ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (XI)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

SIRIMĀ VÀ UTTARĀ

Câu chuyện về Sirimā, được ghi trong các chú giải Pāli, bắt đầu bằng một phụ nữ tên Uttarā, con gái của phú thương Puṇṇa ở Rājagaha. Cả hai cha con đều là thiện tín thuần thành của Đức Phật. Một thương gia giàu có khác tên Sumana, từng là người ân của Puṇṇa, muốn cưới Uttarā cho con trai mình. Puṇṇa lưỡng lự vì biết gia đình bạn gởi lòng tin nơi ngoại đạo tà giáo, trong lúc con gái của ông không thể sống thiếu Tam Bảo. Sumana nhắc nhở Puṇṇa những công ơn đã thọ nhận từ những năm làm việc cho Sumana. Sumana còn thỉnh cầu các bằng hữu cùng giai cấp đến năn nỉ Puṇṇa. Cuối cùng, xúc động vì lời yêu cầu nhiệt thành của những người bạn khả kính, Puṇṇa đành phải nhận lời cầu hôn cho con gái.

Lễ cưới cử hành ngay đầu mùa mưa khi chư tăng an cư nhập hạ ba tháng hằng năm. Về nhà chồng, Uttarā không còn cơ hội được gặp chư tăng ni, nói chi đến việc cúng dường trai tăng hay thính pháp. Trong hai tháng rưỡi đầu, Uttarā chịu đựng sự thiếu thốn này, nhưng sau đó cô gửi cho cha mẹ một bức thư: “Sao cha mẹ lại vứt bỏ con vào cảnh tù đày như thế này? Thà con bị bán thành kẻ nô lệ, còn hơn làm dâu trong một gia đình không hề có đức tin. Suốt thời gian ở đây, con không được phép làm một công đức phước thiện nào cả.”

Puṇṇa vô cùng bất nhẫn khi đọc thư này. Thương xót cho con, ông nghĩ ra một kế để giúp con thực hiện ý nguyện. Ông gửi cho Uttarā mười lăm ngàn đồng vàng kèm theo lời nhắn này: “Sirimā, người kỹ nữ ở thành phố này, đòi trả một ngàn đồng tiền vàng cho một đêm lạc thú với cô. Hãy gởi Sirimā số tiền này để chồng con được tận hưởng hai tuần hoan lạc bên cô ấy, và trong lúc đó con được tự do đi làm bất cứ việc phước thiện nào con muốn.” Uttarā làm theo lời chỉ dẫn này và đem Sirimā về nhà mình. Trông thấy người kỹ nữ xinh đẹp, chồng cô liền sẵn sàng để Sirimā thay thế vợ mình trong hai tuần, và như thế Uttarā được tự do cúng dường và như ý thính pháp.

Đây cũng là hai tuần cuối của mùa an cư nhập hạ. Trong hai tuần này, Uttarā thỉnh cầu Đức Phật và chư tăng hằng ngày đến nhà cô thọ trai. Thấu rõ nhân duyên của tín chủ, với lòng bi mẫn Đức Thế Tôn nhận lời. Và do đó Uttarā được thọ hưởng nhiều hương vị Pháp Bảo.

Trong ngày kế ngày cuối của hai tuần, tức một ngày trước lễ dâng y ra hạ (Kaṭhina), Uttarā tất tả bận rộn chuẩn bị nấu nướng vật thực trong bếp. Nhìn vợ lăng xăng chạy tới chạy lui lo thức ăn, mình mẩy đầy mồ hôi và bồ hóng, người chồng cảm thấy buồn cười, nghĩ vợ mình thật ngu dại: “Cô này quả thật điên khùng, chẳng hề biết hưởng lạc thú tiện nghi. Thay vậy cứ mù quáng chạy đôn chạy đáo, vui vẻ phục dịch gã đạo sĩ trọc đầu này!” Rồi anh ta mỉm cười một mình và bỏ đi.

