ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VI: MA HA CA CHIÊN DIÊN

GIỚI THIỆU 

Là một bậc đạo sư thiện xảo và đa năng, Đức Phật đã áp dụng nhiều phương cách giảng dạy hữu hiệu khác nhau để trao truyền Giáo Pháp cho các đệ tử. Thường thì Ngài giảng giải lời dạy sâu vào chi tiết (vitthārena). Sau khi nêu câu giới thiệu vắn tắt về đề tài (uddesa), Ngài đi vào phần giải thích cặn kẽ toàn thể chủ đề (niddesa), phân tích từng điểm, nêu rõ các hàm ý, và thỉnh thoảng kèm thêm một tỷ dụ (upamā) để nhấn mạnh ý chính. Cuối cùng, Ngài lập lại phần giới thiệu như là một kết luận (niggamana) đã được chứng minh bằng trọn nội dung vừa phân tích.

Nhưng trong một số trường hợp khác, Đức Phật không giảng dạy vào chi tiết. Thay vào đó, Ngài trình bày Giáo Pháp một cách vắn tắt (saṅkhittena), bằng một câu ngắn gọn, đôi khi khó hiểu, súc tích và chứa đựng ý nghĩa cao sâu. Đây không phải là một hình thức giảng dạy theo lối thông điệp bí truyền. Ngài dùng kỹ thuật này bởi vì đôi khi một lời dạy hàm súc lại có sức tác động chuyển hóa mạnh mẽ vào tâm tư người nghe, hơn một bài diễn giảng nhiều chi tiết.

Mặc dù cách giải thích trực tiếp và tỉ mỉ có thể chuyển tải được nội dung hữu hiệu hơn, nhưng mục đích giảng dạy của Đức Phật không phải để chuyên chở các thông tin, kiến thức mà cốt để dẫn dắt người nghe đến chánh tri kiến, đến tuệ giác cao quý hơn, và sự giải thoát. Vì muốn đảm bảo sự giảng dạy của Ngài đưa đến mục tiêu này, Đức Phật đòi hỏi các đệ tử phải suy tưởng về ý nghĩa lời dạy và rút tỉa được những ngụ ý thâm sâu, bằng cách thường xuyên đặt câu hỏi và có đàm luận giữa thầy và trò, giữa huynh trưởng và chư đệ đồng môn.

Trong khi các lời dạy ngắn gọn có thể vượt ra ngoài tầm hiểu biết của đại đa số chư tăng, những đệ tử trí tuệ sắc bén có khả năng thấu hiểu được ý nghĩa thâm sâu. Khi các phàm tăng không dám yêu cầu Đức Bổn Sư giải thích thêm, họ thường tìm đến các vị trưởng lão mà Đức Thế Tôn đã công nhận là những đệ tử thông hiểu Giáo Pháp để xin được làm sáng tỏ. Nhiệm vụ này vô cùng quan trọng cho Tăng chúng nên Đức Bổn Sư đã thiết lập một phẩm vị riêng biệt trong hàng đệ tử lỗi lạc, gọi là “vị đệ tử đệ nhất trong những vị có khả năng lý giải chi tiết những lời giảng mà Như Lai đã nói vắn tắt” (aggaṃ saṅkhittena bhāsitassa vitthārena atthaṁ vibhajantānaṁ). Vị tỳ khưu mà Đức Phật chỉ định vào phẩm trí này là Đại đức Mahā Kaccāna (AN 1:14).

Sau khi thọ giới xuất gia tỳ khưu, Mahā Kaccāna thường lưu ngụ ở quê nhà Avantī, một vùng xa xôi phía Tây Nam của Trung Ấn, nơi Đức Phật cư ngụ. Vì thế Đại đức ít có dịp ở gần Bổn Sư như các đại đệ tử khác, cũng như ít tham gia các sinh hoạt của Tăng chúng. Tuy nhiên, do trí thức uyên bác, tuệ giác thâm sâu Giáo Pháp, và biện tài vô ngại của ngài, mỗi khi Đại đức tháp tùng Tăng chúng thì chư tăng đều đến thỉnh cầu ngài soi rọi thêm các lời pháp cô đọng, súc tích của Bổn Sư. Một kết tập các bài pháp chiếm vị trí quan trọng của ngài được ghi lại trong kinh tạng Pāli. Những bài pháp này vô cùng chính xác, phân tích khúc chiết, trình bày một cách trong sáng và tinh tế những hàm ý thiết thực của một số lời Phật dạy ngắn gọn, mà nếu không có sự giảng giải của ngài Mahā Kaccāna sẽ vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta.

