ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IV: A NAN ĐÀ

CHUYỆN TIỀN THÂN

Vào thời Đức Phật Padumuttara, một trăm ngàn kiếp trái đất trước, khi quan sát vị thị giả của Đức Phật tận tụy phục vụ Ngài và chư tăng trong mùa an cư kiết hạ, Thái tử Sumanakumāra – tiền thân của Trưởng lão Ānanda – nảy sanh lòng kính mến, ngưỡng mộ dày sâu.

Sau ba tháng cúng dường và phục vụ Đức Phật và chư tăng trong mùa an cư, Sumanakumāra quỳ dưới chân Đức Phật thệ nguyện hồi hướng công đức để vun bồi phước báu được làm thị giả của một vị Phật tương lai. Thái tử được Đức Phật Padumuttara thọ ký trong tương lai sẽ là thị giả của Đức Phật Gotama.

Từ ngày ấy về sau, kinh sách ghi lại rằng, Sumanakumāra luôn cảm thấy như mình đã bắt đầu đi sau lưng và mang y bát của Đức Phật Gotama.

Trong các chuyện tiền thân (Jātaka) kể về những mối liên hệ mật thiết giữa Ānanda và Đức Bồ Tát (tiền thân Đức Phật Gotama), Trưởng lão từng là anh em, con, cha, hầu cận, đồng môn, bạn hữu của Bồ Tát.

Tiền thân của Ānanda thường là người, hiếm khi là thần linh hay thú vật. Trong khi đó, tiền thân của Anuruddha thường là thần linh và của Devadatta thường là thú vật.

Ba thí dụ dưới đây đề cao những nỗ lực trau giồi đức hạnh không ngừng nghỉ của Ānanda trong tiền kiếp.

Jātaka 498

Ngày nọ, khi đang ngụ tại tịnh xá Jetavana, Đức Thế Tôn được Tăng chúng trình lên rằng họ đang tán thán tình bằng hữu của hai người bạn đồng tu của ngài Mahā Kassapa. Hai vị này vô cùng thân thiết, phân chia mọi thứ công bình, sống rất hòa hợp; ngay cả khi khất thực hai vị cũng cùng ra đi và cùng trở về với nhau.

Đức Phật dạy: “Này các tỳ khưu, tình bạn này chỉ trong một đời sống không là việc lạ thường, bởi vì các bậc thiện trí ngày xưa đã giữ được tình bằng hữu bền chặt qua ba bốn kiếp sống.”

Nói xong, Ngài kể câu chuyện tiền thân sau đây.

Một thuở nọ, Citta (tiền thân của Đức Bồ Tát) và Sambhūta (tiền thân của Ānanda) là anh em họ, sanh ra trong giai cấp caṇḍālas (chiên-đà-la, hạ đẳng). Khi lớn lên, hai cậu học thông thạo nghề quét đường và một hôm biểu diễn tay nghề ở cổng thành.

Bấy giờ trong kinh thành có hai phụ nữ, một cô là con một thương nhân và cô nọ là con một tế sư, đang đi dạo chơi quanh thành cùng gia nhân, mang theo nhiều thực phẩm ngon quý. Khi thấy Citta và Sambhūta, họ hỏi:

“Chúng là ai?”

Được cho biết đó là hai kẻ giai cấp hạ đẳng, hai cô bảo:

“Thật là một điềm xui xẻo tồi tệ!”

Hai cô liền rửa mắt bằng nước tẩm hương thơm rồi ra về, bỏ cuộc dạo chơi và yến tiệc. Lúc ấy, dân chúng bao quanh Citta và Sambhūta chửi mắng:

“Này bọn hạ đẳng tồi tàn kia, mi đã làm chúng ta mất phần cơm rượu miễn phí!”

Citta và Sambhūta bị đánh đập tàn nhẫn. Họ than thở với nhau:

“Tất cả đau đớn ê chề này giáng xuống chúng ta chỉ vì dòng giống ta sanh ra. Ta sẽ không bao giờ làm kẻ caṇḍālas nữa mà phải giấu tung tích dòng họ, giả dạng thanh niên bà-la-môn, đến trường ở Takkasilā để học hành.

Giấu giếm không bao lâu thì tung tích gia tộc của họ bị phơi bày, và họ bị các học sinh cùng trường đánh đập, nguyền rủa.

Có một vị bà-la-môn hiền đức ngăn cản rồi xua hai người đi và nói:

“Đi đi! Vết nhơ đã nằm trong huyết thống. Phải đi ngay! Hãy đến đâu đó mà làm ẩn sĩ khổ hạnh.”

Hai anh em đi vào rừng, sống đời ẩn sĩ khổ hạnh trọn đời còn lại.

Sau khi chết, họ tái sanh làm hai anh em nai con, luôn luôn kề cận bên nhau. Một ngày nọ, cả hai cùng chết ở cùng một chỗ, bởi cùng một mũi tên của một người thợ săn.

Kiếp kế tiếp, họ tái sanh làm con của chim ưng biển, luôn luôn quấn quít không rời nhau, và lại cùng chết bên nhau dưới tay một người săn chim.

Sau đó Citta tái sanh làm con vị tế sư của hoàng gia. Còn Sambhūta là hoàng tử. Ngay từ ngày được đặt tên, hai vị đã có khả năng nhớ lại các đời trước của mình. Song Citta nhớ lại đủ cả ba đời trước theo thứ tự, còn Sambhūta chỉ có thể nhớ lại đời caṇḍāla.

Năm mười sáu tuổi, Citta xuất gia làm ẩn sĩ khổ hạnh, tu hành tinh tấn, phát khởi hỷ lạc và tuệ giác thiền định. Trong lúc ấy, Sambhūta lên ngôi vua. Biết tin này, Citta suy nghĩ: “Ta không bao giờ đủ sức giáo hóa một vị tân vương trẻ tuổi. Khi nào hiền hữu đến tuổi già, ta sẽ đến thăm và khuyên nhủ bạn sống đời ẩn sĩ khổ hạnh.”

Năm mươi năm sau, Bồ Tát về viếng thăm vua.

Ngài giảng giải tính vô thường, bất toại nguyện của các pháp trong vòng tục lụy và tán dương hạnh phúc thanh cao của đời sống ẩn sĩ phạm hạnh. Vua hoan hỷ lắng nghe và liền nhìn nhận những điều Bồ Tát khuyên dạy là lẽ phải. Nhưng vua thú thật rằng mình đã bị chôn chặt trong vũng bùn dục lạc, không sao lìa bỏ được, như một con voi lún sâu xuống đầm lầy.