Cô kỹ nữ Sirimā thấy chàng ta mỉm cười, và Uttarā lại đứng gần đó, bèn nghĩ rằng hai vợ chồng đang tình tứ với nhau. Cảnh ấy khiến cô nổi cơn ghen tức, bởi vì hai tuần qua cô cứ ngỡ mình là nữ chủ nhân của ngôi nhà lớn này, và quên rằng cô chỉ là khách. Cơn tức giận lên đến cực điểm làm Sirimā mất cả lý trí, chỉ muốn làm hại Uttarā. Cô vào bếp múc một vá dầu đang sôi, tiến đến Uttarā. Thấy Sirimā lại gần với vá dầu, Uttarā tự nhủ: “Bạn hiền Sirimā đã giúp đỡ ta thật nhiều. Trái đất quá nhỏ và cõi trời quá thấp so với công đức của bạn hiền, bởi nhờ sự giúp đỡ của bạn mà ta đã có thể cúng dường trai tăng và thính pháp. Giây phút này đây nếu tâm ta có chút mảy may sân hận, hãy để dầu sôi ấy làm ta bị phỏng. Nhưng nếu trong ta không chút oán thù, thì dầu ấy sẽ vô hại, không làm ta bị phỏng.” Và rồi cô rải tâm từ đến Sirimā. Do đại từ tâm này nên lúc Sirimā hắt vá dầu lên đầu cô, dầu chảy xuống vô hại như nước mát.

Sirimā càng điên tiết, múc thêm một vá dầu sôi khác, lòng hy vọng lần này sẽ làm Uttarā bị phỏng. Nhưng chưa kịp hắt dầu lần thứ hai thì Sirimā bị mấy người tớ gái chạy tới ngăn lại, đè xuống sàn, và đánh đá tới tấp. Uttarā cố ngăn họ lại mà không được. Cuối cùng cô phải dùng thân ngăn cản cho Sirimā và khẽ hỏi: “Tại sao cô lại làm việc ác như vậy?” Rồi cô lau mặt và thoa dầu cho cô kỹ nữ. Lúc bấy giờ Sirimā bừng tỉnh, nhớ mình chỉ là khách, và trước cử chỉ nhân từ của Uttarā, Sirimā sụp xuống chân Uttarā, thành tâm xin được tha thứ. Uttarā trả lời:

“Cha tôi còn sanh tiền. Nếu cha tôi tha thứ cho cô, tôi cũng sẽ tha thứ cho cô.”

Nghe vậy, Sirimā nói:

“Tôi sẽ tới gặp cha của bà, vị hội trưởng hội thương gia giàu có, để xin ông tha tội.”

“Puṇṇa là người cha sanh thành, đem tôi vào vòng luân hồi đau khổ. Nếu người cha mang tôi ra khỏi vòng luân hồi đau khổ này tha thứ cho cô, thì tôi cũng sẽ tha thứ.”

“Nhưng ai là người cha mang bà ra khỏi vòng luân hồi đau khổ?”

“Đó là Đức Phật, đấng Toàn Giác.”

“Nhưng tôi không biết vị ấy. Tôi sẽ phải làm gì?”

“Ngày mai Đức Tôn Sư sẽ đến đây, cùng với chư tăng. Cô hãy trở lại đây, mang theo bất cứ phẩm vật nào cô có để cúng dường, và thỉnh cầu Ngài tha thứ.”

Sirimā vui mừng thuận ý và ra về. Cô dặn các người hầu chuẩn bị đủ mọi thứ vật thực và ngày hôm sau đem đến nhà Uttarā. Tuy nhiên, vẫn còn xấu hổ vì hành động sai trái, cô không dám đích thân dâng thức ăn đến chư tăng. Uttarā đứng ra thay cô. Khi chư tăng thọ thực xong, Sirimā quỳ dưới chân Đức Phật, kể sự tình, và xin Ngài tha tội. Đức Phật bảo Uttarā xác nhận mọi việc và hỏi cô đã nghĩ gì khi thấy Sirimā tiến đến định tạt dầu sôi vào cô. Uttarā thưa:

“Bạch Thế Tôn, con rải tâm từ đến cô ấy, và nghĩ rằng ‘Bạn hiền Sirimā đã giúp đỡ ta thật nhiều…’”

“Lành thay Uttarā! Lành thay!” Đức Thế Tôn khen ngợi. “Đó là phương cách đúng để chế ngự sân hận.”

Rồi Ngài nói thêm bài kệ sau:

Lấy vô sân thắng sân,
Lấy thiện thắng bất thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy.
(Dhp. 223)

Rồi Bổn Sư thuyết giảng về Tứ Diệu Đế cho tất cả những ai hiện diện. Cuối bài pháp, Uttarā đắc thánh quả nhất lai. Chồng và cha mẹ chồng, trước đây chưa có đức tin vào Tam Bảo, nhờ chú tâm thành ý thính pháp nên đắc quả nhập lưu.

