ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IV: A NAN ĐÀ

VỊ THỊ GIẢ THÂN TÍN CỦA ĐỨC PHẬT

Một trong những phẩm hạnh được biết đến và ca tụng nhiều nhất của ngài Ānanda là phụng sự Đức Phật trong trách nhiệm thị giả, upaṭṭhāka. Đức Phật cũng đã từng tán dương Ānanda trong trọng trách này. 

Trước giờ nhập diệt, Đức Phật nói với các tỳ khưu quanh Ngài: “Tất cả các vị Phật quá khứ đều có một đệ tử thị giả thật tốt như Như Lai có Ānanda. Tất cả các vị Phật tương lai cũng như vậy. Ānanda là một thị giả trung tín, có trí tuệ, và biết cách sắp xếp thích hợp thời điểm cho từng vị khách – tỳ khưu, tỳ khưu ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, vua chúa, đại thần, ngoại đạo sư, đệ tử các ngoại đạo sư, v.v. – đến thăm viếng Như Lai. Lúc nào Ānanda cũng cư xử tế nhị, nói năng hòa ái với họ khiến họ cảm kích và hoan hỷ. Ānanda quả là một người đệ tử và một thị giả xuất sắc của Như Lai” (DN 16).

Thật ra danh từ “thị giả” không đủ ý nghĩa cho lắm và không diễn tả chính xác được trọng trách này của Ānanda. Nếu gọi đây là vai trò “phụ tá” thì thiếu đi khía cạnh thân cận, thâm tình trong biết bao nhiêu sự chăm sóc thường nhật, từ lớn lao đến nhỏ bé. Còn nếu gọi đây là “người hầu cận” thì sẽ bỏ quên khía cạnh tổ chức, điều động và hòa hợp Tăng già, hạ thấp tầm quan trọng của vai trò hộ Pháp trợ Tăng, và cũng vẫn thiếu sót phần thâm tình.

Qua ba bài kệ ghi lại trong Trưởng lão Tăng Kệ, Ānanda đã tóm lược vai trò thị giả của Đức Phật trong suốt một phần ba quãng đời cuối của Thế Tôn:

Suốt hai mươi lăm năm
Ta hầu cận Thế Tôn
Phụng sự thật chu toàn
Với thân hành thương kính
Như bóng không rời hình

Suốt hai mươi lăm năm
Ta hầu cận Thế Tôn
Phụng sự thật chu toàn
Với khẩu hành thương kính
Như bóng không rời hình

Suốt hai mươi lăm năm
Ta hầu cận Thế Tôn
Phụng sự thật chu toàn
Với ý hành thương kính
Như bóng không rời hình
(Thag. 1041-1043)

Suốt hai mươi lăm năm trường Ānanda luôn luôn chuyên chú, cần mẫn phục vụ Bổn Sư với tất cả lòng tôn kính và thương mến. Công việc thường nhật của Ānanda bao gồm mang nước rửa mặt và dụng cụ đánh răng cho Đức Phật, chuẩn bị tọa cụ, rửa chân Đức Phật, quạt mát, quét hương thất, và vá y. Hằng đêm, Ānanda chong đèn đi quanh hương thất của Bổn Sư để Ngài khỏi bị quấy rầy; rồi Đại đức ngủ cạnh hương thất để nếu Bổn Sư cần điều chi sẽ không phải chờ lâu. Lúc Đức Phật mệt mỏi hay đau ốm, Ānanda xức dầu, xoa bóp và tìm thuốc chữa bệnh.

Khi Đức Phật đi thăm viếng các nơi an trú, sinh hoạt của chư tăng trong tịnh xá, Ānanda đều theo hầu. Trong một lần thăm viếng, Đức Phật và Ānanda gặp một vị sa môn mang bệnh kiết lỵ trầm trọng, bị các vị sa môn khác thờ ơ, bỏ nằm chơ vơ trên mặt đất dơ bẩn một mình. Đức Phật cùng Ānanda tắm rửa cho sư, chăm sóc và đặt sư lên chỗ nằm sạch sẽ. Sau việc này, Đức Phật gọi chư tăng đến và ban những khuyên dạy cảm động: “Này chư tỳ khưu, các con không có mẹ, không có cha để chăm sóc cho các con. Nếu các con không chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc cho các con khi đau yếu? Bất cứ ai chăm sóc cho người bệnh cũng là chăm sóc cho Như Lai” (Vin. Mv. 8.26).

