ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IX: CẤP CÔ ĐỘC

HỘ TRÌ TĂNG GIÀ

Sau khi thành lập tịnh xá Jetavana, Anāthapiṇḍika hộ trì chư tăng trú ngụ nơi đây rất cần mẫn. Ông cung cấp mọi vật dụng cần thiết cho tịnh xá. Mỗi buổi sáng ông dâng chư tăng cháo lúa mạch; mỗi buổi chiều ông cho mang y, bát, và thuốc men đến. Ông cũng cho người đến sửa chữa, bảo trì tịnh xá. Hơn hết, ở ngôi nhà bảy tầng của ông, hằng ngày ông đều sớt bát cho hàng trăm chư tăng. Và như vậy, mỗi ngày vào giờ sớt bát, ngôi nhà tràn ngập bóng y vàng trong không khí thanh tịnh và thánh thiện.

Khi được nghe về công đức cúng dường rộng rãi của Anāthapiṇḍika, Vua Pasenadi noi gương và mỗi ngày sớt bát cho năm trăm vị tỳ khưu.

Một ngày nọ trên đường đến viếng chư tăng, nhà vua nghe các hầu cận nói chư tăng đem những phần thức ăn cúng dường của vua cho cư sĩ thiện tín trong vùng, và những người này mang chúng đến biếu lại cho các vị hầu cận. Nhà vua bối rối ngạc nhiên bởi ngài cúng dường toàn thức ăn thịnh soạn, và vì vậy vua đến gặp Đức Phật hỏi lý do.
Đức Phật giải thích rằng các người thừa hành ở hoàng cung phân phát thức ăn với tâm không chí thành, chỉ làm theo lệnh giống như đang dọn dẹp nhà kho hay như giải người tội trộm đến pháp đình. Họ không có tín tâm và lòng từ khi cúng dường đến chư tăng. Nhiều người còn nghĩ rằng các vị khất sĩ là hạng ăn bám vào sức lao động của người khác. Với thái độ dâng cúng như vậy, không ai thấy thoải mái thọ nhận vật thực, dù là cao lương mỹ vị.

Ngược lại những gia chủ có tâm tín thành, như nam cư sĩ Anāthapiṇḍika và nữ cư sĩ Visākhā, luôn hoan hỷ chào đón chư tăng, xem họ như những người bạn tâm linh sống vì hạnh phúc và lợi ích của tất cả chúng sanh. Một buổi ăn thanh đạm được một thiện hữu san sớt, dâng cúng vẫn hơn hẳn một bữa ăn sang trọng không được san sớt, dâng cúng với thiện tâm. Đức Phật nói lên một bài kệ cho nhà vua ghi nhớ:

Món ăn dù dở hay ngon,
Thực phẩm dù ít hay nhiều,
Nếu được thiện hữu san sớt,
Cũng thành một bữa ăn ngon.
(Jāt. 346)

Anāthapiṇḍika và Visākhā không chỉ là hai vị đệ nhất thí chủ ở Sāvatthi, Đức Phật còn thường cần sự hộ trì của họ mỗi khi có chuyện cần sắp xếp với giới cư sĩ và dân chúng. Tuy nhiên tài sản của Anāthapiṇḍika không phải là vô tận. Ngày nọ, một trận lụt lớn bất ngờ đã cuốn phăng số tiền mười tám triệu của ông ra biển. Ngoài ra ông cũng cho bạn bè làm ăn vay mượn một số tiền tương đương, nhưng họ không hoàn trả, và ông không nỡ đòi lại. Tài sản của ông có khoảng chín mươi triệu. Với năm mươi bốn triệu xây dựng tịnh xá, cộng với trận lũ lụt và số nợ không đòi lại được, tài sản ấy nay cạn kiệt. Vị triệu phú Anāthapiṇḍika trở nên nghèo túng. Dù lâm cảnh khó khăn như vậy, ông vẫn tiếp tục cung cấp thức ăn cho chư tăng, dù chỉ đạm bạc một món cháo loãng.