Nghe vậy, Bồ Tát chỉ bày cho vua rằng, một vị vua cũng có thể huân tập đức hạnh bằng cách nhân từ và công bằng cai trị muôn dân, giảm thuế, hộ trì những vị chân tu hay bậc hiền đức. Còn khi lửa ái dục bùng cháy vì nữ sắc thì vua hãy hồi tưởng lại hình ảnh của mẫu thân trong tiền kiếp Sambhūta nghèo hèn xưa, khi không mái nhà trú thân, nằm lây lất giữa đàn chó, và mẫu thân vừa cho bú mớm vừa làm việc quần quật.

Rồi Bồ Tát dạy:

“Ta đã khuyên nhủ đại vương rồi. Bây giờ tùy ý đại vương có muốn sống đời ẩn sĩ khổ hạnh hay không, nhưng ta sẽ tiếp tục với thiện nghiệp của ta, và thiện nghiệp rồi trổ quả lành.”

Nói xong Bồ Tát giã từ bạn, bay lên không. Bụi bặm trên đôi chân Ngài rơi xuống hoàng bào của bạn. Cảnh tượng này làm rúng động tâm can vua. Không bao lâu sau vua giao lại quốc độ cho thái tử và tìm đến Bồ Tát xin xuất gia tu hành. Bồ Tát truyền giới cho vua sống đời phạm hạnh và dạy vua thiền tập. Vua tinh tấn tu tập và khi mệnh chung cùng Bồ Tát tái sanh lên cõi Phạm thiên.

Jātaka 421

Đức Phật kể chuyện sau khi đang ngụ tại tịnh xá Jetavana. Hôm ấy, Ngài giảng giải về lễ Bố tát (Uposatha, ngày tụng đọc giới). Đây là một pháp tu hành tích cực cho đệ tử xuất gia cũng như tại gia, thường được áp dụng trong một ngày một đêm (hai mươi bốn tiếng).

Trong ngày cư sĩ Bố tát, người cư sĩ thọ Tám giới để giữ gìn cho thân tâm thanh tịnh, thiện lành: 1) không sát sanh, 2) không trộm cướp, 3) không tà dâm, 4) không nói dối, 5) không uống rượu và dùng chất say, 6) không trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem múa hát, 7) không nằm, ngồi giường cao rộng sang đẹp, 8) không ăn quá giờ ngọ.

Thế Tôn dạy: “Này các cư sĩ, trong ngày Bố tát, các con nên nghiêm túc trì giới, bố thí cúng dường, khởi lòng bi mẫn, chế ngự sân hận, hành thiền, và thi hành mọi phận sự của người tu. Các bậc trí nhân ngày xưa đã được thọ hưởng bao phước lành chỉ nhờ giữ giới trong một phần của ngày Bố tát.”

Rồi Ngài kể chuyện tiền thân sau đây.

Ngày xưa có một phú thương chuyên tâm bố thí và làm các việc thiện lành của giới cư sĩ. Toàn thể gia quyến và gia nhân của ông đều thọ đầy đủ Tám giới trong các ngày Bố tát hằng tháng.

Thuở ấy, Đức Bồ Tát sanh vào một nhà nghèo, phải chật vật kiếm kế sinh nhai bằng cách làm thuê. Ngài được người phú thương mướn làm công trong nhà.

Vào một ngày Bố tát, gia quyến và các công nhân của phú thương đều thọ thực buổi sáng, sau đó nhịn ăn, và về nhà tham thiền trên đề mục trì giới cho đến hết ngày. Vì không biết việc này nên Bồ Tát dậy sớm và đi làm việc cả ngày đến chiều mới quay về.

Khi biết được, Bồ Tát nguyện thọ giới nửa ngày còn lại, nhịn ăn và về nhà tham thiền. Vì không ăn gì suốt một ngày làm việc cật lực, vào canh cuối Ngài cảm thấy đau đớn tột cùng. Tuy vậy Ngài vẫn cương quyết nhịn ăn và nguyện trì giới dù phải thiệt mạng.

Đến rạng sáng Bồ Tát bất tỉnh. Tưởng Ngài sắp chết nên người nhà mang Ngài ra ngoài yên nghỉ. Lúc ấy có vị quốc vương đang kinh hành đi ngang qua. Thấy sự uy nghi lộng lẫy của hoàng gia, Bồ Tát sanh lòng ao ước và cầu nguyện được làm vua. Khi mệnh chung, do phước báu của việc giữ giới trong nửa ngày Bố tát, Ngài đạt ước nguyện và tái sanh làm vua.

Ngày nọ, kinh thành của vua (Đức Bồ Tát) có lễ hội tưng bừng náo nhiệt. Vợ chồng người gánh nước nghèo cũng nôn nao muốn đi dự hội. Gia tài người gánh nước (tiền thân của Ānanda) chỉ có nửa xu tiền, dấu trong một viên gạch ở bờ tường ngoại thành phía Bắc. Người vợ nói bà cũng có để dành nửa xu và hối thúc chồng đi lấy nửa xu dấu kín của ông về. Với số tiền hai người góp chung, họ có thể mua tràng hoa, hương liệu và thức uống để tham dự lễ hội.

Vui thích với hình ảnh người vợ dệt lên, người gánh nước lập tức lên đường dù lúc ấy đang giữa trưa, trời nóng như lửa.Vừa đi, ông vừa hứng chí ca hát.

Khi ấy vua đang ngự trong vườn ngự uyển. Nghe tiếng hát vui vẻ của người gánh nước giữa nắng trưa gay gắt như đổ lửa, vua ngạc nhiên truyền gọi ông vào và hỏi lý do.
Người gánh nước trả lời rằng ông không cảm nhận sức nóng thiêu đốt của mặt trời trên da thịt bởi vì tham muốn đang nung cháy trong lòng, và ông kể cho vua nghe chuyện của mình.

Nghe vậy, vua tưởng đâu của cải của người gánh nước lớn lao lắm, dễ chừng cả trăm ngàn đồng tiền. Không ngờ đó chỉ là nửa đồng xu. Người gánh nước giải thích rằng, tuy trọn gia tài chỉ có nửa xu nhưng nó sẽ mang lại cho vợ chồng ông chung một niềm hoan lạc.

Với tâm tánh nhân hậu, vua không muốn người gánh nước lặn lội dưới trời nắng gắt vì số tiền cỏn con như vậy nên hứa cho ông nửa xu để ông khỏi vất vả tìm nửa xu của ông. Người gánh nước nói sẽ nhận nửa xu của vua nhưng vẫn cương quyết đi tìm nửa xu mình đã dành dụm để chia sẻ niềm vui với vợ.