Mỗi khi Đức Phật cần gặp chư tăng để giảng dạy điều chi, dù là vào lúc nửa đêm, Ānanda đều hoan hỷ mang thông điệp và triệu tập chư tăng. Khi chư tăng đã giải tán sau buổi họp hay thuyết pháp của Đức Phật, Ānanda còn đích thân kiểm soát xem có vị nào bỏ quên vật gì để hoàn trả.

Cứ như thế, ngài Ānanda chu toàn rất nhiều công việc thường nhật trong vai trò “người hầu cận” để chăm sóc và phụng sự Đức Phật – người anh chú bác và là vị Thầy giác ngộ của mình – như một người mẹ hay một người vợ hiền.

Nhưng quan trọng hơn hết, Trưởng lão Ānanda luôn hoàn thành trọng trách của một “người phụ tá” đắc lực của Đức Phật để việc chuyển đạt giáo huấn của Bổn Sư đến hàng ngàn Tăng chúng được nhanh chóng, trật tự và trong tinh thần tương kính thuận hòa. Đối với tất cả những ai từng tiếp xúc với Ānanda, ngài là một tấm gương của giới đức tròn đầy, lòng tận tụy phụng sự Bổn Sư và Tăng chúng, tánh thân thiện hòa nhã, hạnh kiên nhẫn, và nhiệt tình giúp đỡ tất cả mọi người với tâm từ mẫn không phân biệt.

Với trí nhớ phi thường, Ānanda học hỏi từ kinh nghiệm của mình để không lập lại bất cứ lỗi lầm nào đã phạm. Cũng với trí nhớ ấy, ngài nhớ rõ ràng những ai từng gặp qua, dù chỉ mới một lần, và như vậy có thể ứng xử thích ứng, không gây chút phiền não hay hiềm khích với ai. Sự cẩn trọng chân thành ấy nuôi dưỡng hòa khí và đồng lòng giữa ngài và tứ chúng. Giới đức, kiến thức, và hình ảnh của ngài Ānanda, người không có kẻ thù và vị thị giả trung thành của Đức Phật, gieo dấu ấn sâu đậm trong lòng tất cả những ai từng tiếp cận.

Một vài đối chọi ngấm ngầm giữa các tỳ khưu đã tự tan biến trước sự hiện diện của Ānanda. Những tranh chấp đã nảy sanh thì được ảnh hưởng từ ái, nhu hòa của ngài xoa dịu. Cùng với hai vị trưởng đệ tử của Đức Phật, sư huynh Sāriputta và sư huynh Mahā Moggallāna, Ānanda từng khéo léo giải quyết rất nhiều khó khăn của các quan hệ phức tạp và tế nhị trong Tăng già.

Vài thí dụ cho trọng trách phụ tá Đức Phật là cuộc tranh cãi gay gắt giữa chư tăng ở Kosambī hay âm mưu chia rẽ Tăng già của Devadatta. Ngài Ānanda đã giữ một vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ nội vụ và giữ gìn trật tự, quy củ cho Tăng chúng. Ngài thường là người đứng giữa cho chư tăng của cả hai bên trình bày ý kiến, sắp đặt cho các vị được gặp Đức Phật, hay mang thông điệp giáo huấn của Đức Tôn Sư đến các sa môn lầm đường lạc lối vì theo tà phái. Ānanda không khước từ một ai và lúc nào cũng là chiếc cầu nối chứ không là hàng rào cản.

Trong vai trò thị giả của Đức Phật, còn bao nhiêu lần khác Ānanda cũng đã làm chiếc cầu nối cao quý và quan trọng này, mang đến cho tứ chúng hơi ấm lòng bi mẫn, ánh hào quang trí tuệ, hương vị giải thoát, và bóng mát ân đức của Thế Tôn.