Lúc bấy giờ, ở nơi cao nhất trong tòa nhà bảy tầng của Anāthapiṇḍika, có một vị thần trú ngụ. Theo luật lệ nơi trú xứ, khi Đức Phật hay các vị tỳ khưu đến thọ trai, vị thần này phải bước xuống đảnh lễ. Việc này khiến vị thần thấy thật phiền toái nên tìm cách khiến chư tăng đừng đến nữa. Thần xuất hiện trước các người hầu, yêu cầu họ đừng sớt bát cho chư tăng nhưng chẳng ai để ý. Rồi thần cố kêu gọi người con trai của gia chủ nhưng cũng không được. Cuối cùng, thần xuất hiện với hào quang rạng rỡ trước mặt Anāthapiṇḍika, thuyết phục ông đừng cúng dường chư sa môn nữa vì nay ông đã không còn giàu có. Vị đại thí chủ trả lời rằng ông chỉ biết ba bảo vật là Phật, Pháp, Tăng và chỉ chủ tâm kiên trì phụng sự Tam Bảo này mà thôi. Rồi ông yêu cầu vị thần này dời đi nơi khác vì nhà ông không chứa những ai chống báng Đức Phật. 

Cũng theo luật lệ nơi trú xứ, vị thần này phải ra đi. Thần đến xin gặp vị chư thiên bảo vệ thành Sāvatthi rồi đến Tứ đại Thiên vương để xin nơi trú ngụ mới. Các vị đều không thể quyết định chuyện này nên bảo vị thần đi gặp vua trời Sakka (Đế Thích). Vị thần vô gia cư này lúc ấy mới thấy được việc làm sai trái của mình và xin thiên chủ Sakka tha lỗi. Sakka bắt vị thần chuộc tội bằng cách giúp Anāthapiṇḍika lấy lại được số vàng bạc bị chìm dưới biển, tìm kiếm châu báu của cải được chôn dấu nhưng không ai thừa nhận, và đòi nợ dùm cho ông. Vị thần hết sức cố gắng thực hiện những công việc này, như xuất hiện trong giấc mơ của những người vay mượn và đòi họ phải trả nợ. Không bao lâu Anāthapiṇḍika có lại được số tiền năm mươi bốn triệu và có thể toại ý bố thí cúng dường rộng rãi như xưa.

Bấy giờ vị thần này xuất hiện trước mặt Đức Phật, xin sám hối về những hành vi đầy ác ý của mình và được Đức Thế Tôn tha thứ. Rồi sau khi được Ngài giảng giải Giáo Pháp, vị thần trở thành một đệ tử Phật. Đức Phật còn dạy thêm rằng một người muốn hoàn thành hạnh bố thí không thể bị bất cứ điều gì trong thế gian này cản trở, dù là thần linh, chư thiên, ma quỷ, hay ngay cả sự hăm dọa của tử thần (Jāt. 140, 340).

Sau khi Anāthapiṇḍika khôi phục lại được tài sản, một người bà-la-môn ganh tỵ với sự may mắn của ông nên muốn đánh cắp một bửu bối, mà theo ý ông ta, đã giúp cho Anāthapiṇḍika giàu có. Ông ta muốn bắt cóc Sirī, nữ thần Tài lộc, mà theo lối tin tưởng thời bấy giờ nếu có nữ thần này trong tay thì tài lộc sẽ rời bỏ Anāthapiṇḍika mà qua ông ta.

Vì thế, người bà-la-môn đến nhà Anāthapiṇḍika và nhìn chung quanh tìm biểu hiện của nữ thần Tài lộc. Với tài tiên tri, ông tin rằng Tài lộc đang ở trong một con gà trống trắng nuôi trong chiếc lồng vàng ở trong nhà. Ông ta xin Anāthapiṇḍika cho con gà ấy, với lý do để gà gáy đánh thức học trò của ông mỗi buổi sáng. Vị gia chủ cho ngay không do dự. Tuy nhiên, ngay lúc đó vị bà-la-môn lại thấy Tài lộc đang dời qua một viên đá quý nên xin vật này làm quà và được tặng ngay. Kế đó ông ta lại thấy Tài lộc núp trong một cây gậy, ông ta lại xin cây gậy. Được cây gậy thì ông lại thấy biểu hiện của Sirī đậu xuống đầu Puññalakkhaṇā, vợ của Anāthapiṇḍika – một người phụ nữ hiền đức, là biểu hiện thật sự của phước lành cho gia đình, và vì thế luôn được chư thiên bảo vệ. Lúc bấy giờ người bà-la-môn khiếp sợ: “Ta không thể nào xin vợ của người này!” Ông ta vô cùng hổ thẹn thú thật chủ ý xấu xa của mình, trả lại các món đã xin, và rời khỏi nhà Anāthapiṇḍika.