Cảm mến tình nghĩa của người gánh nước, vua tiếp tục tăng số tiền tặng lên cao mãi, đến bạc triệu, rồi cả đến danh tước phó vương, người gánh nước vẫn không bỏ ý tìm nửa xu của mình. Cho đến khi vua đề nghị chia nửa vương quốc thì ông bằng lòng. Giang sơn chia đôi; người gánh nước cai trị một nửa. Ông chọn nửa phần Bắc phận do lòng yêu thích nửa đồng xu của mình dấu ở bờ tường phía Bắc, và được gọi là Vua Nửa Xu.

Hai vị vua cai trị phần đất nước của mình hòa hợp trong tình thân hữu.

Một hôm, hai vị cùng đi săn. Khi thấm mệt, Bồ Tát nằm gối đầu trên bắp vế Vua Nửa Xu nghỉ ngơi. Ngài thiếp ngủ trong lúc quân hầu cận tản mác nơi khác. Chợt lòng tham nổi dậy trong Vua Nửa Xu, và ý tưởng giết vua để cai trị trọn vương quốc đến với ông.

Vì thế ông rút kiếm ra định giết bạn. Nhưng khi nhớ lại ân nghĩa của người bạn nhân ái đã đưa mình từ chỗ nghèo hèn đến địa vị quốc vương, ông nhận thức được tư tưởng sát nhân ấy là tội lỗi và độc ác. Ông liền tra kiếm vào bao.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, ác niệm khởi lên và lại được chế ngự. Cảm thấy tư tưởng bất thiện này khởi lên mãi có thể đưa đến ác nghiệp, ông vứt kiếm đi, đánh thức Bồ Tát dậy, quỳ dưới chân Ngài thú tội và xin được tha thứ.

Bồ Tát tha thứ cho ông, nói rằng Ngài sẵn sàng nhường trọn giang san cho Vua Nửa Xu và sẽ vui lòng làm phó vương phụng sự bạn.

Nhưng Vua Nửa Xu đã thức tỉnh, không còn chút quyến luyến ước vọng quyền lực. Ông đã thấy được lòng tham nổi lên và gia tăng trong tâm như thế nào, và giờ đây ông chỉ muốn nhổ tận gốc rễ tham dục. Ông giao lại quốc độ cho bạn, đến ẩn cư trên vùng Himālaya, sống đời phạm hạnh và nỗ lực hành thiền.

Jātaka 282

Vào thời Đức Phật tại thế, có một vị quan đại thần của xứ Kosala phục vụ cho quốc vương rất tận tụy, đắc lực, và được nhà vua ban cho nhiều ân sủng. Các vị quan khác ganh ghét ông nên bịa chuyện vu cáo và phỉ báng ông. Vua vì tin lời họ mà không tra xét tội trạng, ra lệnh giam ông vào ngục.

Ông sống đơn độc trong tù. Tuy nhiên, nhờ hiểu được Giáo Pháp và đức hạnh thanh cao mà tâm ông bình an, tự tại. Với tâm định tĩnh, ông tham thiền và đắc thánh quả nhập lưu. Ít lâu sau, nhận ra ông vô tội nên nhà vua trả lại tự do cho ông và càng quý trọng ông nhiều hơn nữa.

Ông đến tịnh xá Jetavana, đảnh lễ Đức Phật để tỏ lòng tôn kính và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con gặp một vận xui nhưng đã biến vận xui thành mối duyên lành. Khi ngồi tù, con thiền tập và đắc quả nhập lưu.”

Thế Tôn dạy:

“Các bậc thiện trí ngày xưa cũng từng chuyển hóa nghịch duyên thành phước duyên như ông vậy.”

Nói xong, Ngài kể chuyện xưa sau đây.

Thuở ấy vua xứ Benares là một vị minh quân và giữ mười phẩm hạnh của một hiền vương như bố thí, trì giới, và hành trì lễ Bố tát.

Ngày nọ nhà vua biết được rằng một quan cận thần đã thông gian với cung phi của mình. Vị vua nhân từ tha tội chết cho ông ta, chỉ đày biệt xứ và còn cho phép mang theo gia đình và của cải. Ông sang một nước láng giềng đầu phục và dần dần được vị vua xứ này tin dùng. Bấy giờ ông thuyết phục vua láng giềng rằng xâm chiếm Benares là việc dễ dàng vì vua Benares quá đỗi nhân từ.

Thoạt tiên, vua láng giềng còn nghi ngờ và e ngại vì biết xứ Benares hùng cường và vững mạnh. Vị quan xúi giục vua láng giềng thử tấn công một địa phận của Benares. Nếu có một ai bị bắt giữ làm tù binh, họ sẽ được tha tội và không chừng còn được tặng thưởng nữa. Y như thế, khi nghe các tù binh than khóc kể lể rằng họ chỉ là những người nghèo đói nên phải cướp bóc để kiếm ăn chứ không phải là quân xâm lăng, vua Benares động lòng trắc ẩn nên tha tội và chu cấp tiền bạc.

Lúc này vua láng giềng hoàn toàn tin tưởng vào lời xúi giục của vị quan phản quốc kia nên ồ ạt xua quân xâm chiếm Benares. Vị nguyên soái quân đội hoàng gia xin vua Benares cho lệnh chống trả để bảo vệ giang sơn, nhưng nhà vua nhân từ không chấp thuận vì không muốn giữ vương quốc bằng cách giết hại, gây đổ máu. Rồi Ngài thản nhiên để vua láng giềng vào thành và giam Ngài vào ngục.

Trong ngục tù, vua Benares tham thiền nhập định. Vì lòng thương xót vị vua xâm lăng dâng tràn, Ngài rải tâm từ đến ông. Do đại từ tâm này mà vị vua xâm lăng bỗng dưng thấy thân nóng hừng hực như lửa đốt và tâm tư bứt rứt, hối hận và đau đớn cùng cực. Ông vào ngục thất cầu xin vua Benares thứ lỗi, hoàn trả vương quốc, và cam kết sẽ là đồng minh trung thành của Ngài mãi mãi.

Vua Benares thu hồi vương quốc và khuyên dạy triều thần về sức mạnh của giới đức và lòng từ bi. Ngài nói rằng do đem lòng hiếu hòa, nhân hậu đối xử với quân xâm lược mà đã tránh được chết chóc cho hàng trăm sanh mạng trên chiến trường.
Sau đó Ngài rời bỏ ngai vàng, từ biệt kinh thành hùng vĩ, và ẩn cư trên dãy Himālaya để sống đời tu hành phạm hạnh.

