ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (XII)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

ISIDĀSĪ – HÀNH TRÌNH TRONG VÒNG LUÂN HỒI

Trong thành Pāṭaliputta, sau này trở thành kinh đô của Vua Asoka, có hai tỳ khưu ni Phật giáo, Isidāsī và Bodhī. Cả hai đều tinh thông Giáo Pháp, chuyên cần hành pháp thiền quán niệm, và đã vượt thoát được mọi ô nhiễm. Một ngày nọ, sau khi trì bình khất thực và thọ thực xong, hai người bạn sa môn ngồi dưới bóng cây, và cuộc đàm luận giữa hai vị ngẫu nhiên dẫn đến chuyện đời riêng.

Vị tỳ khưu ni lớn tuổi hơn, Bodhī, đã trải qua nhiều đau khổ trước khi xuất gia, gia nhập Giáo đoàn nên thắc mắc tại sao người bạn đồng tu trẻ tuổi Isidāsī từ bỏ đời thường để sống đời phạm hạnh khi đang tuổi thanh xuân đầy sức sống. Isidāsī lại có phong cách linh hoạt, tươi vui nên khó thấy được rằng cuộc đời đã thật sự để lại những vết hằn cay đắng. Vậy như thế nào khổ đau trần thế đã hiển lộ và thúc đẩy Isidāsī dấn thân vào nếp sống xuất gia?

Isidāsī cao quý và khả ái
Tuổi xuân chưa đến lúc phai tàn,
Thấy bất toàn nào trong cuộc sống
Khiến em theo hạnh nguyện xuất gia?
(Thig. 403)

Isidāsī thuật chuyện đời mình. Cô sanh trưởng ở miền nam, tại kinh thành Ujjeni của xứ Avantī, con gái yêu quý duy nhất của một thị dân giàu có. Một người bạn của cha cô, cũng là một đại thương gia, hỏi cưới Isidāsī cho con trai mình. Cha cô vui vẻ chấp thuận. Isidāsī là một thiếu nữ đoan trang, nền nếp. Cô hiếu thảo kính trọng cha mẹ ruột như thế nào thì cũng đối xử với cha mẹ chồng như thế, và luôn luôn hành xử với cung cách ân cần, hòa nhã, khiêm cung với họ hàng chồng. Cô còn là một nội trợ khéo léo, chu đáo, tự tay nấu nướng, phục vụ cho chồng với tất cả lòng trân quý thay vì giao việc cho tôi tớ.

Tôi tự nấu dọn cơm,
Tôi tự rửa chén dĩa.
Tôi hết lòng hầu chồng
Như mẹ chăm con một.

Phục vụ không ai sánh,
Khiêm cung hầu hạ chồng;
Siêng năng và đức hạnh,
Nhưng chồng vẫn ghét tôi.
(Thig. 412-413)

Isidāsī quả là một người vợ lý tưởng, một báu vật trong xã hội Ấn Độ bấy giờ, và chồng cô lẽ ra phải vui mừng tìm được một người bạn đời tuyệt vời như vậy. Thế nhưng, lạ lùng thay, chồng cô không thể chịu đựng cô được, và đến than phiền với cha mẹ. Cha mẹ chồng đều mến yêu ca tụng đức hạnh của con dâu, nên họ vô cùng ngạc nhiên bối rối, không hiểu vì sao con trai lại chán ghét cô. Anh giải thích rằng cô không làm điều gì xúc phạm đến anh, nhưng anh bỗng vô cớ ghét cô thậm tệ, thấy chán ngán, không chịu nổi cô nữa, và sẵn sàng lặng lẽ bỏ nhà ra đi để khỏi nhìn thấy cô nữa (Thig. 414-416).

