ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IX: CẤP CÔ ĐỘC

TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ CỦA ĐỨC PHẬT

“Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá Vệ), tại Jetavana (Kỳ Viên hay rừng Kỳ Đà), tịnh xá của Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc)…”

Đó là câu bắt đầu trong rất nhiều bài kinh Phật. Nhờ vậy nhiều người đọc kinh sách Phật giáo biết đến vị nam đệ tử cư sĩ nổi tiếng Anāthapiṇḍika. Danh hiệu Anāthapiṇḍika có nghĩa là “người bố thí, chu cấp vật thực (piṇḍa) đến kẻ cùng khổ, cô độc (anātha)” – Cấp Cô Độc – vị gia trưởng dòng họ Sudatta danh giá của thành Sāvatthi.

Ông là ai? Như thế nào ông đã gặp Đức Phật? Nhân duyên nào gắn bó ông và Giáo Pháp? Các câu trả lời được tìm thấy qua rất nhiều bài kinh đề cập đến tên ông.

Anāthapiṇḍika gặp Đức Thế Tôn lần đầu tiên ngay sau mùa an cư kiết hạ thứ ba của Ngài. Trong giai đoạn mới mẻ này của Tăng già, Đức Phật chưa đưa ra giới luật nào về nơi cư trú cho chư tỳ khưu. Lúc ấy chư tăng có thể sống các nơi tùy ý – ở trong rừng, bên các cội cây, dưới những tảng đá nhô ra ngoài, trong hang động, nghĩa địa, hay những nơi trống trải.

Ngày nọ, một thương gia giàu có ở thành Rājagaha (Vương Xá), thủ đô xứ Maghada (Ma Kiệt Đà), là thiện tín thuần thành của Đức Phật, thấy chúng tăng sống như vậy nên đề nghị chư vị xin phép Đức Tôn Sư cho được thọ nhận chỗ ở thường trực. Khi được Đức Phật chấp thuận, vị thương gia này cho dựng khoảng sáu mươi tu cốc cho chư sa môn lưu trú trong lâm viên Veluvana (Trúc Lâm) ở Rājagaha để vun bồi phước báu. [Lâm viên Veluvana được vua Bimbisāra dâng cúng lên Đức Phật trong mùa mưa an cư thứ hai để xây cất tịnh xá cho chư tăng.] Như vậy đây là tịnh xá Phật giáo đầu tiên làm cơ sở cho việc truyền bá Giáo Pháp và huấn luyện Tăng chúng (Vin. 2:146).

Vị thương gia này có một người em rể tên Sudatta nhưng luôn được gọi là Anāthapiṇḍika, là một thương gia giàu có nhất thành Sāvatthi. Một ngày nọ, trong một chuyến đi buôn đến vùng lân cận xứ Maghada, Anāthapiṇḍika đến thành Rājagaha. Như thường lệ, việc đầu tiên của ông là đến viếng thăm người anh vợ mà ông có mối thâm tình nồng hậu. Ngạc nhiên thay, khi ông bước vào nhà hầu như chẳng ai để ý đến ông, trái với lệ thường mỗi khi ông đến, người anh vợ và cả nhà ra tiếp đón ông rất nồng nhiệt. Còn lần này ai nấy đều tất bật lo chuẩn bị thật công phu cho chuyện gì đó. Ông hỏi người anh vợ đang bận rộn:

“Anh à, ở nhà có đám cưới? Hay có lễ tế thần? Hay có đức vua đến viếng thăm?”

“Anh mời bậc Giác Ngộ và chư tăng đến thọ trai ngày mai.” Người anh vợ trả lời.

Nghe vậy Anāthapiṇḍika chăm chú hỏi:

“Anh nói là bậc Giác Ngộ?”

“Đúng vậy,” người anh vợ trả lời, “ngày mai bậc Giác Ngộ sẽ đến.”

Ông thật không tin vào tai của mình, ông hỏi lại lần thứ nhì, lần thứ ba:

“Anh nói là bậc Giác Ngộ?”

Rồi thở một hơi dài như để giảm bớt náo nức, ông nói:

“Ngay cả âm thanh của những chữ này thôi – bậc Giác Ngộ – cũng thật hiếm hoi mới được nghe đến trên thế gian này. Người ta thật sự có thể gặp được Ngài sao?”

“Hôm nay thì không tiện,” người anh vợ nói, “nhưng em có thể đến sáng sớm ngày mai.”