Chấm dứt câu chuyện, Thế Tôn cho biết vua Benares là tiền thân của Đức Phật – khi hết tuổi thọ kiếp ấy thì sanh vào cõi Phạm thiên. Vị vua láng giềng là tiền thân của Ānanda – sau khi sám hối với vua Benares đã trở thành một minh quân đức độ.

NGÀY THÁNG CUỐI CỦA ĐỨC PHẬT

Mahā Parinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn, DN 16), tường thuật các diễn biến trong những ngày tháng cuối cùng của Đức Phật và ghi chép lại các bài Kinh Di Giáo khuyến tu cùng những lời giáo huấn tối hậu cho việc bảo tồn sự hưng thịnh của Giáo Pháp khi vị Phật hiện tiền đã nhập Niết bàn. Qua nhiều chi tiết cảm động, Đại Kinh truyền đạt một sắc thái biệt ly, đặc biệt buồn đau cho ngài Ānanda. Đây là một Đại Kinh ghi đậm nét mối liên hệ của Ānanda với Bổn Sư nhất và phản ảnh trọn vẹn tâm tánh của Trưởng Lão. Vì vậy, đến đây xin đi theo dòng nội dung của Mahā Parinibbāna Sutta, đặc biệt là những đoạn kinh trong đó ghi lại thật rõ nét vai trò hay hình ảnh của Ānanda.

VÀI NÉT BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ CHÍNH TRỊ

Tại Magadha, bảy năm trước khi Đức Phật nhập diệt, Devadatta âm mưu chia rẽ Tăng già và đã thất bại. Giờ đây, năm cuối của kiếp sống cuối của Thế Tôn, Vua Ajātasattu đang trị vì xứ sở này. Vua Pasenadi xứ Kosala, vừa bị lật đổ. Đồng thời, ba bộ tộc Koliyā, Mallā, và Vajjī tuyên bố độc lập, không thần phục vua Ajātasattu. Trong lúc đó, Ajātasattu lại có ý đồ tiêu diệt bộ tộc Vajjī và sát nhập vùng đất của họ vào lãnh thổ của mình.

Riêng vương tộc Sākya, hai năm trước khi Thế Tôn nhập Niết bàn, đã phải chịu một kết thúc bi thảm và hầu hết thân quyến tại gia của Đức Phật và Ānanda bị tàn sát. Bấy giờ, để báo thù cho một mối sỉ nhục giai cấp và huyết thống, Vua Vidūdabha xứ Kosala xua quân tiến về lãnh thổ Kapilavatthu với dự tính tiêu diệt vương tộc Sākya.

Biết trước được việc này, Đức Phật đứng đợi Vua Vidūdabha dưới một cây cằn cỗi và thưa bóng mát, trong lãnh thổ quê hương, sát biên giới Kosala. Cạnh đó, ngay giữa biên giới, có một cây đa xum xuê râm mát. Trông thấy Đức Phật, vua xuống ngựa đảnh lễ và thỉnh Ngài sang tĩnh tọa dưới gốc cây đa. Đức Phật nói: “Đại vương đừng bận tâm. Bóng mát của thân quyến giữ mát cho Như Lai.”

Vidūdabha cảm động trước ngụ ý câu nói của Đức Phật nên truyền lệnh lui quân. Tuy nhiên, mối thù khó tan, vua lại truyền lệnh tiến binh. Nhưng ba lần xua quân, ba lần vua đều trông thấy Đức Phật đứng dưới cây cằn cỗi ấy, và rồi vua lại lui quân. Tuy nhiên, đến lần thứ tư thì Đức Phật không can thiệp nữa, biết đã đến lúc vương tộc Sākya phải trả một nghiệp nặng đã gieo trong kiếp quá khứ (UdA. 265; Ap.i.300).

Tuy không thể ngăn chặn cuộc thảm sát của các thân quyến tại gia còn lại của dòng họ mình, Đức Phật Sākyamuni đã cứu giúp được bộ tộc Vajjī và Mallā.

Cuộc hành trình cuối cùng của Đức Phật bắt đầu từ xứ Magadha.

Bấy giờ đã gần bốn mươi lăm năm Bổn Sư bộ hành khắp vùng Bắc Ấn, thuyết pháp và giáo hóa không ngừng nghỉ, chỉ ngoại trừ mùa mưa là mùa an cư nhập hạ hằng năm. Dù tâm lúc nào cũng vẫn minh mẫn, nhưng thân ngũ uẩn nay đã mệt mỏi già yếu. Đấng Toàn Giác biết đã đến lúc sắp kết thúc kiếp sống cuối cùng này.

MAHĀ PARINIBBĀNA SUTTA

TỤNG PHẨM THỨ NHẤT

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang lưu trú trên núi Linh Thứu (Gijjhakūta), gần Rājagaha, kinh đô xứ Magadha. Vua Ajātasattu truyền lệnh cho quan đại thần Vassakāra đến thăm dò ý của Ngài về mưu đồ xâm chiếm lãnh thổ trù phú và tiêu diệt bộ tộc hùng mạnh Vajjī. Khi Vassakāra trình bày thông điệp lên Thế Tôn, Đại đức Ānanda đang đứng sau lưng Ngài. Ngài quay sang Ānanda và đặt bảy câu hỏi về giới luật và phẩm hạnh trong đời sống thường nhật của dân tộc Vajjī.

Ānanda trả lời và khẳng định rằng:

1. Dân Vajjī thường xuyên tụ họp để thảo luận với nhau;
2. Dân Vajjī tụ họp trong tinh thần đoàn kết, chia tay trong tinh thần đoàn kết, và làm tròn phận sự trong tinh thần đoàn kết;
3. Dân Vajjī không bày thêm những luật lệ mới khó khăn và áp đặt, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành để giúp đỡ và bảo vệ họ, và triệt để tôn trọng và tuân thủ những luật lệ đã chế định;
4. Dân Vajjī hộ trì, tôn kính, đảnh lễ, và nghe theo lời dạy của các bậc trưởng thượng trong xứ;
5. Dân Vajjī không cưỡng ép, xâm phạm tiết hạnh người phụ nữ;
6. Dân Vajjī bảo trì, tôn trọng những nơi thờ phượng và không xao lãng các nghi lễ cổ truyền;
7. Dân Vajjī che chở và hộ trì những vị tu hành chân chánh, khiến các vị chưa đến nơi đây sẽ đến cư ngụ, và các vị đã đến được sống an lành.

