Nội Dung Chính
ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
LỜI GIỚI THIỆU
VỊ TRÍ CỦA HÀNG ĐỆ TỬ TRONG ĐẠO PHẬT
Trong vai trò khai sáng một đạo giáo, Đức Phật không hề tự cho mình là đấng tiên tri linh thiêng, bậc cứu rỗi quyền năng, hay hiện thân của một vị thần thánh nào. Trong khuôn khổ Giáo Pháp mà Ngài giảng dạy, chức năng đặc biệt của Đức Phật là chức năng của một người thầy, của một vị đạo sư chỉ cho chúng ta con đường tiến đến giải thoát rốt ráo. Trong Giáo Pháp của thời kỳ xa xưa nhất, như được trình bày trong kinh tạng Pāli, không có sự khác biệt căn bản nào giữa mục tiêu mà chính Đức Phật đạt được và mục tiêu mà các hàng đệ tử nhắm đến. Vì cả Ngài và các đệ tử đều có chung một cứu cánh là Niết bàn (Nibbāna), sự giải thoát viên mãn của tâm thức ra khỏi tất cả mọi ràng buộc, và do đó là sự giải thoát khỏi vòng luân hồi vô tận saṁsāra.
Những khác biệt giữa Đức Phật và hàng đệ tử của Ngài trước hết là ở thứ tự thời gian sự giác ngộ xảy ra, và sau đó là ở những phẩm hạnh riêng biệt mà các vị đạt được trên con đường đưa đến giác ngộ. Về phương diện thứ lớp thời gian thì Đức Phật là người đầu tiên khám phá ra lại con đường đưa đến Niết bàn, và các đệ tử của Ngài bước theo con đường này dưới sự giảng dạy và hướng dẫn của Ngài để cuối cùng thành tựu được đạo quả: “Này chư tỳ khưu, Như Lai là người đầu tiên khai mở ra con đường mà trước đây chưa từng được khai mở, người tạo ra con đường mà trước đây chưa từng được tạo ra, người tuyên bố con đường trước đây chưa từng được tuyên bố. Như Lai là người hiểu biết rõ con đường, người sáng lập con đường, tinh thông và thành thạo về con đường. Và giờ đây thì hàng đệ tử của Như Lai đang bước đi trên con đường ấy, và sở hữu con đường ấy. Này chư tỳ khưu, đó là sự phân biệt, sự khác biệt giữa Như Lai, bậc A-la-hán Toàn Giác, và một vị tỳ khưu được giải thoát bằng trí tuệ” (SN 22:58).
Về phương diện phẩm hạnh cá nhân, Đức Phật là vị Thầy giác ngộ viên mãn (satthā), sáng lập ra cả một hệ thống giáo lý (sāsana) nên Ngài sở hữu vô số tài năng và tư chất vô song mà các vị đệ tử của Ngài không thể nào sánh được. Bằng những khả năng siêu việt đó, Đức Thế Tôn mới có thể hoàn thành được sứ mạng hộ trì chúng sanh trong tam giới vô biên thoát khỏi vòng sanh tử khổ đau.
Mục tiêu của Đức Phật khi lần đầu chuyển Bánh Xe Pháp truyền bá Giáo Pháp là để dẫn dắt các chúng sanh hữu tình đến Niết bàn trong mối liên hệ Thầy trò giữa Ngài và những ai muốn thính pháp. Ngài là một bậc đạo sư toàn giác nên Giáo Pháp của Ngài đòi hỏi một quá trình rèn luyện đặc biệt cho những ai thích hợp và biết tuân thủ lời khuyên dạy của Ngài. Ngay cả đến lúc gần chấm dứt nhiệm vụ hoằng pháp, khi nằm giữa hai cội sāla ở Kusinārā, Ngài cũng còn tuyên dạy rằng: “Cách vinh danh Như Lai, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, một cách cao quý nhất không phải bằng sự lễ kính hay cúng dường mà là bằng nỗ lực hành trì Giáo Pháp miên mật và hết lòng” (DN 16).
Những ai nhận Đức Phật là Thầy và quyết tâm bước theo dấu chân Ngài được gọi là đệ tử của Ngài (sāvaka), bao gồm hàng xuất gia và hàng cư sĩ. Do đó, toàn thể hàng đệ tử của Đức Bổn Sư thường được gọi là tứ chúng: tỳ khưu (bhikkhu), tỳ khưu ni (bhikkhunī), cận sự nam (upāsaka), và cận sự nữ (upāsikā).