Khi Sa môn Girimānanda và Sa môn Phagguna lâm trọng bệnh, Ānanda thỉnh cầu Thế Tôn đến viếng thăm và thuyết pháp để giúp chư vị được tăng trưởng sức lực (AN 10:60,
6:58). Trong lần Đại Đức Girimānanda lâm bệnh, ngài Ānanda bạch Đức Phật:

“Bạch Thế Tôn, Girimānanda đang mang trọng bệnh, đau đớn khổ sở. Lành thay, nếu Thế Tôn rũ lòng từ mẫn đến thăm sư ấy.”

Thế Tôn hiền hòa dạy:

“Này Ānanda, nếu con đến thăm Girimānanda và giảng cho Girimānanda nghe về Mười

Tưởng, bệnh của sư ấy có thể được thuyên giảm ngay lập tức! Mười Tưởng ấy là: tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả các pháp, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vào và hơi thở ra.”

Sau khi được Thế Tôn giảng dạy, ngài Ānanda liền đến thăm Girimānanda và giảng lại thật đầy đủ, tường tận về Mười Tưởng. Nghe xong pháp thoại từ vị hiền hữu, bệnh của Girimānanda tức khắc thuyên giảm (AN 10:60).

Girimānanda thoát được bệnh không chỉ do ân đức và trí tuệ của Bổn Sư mà còn do lòng bi mẫn và Giáo Pháp từ Ānanda, một bậc thiện trí, cũng như do chánh tín và phạm hạnh trong sạch của chính mình.

Một lần khác, với vai trò chiếc cầu nối, là chuyện cây bồ đề được ngài Ānanda trồng ở tịnh xá Kỳ Viên, cây Bồ Đề Ānanda (Kāliṅga Bodhi, Jātaka 479). [Theo Jātaka 479, ngài Moggallāna hứng một quả bồ đề đang chín rụng từ cây bồ đề ở Uruvela để mang về cho ngài Ānanda. Có một nguồn tài liệu khác – không rõ xuất xứ từ Kinh hay chú giải nào – kể rằng ngài Moggallāna chiết một nhánh từ cây bồ đề ở Uruvela để mang về cho ngài Ānanda. Chi tiết câu chuyện sau đây dựa vào chuyện tiền thân của Đức Phật, Kālingabodhi Jātaka, số 479 (Kinh Bổn Sanh; The Jākata, Volume IV. No. 479)].

Lúc bấy giờ, thiện tín đến đảnh lễ Đức Phật thường mang theo bông tươi và các tràng hoa thơm để cúng dường. Những khi Đức Phật đi vắng thiện tín không có nơi lễ bái và dâng cúng bông hoa nên họ thường đặt chúng trước cửa hương thất của Ngài rồi ra về. Cư sĩ Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) thấy vậy thỉnh cầu Trưởng lão Ānanda bạch với Đức Phật xem nơi nào thích hợp để thiện tín có nơi nương tựa và lễ bái cúng dường trong những lúc Đức Phật đang hoằng pháp nơi khác.

Trưởng lão thưa lên Đức Phật:

“Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu thánh tích để chúng sanh có thể tỏ lòng kính ngưỡng Thế Tôn mà lễ bái, cúng dường?”

“Này Ānanda, có tất cả là ba: tháp thờ vật liên quan đến thân [như xá lợi của Phật], di vật như các đồ dùng riêng [như y, bát của Phật], và những vật để tưởng niệm [như tượng, tranh Phật].”

“Bạch Thế Tôn, có thể xây dựng tháp thờ Thế Tôn khi Thế Tôn còn tại thế không?”

“Không, tháp thờ vật có liên quan đến thân chỉ nên được kiến tạo sau khi Như Lai nhập diệt. Còn thờ vật để tưởng niệm thì không thích hợp bởi sự nương tựa tâm linh đó phải nhờ vào trí tưởng tượng. Nhưng cây Đại Bồ Đề từng che mưa đỡ nắng cho chư Phật là một vật thích hợp để chúng sanh lễ bái cúng dường, dù chư Phật còn tại thế hay đã nhập diệt.”

“Bạch Thế Tôn, những khi Ngài hoằng pháp phương xa, thiện tín đến tịnh xá không có nơi nương tựa và lễ bái cúng dường. Con có thể lấy một hạt giống từ cây Đại Bồ Đề để gieo trồng trước cổng tịnh xá không?”

“Được chứ Ānanda, con hãy tiến hành đi. Cây bồ đề ấy sẽ như Như Lai luôn luôn có mặt ở nơi đây.”