Rồi Đức Phật dạy:

“Này Ānanda, khi nào bảy phẩm hạnh này còn được dân Vajjī duy trì thì bộ tộc Vajjī không thể suy thoái, trái lại còn thịnh vượng, hùng cường hơn nữa.”

Rồi Thế Tôn nói với đại thần Vassakāra:

“Này Vassakāra, trước đây Như Lai đã dạy cho dân Vajjī bảy điều kiện hưng thịnh hay bảy pháp Bất thối này. Đến nay họ vẫn duy trì đầy đủ.”
Vassakāra bạch Đức Phật:

“Thế Tôn, dân Vajjī chỉ cần thực hành một trong bảy pháp trên cũng đủ cường thịnh, huống chi cả bảy pháp. Vua Ajātasattu không thể đánh bại dân Vajjī bằng vũ lực chiến trận. Vua chỉ có thể thắng bằng kế ly gián hay có nội phản.”

Sau khi Vassakāra ra về, Đức Phật truyền Ānanda triệu tập tất cả các vị tỳ khưu trú ngụ tại Rājagaha và các vùng lân cận. Khi Tăng chúng đã tề tựu đông đủ, Ngài ban những lời giáo huấn để làm phương hướng cho các vị tu tập sau khi Ngài nhập diệt, không còn trực tiếp hướng dẫn họ nữa. Pháp thoại này là bài Kinh Di Giáo đầu tiên – bảy điều kiện hưng thịnh hay bảy pháp Bất thối cho Tăng già:

Ngày nào bảy pháp Bất thối sau đây còn được giảng dạy cho các vị tỳ khưu và được các vị nghiêm minh duy trì:

1. Chư tỳ khưu còn thường xuyên tụ họp để thảo luận với nhau;
2. Chư tỳ khưu còn giữ sự đoàn kết và hòa thuận khi tụ họp với nhau, khi chia tay nhau, và khi làm tròn tăng sự;
3. Chư tỳ khưu không bày thêm những Giới Luật mới khó khăn và áp đặt, không hủy bỏ những Giới Luật mà Như Lai đã ban hành để giúp đỡ và bảo vệ các vị, và triệt để tôn trọng và tuân thủ những Giới Luật đã được chế định;
4. Chư tỳ khưu còn hộ trì, tôn kính, đảnh lễ, và nghe theo lời dạy của các bậc sa môn cao hạ, các bậc trưởng thượng đạo đức và kinh nghiệm trong Tăng chúng;
5. Chư tỳ khưu còn luôn giữ chánh niệm để có thể quán sát được bất cứ bất thiện pháp nào vừa khởi lên trong tâm, và nhờ vậy mà không bị chúng chi phối khiến phải chịu lôi cuốn triền miên trong vòng sanh tử luân hồi;
Chư tỳ khưu còn tìm nơi vắng lặng, an tịnh để chuyên cần hành thiền;
7. Chư tỳ khưu còn an trú trong chánh niệm, khiến các bạn đồng tu phạm hạnh có nơi nương tựa an lành; ngày ấy Tăng chúng không suy thoái, lòng kính trọng của giới cư sĩ và tất cả chúng sanh đến các vị vẫn vững chãi, nguyên vẹn, và Đạo Pháp được hưng thịnh.

Trong thời gian này, Thế Tôn còn nhắc nhở và giảng dạy cho chư tỳ khưu các pháp Bất thối khác, tóm tắt như sau:

o Bảy pháp Bất thối khác cho Tăng chúng: không ưa thích làm thế sự, không ưa thích phiếm luận, không ưa thích ngủ nghỉ, không ưa thích quần tụ vô ích, không để tham dục chi phối, không thân cận với người xấu ác, không kiêu căng tự mãn với những thành đạt thấp kém mà dừng lại nửa chừng trước khi chứng đắc đạo quả cao quý nhất
o Bảy Tài sản cao quý (thánh sản): tín tâm, giới hạnh, tàm (hổ thẹn với các pháp bất thiện), quý (ghê sợ các pháp bất thiện), nghe nhiều học rộng (pháp học), xả thí (bố thí rộng lượng, dứt bỏ), trí tuệ
o Bảy yếu tố Giác ngộ: chánh niệm, trạch pháp (thấu hiểu thực tướng của các pháp), tinh tấn, hỷ, an tịnh, định, xả
o Bảy pháp Tưởng (bảy pháp cần sanh khởi): tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng hiểm họa (với dục vọng), tưởng dứt trừ, tưởng vô nhiễm, tưởng đoạn diệt
o Sáu pháp Khả kính (Lục hòa) với các vị đồng tu phạm hạnh: thân nghiệp từ hòa, khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, lợi hòa, giới hòa, kiến hòa

Sau khi giảng giải các pháp Bất thối để giữ vững sự hưng thịnh của Tăng chúng và Đạo Pháp, Đức Phật nhắc nhở chư tăng về Tam Học. Trong suốt cuộc hành trình cuối cùng ghi lại trong Kinh Đại Bát-niết-bàn, Tam Học còn nhiều lần khác được Bổn Sư khuyên nhắc các đệ tử: “Ấy là giới, ấy là định, ấy là tuệ. Định củng cố bởi giới sẽ đưa đến lợi ích lớn, quả vị lớn. Tuệ củng cố bởi định sẽ đưa đến lợi ích lớn, quả vị lớn. Tâm được tuệ chiếu sáng sẽ đưa đến giải thoát, tận diệt mọi ô nhiễm, mê lầm bởi dục lạc, tham ái, tà kiến, và vô minh.”

Rời Rājagaha, Đức Phật cùng Ānanda và một số đệ tử tỳ khưu đến khu lâm viên Ambalaṭṭhika thăm viếng và giảng dạy cho các vị sa môn ở đây. Sau đó, Ngài theo hướng sông Hằng đi đến Nālandā và ngự ở vườn xoài Pāvārika. Địa phận này gần quê hương của Trưởng lão Sāriputta, nơi về sau Trưởng lão quay về giảng dạy Giáo Pháp cho mẹ để cứu độ trước khi Trưởng lão viên tịch.

Một hôm, Sāriputta đến đảnh lễ và tán dương trí tuệ của Đức Bổn Sư:

“Bạch Thế Tôn, con hoan hỷ và tin tưởng chắc chắn rằng trong quá khứ, trong tương lai, cũng như ở hiện tại, không thể có một vị đạo sư nào có trí tuệ thâm sâu hơn Thế Tôn.”

