ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (V)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

KISĀGOTAMĪ – NGƯỜI MẸ VỚI CON THƠ ĐÃ CHẾT 

Trong thành Sāvatthi có cô Gotamī, con gái một gia đình nghèo khổ, luôn luôn sống trong khốn khó. Vì cô rất gầy ốm và tiều tụy hốc hác (kisa), mọi người gọi cô là Kisāgotamī, Gotamī Gầy Ốm. Khi nhìn cô đi đây đó, gầy gò và cao lêu khêu, họ không thể hiểu thấu được nội tâm phong phú của cô. Có thể nói rằng:

Vẻ đẹp cô tiềm ẩn ở trong,
Không thể thấy chói sáng ra ngoài.

Với thân phận nghèo khổ và nhan sắc không quyến rũ, Kisāgotamī không thể kiếm được một tấm chồng, và đó là niềm buồn chán sâu kín trong cô. Nhưng bỗng một ngày nọ có một phú thương chọn cô làm vợ, vì người này nhận ra được và trân quý tài sản trong tâm hồn cô, thấy điều đó quan trọng hơn gia cảnh cũng như sắc diện của cô. Nhưng người nhà bên chồng lại coi rẻ cô và đối xử với cô rất tệ bạc. Sự ghét bỏ này làm cô hết sức đau khổ, nhất là khi thấy người chồng yêu quý bị giằng co giữa gia đình và tình vợ chồng.

Nhưng khi Kisāgotamī sanh được một bé trai thì toàn thể gia tộc bên chồng nhìn nhận cô là mẹ của đứa con trai nối dõi tông đường. Bấy giờ cô thật nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân, thật sự hạnh phúc và hoàn toàn toại nguyện. Ngoài tình mẫu tử thông thường, cô còn đặc biệt quyến luyến, dính mắc với đứa con thơ này vì nó là sự bảo đảm cho hạnh phúc hôn nhân và cuộc sống bình an của cô.

Hỡi ôi, hạnh phúc ấy chỉ ngắn ngủi như xây trên ảo ảnh, vì một ngày nọ đột nhiên đứa con trai bé bỏng của cô lâm bệnh và qua đời. Thật là một thảm kịch quá sức chịu đựng cho cô. Cô lo sợ gia đình chồng lại coi rẻ cô, cho rằng cô vì nặng nghiệp nên không thể có con. Rồi dân thành Sāvatthi sẽ đồn đãi: “Kisāgotamī chắc đã làm nhiều điều đại bất thiện nên phải chịu số phận nghiệt ngã như vậy.” Cô càng sợ hãi hơn khi nghĩ rằng người chồng sẽ bỏ rơi mình và cưới vợ khác có gia thế xứng đáng hơn. Tất cả suy tưởng đó cứ dồn dập khuấy động tâm tư, và mây đen như phủ trùm cuộc đời cô. Cô không chấp nhận được rằng đứa con đã chết, tự thuyết phục mình là con chỉ đang đau bệnh thôi và sẽ lành bệnh nếu cô tìm được thuốc hay.

Ôm xác đứa bé trong tay, cô chạy đến hết nhà này sang nhà khác, cầu xin thuốc chữa cho con. Dĩ nhiên mọi người đều nói là thuốc men chỉ vô ích thôi, vì đứa bé đã chết rồi, một sự thật cô không thể nào chấp nhận. Nhiều kẻ khinh miệt, lắm người chế nhạo cô. Nhưng cuối cùng, trong đám đông ích kỷ và vô cảm đó, có một vị thiện trí và nhân hậu hiểu rằng cô đang điên loạn vì quá khổ đau. Vị này khuyên cô nên tìm đến bậc lương y tài giỏi nhất, Đức Phật, Ngài chắc chắn biết cách điều trị.

Kisāgotamī lập tức nghe lời khuyên bảo và gấp rút đến nơi Đức Phật đang trú ngụ, tịnh xá Jetavana. Trong niềm hy vọng mới, với xác con bồng trên tay, cô chạy đến Đức Thế Tôn và van nài:

“Bạch Đức Tôn Sư , xin Ngài ban cho liều thuốc cứu chữa con của con.”

Đức Thế Tôn dịu dàng bảo rằng Ngài biết thuốc chữa, nhưng chính người mẹ phải tự đi tìm thuốc ấy. Cô vui mừng háo hức hỏi thuốc ấy là gì và phải kiếm ở đâu.

“Hạt cải,” câu trả lời của Đức Thế Tôn khiến những ai hiện diện cũng ngạc nhiên.

