ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG III: ĐẠI CA DIẾP

SAU KHI ĐỨC PHẬT NHẬP DIỆT

Mối liên hệ giữa Mahā Kassapa và Ānanda về sau có liên quan chặt chẽ với vai trò lãnh đạo Tăng già của Kassapa sau khi Đức Phật nhập diệt. Lúc Đức Phật nhập diệt chỉ có mặt hai trong số năm đại đệ tử lỗi lạc nhất: Ānanda và Anuruddha. Sāriputta và Moggallāna đã viên tịch trước đó trong cùng năm, còn Mahā Kassapa cùng một nhóm đông tăng sĩ đang trên đường từ Pāvā đến Kusinārā. Đang ngồi nghỉ mệt ở dọc đường, Kassapa thấy một đạo sĩ lõa thể đi ngang, tay cầm một nhánh hoa mạn-đà-la (mandārava) tương truyền rằng chỉ mọc trên cõi trời. Thấy vậy, ngài biết có điềm bất thường đã xảy ra khi hoa này được tìm thấy ở cõi trần. Ngài hỏi đạo sĩ có nghe tin gì của Thầy mình, Đức Phật Gotama, thì được trả lời:

“Ngài Gotama đã nhập Niết bàn một tuần rồi. Đóa thiên hoa mạn-đà-la này tôi đã nhặt được nơi Ngài nhập diệt.”

Trong số chư tăng đi cùng Kassapa chỉ có các vị a-la-hán giữ vẻ trầm tĩnh và bình thản; các vị khác chưa hoàn toàn đoạn diệt được tham ái thì ngã lăn xuống đất khóc than. Tuy nhiên có một sa môn lớn tuổi tên Subhadda vừa mới xuất gia, thản nhiên bảo các đồng môn: “Đủ rồi, huynh đệ đừng đau khổ, khóc than nữa! Chúng ta nay đã thoát khỏi kiềm chế của Đại Đạo Sư. Chúng ta đã không ngừng gặp rắc rối, bị phiền phức bởi những lời Ngài lập đi lập lại: ‘Điều này phải đạo, điều kia không hợp lẽ.’ Bây giờ chúng ta đã được tự do làm những gì mình thích, và không phải làm những gì không thích nữa.”

Lúc ấy Mahā Kassapa không muốn chỉnh lại các lời lẽ nhẫn tâm ấy vì muốn tránh xung đột trong hoàn cảnh bấy giờ. Nhưng ta sẽ thấy Trưởng lão nhanh chóng giải quyết sự việc này, ngay sau lễ trà tỳ Bổn Sư, khi ngài kêu gọi triệu tập khẩn cấp một hội đồng gồm chư vị trưởng lão nhằm mục đích duy trì Giáo Pháp và Giới Luật cho các thế hệ mai sau. Còn trong lúc này, ngài chỉ khuyên nhắc chư tăng không nên than khóc mà hãy giữ chánh niệm, nhớ rằng tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Rồi ngài cùng chư tăng tiếp tục lên đường đến Kusinārā.Cho đến ngày ấy các vị trưởng làng Kusinārā vẫn không thể nào châm lửa đốt cháy giàn thiêu Đức Phật. Đại đức Anuruddha giải thích đó là vì chư thiên, vô hình nhưng đang hiện diện, dùng thần thông trì hoãn cuộc hỏa táng cho đến khi Đại đức Kassapa về đảnh lễ Bổn Sư lần cuối cùng. Khi Kassapa đến nơi, ngài đi nhiễu quanh giàn thiêu ba vòng, cung kính chắp tay rồi phủ phục cúi đầu dưới chân Đức Phật, đảnh lễ Bổn Sư. Khi đoàn tỳ khưu của ngài cũng cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn như thế xong, giàn thiêu tự bốc cháy.

Lễ trà tỳ chưa chấm dứt thì đã xảy ra tranh chấp về việc phân chia tro cốt di hài của Đức Phật giữa những cư sĩ đang có mặt và những người đã phái sứ giả đến sau. Nhưng Kassapa và các trưởng lão như Anurudha và Ānanda đứng ngoài vụ tranh chấp này. Sau cùng có một vị bà-la-môn khả kính tên Doṇa giải quyết bằng cách chia tro cốt của Đức Phật làm tám phần và phân phát cho tám nhóm thỉnh cầu. Phần Doṇa nhận cái hũ đã được dùng để gom tro cốt của Đức Thế Tôn.