NGƯỢC DÒNG LUÂN HỒI

Cũng giống như tất cả các vị đại đệ tử khác của Đức Phật, sự vươn lên đến một vị trí cao cả và nổi bật trong Tăng chúng của Mahā Kaccāna là đơm hoa, kết quả của một hạt giống được gieo trồng từ xa xưa trong vòng sanh tử luân hồi saṁsāra, và được vun bồi qua bao kiếp tái sanh.

Sơ đồ tiểu sử của ngài Mahā Kaccāna ghi lại rằng lời phát nguyện đầu tiên của ngài muốn thành một đại đệ tử của Đức Phật đã được thực hiện cách đây cả trăm ngàn đại kiếp, vào thời Đức Phật Padumuttara.

Theo các chú giải, vào thời Đức Phật Padumuttara, Kaccāna tái sanh vào một gia đình giàu có. Một ngày nọ, khi đến viếng tu viện, ông được mục kích Đức Phật khen ngợi một vị tỳ khưu là vị đệ tử bậc nhất về biệt tài giải thích các lời dạy vắn tắt của Bổn Sư. Vị gia trưởng trẻ tuổi vô cùng thán phục và kính ngưỡng vị tỳ khưu này và ước muốn được thành tựu danh vị tương tự trong thời Đức Phật tương lai. Ông mời Đức Thế Tôn và chư tăng đến nhà cúng dường trai tăng trong một tuần, và thốt lời phát nguyện trên. Đức Phật Padumuttara tiên đoán rằng ước nguyện của ông sẽ thành tựu vào thời Đức Phật Gotama (theo chú giải Tăng Chi Bộ Kinh và chú giải Trưởng Lão Tăng Kệ).

Tập Apadāna trong Tiểu Bộ Kinh ghi lại một giai thoại khác về việc này. Vào thời Đức Phật Padumuttara, Kaccāna là một đạo sĩ ẩn tu trong dãy Hy mã lạp sơn. Một ngày nọ, khi đang sử dụng thần thông phi hành trong không trung, ông nhìn thấy Đức Phật đang giảng Giáo Pháp cho đại chúng. Ông bay xuống, đến gần Ngài để nghe thuyết pháp, và được nghe Ngài khen ngợi một vị tỳ khưu là vị đệ tử bậc nhất về biệt tài giảng giải các lời dạy ngắn gọn của Tôn Sư. Lúc ấy vị đạo sĩ quay về Hy mã lạp sơn, hái và kết một bó hoa tươi, rồi lập tức phi hành trở lại nơi Đức Phật thuyết pháp để dâng cúng Ngài. Đó là lúc ông thốt lời phát nguyện được trở thành vị đệ tử tối thắng dưới thời Đức Phật tương lai. Đức Phật Padumuttara tiên đoán rằng ước nguyện của ông sẽ thành tựu vào thời Đức Phật Gotama (Ap.i, 54:1).

Trong những thi kệ của Mahā Kaccāna, ngài kể rằng do phước báu cúng dường đến Đức Phật quá khứ trên mà không khi nào ngài phải đọa sanh vào khổ cảnh, chỉ tái sanh vào cõi trời hay cõi người, và luôn được sanh trưởng trong các dòng dõi cao quý trong xã hội.

Vào thời Đức Phật Kassapa, Kaccāna tái sanh vào một gia đình ở Benares. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Kaccāna cúng dường một viên gạch bằng vàng để xây tháp Đức Phật với lời nguyện: “Bất cứ lúc nào tôi tái sanh, mong cho thân hình tôi luôn có nước da vàng óng của vàng ròng.” Quả nhiên, khi tái sanh vào thời Đức Phật Gotama, thân hình Kaccāna tỏa màu vàng tươi đẹp khiến ai cũng ngưỡng mộ.

 

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app