Đêm đó Anāthapiṇḍika nằm xuống cố dỗ giấc ngủ, nhưng những suy nghĩ và cảm giác nôn nao về việc gặp gỡ bậc Giác Ngộ khiến ông thức giấc đến ba lần trong đêm, tưởng là trời đã sáng. Cuối cùng, ông dậy trước rạng đông, rời thành phố, và đi về phía tịnh xá. Trong đêm tối, nỗi sợ hãi, nghi ngại hoang mang tràn ngập tâm ông, và bản năng thế gian bảo ông hãy quay về lại. Nhưng một chư thiên vô hình tên là Sīvaka thúc giục ông tiến bước:

Một trăm ngàn thớt voi,
Một trăm ngàn ngựa quý,
Một trăm ngàn chiến xa,
Một trăm ngàn thiếu nữ
Yêu kiều với trang sức,
Không bằng một phần mười sáu,
Của một bước chân tiến tới.
Hãy tiến bước, gia trưởng!
Hãy tiến bước, gia trưởng!
Tiến bước mang lợi ích,
Quay lại không được gì.

Và cứ như vậy trong đêm tối, Anāthapiṇḍika vững lòng tiến bước. Một lúc sau trong màn sương mù của buổi rạng đông, ông thấy một dáng người đang đi tới đi lui, im lặng thiền hành. Anāthapiṇḍika dừng bước. Rồi người ấy lên tiếng gọi ông bằng một giọng dịu dàng kỳ diệu: “Hãy đến đây, Sudatta!”

Anāthapiṇḍika giật mình khi nghe gọi tên tộc của mình vì mọi người ở đây chỉ biết ông với biệt danh Anāthapiṇḍika. Đức Phật không biết ông, và ông lại đến đây bất ngờ. Bây giờ thì ông chắc chắn rằng mình đang đứng trước mặt bậc Giác Ngộ. Xúc động dâng tràn, ông buông mình xuống, cung kính quỳ dưới chân bậc Đại Sư và ngập ngừng hỏi thăm Ngài:

“Bạch Đức Thế Tôn, Ngài ngủ có ngon không?”

Để trả lời một câu hỏi thăm thông thường như vậy, Đức Phật ban cho ông một thoáng nhìn về thân tâm đích thật của một bậc Giác Ngộ:

Giấc ngủ luôn an lành
Với vị bà-la-môn (*),
Vị dập tắt hoàn toàn
Mọi bám víu dục lạc,
Tâm mát mẻ, ly tham.

Đã đoạn mọi dính mắc,
Đã diệt mọi ái luyến,
Bậc an tịnh an giấc,
Vì tâm đã tịch tĩnh.
(*) ở đây có nghĩa là bậc giác ngộ a-la-hán

Rồi Đức Phật hướng dẫn Anāthapiṇḍika từng bước một, giảng giải về các hạnh bố thí, trì giới, về các tầng trời, về bản chất nguy hiểm, phiền não và hư ảo của khoái lạc thế gian, cùng lợi ích của việc từ bỏ chúng. Khi Đức Phật thấy tâm trí Anāthapiṇḍika đã sẵn sàng, nhu nhuyến, không vướng mắc, hoan hỷ và bình lặng, Ngài thuyết giảng cho ông về Tứ Diệu Đế – giáo pháp mà các bậc Giác Ngộ đều giảng dạy: đó là sự thật vi diệu về sự khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ, và con đường diệt khổ.

Pháp nhãn thanh tịnh (dhamma-cakkhu) như được khai mở cho Anāthapiṇḍika khi nghe lời giáo huấn đó: “Tất cả những gì có bản chất sanh khởi, đều có bản chất hoại diệt.” Anāthapiṇḍika thấu hiểu được Chân lý, vượt qua hoài nghi và dao động, tâm trở nên kiên cố vững chắc, hoàn toàn an trú vào Giáo Pháp của Đức Tôn Sư. Ông đã chứng đắc đạo quả nhập lưu (sotāpatti).

Rồi ông xin được thỉnh Đức Phật thọ trai vào ngày hôm sau ở nhà của người anh vợ. Ngài nhận lời. Sau khi Đức Phật thọ thực xong, Anāthapiṇḍika xin phép Ngài cho ông xây một tu viện tại thành Sāvatthi, quê nhà của ông. Đức Phật trả lời:

“Các bậc Giác Ngộ hoan hỷ với những nơi cư trú thanh tịnh.”

“Con hiểu rồi, ôi Đức Tôn Sư, con hiểu rồi”, vị thiện cư sĩ vô cùng vui mừng trả lời, biết là Đức Phật đã nhận lời.