Trưởng lão Kassapa đích thân đem phần tro của Đức Phật về cho Vua Ajātasattu ở Magadha. Làm xong việc đó, lập tức ngài tập trung vào việc lưu tồn di sản tinh thần của Đức Bổn Sư là Giáo Pháp và Giới Luật. Sở dĩ ngài phải khẩn trương làm việc này là do thái độ thách thức của Subhadda đối với kỷ luật tu hành. Kassapa xem đó là một cảnh báo dành sẵn cho tương lai nếu như không lập tức thiết lập giới luật nghiêm ngặt rõ ràng cho Giáo đoàn. Nếu thái độ của ông ta được lan truyền – và đã có một nhóm sa môn cũng ủng hộ kỷ luật lỏng lẻo, không nghiêm minh này ngay cả khi Đức Phật còn tại tiền – thì Giáo Pháp và Tăng già sẽ nhanh chóng bị suy đồi và phá hoại. Để sớm ngăn ngừa hiểm họa này, Kassapa đề nghị triệu tập khẩn cấp một hội nghị gồm chư tăng trưởng lão để trùng tuyên Giáo Pháp và Giới Luật để giữ gìn cho hậu thế.

Ngài Kassapa đưa thỉnh nguyện này đến chư vị tỳ khưu ở Rājagaha. Chư vị chấp thuận và yêu cầu Kassapa tuyển lựa năm trăm vị trưởng lão a-la-hán để tham dự hội nghị. Ngoại lệ duy nhất là Ānanda mà vai trò hết sức phức tạp, gây khó xử. Ngài chưa đạt quả a-la-hán nên không thể được chọn tham dự hội nghị; nhưng ngài lại là thành viên rất trọng yếu vì có trí nhớ phi thường có thể nhớ hết và đọc lại tất cả các bài pháp của Bổn Sư. Giải quyết duy nhất là chuyển giao cho Ānanda một tối hậu thư rằng ngài phải đạt quả vị a-la-hán trước kỳ kết tập kinh điển này. Và ngài đã thành tựu thánh quả tối thượng này ngay trong đêm trước khi hội nghị khai mạc. Như thế, với Ānanda, Hội nghị Tăng già Thứ nhất đã đầy đủ năm trăm vị a-la-hán. Tất cả các vị tỳ khưu khác phải rời khỏi Rājagaha trong thời gian hội nghị tiến hành. Trưởng lão Mahā Kassapa là chủ trì hội nghị và đồng thời là vị vấn đạo sư.

Mục đầu tiên hội nghị đề cập đến là Tạng Luật (Vinaya), được đọc bởi Trưởng lão Upāli, vị từng được Đức Phật tán dương trước đại chúng về giới luật. Sau khi Upāli ôn tụng những giới luật mà Đức Phật đã thiết lập, Trưởng lão Kassapa đặt các câu hỏi chi tiết về chúng. Qua phần trả lời, Upāli nhắc lại địa điểm, thời gian, và nhân duyên của sự thiết lập từng điều luật.

Mục thứ nhì là hệ thống hóa và xếp đặt theo pháp số những giáo lý trong các bộ kinh. Phần này dựa trên tất cả các bài pháp được ngài Ānanda tụng đọc, để trả lời những câu hỏi của vị vấn đạo sư Mahā Kassapa, mà sau này được kết tập lại thành năm Bộ Kinh (Nikāya) của Tạng Kinh (Sutta Piṭaka): Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya), Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya), Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya), và Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya).