Sirimā cũng nhập dòng thánh với quả nhập lưu. Không muốn tiếp tục sống đời kỹ nữ, cô phát nguyện phụng sự Tăng già và vun bồi các công đức khác. Cô thỉnh mời tám vị tăng đến nhà thọ trai mỗi ngày. Cô luôn luôn tự tay phục vụ chư tăng, và vật thực lúc nào cũng dồi dào đến nỗi mỗi phần ăn có thể đủ cho ba, bốn người.

Hôm nọ, một trong tám vị sư đã đến thọ thực tại nhà Sirimā trở về tu viện cách đó ba dặm. Khi trở về ông tả lại cho các sa môn khác những món ăn thịnh soạn và ê hề, nhưng vượt lên trên tất cả là vẻ đẹp rực rỡ yêu kiều của nữ thí chủ Sirimā. Chỉ nghe kể như vậy mà một trong các sa môn bỗng đem lòng yêu thương cô say đắm mặc dù chưa hề biết mặt. Sáng hôm sau vị này tìm cách được là một trong tám vị sư khách. Nhưng rủi thay, ngay hôm ấy Sirimā ngã bệnh, cởi bỏ hết trang sức, và nằm liệt giường. Việc trai tăng phải để các tỳ nữ chăm lo. Khi các sư bắt đầu thọ thực, cô nhờ hai người hầu nâng đỡ, cố gắng đứng dậy, nén đau đớn để ra đảnh lễ chư tăng. Cô yếu ớt đến nỗi toàn thân run rẩy. Vị sư tương tư thấy vậy tự nghĩ: “Ngay cả khi bệnh nặng mà Sirimā còn xinh đẹp thế kia!

Tưởng tượng cô còn diễm lệ biết bao nhiêu khi mạnh khỏe và chưng diện trang sức.” Lòng đam mê bị đè nén bấy lâu bỗng bùng lên mạnh mẽ đến nỗi sư không thể ăn uống gì được. Sư cầm lấy bát, thẫn thờ đi về tu viện, đậy bát thức ăn lại rồi nằm vật xuống giường không dậy nổi.

Ngay chiều hôm ấy, Sirimā qua đời. Vua Bimbisāra gởi tin đến Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, em gái của Jīvaka vừa qua đời.” Đức Phật gởi đức vua lời yêu cầu là thi thể cô không được hỏa thiêu ngay mà đặt ở nhà xác, canh giữ sao cho diều quạ và thú vật không đến ăn thịt xác chết được. Vua y lời căn dặn. Ba ngày sau, tử thi bị sình chướng và lúc nhúc dòi bọ, trông như một nồi cơm đang nấu sôi trên lửa với bọt khí nổi lên mặt. Rồi Vua Bimbisāra truyền lệnh tất cả dân cư trưởng thành trong xứ Rājagaha phải sắp hàng đi ngang qua xác để nhìn thấy Sirimā trong tình trạng hiện tại. Ai bất tuân sẽ bị phạt tám đồng tiền vàng. Đức Vua cũng thỉnh mời Đức Phật và chư tăng đến viếng nhà xác.

Nhà sư tương tư nhịn ăn đã bốn ngày, và thức ăn trong bát giờ đây cũng lúc nhúc dòi bọ. Các sư bạn đến viếng sư và nói: “Này đệ, Bổn Sư sắp đến gặp Sirimā.” Vừa nghe tên “Sirimā”, sư bật dậy, quên cả đói mệt, đổ thức ăn cũ và rửa sạch bát, rồi cùng chư tăng đến nhà xác nhìn Sirimā. Nơi ấy, rất đông người đang tụ tập. Đức Phật và chư tăng đứng một bên, kế đó là chư ni, rồi đến nhà vua và triều thần, sau cùng là thiện nam tín nữ.

Đức Thế Tôn hỏi Vua Bimbisāra:

“Này đại vương, đây là ai?”

“Bạch Thế Tôn, đây là em gái của Jīvaka, tên là Sirimā.”

“Đây là Sirimā sao?”

“Thưa phải, bạch Thế Tôn.”

“Vậy hãy gióng trống lên, truyền rằng ai trả một ngàn đồng tiền vàng sẽ được Sirimā.”
Nhưng giờ đây đâu còn ai muốn cô nữa, cả đến giá rẻ hơn, cả đến chỉ một xu, cả đến cho không.