Cha mẹ chồng rất tức giận và không sao hiểu được con mình. Nghĩ rằng có lẽ con mình có điều gì thầm kín không nói lên được nên họ gọi Isidāsī đến, buồn bã thuật lại cớ sự, và năn nỉ cô kể cho họ nghe những gì cô đã làm, với hy vọng hóa giải được rạn nứt của đôi lứa. Nhưng cô chân thật trình bày: 

Con không làm gì sai,
Không xúc phạm, mưu hại,
Không nói lời khiếm nhã.
Vì sao chồng ghét con?
(Thig. 418)

Thật vậy, không có gì sai trái đã xảy ra. Cả chồng cô cũng không biết được nguyên nhân anh chán ghét cô. Không cứu chữa được tình thế, cuối cùng vì không muốn mất đứa con trai, cha mẹ chồng không có chọn lựa nào khác ngoài hoàn trả Isidāsī về lại nhà cha mẹ ruột. Một người thiếu nữ gương mẫu lý tưởng như vậy, họ nghĩ, rồi chắc chắn sẽ tìm được một người chồng có thể mang lại được hạnh phúc cho mình. Bị trả về cha mẹ ruột như một người vợ bị chê bỏ, cô sửng sốt đau khổ:

Bị chê bỏ, đắm chìm trong tủi hổ,
Họ trả ta về lại với mẹ cha.
Và họ nói: “Để vỗ về con ruột,
Đành phải mất vị nữ thần phước báu.”
(Thig. 419)

Cha Isidāsī đành nhận con gái về, bảo bọc và bắt đầu kiếm một tấm chồng khác cho con. Ông tìm được một người đàn ông đạo đức giàu có, sẵn sàng chịu phân nửa tốn phí đám cưới. Nhưng mặc dù hết lòng cung phụng thương yêu người chồng mới này, chỉ trong vòng một tháng, sự việc lại xảy ra giống hệt như lần hôn nhân trước. Kết cuộc cô cũng bị trả về nhà cha mẹ, và lần này cả hai cha con thật vô cùng sững sờ bối rối.

Sau đó, ngày nọ có một đạo sĩ đến nhà họ khất thực. Vị khất sĩ tỏ vẻ không mấy vui lòng với nếp sống tu hành kham khổ. Bỗng nhiên cha Isidāsī nảy ra một ý định bất ngờ là muốn gả con gái cho vị này. Người cha đề nghị vị khất sĩ xả y bỏ bát, và bắt đầu một cuộc sống đời thường đầy đủ tiện nghi, với một ngôi nhà sang trọng và người vợ trẻ xinh đẹp nết na Isidāsī. Vị tu sĩ sẵn sàng chấp nhận đề nghị ngoài sức mong cầu viển vông nhất của mình. Nhưng rồi chỉ vỏn vẹn sau hai tuần, ông ta đến nhà cha mẹ vợ và cầu xin được hoàn trả lại y bát: ông thà chịu đói khổ với đời khất sĩ, còn hơn phải chung sống thêm một ngày với Isidāsī. Mặc dù gia đình cô hết lời năn nỉ, và chính ông cũng không hiểu vì sao không thể sống cùng mái nhà với người vợ hiền lý tưởng, nhưng ông vẫn nhất định bỏ đi.
Isidāsī cực kỳ đau khổ ê chề và nghĩ đến việc quyên sinh để khỏi phải tiếp tục chịu đựng.

Ngay trong ngày ấy, nhân duyên đưa đẩy, một vị nữ khất sĩ đệ tử Đức Phật tên Jinadattā đến nhà khất thực. Nhìn nét mặt an nhiên thanh thoát của vị tỳ khưu ni, Isidāsī nghĩ cô nên đi theo con đường xuất gia tu hành. Cô bày tỏ ước nguyện, nhưng cha cô không muốn mất đứa con gái duy nhất. Ông thuyết phục con nên ở nhà làm việc công đức để vun bồi cho phước báu tương lai. Nhưng cô khóc và năn nỉ cha, bởi đến lúc này cô đã nhận ra được rằng số phận nghiệt ngã không thể hiểu được của mình chắc chắn phải do một nguyên nhân sâu xa nào đó, một bất thiện nghiệp đã tạo trong kiếp quá khứ. Cuối cùng người cha đau khổ phải nhượng bộ:

Rồi cha nói với ta:
“Hãy chứng đắc Niết bàn,
Quả giác ngộ tối thắng,
Bậc Vô Thượng đã chứng.”
(Thig. 432)

Thế là Isidāsī giã từ cha mẹ và thân bằng quyến thuộc, theo chân vị nữ khất sĩ đến ni viện xin xuất gia với Đức Phật.

