ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG I: ĐẠI CA DIẾP

KASSAPA TÌM GẶP ĐỨC PHẬT

Để tiếp tục câu chuyện, bây giờ chúng ta trở lại với Mahā Kassapa. Khi Kassapa và Bhaddā chia tay, trái đất rung chuyển bởi sức mạnh giới đức và đại nguyện xuất gia tầm đạo của hai vị khất sĩ. Đức Phật lúc bấy giờ cũng cảm nhận được sức chấn động ấy và biết sự kiện đó có nghĩa là một môn đệ xuất chúng đang tìm đến Ngài cầu đạo. Không báo cho vị tăng nào biết, Đức Phật một mình ra đường, bộ hành suốt năm dặm để đón người đệ tử tương lai, một hành động do lòng bi mẫn mà sau này thường được ca ngợi trong kinh sách (Jāt. 469).

Trên đoạn đường giữa Rājagaha và Nālanda, Đức Bổn Sư ngồi nghỉ dưới một bóng cây đa cổ thụ gần ngôi đền Bahuputtaka, chờ người đệ tử tương lai đang đến gần. Ngài không ngồi đó như là một đạo sĩ bình thường mà sáng ngời tất cả những nét rạng rỡ đẹp đẽ nhất của một vị Phật. Ngài tỏa hào quang rộng đến tám mươi thước chung quanh, rực rỡ đến nỗi cả một vùng bụi cây rậm rạp trở thành một khối ánh sáng, và Ngài cũng phô bày ba mươi hai vẻ đẹp của một bậc đại hiền trí.

Khi Kassapa đến đó, thấy Đức Phật ngồi giữa một vùng hào quang rạng rỡ của một bậc Toàn Giác, ngài nghĩ: “Đây chính là vị Thầy mà ta đã xuất gia hết lòng tìm kiếm.” Rồi ngài tiến gần đến Đức Phật, sụp lạy dưới chân Bậc Ứng Cúng, và cảm kích thốt lên: “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là Thầy của con, và con là đệ tử của Ngài! Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là Thầy của con, và con là đệ tử của Ngài!”

Đấng Giác Ngộ bảo: “Này Kassapa, nếu một người không biết và không thấy mà lại nói với một đệ tử chí thành như con là ‘Ta biết, Ta thấy,’ thì đầu người ấy sẽ vỡ ra. Nhưng này con, Kassapa, Như Lai đang biết và nói ‘Ta biết’; Như Lai đang thấy và nói ‘Ta thấy.’” Rồi Đức Thế Tôn ban cho Kassapa ba lời sách tấn như là một bài pháp nhập môn:

“Này Kassapa, con hãy tu tập như thế này:

‘Tâm hổ thẹn và ghê sợ lỗi lầm (hiri-ottapa) thật sắc sảo sẽ được thiết lập trong tôi đối với các vị trưởng lão, các sa di, các vị trung hạ trong Giáo đoàn.

‘Bất cứ lời dạy nào tôi được nghe có thể đưa dẫn đến điều thiện lành, tôi đều sẽ hết lòng chú ý lắng nghe, quan sát nó, phân tích nó, suy nghiệm về nó, và thâm nhập nó với tất cả tâm ý.

‘Tôi sẽ không khi nào xao lãng quán niệm về thân thể liên kết với hỷ tâm.’

“Con hãy cố gắng rèn luyện như thế.”

Theo chú giải, lời sách tấn ba đoạn này bao gồm việc Kassapa thọ giới xuất gia (pabbajjā) và thọ đại giới tỳ khưu (upasampadā) chung nhau.

Rồi cả hai thầy trò đi bộ về hướng Rājagaha. Trên đường đi, Đức Phật muốn ngồi nghỉ chân dưới một gốc cây. Kassapa bèn gấp tư chiếc y đôi của mình và thỉnh cầu Bổn Sư ngồi lên trên vì “đó sẽ là một phước báu lâu dài cho con.” Đức Phật ngồi trên tấm y và nói: “Kassapa, y vá đùm từ các mảnh vải của con thật mềm.” Nghe vậy, Kassapa thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Tôn Sư, xin mở lòng bi mẫn với con mà thọ nhận chiếc y vá đùm này.”