Anāthapiṇḍika đến gặp bậc Toàn Giác và kể lại câu chuyện kỳ lạ xẩy ra mà ông không sao hiểu được. Đức Phật giảng giải cho ông nghe nhân duyên của câu chuyện – như thế nào thiện nghiệp thay đổi được cả thế giới, và như thế nào những người có chánh trí – nhờ vun bồi giới hạnh thanh tịnh – có thể thành đạt được mọi thứ, ngay cả Niết bàn (Jāt. 284).

Anāthapiṇḍika thường viếng thăm Đức Phật khi Ngài trú ngụ tại Sāvatthi. Nhưng những lúc Đức Phật đi hoằng pháp nơi xa, ông không đảnh lễ Ngài được và cảm thấy hụt hẫng như thiếu nơi nương tựa. Vì thế, một ngày nọ, ông thưa với ngài Ānanda rằng ông ao ước được xây một tháp thờ để lễ bái cúng dường Đức Tôn Sư khi Ngài không có mặt. Ngài Ānanda trình bày lại với Đức Phật ý nguyện này.

Đức Phật dạy rằng có ba loại thánh tích để tôn vinh lễ bái Đức Phật: thứ nhất là tháp thờ xá lợi, chỉ lập ra sau khi Đức Phật nhập diệt; thứ hai là những vật có liên quan đến Đức Phật và đã được Ngài dùng, thí dụ như bình bát; thứ ba là những biểu tượng có thể thấy được, thí dụ như tranh hay tượng. Cách thứ nhất chưa thực hiện được vì Đức Phật còn tại tiền. Cách thứ ba không thích hợp cho những ai không chấp nhận thờ kính chỉ một bức tranh hay biểu tượng. Vì vậy chỉ còn cách thứ hai là thích hợp nhất.

Cây Bồ Đề ở Uruvela là một vật thích hợp để chúng sanh lễ bái cúng dường, dù chư Phật còn tại thế hay đã nhập diệt. Dưới cội cây ấy, Ngài đã tìm được cánh cửa Bất tử, và là nơi Ngài an trú trong nhiều tuần lễ đầu tiên sau khi chứng quả Giác Ngộ. Thế rồi, nhận lời thỉnh cầu của ngài Ānanda, Trưởng lão Moggallāna dùng thần thông bay đến dưới cây Bồ Đề ở Uruvela, hứng một trái bồ đề đang chín rụng, vừa rời khỏi cuống nhưng chưa chạm tới đất. Trái bồ đề được mang về tịnh xá Jetavana để gieo trồng với sự hiện diện của triều đình, chư thánh tăng và các thiện tín. Ngài Ānanda trao trái ấy cho Vua Pasenadi để gieo xuống đất, nhưng đức vua khiêm cung trả lời là ông chỉ phụng sự cho triều đình, một người kề cận và phụng sự Giáo Pháp sẽ thích hợp hơn để làm việc này. Rồi đức vua trao trái bồ đề cho Anāthapiṇḍika đang đứng kế bên. Anāthapiṇḍika kính cẩn gieo trái.

Cây Bồ Đề lớn lên, trở thành một thánh tích thiêng liêng cho thiện nam tín nữ nương tựa và lễ bái. Ngài Ānanda cũng thỉnh cầu Đức Phật tọa thiền nhập định suốt đêm dưới cội cây này để ban thêm phước lành cho thánh tích. Anāthapiṇḍika thường tìm đến cây Bồ Đề và dùng những ký ức thiện lành liên quan đến cây cùng với niềm cảm hứng thiêng liêng ông đã thọ nhận nơi đây để nhớ nghĩ đến Đức Thế Tôn (Jāt. 479).

 

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app