Kisāgotamī bạch hỏi Thế Tôn cần bao nhiêu và kiếm ở đâu. Đức Phật trả lời:

“Chỉ cần một nhúm hạt cải từ bất cứ ngôi nhà nào chưa hề có ai chết.”

Nghe lời Đức Phật, cô đi vào thành để xin thuốc quý. Đến đâu cũng có hạt cải, và ai cũng sẵn sàng cho người mẹ đau khổ một nhúm. Nhưng không có nhà nào lại không có người chết, nếu không cha mẹ, vợ chồng, con cái thì cũng bà con thân quyến vừa qua đời mới đây, hay được vài tháng, vài năm. Họ còn nói:

“Tính ra số người chết còn nhiều hơn số người sống.”

Mãi đến chiều tối, Kisāgotamī cuối cùng nhận ra rằng cô không phải là người duy nhất phải chịu đau khổ vì cái chết của người thân yêu: đó là lẽ thường của thân phận con người. Những gì trước đây cô không sao hiểu được qua lời lẽ, nay kinh nghiệm bản thân khi đi từ nhà này sang nhà khác đã cho cô thấy rõ được sự thật. Cô đã hiểu được quy luật của sự sống, quy luật của vô thường và sự chết trong vòng sanh tử luân hồi.

Bằng cách đó, đấng Giác Ngộ đã chữa lành ám ảnh mê mờ cho cô và dạy cô chấp nhận sự thật. Kisāgotamī không còn phủ nhận rằng đứa con yêu đã chết: cô hiểu rằng chết là điều không một chúng sanh nào thoát khỏi được.

Đó là những phương cách Đức Phật dùng để chữa lành cho những ai đang bị đau khổ dày vò, đem họ ra khỏi bức màn si mê đang khống chế họ, giúp họ vượt lên trên nhận thức hạn hẹp từ những mất mát cá nhân để thấy rõ được bản chất của các pháp thế gian.

Có lần, một người than khóc vật vã vì cái chết của thân phụ. Đức Thế Tôn hỏi ông đang nghĩ đến người cha nào: người cha của kiếp sống này, kiếp trước, hay kiếp trước nữa. Bởi vì nếu muốn thương tiếc đau buồn, thì cũng nên thương tiếc đau buồn cho cả những người cha các kiếp trước nữa (Pv.8; Jāt. 352). Một lần khác, một người cha đau khổ được Đức Phật thức tỉnh, giảng giải cho ông rằng con trai ông đã tái sanh vào cõi khác, và ông chỉ đang khóc than cho một cái xác trống rỗng (Pv. 12; Jāt. 354).

Sau khi đã vượt lên được nỗi u mê, Kisāgotamī bồng xác con về chôn cất rồi quay trở lại tịnh xá tìm Đức Phật. Ngài hỏi cô đã tìm được hạt cải chưa. Cô thưa rằng chuyện hạt cải thì đã xong rồi, bây giờ cô chỉ xin tìm nơi nương tựa. Đức Phật thốt lên câu kệ sau cho cô:

Người tâm ý đắm say
Với con và gia súc,
Tử thần đến lôi đi
Như lụt trôi làng [đang] ngủ.
(Dhp. 287)

Nhờ tâm được thuần thục trưởng thành do bi kịch thảm khốc vừa qua nên chỉ vừa nghe qua câu kệ, Kisāgotamī đạt được tuệ giác chân đế và chứng đắc quả nhập lưu. Cô xin được xuất gia tu hành. Đức Phật chấp nhận, và gởi cô vào Ni chúng để thọ giới tỳ khưu ni.

Từ đó, Kisāgotamī dành trọn thời giờ học hỏi và thực hành Giáo Pháp. Một buổi tối, đang quan sát ngọn đèn dầu nổ lốp bốp, Ni sư chợt thấy những ngọn lửa xì xèo không ngừng nghỉ đó cũng giống như hiện tượng sống chết liên tục lên xuống trong bể luân hồi.

Đức Phật quán thấy căn cơ Kisāgotamī đã chín muồi để chứng đắc quả vị giác ngộ cao nhất nên hiện đến bên cô và thốt lên câu kệ ngắn:

Dù sống một trăm năm
Không thấy pháp bất tử,
Không bằng sống một ngày
Thấy được pháp bất tử.
(Dhp. 114)

Nghe xong bài kệ này, Kisāgotamī trút bỏ được mọi lậu hoặc và đắc thánh quả giác ngộ a-la-hán.

Trong Trưởng Lão Ni Kệ, Kisāgotamī mô tả niềm hân hoan mà Bổn Sư đã trao truyền đến cho mình và, do đó, hết lời ca ngợi tình thân hữu giữa các bậc thánh nhân cao thượng:

Thế Tôn tán dương cho thế gian
Giá trị tình thân hữu cao quý.
Chỉ thân cận những bạn thánh thiện
Mà kẻ ngu cũng thành người trí.