Nhận lời thỉnh cầu của ngài Ānanda, Trưởng lão Moggallāna dùng thần thông bay đến dưới Cội Bồ Đề ở Uruvela. Ngài hứng một quả bồ đề đang chín rụng, vừa rời khỏi cuống nhưng chưa chạm tới đất và kính cẩn đặt quả vào y. Rồi ngài phi hành về tịnh xá, trao quả cho Trưởng lão Ānanda gieo trồng.

Không bao lâu một cây bồ đề mọc lên tươi tốt trước tịnh xá Kỳ Viên, cây Bồ Đề Ānanda, như một hiện thân của Bổn Sư để thiện tín hoan hỷ nương tựa, đảnh lễ và cúng dường mỗi khi Ngài vắng mặt.

Và như vậy, qua nhiều cách thức khác nhau trong vai trò “phụ tá” Đức Phật, ngài Ānanda luôn luôn tỏ rõ lòng quan tâm, lo lắng cho việc xây dựng, củng cố Giáo đoàn và nhiệt tâm phục vụ tứ chúng. Đó là các đức tánh của một người cha lành trong vai trò “phụ tá” Đức Phật, bên cạnh các đức tánh của một người mẹ hiền với trọng trách “người hầu cận” Thế Tôn. Riêng biệt tài tổ chức, thuyết phục, và hòa giải của Ānanda cũng từng được biểu lộ và huân tập trong các kiếp trước, khi ngài làm phụ tá của vua trời Sakka (Đế Thích).
Trong số những đức hạnh cao quý và hiếm có của ngài Ānanda còn phải nhắc tới hạnh nhẫn nại và kiên quyết.

Có ba lần một số tỳ khưu làm ồn trong tịnh xá nên Đức Phật hỏi Ānanda duyên cớ. Ānanda luôn luôn giải thích nguyên do thật tường tận để từ đó Đức Phật ban các giáo huấn thích hợp (MN 67; Ud 3.3; Vin. 4:129). Lần sau cùng mang ý nghĩa quan trọng nhất.

Lần này, theo lời dạy của Đức Phật, ngài Ānanda gọi một nhóm sa môn gây náo động trong tịnh xá đến gặp Đức Phật. Thế Tôn khiển trách giới hạnh của họ và không cho phép họ tiếp tục cư ngụ ở tịnh xá nữa.

Các vị biết lỗi lầm của mình và hiểu được lòng từ mẫn của Thế Tôn nên ngay sau đó đi tìm nơi vắng vẻ, thanh tịnh để ẩn cư và tu tập. Gìn giữ giới hạnh, tinh tấn miên mật hành thiền, thanh lọc tâm ý, cuối mùa an cư nhập hạ năm ấy tất cả đều chứng đạt được tuệ giác biết được các kiếp quá khứ, biết được sự sanh diệt của chúng sanh diễn biến như thế nào qua luật nghiệp quả, và biết được các pháp đoạn trừ ô nhiễm, vô minh.

Biết được những thành quả này, Đức Thế Tôn cho gọi các vị về. Lúc họ đến nơi thì Ngài đang nhập đại định. Các vị nhận ra được tầng thiền Bổn Sư đang an trú nên cùng tọa thiền và nhập định vào tầng thiền ấy.

Thời gian yên lặng trôi. Canh một đã qua, Ānanda đứng dậy, chắp tay đảnh lễ Thế Tôn và nhắc Ngài tiếp chư tỳ khưu vì tưởng rằng các vị kiên nhẫn đợi chờ vì kính trọng Bổn Sư đang nhập định. An trú sâu trong định nên Ngài và chư vị không nghe được tiếng thưa của Ānanda, và vì vậy tất cả vẫn yên lặng. Rồi canh hai trôi qua, Ānanda lại chắp tay nhắc Thế Tôn. Tất cả vẫn yên lặng. Hết canh ba, trời hừng sáng, Ānanda lại bạch Ngài lần nữa.

Lúc bấy giờ Ngài xuất khỏi định ấy và nói với Ānanda:

“Này Ānanda, nếu con có thể thấy biết được tâm của Như Lai và chư tăng lúc nãy thì đã biết được rằng Như Lai và các vị ấy đang cùng an trú trong đại định, âm thanh không thể xuyên thấu vào” (Ud.3:3).