Trên đường về lại thành Sāvatthi, ông khuyến khích mọi người dọc đường chào đón, đảnh lễ Đức Phật. Vừa về đến nơi, ông tìm kiếm ngay một nơi chốn thích hợp để xây dựng tịnh xá. Địa điểm không được quá gần cũng không quá xa làng mạc; ban ngày không có quá nhiều người qua lại, ban đêm không có nhiều tiếng động; nơi đó đủ gần cho thiện tín đến viếng thăm và cũng đủ xa cho người sống ẩn dật. Cuối cùng ông tìm được một nơi lý tưởng cho chư tăng – một cánh rừng thưa tuyệt đẹp trong dãy đồi bao quanh thành phố, đó là lâm viên Jetavana của Thái tử Jeta (Kỳ Đà), con Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc).

Anāthapiṇḍika đến cung điện viếng thăm thái tử Jeta và xin hỏi mua khu rừng. Thái tử Jeta nói sẽ không bán cho Anāthapiṇḍika dù ông có trả đến mười tám triệu đồng tiền vàng. Anāthapiṇḍika trả lời là ông sẽ trả thái tử số tiền đó ngay. Tuy nhiên hai bên không đồng ý về thời hạn và điều kiện của cuộc mua bán nên phải kiếm một người trung gian hòa giải. Người hòa giải qui định là dùng mười tám triệu đồng tiền vàng trải trên khu vườn để đo đất và, dựa vào đó, khế ước bán đất được đặt ra.

Anāthapiṇḍika cho xe chở tiền vàng trải khắp trên mặt đất. Cuối cùng chỉ còn một mảnh đất nhỏ ở lối vào chưa được trải tiền vàng. Ông ra lệnh chở thêm vàng đến, nhưng thái tử cho biết sẽ cúng dường một cổng lớn và một tháp ở địa điểm đó bằng tiền của mình. Cổng và tháp này ngăn che tịnh xá với thế giới bên ngoài, chắn được các tiếng động ở ngoài đường, phân cách nơi thiêng liêng này với đời sống thế tục. Sau đó Anāthapiṇḍika bỏ thêm mười tám triệu đồng tiền vàng để xây tăng xá và trang bị đồ đạc. Ông xây các tu cốc cá nhân, một giảng đường, một phòng ăn, các kho chứa, đường đi, nhà vệ sinh, giếng nước, hồ sen làm nơi tắm rửa, và một vòng thành lớn bao bọc chung quanh khuôn viên. Như vậy khu rừng thưa được biến thành tu viện riêng biệt, là nơi ẩn cư thanh tịnh của chư tăng (Vin. 2:158-59). Để ca ngợi hai vị thành lập tịnh xá – Thái tử Jeta và cư sĩ Anāthapiṇḍika – kinh điển luôn đề cập đến hai tên: Jetavana và tịnh xá của Anāthapiṇḍika.

Khi việc xây dựng hoàn tất, Đức Phật và chư tỳ khưu đến Sāvatthi để trú ngụ ở tịnh xá mới hình thành. Vào ngày đầu tiên đón tiếp Tăng chúng, Anāthapiṇḍika cúng dường trai tăng Đức Phật cùng chư tăng. Sau đó ông bạch hỏi Đức Phật: 

“Bạch Thế Tôn, con nên cúng dường Jetavana như thế nào cho đúng theo Giáo Pháp?”

“Con có thể dâng cúng đến Tăng già bốn phương (tứ phương tăng), hiện tại và tương lai.”

Và Anāthapiṇḍika vâng theo lời dạy. Rồi Đức Bổn Sư tán thán công đức của ông bằng kệ sau:

Trú xứ ngăn nóng lạnh,
Thú dữ, trùng và muỗi,
Gió nóng và mưa ướt.
Để hành thiền, quán niệm,
Trong tu cốc an lành –
Một trú xứ như vậy
Được Thế Tôn khen ngợi
Là cúng dường bậc nhất
Dâng tặng đến Tăng già.

Vì vậy người thiện trí
Muốn vun bồi phước báu,
Nên xây cất chỗ ở
Cho các bậc tu hành,
Dâng cúng tứ vật dụng
Đến các vị giới đức.
Rồi các vị dạy Pháp
Tận diệt mọi đau khổ;
Người, thấu hiểu Giáo Pháp,
Ngay đây chứng Niết bàn.

Sau lễ trai tăng, cư sĩ Anāthapiṇḍika dùng thêm mười tám triệu đồng tiền vàng để tổ chức một lễ hội tưng bừng cho dân chúng với quà tặng cho mọi người. Tổng cộng ông bỏ ra năm mươi bốn triệu cho công đức bố thí cúng dường tịnh xá đến Đức Phật và chư tăng. Do vậy Đức Phật tuyên bố ông là vị đệ nhất thí chủ của Tăng già trong hàng đệ tử cư sĩ (AN 1:14).

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app