Sau cùng, vài vấn đề đặc biệt liên quan đến Tăng già được nêu lên, trong đó Ānanda cho biết rằng Bổn Sư ngay trước khi nhập diệt có cho phép chư tăng bỏ bớt các giới luật nhỏ nhặt, không quan trọng. Khi được hỏi Ānanda có hỏi lại Đức Phật xem đó là các giới luật nào thì ngài thú nhận đã thiếu sót, không hỏi Bổn Sư. Lúc ấy chư vị trưởng lão bày tỏ các ý kiến khác nhau về vấn đề này. Vì không có được sự nhất trí, Mahā Kassapa nhấn mạnh rằng nếu bây giờ chư tăng tự ý hủy bỏ nhiều giới luật, giới cư sĩ và quần chúng sẽ trách chư tăng quá vội vàng buông lỏng giới điều ngay sau khi Bổn Sư nhập diệt. Do đó ngài đề nghị giữ nguyên các giới luật, không có ngoại lệ nào, và hội nghị quyết định theo giải quyết này.

Sau khi chủ trì Hội nghị Tăng già Thứ nhất, thanh thế của Trưởng lão Kassapa ngày càng lớn mạnh và ngài được xem như quyền trưởng, người cha của Tăng già. Tuổi hạ của Ngài cũng góp phần vào vị trí này vì ngài là một trong các đệ tử lão niên cao tuổi nhất còn tại tiền. Sau này, Kassapa truyền bát của Đức Phật cho Ānanda như là một tượng trưng cho sự duy trì Giáo Pháp trung thực nhất. Như vậy Mahā Kassapa, được Giáo đoàn công nhận là vị truyền thừa xứng đáng nhất, phần mình đã chọn Ānanda là người kế tục xứng đáng nhất sau ngài.

Văn học sử Pāli (Nam Phạn) không ghi rõ về ngày giờ và trường hợp ngài Mahā Kassapa nhập diệt. Nhưng một biên niên sử Sanscrit (Bắc Phạn) về “Các Bậc Thầy Của Định Luật Nhân Quả” có kể lại một giai thoại thần kỳ về đoạn cuối của cuộc đời Trưởng lão theo truyền thống Phật giáo Bắc tông.

Theo tài liệu này, sau Hội nghị Kết tập Kinh điển Thứ nhất, Mahā Kassapa thấy mình đã hoàn thành sứ mạng với đạo pháp và quyết định nhập Vô dư Niết bàn. Kassapa trao truyền Giáo Pháp lại cho Ānanda, đảnh lễ các thánh tích lần cuối, rồi đi vào thành Rājagaha. Trưởng lão định sẽ báo cho Vua Ajātasattu về quyết định này, nhưng lúc đó đức vua đang ngủ, và ngài không muốn đánh thức vua. Trưởng lão bèn lặng lẽ leo lên đỉnh núi Kukkaṭapāda một mình, ngồi kiết già trong một hang động, và phát nguyện rằng thân xác của ngài sẽ còn nguyên vẹn cho đến khi Đức Phật tương lai Metteyya (Di Lặc) ra đời. Đức Phật Metteyya chính là vị Phật mà Kassapa sẽ chuyển giao chiếc y vá víu mà Đức Phật Gotama đã ban cho mình trong lần gặp gỡ đầu tiên. Thế rồi Trưởng lão nhập Niết Bàn, hay, theo một nguồn tài liệu khác, Trưởng lão nhập tầng thiền diệt thọ tưởng định (nirodhasamāpatti). Trái đất rung chuyển, chư thiên rải hoa trời trên khắp thân ngài, và ngọn núi trùm phủ ngài lại.

Ngay sau đó, Vua Ajātasattu và ngài Ānanda lên núi Kukkaṭapāda tìm kiếm Trưởng lão Mahā Kassapa. Ngọn núi mở hé một phần, và thân thể ngài hiện ra trước mặt họ. Nhà vua muốn hỏa táng di hài Trưởng lão, nhưng Ānanda bảo rằng phải để thân ngài nguyên vẹn cho đến khi Đức Phật tương lai ra đời. Thế rồi quả núi khép kín lại, và hai vị ra về. Phật giáo Bắc truyền Trung hoa định vị núi Kukkaṭapāda là ở phía Tây Nam Trung Hoa. Nhiều huyền thoại Phật giáo Bắc Tông kể rằng có những nhà sư chí thành, khi đến hành hương tại núi này, đã thoáng thấy được xác ngài Kassapa trong tư thế tọa thiền chờ đợi Đức Phật tương lai đến.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app