“Nhưng Kassapa, con có thể mặc chiếc y bằng gai thô cứng và rách nát này của Như Lai không?”

Vô cùng hoan hỷ, Kassapa đáp:

“Bạch Đức Thế Tôn, chắc chắn thưa Thầy, con sẽ mặc chiếc y vải gai thô cứng và rách nát của Thầy!”

Việc trao đổi y giữa hai thầy trò là một vinh dự lớn Đức Phật ban cho Kassapa, một vinh dự không một đệ tử nào khác có được. Chú giải ghi rằng dụng ý của Đức Thế Tôn khi trao y mình cho Kassapa là để sách tấn vị đệ tử mới có nhiều căn cơ đặc biệt này sớm thực tập đầy đủ hạnh đầu đà (dhutaṅga), một lối tu rất khắc khổ. Mặc dù, sau khi giác ngộ, Bổn Sư có lên án lối tu ép xác cực đoan là một con đường cuồng tín, mù quáng, nhiều đau đớn và không lợi lạc, nhưng Ngài cũng không loại bỏ các pháp hành khổ hạnh có thể hài hòa được với khuôn khổ của Trung đạo. Trung đạo đúng nghĩa không phải là con đường tiện nghi, thoải mái, được xây dựng bởi những thỏa hiệp dễ dãi, nhưng chính là một con đường hướng thượng, gay go, cô độc, đòi hỏi đoạn ái ly tham và khả năng chịu đựng khó khăn gian khổ.

Vì thế Đức Thế Tôn khuyến khích những sa môn nào đặc biệt thiện xảo về phương pháp tự gỡ bỏ các gốc rễ vi tế của tham ái nên tu hạnh đầu đà dhutaṅga – thực hành các lời nguyện sống đời đơn giản, tri túc, xả bỏ, và tinh tấn. Ngài thường tán dương những vị tỳ khưu hành trì hạnh nguyện này. Các bài kinh cổ nhiều lần khen ngợi một số pháp hành khổ hạnh như: chỉ dùng một bộ tam y (và không dùng thêm y nào khác); chỉ mặc y kết bằng giẻ rách (và không nhận y do cư sĩ dâng cúng); chỉ dùng thức ăn trì bình khất thực (và từ chối lời mời thọ trai tại tư gia); chỉ sống trong rừng (và không sống trong tu viện nơi phố thị); luôn nỗ lực hành thiền. Danh sách các pháp hành khổ hạnh này lên đến số mười ba trong các chú giải như Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga)…

Chiếc y mà Đức Phật ban cho Kassapa được may từ một tấm vải liệm gói xác chết nhặt từ nhà hỏa táng. Khi hỏi Kassapa có thể mặc y này hay không, Đức Thế Tôn có ý hỏi Kassapa có thể cam kết thực hành tất cả các pháp hành đầu đà khác theo sau pháp chỉ mặc y kết bằng giẻ rách hay không. Rồi khi Kassapa khẳng định có thể mặc y này, vị đại đệ tử đang nói rằng: “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, con có thể thực hành toàn vẹn các pháp khổ hạnh mà Ngài muốn con thọ trì.” Từ đó về sau, Kassapa tự nguyện giữ gìn nếp sống tu tập khắc khổ này, ngay cả trong lúc tuổi già ngài vẫn nhất định giữ những lời nguyện đã phát khi còn trẻ tuổi. Trong một dịp sau này, Đức Phật tuyên dương Mahā Kassapa là tỳ khưu đệ nhất về tu trì pháp khổ hạnh (AN 1:14), và do đó viên mãn lời phát nguyện của cư sĩ Vedeha cách đây một trăm ngàn đại kiếp.

Chỉ trong bảy ngày sau khi thọ giới xuất gia và trao đổi y với Bổn Sư, Kassapa đạt được đạo quả a-la-hán mà Đại đức đã ước nguyện và phấn đấu để được thành tựu. Mãi về sau ngài kể lại sự kiện này với Ānanda: “Này hiền hữu, trong bảy ngày này ta đã thọ dụng thức ăn của đàn na tín thí cúng dường như một con nợ. Và cuối cùng vào ngày thứ tám thì trí tuệ giác ngộ giải thoát đã đến với ta” (SN 16:11).

MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐỨC PHẬT VÀ KASSAPA

Mối liên hệ thâm sâu giữa Đức Phật và Đại đức Kassapa bắt nguồn từ nhiều đời kiếp trong quá khứ. Theo chuyện tiền thân của Đức Phật, Đức Bồ Tát và Kassapa đã gặp nhau trong mười chín kiếp sống, thường là với quan hệ gia đình mật thiết. Sáu lần Kassapa là cha của Ngài (Jat. 155, 432, 509, 513, 524, 540), hai lần là anh em Ngài (488, 522), và thường là bằng hữu hay thầy của Ngài. Do đó, ngay buổi gặp gỡ đầu tiên trong kiếp này, Kassapa đã có niềm tin mạnh mẽ và chí thành vào Bổn Sư.

Trong kiếp cuối này của Kassapa, nhiều cuộc đàm luận giữa Đức Phật và vị đại đệ tử này được ghi lại trong kinh điển. Có ba lần Đức Thế Tôn nói với Kassapa: “Kassapa, hãy sách tấn chư tăng! Kassapa, hãy thuyết giảng Giáo Pháp cho họ! Hoặc Như Lai, hoặc Kassapa, nên sách tấn họ. Hoặc Như Lai, hoặc Kassapa, nên thuyết giảng Giáo Pháp cho họ” (SN 16:6). Những lời này biểu lộ một sự công nhận rất cao về khả năng truyền đạt giáo lý của Kassapa, vì không phải bất cứ vị a-la-hán nào cũng có khả năng thuyết pháp một cách khéo léo và có hiệu quả.

Chú giải cũng có nêu vấn đề là tại sao Kassapa được Đức Phật đề cao về phương diện này mà không là Sāriputta hay Moggallāna. Đó là vì Bổn Sư biết rằng hai vị này, không như Kassapa, sẽ nhập diệt trước Ngài. Do vậy Đức Phật muốn củng cố vị trí cao quý của Kassapa trước mặt chư tăng để họ có lòng tin vào sự chỉ đạo của Đại đức.

Trong ba lần Đức Phật truyền Kassapa sách tấn cho chư tăng, Kassapa đã từ chối tuân hành. Lần đầu, Trưởng lão cho biết có một số sa môn không muốn nghe theo lời dạy bảo, không coi trọng những lời khuyên răn, và rất kiêu mạn. Lần thứ nhì, thì các sa môn này không phục tùng lời khiển trách, không tín tâm, không biết hổ thẹn và sợ hãi điều bất thiện, buông lung, và vô trí. Lần thứ ba, Trưởng lão cũng từ chối dạy bảo các sa môn với cùng lý do như trước. Lần này Bổn Sư cũng không ép buộc Kassapa, nhưng Ngài giải thích lý do sa sút đạo hạnh của họ:

“Trước đây, này Kassapa, các vị trưởng lão tăng trú ở trong rừng, sống bằng cách khất thực, mặc bộ tam y thô rách, ít nhu cầu và có hạnh tri túc, ẩn cư và xa rời xã hội bên ngoài, tinh tấn tu hành; và các vị ca tụng và khuyến tấn đời phạm hạnh như vậy. Khi đến viếng tu viện, các vị được cung kính nghinh đón do sự tinh cần hành trì Giáo Pháp đó. Rồi các sa môn nhỏ hạ hơn cũng nỗ lực tiến tu theo nếp sống phạm hạnh của các vị, và việc này sẽ mang lại cho họ lợi lạc dài lâu.

“Nhưng ngày nay, này Kasssapa, các vị tăng được trọng vọng nghinh đón khi đến viếng tu viện không phải là những vị sa môn khổ hạnh và tinh tấn, mà là những vị nổi tiếng, được ưa chuộng, và được cúng dường tứ sự thừa thãi. Rồi các sa môn nhỏ hạ hơn cũng cố gắng thi đua theo họ, và việc này sẽ mang lại hiểm họa nguy hại lâu dài” (SN 16:8).

Vào dịp khác, Kassapa bạch hỏi Bổn Sư:

“Bạch Thế Tôn, lý do nào trước kia ít giới luật hơn, nhưng nhiều sa môn chứng đắc đạo quả giác ngộ hơn. Còn bây giờ giới luật nhiều hơn, nhưng ít sa môn chứng đắc đạo quả giác ngộ hơn?”