Sự việc trên biểu hiện hạnh kiên nhẫn tột bực của ngài Ānanda. Sự việc ấy còn có thể đã góp phần giúp ngài hiểu rõ được hơn các giới hạn chứng đắc của mình mà hạ quyết tâm hành thiền tinh tấn và kiên quyết, dù ngài còn bao nhiêu trách nhiệm cần gánh vác với bổn phận thị giả của Thế Tôn. Tương Ưng Bộ Kinh ghi lại hai lần Ānanda ngồi xuống bên Đức Phật, hỏi xin đề mục hành thiền:

“Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy vắn tắt thuyết pháp cho con để sau khi nghe Pháp ấy con sẽ sống một mình trong an tịnh, nỗ lực và tinh cần thiền tập.” 

Lần thứ nhất, Bổn Sư dạy Ānanda quán Tam Tướng – vô thường, khổ và vô ngã – của ngũ uẩn (Tương Ưng Uẩn, SN 22:158):

“… Này Ānanda, sắc là vô thường, là khổ… Cũng như vậy với thọ, tưởng, hành, thức… Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?’”

“Thưa không, bạch Thế Tôn.”

“Do thấy vậy, vị ấy biết rõ và không trở lui trạng thái này nữa.”
Lần thứ hai, Bổn Sư dạy Đại đức quán Tam Tướng của sáu xứ (Tương Ưng Sáu Xứ, SN 35:86):

“… Này Ānanda, bậc thinh văn thánh đệ tử quán thấy được tướng vô thường, khổ và vô ngã của mắt, sắc, nhãn xúc, nhãn thức nên nhàm chán… Cũng như vậy với tai, mũi, luỡi, thân, ý… Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Với tuệ giác chứng đạt, vị ấy biết rõ rằng: ‘Ta đã được giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.’”

Và như thế, ngài Ānanda vừa cần mẫn, tận tụy, trung kiên phụng sự Thế Tôn với trọng trách thị giả, vừa kiên quyết tinh tấn tu tập và luôn dũng tiến trên đường giải thoát, xứng đáng với lời tán thán của Đức Phật (AN 1-14):

“Trong các đệ tử tỳ khưu có nghị lực và ý chí kiên quyết, đệ nhất là Ānanda.

Trong các đệ tử tỳ khưu từng là thị giả của Như Lai,
đệ nhất là Ānanda.”

Nhưng cao quý và cảm động hơn cả là sự sẵn sàng hy sinh sanh mạng để bảo vệ Bổn Sư của Ānanda.

Mang cuồng vọng thủ tiêu Đức Phật vì tưởng có thể thay thế cương vị của Ngài khi Ngài qua đời, Devadatta cho một thớt voi bất kham, hung hãn – Nālāgirī – uống rượu thật say rồi thả chạy loạn vào con đường có Đức Phật đang đi trì bình để giẫm đạp Ngài cho đến chết.

Ānanda can đảm xông lên, đứng chắn ngang trước Đức Phật, sẵn sàng chết thay để bảo vệ cho tánh mạng và sự an toàn của Bổn Sư. Ba lần Đức Phật kêu Ānanda bước sang một bên, nhưng ba lần Trưởng lão kiên quyết không tuân lời. Cuối cùng, Thế Tôn đã phải dùng thần thông nhấc bổng Ānanda lên và nhẹ nhàng đặt xuống nơi khác mới can ngăn được quyết tâm hy sinh của Trưởng lão.

Rồi Thế Tôn dịu dàng niệm rải tâm từ đến voi Nālāgirī đang phẫn nộ trong cuồng loạn. Trước Thế Tôn tĩnh lặng hiền hòa, đứng yên trên đường, voi bỗng dừng chân điên dại, quỳ phủ phục trước Thế Tôn và cúi đầu thuần phục (Jāt. 533).

Đức Phật thuật lại rằng trong tiền kiếp, Ānanda cũng đã bốn lần xả thân để cứu Đức Bồ Tát, tiền thân của Đức Phật. Lòng hy sinh thân mạng cho Bổn Sư này đã làm rạng rỡ thêm phẩm hạnh và danh thơm của người thị giả trung tín Ānanda.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app