“Này Sāriputta, lời nói đó quả thật oai hùng, dũng mãnh như tiếng gầm sư tử.”

Tuy nhiên Đức Phật nhắc Sāriputta rằng Trưởng lão không thể có tha tâm thông để am hiểu đầy đủ công đức của các chư Phật trong quá khứ và vị lai. Sāriputta cung kính xác nhận điều này nhưng vẫn giữ lời là Trưởng lão hiểu biết truyền thống về Chánh Pháp và tiến trình mà tất cả chư Phật đều phải trải qua trước khi chứng đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Rời Nālandā, Đức Phật bộ hành đến thành phố Pātaligāma. Nơi đây, Ngài ban bài Kinh Di Huấn sau cho hàng cư sĩ:

Có năm sự nguy hiểm do phạm Giới. Những ai bất cẩn hay chểnh mảng không tôn trì Giới mà Như Lai đã ban dạy cho hàng cư sĩ, người đó sẽ bị tiêu hao tiền của và phúc lạc; đánh mất thanh danh trong xã hội; giao tiếp với tâm sợ hãi, bối rối, dày vò; chết với tâm rối loạn; khi thân hoại mạng chung sẽ bị nghiệp dẫn sanh vào khổ cảnh.

Có năm sự lợi ích do trì Giới. Những ai biết thận trọng và trung kiên giữ gìn Giới sẽ được thọ hưởng sự giàu sang và phát đạt; thọ hưởng danh thơm tiếng tốt; được kính mộ, tôn trọng nên tâm không sợ hãi, bối rối, dày vò; chết với tâm sáng suốt, trong sạch, an lành; khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh vào những cõi hạnh phúc.

Do duyên lành được Đức Phật đến viếng và ban pháp thoại, dân chúng đặt tên cổng thành mà từ đó Ngài rời thành phố là “Cổng Gotama” và bến đò bên bờ sông Hằng Ngài đã qua là “Bến Đò Gotama”.

TỤNG PHẨM THỨ HAI

Từ bờ sông Hằng, Đức Phật cùng chư đệ tử Tỳ khưu đi đến Kotigāma. Ngài giảng dạy thêm về Tứ Diệu Đế cho Tăng chúng nơi đây: “Chính vì không thông hiểu Bốn Thánh Đế mà ta và các con phải ngụp lặn qua bao nhiêu kiếp trong sanh tử luân hồi. Khi Bốn Thánh Đế được giác ngộ thời hữu ái được đoạn diệt, chấm dứt vòng sanh tử triền miên.” Rồi Ngài nhắc nhở chư tăng về Tam Học – giới, định và tuệ.

Rời Kotigāma, Thế Tôn đến Nādikā và trú tại ngôi nhà gạch Giñjakāvasatha. Nhiều đệ tử của Đức Phật từng sanh sống trong làng này và nay đã quá vãng, như nữ cư sĩ Sujātā, vị tín nữ đã dâng sữa và thức ăn cho Ngài trước khi Ngài thành đạo. Trưởng lão Ānanda cung kính hỏi Đức Phật rằng các vị này đã được sanh ở cõi nào sau khi mệnh chung.

Đức Phật nhẫn nại kể lại các thánh quả mà mỗi vị đã chứng đắc. Rồi Ngài giảng về Pháp Kính (Gương Chánh Pháp, Dhammādāsa) để các thánh đệ tử sau khi chứng đạt, nếu muốn, có thể tự tuyên bố về mình như sau: “Ta không còn tái sanh vào bốn khổ cảnh: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đọa xứ. Ta đã chứng quả nhập lưu, không thể còn rơi vào ác đạo, và sẽ thành đạt quả Giác Ngộ cuối cùng.”

Sau Kotigāma, Đức Phật cùng chư tăng lên đường đi Vesāli, kinh thành của dân Vajjī. Nơi đây Ngài ngụ tại vườn xoài của Ambapāli, một kỹ nữ rất kiều diễm. Biết thế nào Ambapāli cũng sẽ đến đảnh lễ, Đức Phật khuyên dạy các vị tỳ khưu phải luôn luôn chú tâm an trú chánh niệm và tỉnh giác, và Ngài giảng thêm về Bốn Nền Tảng Chánh Niệm – phương pháp quán xét thân, thọ, tâm, pháp – để chư tăng tu tập.

Được tin Đức Thế Tôn về vườn xoài của mình, Ambapāli liền đến viếng thăm và cung thỉnh Ngài và chư tăng đến nhà thọ trai ngày hôm sau. Sau khi cúng dường trai tăng và được nghe Thế Tôn thuyết pháp, Ambapāli vô cùng hoan hỷ và phát tâm trong sạch kính dâng vườn xoài lên Giáo đoàn. Về sau Ambapāli xin xuất gia, sống đời phạm hạnh trong Ni chúng, và đắc quả a-la-hán.

Rồi Đức Phật, một lần nữa, giảng cho đại chúng nghe thêm về phép hành trì Tam Học – giới, định, tuệ.

Không bao lâu thì mùa mưa đến. Bổn Sư dạy các đệ tử tỳ khưu nên an cư ở bên trong hay ven đô Vesāli, nơi có thân quyến, bằng hữu hay thiện tín hộ trì. Phần Ngài đi tới Beluva, một làng ngoại ô nhỏ bé ở ngoại thành Vesāli, đất nhỏ dân thưa, để nhập hạ năm ấy. Theo bước Bổn Sư chỉ có Ānanda, người thị giả trung thành ngày đêm quanh quẩn bên Ngài. Đây là hạ thứ bốn mươi lăm sau ngày thành đạo và cũng là hạ cuối cùng của Đức Phật, mười tháng trước ngày nhập Niết bàn Parinibbāna (SA.iii.198).

Giữa mùa an cư này, Đức Phật lâm trọng bệnh, thân thể đau đớn tột cùng. Thế nhưng Ngài giữ vững chánh niệm tỉnh giác, dùng sức mạnh thiền định để chịu đựng cơn đau, không một lời rên siết. Bệnh tình Thế Tôn ngày càng trầm trọng khiến Ānanda lo sợ rằng Ngài sắp nhập diệt. Nhưng Ngài không muốn ra đi cho đến khi gặp lại Tăng chúng một lần nữa để từ biệt và khích lệ, củng cố tinh thần cho chư vị vững tiến trên đường đạo. Vì thế, Thế Tôn quyết định nhiếp phục cơn bệnh thập tử nhất sanh, duy trì mạng căn bằng ý chí dũng mãnh kiên quyết của một bậc Toàn Giác và bằng cách liên tục chứng nghiệm sự an lạc của quả a-la-hán.