Đức Phật trả lời:

“Việc xảy ra như thế thôi, này Kassapa, khi chúng sanh sa đọa và Chánh Pháp biến mất, thì lúc ấy giới luật sẽ nhiều còn thánh nhân thì ít. Thế nhưng Chánh Pháp không biến mất cho đến khi Tượng Pháp xuất hiện trên thế gian. Khi Tượng Pháp xuất hiện thì Chánh Pháp tiêu diệt. [Phật Pháp được chia thành ba thời kỳ: Chánh Pháp (có giáo lý, có sự hành trì, có người chứng đắc quả vị), Tượng Pháp (tượng = biểu tượng; có giáo lý, có sự hành trì, có nhưng ít người chứng đắc quả vị), và Mạt Pháp (mạt = suy yếu; có giáo lý, không có sự hành trì, không có người chứng đắc quả vị.) Mạt Pháp còn được xem như đoạn cuối của Tượng Pháp.]

“Nhưng này Kassapa, chẳng phải do biến động của tứ đại – đất, nước, gió, lửa – mà Chánh Pháp hoại diệt. Cũng không phải như thuyền chìm vì chở nặng. Ở đây, do sự hiện diện của năm hoại pháp khiến Chánh Pháp lu mờ và biến mất. Năm hoại pháp đó là: sự thiếu quý trọng và tôn kính vào Đức Phật, vào Giáo Pháp, vào Tăng đoàn, vào việc thọ trì giới luật, và vào pháp hành thiền, về phía chư tăng ni cũng như về nam nữ cư sĩ. Nhưng khi nào còn năm sự tôn kính và quý trọng này, chừng đó Phật Pháp vẫn không bị lu mờ và sẽ không biến mất” (SN 16:13).

Nơi đây ta cần chú ý rằng, theo bài kinh này, nam nữ cư sĩ cũng giữ vai trò duy trì và phát triển Phật Pháp. Từ đó ta có thể hiểu rằng ngay cả khi Giáo Pháp bị chư tăng ni quên lãng, Giáo Pháp vẫn trường tồn nếu được thiện tín cư sĩ tôn kính và thực hành.

Bổn Sư luôn đề cao nếp sống khổ hạnh mẫu mực của Trưởng lão Kassapa. Tuy nhiên có một lần vào cuối đời, Đức Phật nhắc nhở rằng Trưởng lão nay đã già yếu, những tấm y vải gai thô, chắp vá rách nát có thể gây khó chịu khi khoác lên thân. Vì vậy, Đức Bổn Sư khuyên Trưởng lão nên mặc y do cư sĩ dâng cúng, nhận lời mời dự trai tăng, và về sống gần Đức Phật. Nhưng Mahā Kassapa thưa:

“Đã từ lâu con đã sống độc cư trong rừng, mặc y thô vá víu, đi khất thực; và nếp sống đó con vẫn hằng tán thán để khuyến giáo người khác. Con có ít nhu cầu, mang tam y, sống tri túc, ẩn dật, tinh cần tu tập; và điều đó con cũng hằng tán thán để khuyến giáo người khác.”

“Vì lý do nào,” Đức Bổn Sư hỏi, “Kassapa sống theo cách ấy?”

“Bạch Thế Tôn, có hai lý do: vì con vui với cuộc sống an lạc hiện tại ở đây, và vì lòng từ mẫn đối với các thế hệ tăng sĩ sau này – khi nghe và hiểu được nếp sống khổ hạnh, họ có thể sẽ noi theo và cố gắng tu tập như vậy.”

“Lành thay, Kassapa, lành thay! Kassapa đang sống vì hạnh phúc của quần sanh, vì lòng từ mẫn cho thế gian, vì ích lợi và an lạc cho chư thiên và loài người! Vậy con hãy tiếp tục mặc y vải gai thô vá víu, đi khất thực, và sống trong rừng” (SN 16:5).

