoại mục.
Ta sẽ cưới cho lừa,
Mặt dạ đẹp lòng chưa?”.
Nghe chủ hứa như vậy, lừa ta vui mừng khấp khởi bèn kệ đáp rằng:
“Catuppadiṃ saṅkhamukhiṃ,
Nāriṃ sabbaṅgasobhiniṃ;
Bhariyaṃ me ānayissasi,
Evaṃ jānāhi kappaka;
Kappaka bhiyyo gamissāmi,
Yojanāni catuddasāti”.
“Một kiều nữ tứ túc,
Mặt ngọc dáng ngoạn mục.
Nếu ông cưới cho lừa,
Lừa nguyện sẽ tiếp tục.
Kéo xe nặng đàng xa,
Mười bốn dặm mỗi lúc”.
Thấy êm rồi, ông Kappaka gọi con lừa:
– Thôi mau lại đây đi con.
Nắm được con lừa, ông dắt nó bắt kê vào xe, đánh về chốn cũ. Về nhà được vài hôm, con lừa nhắc chủ nó rằng:
– Thưa ông! Ông có nhớ lời hứa sẽ kiếm vợ cho lừa hay chăng?
Ông lái buôn đáp: “Ừ ta nhớ và ta sẽ giữ lời hứa. Ta sẽ lo kiếm vợ cho lừa, nhưng ta giao trước: Ta chỉ chạy ăn cho mỗi mình lừa thôi. Khi có vợ, lừa phải tự liệu san sẻ phần ăn với vợ, khi có đôi bạn rồi thì sẽ có con đàn con lũ. Chừng ấy chúng bây hãy tự tiện liệu mà chia sớt vật thực cho nhau, đó là chuyện riêng của chúng bây”.
Nghe ông Kappaka trình bày cặn kẽ như vậy, con lừa mất hết hi vọng, không còn ước mong có đôi bạn nữa.
Đức Bổn Sư thuyết tích đến đây bèn kết luận rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Con lừa cái kia xưa nay là công chúa Kaḷyānī, con lừa đực nay là Tỳ khưu Nanda, còn ông lái buôn Kappaka nay chính là Như Lai vậy.
Ấy, từ quá khứ Nanda đã từng được Như lai giáo hóa (Vinīto) bằng cách dùng mồi nữ sắc để thuyết phục.
Dịch Giả Cẩn Đề
Một đấng quân vương nặng chữ tình,
Nan Đà hạnh đắc quả Vô sanh!
Áo vua bỏ lại gìn y bát,
Tay vợ lìa ra giữ kệ kinh!
Chẳng thiết hoa khôi hiền thế tục,
Không ham ngọc nữ chốn thiên đình!
Nương cùng Chánh Giác hành chơn đạo,
Như thuở còn mang khổ nhục hình!
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC NANDA