HAI HẠNG ĐỆ TỬ
Các đệ tử Đức Phật thường được phân biệt thành hai thành phần: phàm đệ tử và thánh đệ tử. Sự khác biệt này không căn cứ ở đời sống và hình thức tu tập bên ngoài mà chính yếu là ở các trạng thái tâm linh bên trong các vị ấy. Vì tất cả các kinh nghiệm cảm nhận được trong cõi luân hồi đều có tính vô thường, khổ não và vô ngã, nên cứu cánh tối thượng của Phật giáo là phải thoát ra khỏi các vòng xiềng xích trói buộc chúng sanh vào các hệ lụy chằng chịt của cõi thế gian mờ mịt khó định hướng này, hoặc ít nhất tránh khỏi tái sanh vào các cảnh giới thấp kém hơn.
Đó cũng là cứu cánh tối thượng mà Đức Phật đã đề ra cho chính mình và hàng đệ tử phải đạt được. Đại đa số đệ tử của Đức Phật đều còn là phàm nhân, chưa thể thành tựu được mục tiêu cao cả này mặc dù đã phát tâm quy y Tam Bảo, cố gắng thực hành Giáo Pháp ở nhiều mức độ khác nhau. Họ chưa thể tự mình thực chứng Giáo Pháp, chưa tẩy sạch ô nhiễm trong tâm, chưa bước được vào dòng giải thoát rốt ráo (nhập lưu).
Trái lại với các đệ tử phàm nhân này là hàng thánh đệ tử (ariya sāvaka) đã vượt lên trên đời thế tục, đạt đến mức bất thối chuyển và chắc chắn sẽ thành tựu quả vị giải thoát trong nhiều nhất là bảy kiếp nữa. Họ là những vị đã thanh lọc được các cấu uế trong tâm, từng tầng, từng lớp một, từ thô thiển nhất lên đến mức có cái nhìn thấu suốt về các pháp. Khả năng này thường là do quá trình tu tập tuệ quán (vipassanā- bhāvanā) mà kết quả là sự tận diệt được mọi ô nhiễm ngủ ngầm trong nội tâm, khiến cho hành giả nhận ra tức khắc thực tướng của tất cả các pháp. Đây chính là điểm chấm dứt mọi khổ đau mà Giáo Pháp của Đức Phật hằng chỉ ra để cắt đứt vòng luân hồi vô thủy vô chung.
CÁC ĐẠI ĐỆ TỬ
Sứ mạng đặc biệt nhất của một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác là khám phá lại được và tuyên dạy con đường Niết bàn đã bị mai một sau một khoảng thời gian quá lâu. Theo quan điểm Phật giáo, lịch sử thế giới không phải trải theo một chiều dài thẳng tắp bắt đầu từ thuở tạo thiên lập địa đến ngày tận thế mà là đã trải qua nhiều tiến trình sanh, trụ, hoại, diệt của vô số thế giới trong vô lượng đại kiếp.
Một vị Phật không chỉ khám phá ra lại con đường giác ngộ giải thoát, mà còn có nhiệm vụ thiết lập một hệ thống giáo lý để hỗ trợ cho vô số chúng sanh có cơ hội học hỏi Giáo Pháp và đi theo con đường đến cứu cánh Niết bàn. Để hoàn thành tôn chỉ cao thượng này, mỗi vị Phật thành lập một đoàn thể Tăng già (Sangha), gồm chư tăng ni từ bỏ đời thế tục để có thể cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng xuất gia tu hành phạm hạnh.
Mỗi vị Phật đều công khai ban dạy Giáo Pháp cho tứ chúng để dẫn dắt họ vươn lên dần dần đến các cõi giới cao đẹp hơn. Nhưng đối với những ai chưa đủ phước duyên được bước vào dòng thánh (nhập lưu) thì sự ra đời của một vị Phật hiện tại là một cơ may hy hữu để họ có thể quy y Tam Bảo, bố thí cúng dường, thực hành Giáo Pháp hầu gieo được hột giống lành giúp họ gặp được các vị Phật tương lai.
Trong số đông các đệ tử cao quý, mỗi vị Phật đều chỉ định một số đệ tử đặc biệt xuất sắc nhất trong mỗi lãnh vực tu hành. Trước hết là hai vị trưởng đệ tử (aggasāvaka) phụ giúp Ngài thực hiện trọng trách hướng dẫn và điều hành Tăng chúng: một vị là đệ nhất về trí tuệ và một vị là đệ nhất về thần thông. Ngoài ra Ngài cũng chỉ định một vị thị giả (upaṭṭhāka) để chăm lo các nhu cầu cá nhân và điều hợp sinh hoạt giao tiếp giữa Bổn Sư và quần chúng bên ngoài.
Trong thời kỳ của Đức Phật Thích Ca Gotama, hai vị trưởng đệ tử là ngài Sāriputta và ngài Moggallāna, còn ngài Ānanda đảm nhận vai trò thị giả.