Rồi Đức Phật dạy Tăng chúng:

“Này chư tỳ khưu, Kassapa của chúng ta là bậc tri túc, luôn bằng lòng với bất cứ tứ vật dụng gì thọ nhận. Không vì bất cứ vật cúng dường nào mà Kassapa làm điều bất chánh, bất xứng với hạnh sa môn. Kassapa không buồn phiền nếu không được thọ nhận vật dụng, và khi được thọ nhận thì sử dụng mà không bám níu hay mê đắm, không phạm lỗi, luôn nhận thức được mọi nguy hại để quán xuất ly. Vậy này chư tỳ khưu, Như Lai khuyên các con hãy noi gương Kassapa, hay gương bậc đồng phạm hạnh như Kassapa. Đã được giáo giới, nay các con cần thực hành như vậy” (SN 16:1).

Đức Phật còn khen ngợi Kassapa là bậc mẫu mực trong mối liên hệ với thiện tín. Khi đi trì bình khất thực hay được mời thọ bát, Kassapa không có ý nghĩ: “Mong thí chủ dâng vật thực đầy đủ và phẩm chất tốt! Mong họ dâng cúng nhanh chóng và cung kính!” Trưởng lão không hề có và không bị ràng buộc bởi những ý nghĩ đó, giống như mặt trăng tỏa ánh sáng dịu dàng từ rất xa. Còn khi thuyết pháp, Kassapa không bao giờ giảng để được danh tiếng và khen ngợi, mà vì thành tâm muốn thính chúng được biết đến Giáo Pháp của Bậc Toàn Giác, mong rằng sau khi họ nghe pháp, sẽ hiểu pháp, rồi thực hành lời dạy đó. Trưởng lão giảng vì sự vi diệu của Giáo Pháp và bởi tâm từ mẫn (SN 16:3-4).

Nhưng lời tán dương nhiệt liệt nhất, cao quý nhất của Đức Phật dành cho Kassapa là Trưởng lão có thể như ý chứng đạt – cũng như chính Đức Thế Tôn có thể – được bốn tầng thiền sắc giới, bốn tầng vô sắc giới, tầng diệt thọ tưởng định, lục thông (abhiññā, bao gồm năm pháp thần thông và sự đoạn tận các lậu hoặc), và chứng ngộ giải thoát, an trú Niết bàn ngay trong hiện tại (SN 16:9). Chính do các năng lực thâm sâu về thiền định này, cũng giống như Đức Phật, mà ngài có thể tự tại an nhiên trước tất cả ngoại cảnh, sống đời ít nhu cầu về vật chất cũng như giao tiếp.

Qua các vần kệ trong Theragāthā, Kassapa luôn luôn ca ngợi sự an tịnh của các tầng thiền định. Ngài là người luôn được hưởng sự phong phú. Khi còn tại gia, ngài hưởng cuộc sống sung túc và hòa thuận. Là sa môn, ngài an trú trong sự sung mãn của các tầng thiền, bắt nguồn từ tiền kiếp ở cõi Phạm thiên. Trong vài bài kinh, ngài có vẻ nghiêm khắc, nhưng đó không phải do cá tính cứng cỏi mà là phương pháp giảng dạy theo căn cơ và nhân duyên với mục đích khuyên dạy người khác. Điều này chúng ta sẽ được thấy trong liên hệ của ngài với Ānanda.

TIẾP XÚC VỚI CHƯ THIÊN 

Có hai lần Mahā Kassapa tiếp xúc với chư thiên được ghi lại trong chú giải và kinh tạng. Hai câu chuyện này liên quan đến phẩm hạnh tự tại, trong sạch, lòng từ bi bình đẳng hóa độ chúng sanh, và quyết tâm gìn giữ nếp sống khổ hạnh.

Lần thứ nhất là cuộc tiếp xúc với một thiên nữ trẻ tên Lājā. Thiên nữ nhớ lại nhân duyên được thọ hưởng hạnh phúc hiện tại ở cõi trời. Đó là do, trong kiếp quá khứ là một người đàn bà nghèo khổ, Lājā đã cúng dường một nắm cơm khô đến Trưởng lão Mahā Kassapa và với tín tâm chí thành đã ước nguyện rằng: “Xin cho tôi được chia sớt một phần Chân Lý mà ngài đã chứng ngộ!” Trên đường về nhà, trong khi đang hoan hỷ hồi tưởng lại công đức cúng dường mới tạo, Lājā bị rắn độc cắn chết và ngay tức khắc được tái sanh lên cõi trời Tam thập tam giữa thiên cảnh huy hoàng lộng lẫy.