Sức khỏe dần trở lại. Rồi Bổn Sư lành bệnh.

Ngày nọ, sau khi hồi phục, Đức Phật rời tịnh cốc. Ngài ngồi trên một mảnh chiếu Ānanda đã trải sẵn cho Ngài, dưới bóng râm của căn nhà nhỏ đang lưu trú trong mùa mưa an cư này. Đại đức đảnh lễ Đức Phật, ngồi xuống cạnh bên và bạch Ngài:

“Bạch Thế Tôn, con thật vui mừng được thấy Thế Tôn bình phục. Lúc bệnh Thế Tôn trở nặng, con lo sợ đến toàn thân bủn rủn, yếu ớt như lau sậy, và tâm trí mịt mờ. Thế nhưng con đã tự trấn an rằng: Thế Tôn sẽ không nhập Niết bàn khi chưa lập di chúc với đầy đủ chỉ thị về phương hướng cho Tăng già.”

“Này Ānanda, Tăng chúng còn mong mỏi điều gì nữa ở Như Lai? Chánh Pháp đã được Như Lai giảng dạy tận tường, không phân biệt giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền. Như Lai không bao giờ là người thầy với bàn tay nắm chặt, giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy. Như Lai không hề giấu giếm các vị bất cứ một điều gì các vị cần biết để giải thoát khổ đau, chứng đắc Niết bàn. Một người muốn thống trị Tăng già có lẽ sẽ để lại di chúc về cách thức lãnh đạo cho tương lai. Nhưng này Ānanda, Như Lai không hề muốn thống trị Tăng già. Vậy thì Như Lai để lại di chúc gì đây? Như Lai đã già yếu, đã cuối cuộc đời, tám mươi tuổi rồi. Thân Như Lai giờ như một cỗ xe quá cũ kỹ, còn chạy được là nhờ những sợi dây cột các bộ phận để giữ cho khỏi rã rời. Chỉ khi Như Lai quán chiếu và an trụ trong vô tướng tâm định, diệt trừ một số cảm thọ, thì thân mới được thoải mái.”

Đức Phật dạy tiếp:

“Như Lai chỉ còn một điều muốn nói với tất cả: Hãy làm hòn đảo của chính mình. Hãy nương tựa nơi chính mình. Đừng tìm cầu chỗ nương tựa bên ngoài. Lấy Giáo Pháp làm hòn đảo của mình. Lấy Giáo Pháp làm nơi nương tựa. Không tìm cầu nơi nào khác.

“Thế nào là một vị tỳ khưu tự mình là hòn đảo của mình, lấy mình làm nơi nương tựa? Làm cách nào để Giáo Pháp là hòn đảo và nơi nương tựa? Đó là vị tỳ khưu sống quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục mọi tham ưu ở đời.

“Này Ānanda, bây giờ hay sau khi Như Lai đã đi rồi, bất cứ ai biết tự mình làm hòn đảo của mình, làm nơi nương tựa của mình, không tìm cầu nơi khác; bất cứ ai biết lấy Chánh Pháp làm hòn đảo và nơi nương tựa – đó là người đệ tử thật sự của Như Lai, và sẽ đạt đạo quả cao quý nếu quyết tâm tu tập như vậy.”

Theo chú giải (DA.ii.549, UdA.322, SA.iii.172), cuối ba tháng an cư mùa mưa ở Beluva, Đức Phật trở lại tịnh xá Jetavana ở Sāvatthi. Nơi đây, vị trưởng đệ tử Sāriputta xin Bổn Sư cho Trưởng lão được phép về quê hương, làng Nālaka, để chuẩn bị nhập Niết bàn. Sāriputta nhập diệt vào ngày trăng tròn tháng Kattika (tháng mười /mười một dương lịch). Nửa tháng sau, vào ngày mồng một, vị trưởng đệ tử Mahā Moggallāna nhập diệt ở tảng đá đen Kālasilā trên sườn núi Isigli, sau khi dùng thần thông bay về đảnh lễ dưới chân Bổn Sư lần cuối cùng. Nửa năm sau đó, Đức Phật nhập Niết bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesākha. Kattika và Vesākha/Vesak là tên tháng theo cổ lịch Ấn Độ. Ngày trăng tròn tháng Vesākha tương đương với rằm tháng Tư âm lịch hay ngày trăng tròn tháng Năm dương lịch.

Chú giải (DA.ii.549) cũng ghi rằng, sau khi đón nhận y bát và tro cốt của trưởng đệ tử Sāriputta do Trưởng lão Cunda mang về, Đức Phật rời Sāvatthi và bộ hành đến Rājagaha. Rồi từ Rājagaha, Bổn Sư quay bước chân già yếu bộ hành về hướng Bắc phận, nơi Ngài muốn từ giã kiếp sống mà Ngài đã hết lòng phụng sự, cống hiến cho chúng sanh bao nhiêu năm qua.
Một ngày nọ, Thế Tôn đang ngụ tại làng Ukkacelā của xứ Vajjī, bên bờ sông Hằng, giữa Rājagaha và Vesāli. Bấy giờ, hai vị trưởng đệ tử Sāriputta và Mahā Moggallāna vừa viên tịch không bao lâu. Bổn Sư ngồi ngoài trời, và đại chúng tỳ khưu tề tựu chung quanh. Trầm tĩnh nhìn các đệ tử đang yên lặng lắng nghe, Ngài thuyết Ukkacelā Sutta (SN 47:14), một bài kinh cảm động và tha thiết khuyến tu như một lời di huấn của đấng Từ Phụ. Bài pháp này cũng đã được Đức Phật giảng dạy cho Ānanda ở Beluva, sau ba tháng an cư kiết hạ cuối cùng của Ngài.
Rồi rời Ukkacelā, Bổn Sư cùng chư tăng bộ hành đến Vesāli.

TỤNG PHẨM THỨ BA

Một buổi sáng, trên đường trở về sau khi trì bình khất thực ở Vesāli, Đức Phật truyền Ānanda cùng Ngài đến đền Cāpāla tọa thiền và nghỉ trưa.