Ngoài ba nhân vật chính yếu này còn có một số đệ tử, bao gồm trong cả tứ chúng, được Đức Phật đề cao là “Bậc Đệ Nhất” về một phương diện tu tập nào đó. Các vị này đều đã từng có lời phát nguyện mạnh mẽ từ vô lượng kiếp quá khứ và cũng đã trải qua vô số kiếp sống để vun bồi đầy đủ các ba- la-mật – bố thí, giới hạnh, xuất ly, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, chân thật, quyết định, tâm từ và tâm xả.
Kinh điển Nguyên thủy cũng phân hạng ba mức độ chứng đắc: Chánh Đẳng Chánh Giác, Độc Giác, và đệ tử a-la-hán. Muốn viên mãn các quả vị này, vị phát nguyện phải trải qua hằng hà sa số kiếp để vun bồi các ba-la-mật trên. Điều này giải thích tại sao đến thời kỳ Đức Phật Gotama, có nhiều trường hợp chứng đắc thật nhanh chóng và bất ngờ, chẳng hạn chỉ cần nghe qua một vần kệ hay lắng nghe một bài pháp là được chứng đắc a-la-hán, ví dụ như chỉ cần một giọt nước sau cùng đủ làm tràn đầy một bát nước được tích lũy từ một thời gian dài về trước.
VỀ TUYỂN TẬP NÀY
Cuốn sách này là một sưu tập sơ lược tiểu sử của hai mươi bốn vị đệ tử lỗi lạc nhất của Đức Phật. Tuy mục đích của chúng tôi là cung cấp tài liệu trong khuôn khổ giới hạn của cuốn sách, nhưng chủ yếu không chỉ là ghi lại một cách trung thực các dữ kiện, mà hơn thế nữa là để cung cấp nguồn cảm hứng và khai mở cho những ai hết lòng với lý tưởng tâm linh của Phật giáo Nguyên thủy. Dù cho các sự kiện được ghi chép trong kinh điển có thực sự xảy ra như đã được kể hay không, điều đó đối với chúng tôi không quan trọng bằng sự hiểu biết mỗi người chúng ta có được về cách nhìn của cộng đồng Phật giáo thời xa xưa về các nhân vật gương mẫu cho đời sống tâm linh của họ.
Các nguồn tư liệu cung cấp cho tập sách này chính yếu là Tam Tạng mà cốt lõi là Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) gồm bốn bộ: Dīgha Nikāya (Trường Bộ Kinh), Majjhima Nikāya (Trung Bộ Kinh), Saṃyutta Nikāya (Tương Ưng Bộ Kinh), và Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh), đặc biệt là cuốn Etadaggavagga, thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, trong đó Đức Phật liệt kê tám mươi vị đệ tử “Bậc Đệ Nhất”. Ngoài ra, Tạng Kinh còn có tuyển tập Khuddaka Nikāya (Tiểu Bộ Kinh) trong đó đặc biệt có hai tuyển tập Theragāthā (Trưởng Lão Tăng Kệ) và Therīgāthā (Trưởng Lão Ni Kệ) kể về đời tu hành của các đại đệ tử dưới dạng vần kệ. Các bộ kinh nổi tiếng khác như Jātaka (Kinh Bổn Sanh hay Chuyện Tiền Thân Đức Phật), Dhammapada
(Kinh Pháp Cú), cùng các chú giải về những bộ kinh này đều đã góp phần quan trọng trong việc ghi nhận lại chân dung các vị đại đệ tử lỗi lạc cùng giải thích mối liên hệ lâu dài giữa họ và Đức Phật qua nhiều đời nhiều kiếp.
Tóm lại tuyển tập này phần lớn được dựa trên các tài liệu Phật giáo Nguyên thủy nên có thể mang đến nhiều lợi lạc hơn nếu người đọc có mục đích tìm nguồn cảm hứng tu tập từ các nhân vật điển hình trong kinh điển. Do đó không nên đọc sách này như đọc tiểu thuyết mà chỉ nên đọc mỗi lần một chương thôi để có thể suy nghiệm về cuộc đời của từng nhân vật cùng tìm hiểu sâu xa những ngụ ý bên trong câu chuyện. Mục đích chính của việc đọc sách này không phải để thưởng thức những giai thoại hấp dẫn và những hình ảnh lý tưởng của một thời xa xưa, mà cốt là để nâng cao tầm nhìn tâm linh của mỗi người chúng ta qua những hình ảnh sống động của các bậc đã viên mãn phẩm hạnh và trí tuệ trong thời kỳ sơ khai của Phật giáo.