Nên thân cận với bậc thiện trí,
Nhờ đó được tăng trưởng trí tuệ.
Nhờ thân cận với bậc thiện trí
Sẽ vượt thoát khỏi mọi khổ đau.

Nên hiểu và chứng Bốn Thánh Đế:
Khổ là gì, nguyên nhân của khổ,
Sự đoạn diệt của mọi đau khổ,
Qua sự thực hành Tám Thánh Đạo.

Kisāgotamī hiểu giá trị của tình thân hữu cao thượng từ kinh nghiệm trực tiếp của bản thân, bởi vì Đức Thế Tôn bi mẫn, người bạn cao quý nhất, đã cứu độ Ni sư ra khỏi tất cả đau khổ trong vòng sanh tử luân hồi. Trong các câu kệ về giác ngộ, ghi trong Therīgāthā, Kisāgotamī kể lại nhiều thống khổ khác nhau của người phụ nữ. Chỉ khi nào ta thấu hiểu được tất cả nỗi đau thương của thân phận nữ nhân, mới có thể nhận thức trọn vẹn được lòng tri ân sâu xa của Ni sư đối với Đức Phật, người đã chỉ bày cho Ni sư con đường thoát khổ: 

Bậc Điều Ngự những ai cần thuần phục
Đã nói lên đau thương phận nữ nhân.
Kiếp chồng chung cũng bao niềm thống khổ.
Có bao người chỉ một lần sanh nở,
Trong tuyệt vọng mẹ cắt cổ tự vẫn;
Kẻ yếu đuối thì đành dùng độc dược.
Khi chuyển dạ mà tắc nghẽn bào thai,
Cả mẹ con đều ở trong thảm cảnh.
(Thig. 216-17)

Câu kệ cuối cùng của Kisāgotamī trong Trưởng Lão Ni Kệ không còn là lời than khóc mà là tiếng kêu vang của niềm vui chiến thắng, diễn tả nỗi hân hoan khi tìm được tự do và giải thoát mọi khổ đau: 

Ta đã đi trọn con đường cao quý.
Tám Thánh Đạo đến vô sanh bất tử.
Ta nhìn vào tấm gương Chánh Pháp
Và từ đó ta thân chứng Niết bàn. 

Mũi tên đã rút ra, gánh nặng đã đặt xuống,
Ta đã làm xong những gì cần làm.
Trưởng lão Ni Kisāgotamī thốt lên kệ này
Với tâm thức đã hoàn toàn giải thoát
(Thig. 222-23)

Một số bài kệ của Kisāgotamī cũng được tìm thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh, dưới hình thức đối thoại với Māra. Ngày nọ, Māra đến khuấy rối Kisāgotamī khi Ni sư đang thiền định; đây là cách tiêu khiển của Māra, bất kể giới tính của nạn nhân. Māra chế nhạo Ni sư:

Khi mất đi đứa con trai yêu quý,
Cô có ngồi một mình, mặt đẫm lệ?
Khi đơn độc đi vào chốn rừng sâu,
Phải chăng cô tìm một người đàn ông?

Lúc đó Kisāgotamī ngẫm nghĩ: “Ai thốt ra lời châm chọc này – người hay phi nhân?” Rồi Ni sư chợt biết được: “Ồ, chính là Māra ác độc tội lỗi, kẻ hay nói lời khơi dậy tâm lo sợ, náo động, kinh hoàng trong ta, hòng lôi kéo ta ra khỏi định tâm.” Ni sư bèn trả lời:

Do đó cũng chấm dứt việc tìm kiếm đàn ông.
Ta không sầu khổ, không khóc than bi lụy,
Cũng chẳng còn sợ hãi bạn, hỡi Māra.
Dục lạc khắp nơi đều đã diệt tận,
Màn tối vô minh đã được soi sáng.
Đã chiến thắng đoàn hùng quân Tử thần,
Ta an trú không dấu vết ô trược.
(SN 5:3)

Kisāgotamī gọi Māra là bạn để tỏ tâm vô úy, không sợ hãi, và bình thản. Và Māra, khi biết mình đã bị nhận diện, chỉ còn cách biến mất thôi. Ni sư Kisāgotamī, đã vượt thắng từ thảm kịch của đời mình lên đến thánh quả cao thượng nhất, được Bổn Sư tán thán là vị tỳ khưu ni đệ nhất mặc y thô sơ, một trong các pháp tu khổ hạnh (AN 1:14).

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app