Bấy giờ Đức Phật dạy: “Này chư tỳ khưu, hãy nhìn đây một mỹ nhân hằng được thế gian yêu quý. Trước kia, ngay thành phố này, những người đàn ông đã vui vẻ trả một ngàn đồng tiền vàng đổi lấy chỉ một đêm hoan lạc bên cô. Thế mà giờ đây, chẳng còn ai muốn cô, dù được cho không. Thân xác con người là như thế này đây, dễ hư hoại và mỏng manh, chỉ quyến rũ qua lớp son phấn y trang, một khối thương tật bất tịnh với chín lỗ hở, chắp nối với nhau bằng ba trăm đốt xương, suốt kiếp là một gánh nặng triền miên. Chỉ những kẻ thiểu trí mới đắm mê vào những trò hư ảo, chóng tàn hoại này.” Và Ngài kết luận:

Nhìn túi da từng đẹp,
Chứa thương tích, bệnh tật,
Đối tượng của luyến ái,
Thật không chút chắc bền.
(Dhp. 147)

Sau khi nghe Bổn Sư ban cho bài pháp “điếu văn” thực tiễn này, vị sư tương tư vượt thoát được si mê lầm lạc. Chú tâm quán niệm xuyên thấu các hiện tượng thân vừa trải nghiệm, tâm được an định và sáng tỏ đạt tuệ giác, sư thành tựu tuệ giác minh sát và đắc quả giải thoát a-la-hán.

Sirimā lúc đó cũng tham dự tang lễ của chính mình. Ngay sau khi chết, cô đã tái sanh lên cõi trời Tam thập tam. Nhìn xuống thế gian, cô nhìn thấy Đức Phật và chư tăng ni cùng thị dân đang tập hợp quanh xác cô. Trong hào quang rực rỡ, cô cùng năm trăm tiên nữ bước xuống trần gian đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Đại đức Vaṅgīsa, đệ nhất thi sĩ trong Giáo đoàn, chào đón cô bằng thi kệ, hỏi cô từ đâu tới và thiện nghiệp nào đã đưa cô đến thành tựu cao cả này. Sirimā cũng trả lời bằng thi kệ:

Trong thành phố tráng lệ, giữa núi đồi kia,
Tôi là thiên nữ của Thiên chủ quang minh.
Tôi được rèn luyện tuyệt kỹ về ca múa.
Ở Rājagaha, xưa họ gọi tôi Sirimā.

Đức Thế Tôn, đấng Toàn Giác, bậc Tôn Sư,
Đã dạy tôi nhân duyên, đau khổ, vô thường;
Pháp khổ diệt, đoạn tận ràng buộc khổ đau;
Và con đường chân đế, bất thối, cao quý.

Đã được nghe về pháp bất tử vô sanh
Qua Giáo Pháp của Đức Như Lai vô thượng,
Tôi nghiêm trì tuân thủ giới luật vẹn toàn
Thiết lập bởi Đức Phật, bậc Thiên Nhân Sư.

Chứng nghiệm trạng thái bất nhiễm, không điều kiện,
Giảng dạy bởi Đức Như Lai, Vô Thượng Sư,
Ngay nơi ấy tôi đạt được tâm an định:
Đó chính là bảo đảm tối thắng cho tôi.

Đạt được pháp Bất tử, vô thượng, cao quý,
Tôi thấu suốt minh bạch các nghiệp duyên.
Đoạn tận hoài nghi, được nhiều người tôn kính,
Được thọ hưởng bao vui thích và an lạc.

Vậy tôi, thiên nữ, thấy được pháp Bất tử
Nữ đệ tử của Đức Như Lai vô thượng
Thấy được Pháp, thành tựu quả vị đầu tiên,
Một vị nhập lưu, xa lìa mọi khổ cảnh.

Cung kính hướng về đấng Pháp Vương tối thắng,
Con về đây đảnh lễ bậc Vô Thượng Sư,
Và chư tăng đang an trú trong thiện pháp,
Kính lạy chư sa môn cao quý trang nghiêm.

Hoan hỷ biết bao khi trông thấy Tôn Sư,
Thấy Đức Như Lai, bậc Điều Ngự Trượng Phu.
Con kính ngưỡng Thầy, đấng đại bi vô thượng,
Đạo Sư của con đường thuần thiện, đoạn ái.
(Vv. 137-49)

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app