Sau khi thọ giới, Isidāsī nỗ lực tinh cần tu tập suốt bảy ngày, và cuối tuần đó, vị tỳ khưu ni chứng đắc tam minh – nhớ lại vô lượng kiếp quá khứ (túc mạng minh), thấy được sự chết và tái sanh của chúng sanh (thiên nhãn minh), thấy được sự hoại diệt của mọi ô nhiễm phiền não (lậu tận minh). Qua túc mạng minh, Isidāsī thấy rõ các tiền kiếp của mình và tìm được nguyên nhân tiềm ẩn của những lần hôn nhân bị đổ vỡ trong đời này, và nhiều điều khác nữa bị che kín dưới vô minh dày đặc trong vòng luân hồi.

Isidāsī thấy được cách đây tám kiếp, mình là một người nam làm thợ kim hoàn, giàu có, đẹp trai, đầy sức quyến rũ của tuổi trẻ. Dùng vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài, người thợ kim hoàn táo bạo này cám dỗ vợ của người khác, bất kể phẩm hạnh và đạo đức. Như bướm đùa hoa từ đóa này sang đóa khác, anh chỉ thích tận hưởng những hứng thú của sự chinh phục và khoái lạc, không hề nghĩ đến bổn phận, trách nhiệm trong tình yêu. Anh thích đổi thay vì nó gây hứng khởi, và không bao giờ nghĩ đến sự tan nát của bao nhiêu trái tim hay bao nhiêu gia đình do tâm tánh của mình. Hậu quả là anh phải tái sanh vào địa ngục trong một thời gian dài, rất dài, để chịu đau khổ ngàn lần hơn những gì anh đã gây ra cho bao người khác.

Sau khi chịu hình phạt ở địa ngục do nghiệp lực oán hận từ những phụ nữ anh đã quyến rũ rồi ruồng rẫy và những người chồng bị phản bội anh đã khinh miệt, anh phải lang thang vô định trong vòng luân hồi saṁsāra. Do vẫn còn mang trong tâm thức những tham dục đầy thú tính, anh đầu thai vào hình tướng súc sanh làm con khỉ. Chỉ bẩy ngày sau khi ra đời, chú khỉ con này bị con khỉ đực đầu đàn cắn đứt lìa bộ phận sinh dục để phòng ngừa kẻ tình địch trong tương lai:

Bảy ngày sau khi sanh
Ta bị khỉ chúa thiến.
Đây là quả của nghiệp
Quyến rũ vợ người khác.
(Thig. 437)

Hết kiếp khỉ, anh tái sanh vào kiếp cừu, con của một cừu cái què và chỉ có một mắt. Nó cũng bị thiến, không thỏa mãn được dục tính, sống mười hai năm đau đớn lất lây vì bệnh hoạn và lao động vất vả.

Trong kiếp súc sanh thứ ba anh làm bò đực, cũng bị thiến, mù lòa, và phải cày bừa nặng nhọc suốt cả năm, vô cùng cực khổ. Làm việc vất vả là điều người thợ kim hoàn vô hạnh đã luôn luôn lẩn tránh, nay là điều anh không thể thoát khỏi.

