ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IX: CẤP CÔ ĐỘC

BẰNG HỮU 

Sau khi cư sĩ Anāthapiṇḍika đắc quả vị nhập lưu, ông luôn kiên trì giữ gìn giới luật, thanh lọc tâm, và nỗ lực nâng đỡ tinh thần những người chung quanh. Vì vậy ông sống trong sạch giữa những người có cùng niềm tin như ông. Không những thân quyến mà người hầu và người làm công đều vun bồi hạnh cúng dường bố thí, giữ Ngũ giới, và hành trì lễ Bố tát (Jāt. 382). Ngôi nhà của ông là tâm điểm của lòng từ bi và thiện tâm. Lối sống này lan tỏa đến bằng hữu, người làm việc với ông, và môi trường chung quanh. Ông không hề áp đặt sự suy nghĩ của mình lên họ hay trốn tránh những vấn đề xẩy ra trong đời sống hằng ngày. Một vài chi tiết về cuộc đời của ông được đề cập trong kinh điển.

Có một nhóm người say sưa rượu chè trong thành Sāvatthi hết tiền xài bèn nghĩ kế phục rượu Anāthapiṇḍika cho ông mê man để cướp tiền. Họ biết ông thường đi theo một con đường đến yết kiến nhà vua nên lập một quán rượu trên con đường đó. Khi ông đi ngang qua, họ mời ông nếm thử. Ông tự nhủ: “Làm sao một đệ tử tín thành của Đức Phật lại có thể uống rượu?” nên từ chối và đi tiếp.

Những kẻ nát rượu hư hỏng kia lại nhử ông một lần nữa trên đường về. Lần này ông nhìn thẳng vào họ và nói là ông biết họ không uống một giọt nào vì chai rượu vẫn y nguyên như từ lúc ông đi qua; vậy có phải họ muốn phục rượu ông để cướp của không. Nghe lời vạch tội thẳng thắn này, họ sợ hãi bỏ chạy (Jāt. 53).

Anāthapiṇḍika phân biệt rất rõ việc tự giữ giới không dùng rượu và các chất say của mình với cách sống của người khác. Thí dụ như ông vẫn giữ tình bằng hữu với một người bạn là nhà buôn rượu. Người ấy rủi ro bị mất một số tài sản lớn vì sự bất cẩn của người làm công. Anāthapiṇḍika thông cảm và đối xử với người bạn này không khác gì với những bằng hữu khác khi gặp rủi ro. Ông nêu gương lành nhưng không bắt họ phải theo gương ông, hoặc chê trách những người còn khiếm khuyết (Jāt. 47).

Một lần kia Anāthapiṇḍika có việc phải đi ngang qua một vùng có nhiều trộm cướp. Ông chọn cách đi suốt đêm, tuy vất vả nhưng tránh được nguy hiểm (Jāt. 103). Ông sống đúng theo lời khuyên của Đức Phật là khi bị tấn công thì cứ chạy trốn, không cần phải giả vờ anh hùng [Một trong sáu cách đoạn trừ khổ bằng tri kiến là đoạn trừ bằng tránh né những người, vật hay nơi chốn nguy hiểm, có thể làm phát sinh phiền não. (MN. 2)].

Anāthapiṇḍika cũng tránh trộm cướp bằng cách khác. Ông có một người bạn từ thời thơ ấu mang một cái tên xui xẻo là Kālakaṇṇī, nghĩa là “Con Chim Bất Hạnh”. Khi người bạn này cần tiền, ông rộng rãi giúp đỡ và cho một việc làm trong nhà. Các bạn khác biết được chỉ trích ông giúp đỡ người giai cấp thấp và có cái tên xấu như là một điềm gở. Ông phản đối và nói: “Tên thì có hề gì chứ? Người có trí không nên tin dị đoan.” Trong một chuyến đi làm ăn xa, Anāthapiṇḍika nhờ người bạn này trông nhà hộ. Một đám bất lương nghe tin ông đi khỏi bèn đến nhà ông dự định cướp của. Khi chúng bao vây quanh nhà, “Con Chim Bất Hạnh” đánh trống khua chuông ầm ĩ như là trong nhà đang có tiệc tùng. Bọn cướp nghe vậy tưởng chủ nhà vẫn còn bên trong nên bỏ chạy mất. Trở về nghe được câu chuyện này, ông bảo bạn bè: “Thấy không! Con Chim Bất Hạnh đã giúp tôi một việc lớn. Nếu tôi nghe lời các bạn thì nhà tôi đã bị cướp rồi.”

Hầu hết bạn bè của Anāthapiṇḍika là người tin tưởng vào đạo giáo, mặc dù có một số tôn sùng các du sĩ khổ hạnh của các hệ phái khác, vốn rất phổ biến vào thời bấy giờ. Một ngày nọ ông mời các bạn này đến nghe Đức Phật thuyết giảng, họ chấn động sâu xa và bày tỏ ý nguyện được trở thành đệ tử của Ngài. Từ đó họ thường xuyên viếng thăm tịnh xá, cúng dường, giữ giới, và thọ lễ Bố tát. Nhưng khi Đức Phật vừa rời khỏi Sāvatthi thì họ quên Giáo Pháp, trở lại với các du sĩ khổ hạnh mà họ tiếp cận hằng ngày.

Vài tháng sau, khi Đức Phật trở lại Sāvatthi. Anāthapiṇḍika lại dẫn họ đến gặp Ngài. Lần này bậc Toàn Giác chẳng những giảng giải khía cạnh trí tuệ của giáo lý, mà còn cảnh báo những người từ bỏ Chánh Pháp rằng không có con đường nào có thể dẫn đến sự thoát khổ tối thắng hơn và toàn hảo hơn là quy y Tam Bảo – Phật, Pháp, Tăng. Đây là cơ hội hiếm hoi trong thế gian này. Bỏ lỡ cơ hội quý hiếm này sẽ vô cùng hối tiếc về sau. Những người chí thành nương tựa vào Tam Bảo sẽ thoát khỏi đọa sanh địa ngục, và đạt được một trong ba tái sanh hạnh phúc là tái sanh làm người, làm trời, hay đạt Niết bàn.

Đức Phật kêu gọi những thương gia này xem xét lại điều gì mới thật sự quan trọng nhất cho họ, để thấy rằng lòng tin Tam Bảo không phải là một thứ xa xỉ có thể gác bỏ qua một bên khi xét thấy nó không thuận tiện trong đời sống hằng ngày. Ngài nói với họ về hậu quả sai lầm của việc quy y ngoại đạo – đấy không phải là sự bảo vệ chân thực mà chỉ là một hình thức trợ lực tạm thời. Khi tâm của họ trở nên nhuần nhuyễn, sẵn sàng lắng nghe, Đức Tôn Sư thuyết giảng cho họ giáo lý vô thượng của các bậc Giác Ngộ – Tứ Diệu Đế, Bốn Sự Thật về khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ, và con đường đưa đến diệt khổ. Cuối bài pháp, tất cả đều chứng đắc tầng thánh thứ nhất, quả vị nhập lưu. Trong cách sống với bằng hữu này, chứng đắc đạo pháp của Anāthapiṇḍika cũng trở thành một phước báu cho họ (Jāt.1).

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app