Vị thiên nữ này nhớ lại được ân đức của Trưởng lão nên muốn hộ trì ngài để đền đáp. Hiện xuống cõi trần, Lājā tự tay quét dọn sạch sẽ cốc của ngài và châm nước cần dùng vào bình cho ngài. Sau ba ngày Lājā phục vụ như thế, vị trưởng lão bắt gặp tia hào quang của thiên nữ trong cốc. Ngài hỏi và được Lājā cho biết nhân duyên. Ngài liền yêu cầu thiên nữ hãy đi khỏi, bởi không muốn chư tỳ khưu mai hậu chỉ trích ngài đã thọ nhận sự phục vụ của một vị trời. Lời khẩn cầu của ngài không có kết quả; Lājā không bỏ đi mà bay lên không trung, lòng đầy nỗi buồn phiền. Ðức Phật biết rõ việc này, liền hiện ra trước mặt Lājā và an ủi vị thiên nữ bằng cách thuyết giảng về phước lành lớn lao của các công đức. Đức Thế Tôn còn giải thích rằng Kassapsa hằng nghiêm trì hạnh đầu đà khắc khổ (chú giải Pháp Cú Kinh 118).

Câu chuyện thứ hai là cuộc tiếp xúc với Thiên chủ Sakka. Lần ấy, Mahā Kassapa ẩn tu trong hang Pipphali, tọa thiền và nhập đại định không gián đoạn trong bảy ngày. Sau khi xuất định, bậc đại thanh tịnh đi vào Rājagaha trì bình khất thực. Lúc bấy giờ có năm trăm vị thiên nữ trong đoàn tùy tùng của Sakka tha thiết mong cầu được cúng dường bữa ăn đầu tiên lên vị thánh tăng sau bảy ngày an trú trong đại định thanh tịnh. Họ cung kính nghinh đón vị trưởng lão và thỉnh cầu ngài ban phước lành cho họ bằng cách thọ nhận những vật thực họ đã chuẩn bị để cúng dường. Tuy nhiên Kassapa khước từ, bởi ngài muốn dành công đức cúng dường cao quý này để hóa độ những người nghèo khổ, cho họ được hưởng phước báu. Chư thiên nữ nhiều lần khẩn cầu, nhưng cuối cùng đành bỏ đi vì ngài cương quyết từ chối.

Khi biết chuyện này, vua trời Sakka cũng khởi lên niềm mong cầu tha thiết muốn cúng dường Trưởng lão bữa ăn đầu tiên này. Để khỏi bị khước từ, Sakka trá hình thành một người thợ dệt già yếu, chờ Kassapa đến gần, rồi cung kính cúng dường một phần cơm.

Ngay lúc cơm được đặt vào bát liền tỏa mùi thơm ngào ngạt bất thường. Lập tức Kassapa biết rằng người thợ dệt già yếu ấy chính là Sakka nên khiển trách:

“Này Kosiya [tên của Sakka], thiên chủ đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng. Làm vậy là thiên chủ đã tước đi một cơ hội tạo công đức của người nghèo khổ. Đừng bao giờ làm một việc như thế nữa!”

“Thưa Kassapa tôn kính,” Sakka trả lời, “chúng tôi cũng cần tạo công đức! Chúng tôi cũng cần được phước lành! Nhưng cúng dường ngài bằng cách lừa dối như thế, tôi đã có tạo được phước lành hay không?”

“Này hiền hữu,” Kassapa nói, “thiên chủ đã tạo phước lành.”
Rồi Sakka cung kính đảnh lễ và từ giã Kassapa, bay lên giữa không trung và thốt lên lời cảm hứng sau ba lần:

Ôi, bố thí! Bố thí tối thượng!
Là bố thí khéo an trú vào Kassapa!

Đức Thế Tôn, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu phàm, nghe được lời cảm hứng của Sakka.

Sau khi hiểu biết ý nghĩa, Ngài cũng thốt lên lời cảm hứng:

Vị tỳ khưu khất thực,
Tự sống không nhờ người,
Chư thiên thương vị ấy,
Thường an trú chánh niệm.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app