Kiếp kế tiếp được trở lại làm người nhưng anh tái sanh làm con của một người nô lệ nghèo khổ, trong thân bán nam bán nữ, chịu đày đọa bởi ham muốn của cả hai giới tính mà luôn luôn phải bất toại. Anh sống trong đau khổ của kẻ bị xã hội xa lánh, ruồng rẫy như thế suốt ba mươi năm rồi qua đời.

Trong kiếp tái sanh kế tiếp, anh tái sanh thành thân nữ – đối tượng cho luyến ái dục vọng của anh trong kiếp xưa. Thật vậy, tham ái đã biến anh thành cái anh hằng tham ái. Sanh ra trong một gia đình hạ tiện nợ nần chồng chất, cô gái này phải trả nợ thay cha bằng cách làm nô lệ cho một thương gia giàu có. Khi cô lên mười sáu tuổi, và là một thiếu nữ trinh bạch quyến rũ, con trai của người thương gia đem lòng yêu thương và lấy cô làm vợ thứ. Người chồng này đang sống hạnh phúc với người vợ chánh khả kính, đức hạnh, hết mực thương yêu chồng. Người vợ chánh đau khổ và cảm thấy bị ruồng rẫy khi chồng lấy thêm người vợ thứ hai. Quyết chiếm giữ địa vị mới trong gia đình giàu có của chồng, người vợ thứ này thi hành đủ mọi kế độc để gieo mầm mống chia rẽ giữa vợ chồng, gây chia cách và oan trái, đến cuối cùng người vợ chánh phải đau khổ ra đi (Thig. 443-446).

Sau kiếp sống với duyên lành được làm người mà cô đã lầm lạc bỏ qua những cơ hội tốt đẹp để hành thiện nghiệp, cô tái sanh và là Isidāsī của kiếp hiện tại. Quả của các bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ đã trả hết, Isidāsī nay là một phụ nữ toàn bích. Nhưng vì trong kiếp vừa qua Isidāsī đã làm cho một người vợ bị xô đuổi ra khỏi nhà và hưởng thụ địa vị của người ấy nên bây giờ phải gánh chịu cảnh đau khổ bị ba người chồng vô cớ liên tiếp chán ghét, ruồng rẫy. Tuy nhiên, do không ứng xử với lòng sân hận và oán thù mà lại luôn luôn nhẫn nhục chịu đựng, Isidāsī vun bồi được tâm tánh nhu hòa và nền tảng đức hạnh. Sau khi xuất gia tu hành, nỗ lực tham thiền nhập định, với căn cơ chín muồi Isidāsī nhanh chóng đạt các tầng thiền định thâm sâu, và nhờ đó xuyên suốt được các bí ẩn trong dòng nghiệp quả của mình.

Một khi đã thấu hiểu được tất cả nhân duyên này, một khi đã trải nghiệm những ác quả của tham ái buông lung và của vị kỷ ngã mạn, trong Isidāsī bừng lên ước nguyện giải thoát khỏi biển khổ sông mê. Isidāsī hiểu được ảnh hưởng của nghiệp lực trong các kiếp sống của chính mình, và với thiên nhãn thanh tịnh, cũng thấy được sự thật này nơi chúng sanh khác. Và như vậy, nỗ lực thực hành để thân chứng Giáo Pháp, cuối cùng Isidāsī đã đạt được tầng giác ngộ thứ ba, quả vị bất lai, không còn trở lại vòng luân hồi nữa. Rồi sau một thời gian Ni sư chứng quả giải thoát cuối cùng của bậc a-la-hán. Trôi lăn nhiều kiếp trong nhiều cõi giới khác nhau, tám kiếp sống đầy dẫy tham sân si, đã quá đủ, quá chán ngán rồi. Giờ đây, vô tham, vô sân, vô si, thật sự giải thoát, Isidāsī có thể thốt lên:

Đây là quả của nghiệp quá khứ,
Nên phục vụ họ như nô tỳ,
Họ ruồng rẫy và vẫn bỏ đi:
Cả điều ấy, ta cũng chấm dứt.
(Thig. 447)

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app