Sau khi an tọa, Thế Tôn chậm rãi nhìn phong cảnh bình yên chung quanh rồi từ tốn nói với Ānanda đang ngồi cạnh bên:

“Này Ānanda, Vesāli đẹp thay. Cũng đẹp thay đền Udena, đền Gotamaka, đền Sāttambaka, đền Bahuputta, đền Sārandada. Và đẹp thay đền Cāpāla.”
Rồi Ngài tiếp lời:

“Này Ānanda, những ai đã tu tập thật thuần thục, thiện xảo, vững chãi Tứ Thần Túc (Iddhipāda, Tứ Như Ý Túc, hay Bốn Phương Tiện để Thành Tựu: tác ý – chanda, tinh tấn – viriya, tâm – citta, trạch pháp hay thẩm sát – vimaṁsā) có thể kéo dài tuổi thọ của mình, nếu người ấy muốn. Này Ānanda, Như Lai đã chứng đắc Tứ Thần Túc như thế. Nếu muốn, Như Lai có thể kéo dài tuổi thọ của mình.”

Theo các chú giải, chư Phật thường không thốt lên lời cảm khái vì cảnh đẹp thiên nhiên bởi các vị đã không còn dính mắc, thương tưởng chuyện thế gian. Cho nên, lời ngợi khen cảnh đẹp trên không phải vì lưu luyến thế gian mà có thể là một gợi ý cho Ānanda thấy được lòng thương tưởng chúng sanh của Đức Phật. Kiếp thành Phật là kiếp chót, và tuổi thọ của một vị Phật là di quả từ hằng hà sa số kiếp trước. Ngũ uẩn của Đức Phật, theo định luật nghiệp quả, sắp đến lúc tan rã. Tuy nhiên, vì lòng thương xót trên mà nếu có người thiện tâm thỉnh cầu Ngài tiếp tục sống để cứu độ chúng sanh, Ngài sẽ tùy nhân duyên mới khởi sanh này mà chuyển hóa các di quả lưu lại trong kiếp cuối, chấp nhận những đau đớn nặng nề của thân ngũ uẩn để kéo dài tuổi thọ.

Đức Phật lập lại lời trên lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Nhưng lúc ấy, có thể vì đang đắm chìm trong nỗi vui sướng thấy Bổn Sư qua cơn bạo bệnh, hay trong niềm quyến luyến được cận kề Bổn Sư trong khung cảnh êm đềm, Ānanda không giữ chánh niệm chặt chẽ. Trong giây phút thất niệm này, Māra xâm nhập vào lộ ý của Ānanda và che mờ tâm trí Trưởng lão. Bị Māra ám ảnh, Trưởng lão không nhận hiểu được ngụ ý rõ ràng trong lời nói của Đức Phật. Vì vậy, Ānanda đã ba lần im lặng, không thỉnh cầu Ngài khoan nhập Niết bàn, ở lại để tiếp tục cứu độ chúng sanh.

Rồi Thế Tôn dạy Ānanda ra ngoài tọa thiền. Ānanda đi chưa bao lâu thì Māra xuất hiện và nhắc Đức Phật lời hứa của Ngài bốn mươi lăm năm trước, khi Ngài vừa đắc quả Phật:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã nói sẽ không nhập diệt khi chưa ban truyền Chánh Pháp đầy đủ để tứ chúng được thấm nhuần và vững tiến trên đường tu phạm hạnh. Bạch Thế Tôn, nay những việc đó đã được Ngài hoàn thành. Xin Ngài giữ lời hứa và hãy nhập diệt.
Đức Phật trả lời:

– Này Māra, nay chúng sanh vẫn còn thiện duyên với Như Lai. Nhưng sau ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết bàn.

Và rồi tại đền Cāpāla, trong chánh niệm tỉnh giác, đấng Toàn Giác quyết định từ bỏ sự duy trì mạng sống bằng ý chí và bằng cách chứng nghiệm sự an lạc a-la-hán.

Liền lúc ấy, đại địa rung động mãnh liệt và sấm vang dậy không trung. Tâm trí Ānanda cũng bị chấn động theo nên Trưởng lão liền tìm đến Đức Phật và hỏi nguyên nhân.
Đức Phật trả lời rằng có tám nguyên nhân khiến đại địa chấn động như vậy. Thứ nhất, khi các năng lực vĩ đại của thiên nhiên (như cuồng phong và sóng thần) nổi lên và đẩy nhau chuyển động mãnh liệt khiến quả đất rung động. Thứ hai, khi có một vị tỳ khưu hay bà-la-môn có thần thông chứng đắc một tầng thiền nào đó. Sáu nguyên nhân còn lại là khi có một vị Phật nhập vào mẫu thai, đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân với pháp thoại đầu tiên, quyết định từ bỏ sự duy trì mạng sống, và nhập Niết bàn Parinibbāna.

Rồi Thế Tôn thuật lại cho Ānanda những gì vừa nói với Māra và cho Ānanda biết quyết định nhập diệt của mình trong ba tháng nữa.

Nghe vậy, Trưởng lão liền ba lần thỉnh cầu Thế Tôn kéo dài thọ mạng vì lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh. Ngài trả lời:

“Đủ rồi, này Ānanda, không nên khẩn cầu Như Lai nữa. Con đã nhiều lần bỏ qua cơ hội thỉnh cầu đúng lúc. Này Ānanda, nếu có tín tâm ở Như Lai thì nên biết rằng những quyết định của Như Lai luôn hợp thời điểm và hợp cơ duyên.”

Rồi Đức Phật cùng Ānanda đi đến giảng đường Kūtagāra ở rừng Đại Lâm. Chiều hôm ấy, Ngài truyền Trưởng lão triệu tập các vị tỳ khưu đang an cư ở Vesāli về tụ họp ở giảng đường. Khi chư tăng hiện diện đông đủ, Ngài dạy:

“Này các tỳ khưu, những chân lý Như Lai đã thực chứng và giảng dạy cho các con, các con phải khéo học hỏi, tu tập, chứng nghiệm và trao truyền lại cho thế hệ sau. Được như vậy, nếp sống phạm hạnh sẽ trường tồn, mang lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho tất cả chúng sanh. Những chân lý đó là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề, và Bát Chánh Đạo [tức Ba Mươi Bảy Bồ Đề Phần hay Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo, gồm ba mươi bảy yếu tố cần thiết dẫn đến giác ngộ].”

Rồi đấng Toàn Giác tuyên bố ngày Ngài sẽ nhập diệt:

“Này các tỳ khưu, các pháp được cấu tạo do điều kiện đều vô thường, có sanh sẽ có diệt. Nay Như Lai đã yếu già. Ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập diệt, từ biệt các con. Hãy tự mình nương tựa mình. Hãy tinh tấn, chánh niệm, và giữ gìn giới hạnh trong sạch. Ai tinh tấn trong Pháp và Luật này sẽ thoát vòng sanh tử, chấm dứt khổ đau.”

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app