ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG I: ĐẠI CA DIẾP

NHỮNG NĂM TUỔI TRẺ

Trước khi nhập diệt, Đức Phật đã từ chối không chỉ định người kế vị mà chỉ khuyên chư tăng nên lấy Giáo Pháp (Dhamma) và Giới Luật (Vinaya) làm Thầy, bởi vì trong bốn mươi lăm năm hoằng pháp, những lời dạy của Ngài đã bao gồm tất cả những lời hướng dẫn để đi đúng con đường giác ngộ giải thoát. Nhưng dù Tăng chúng không chính thức chọn ra một vị kế nghiệp Đức Bổn Sư, trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi Đức Phật tịch diệt, cộng đồng Tăng già thảy đều tăng trưởng lòng kỉnh mộ đối với một vị trưởng lão cô độc có những phẩm cách tỏa sáng đức hạnh và uy quyền. Nhân vật mà kinh điển Pāli mô tả là “vị đệ tử tương xứng với Bổn Sư” (Buddhapaṭibhāga-sāvaka) chính là Trưởng lão Mahā Kassapa.

Có nhiều yếu tố khiến Mahā Kassapa nổi bật trong Tăng già vừa mới vắng bóng Bổn Sư. Ngài có bảy trong ba mươi hai tướng tốt của một bậc đại nhân mà Đức Phật có, và ngài cũng đã được Bổn Sư ca ngợi về những chứng đắc về thiền định. Ngài là vị tăng duy nhất có danh dự được trao đổi y với Đức Phật, và ngài sở hữu được cấp bậc cao nhất “mười phẩm tính khơi dậy được niềm tin.” Ngài cũng nêu gương mẫu mực về nếp sống giới đức và khổ hạnh dành trọn cho công năng thiền định. Cho nên cũng không ngạc nhiên khi ngài đứng đầu Hội đồng Tăng già đầu tiên, được triệu tập do lời kêu gọi khẩn cấp của ngài, và đảm nhận vai trò chủ trì trong kỳ Kết tập Kinh điển Thứ nhất. Rõ ràng vì các lý do trên mà, sau này ở Trung Hoa và Nhật Bản, Mahā Kassapa được xem như vị thánh tổ đầu tiên của trường phái Thiền Tông (Zen).

Cũng giống như hai vị trưởng đệ tử Sāriputta và Moggallāna, Mahā Kassapa xuất thân từ dòng dõi bà-la-môn. Vài năm trước khi Đức Bồ Tát đản sanh, Kassapa ra đời tại xứ Magadha, làng Mahātittha, được cha mẹ đặt tên là Pipphali. Thân phụ ngài, tên là Kapila, sở hữu và cai quản mười sáu ngôi làng như một tiểu vương, do đó Pipphali lớn lên trong cảnh sung túc xa hoa. Nhưng ngay từ lúc nhỏ, Pipphali đã có ý tưởng rời bỏ đời thế tục và, vì vậy, không nghĩ đến chuyện kết hôn. Khi cha mẹ thúc giục mãi, Pipphali thưa rằng ngài sẽ chăm sóc cha mẹ khi họ còn sanh tiền, nhưng sau khi họ mãn phần ngài sẽ sống đời tu sĩ. Thế nhưng cha mẹ vẫn tiếp tục nài ép nên cuối cùng ngài bằng lòng kết hôn, với điều kiện người vợ phải toàn hảo như ý ngài muốn.

Với mục đích ấy, Pipphali thuê một người thợ kim hoàn tạc bức tượng bằng vàng một cô gái nhan sắc tuyệt vời với xiêm y và nữ trang thật lộng lẫy. Pipphali nói: “Nếu cha mẹ tìm được cho con một thiếu nữ giống như pho tượng này, con sẽ ở lại nhà lập gia đình.” Mẹ ngài là một phụ nữ rất thông minh nghĩ rằng: “Chắc con trai mình trong quá khứ đã từng tạo nhiều phước báu cùng với người phụ nữ tương xứng đẹp như pho tượng này.” Do đó bà gọi tám người bà-la-môn, tặng cho họ nhiều món quà quý giá để nhờ họ đi khắp nơi tìm cho được cô gái nào đẹp như pho tượng mẫu. Các vị này bèn đến ngay xứ Madda là nơi sản sanh rất nhiều mỹ nhân. Nơi đó, tại làng Sāgala, họ đã gặp được người con gái có sắc đẹp giống như bức tượng vàng, tên là Bhaddā Kapilani, con gái của một bà-la-môn sang giàu, mười sáu tuổi, nhỏ hơn Pipphali Kassapa bốn tuổi. Cha mẹ nàng chấp thuận lời cầu hôn.

Nhưng Bhaddā cũng không muốn kết hôn. Cũng như Pipphali, Bhaddā ước mong được sống đời tu hành và muốn rời gia đình để trở thành một nữ đạo sĩ. Sự trùng hợp của hai ước muốn không là ngẫu nhiên mà do một nối kết duyên nghiệp mạnh mẽ họ đã tạo từ kiếp trước. Trổ quả trong kiếp hiện tại, nối kết này sẽ kết hợp họ bằng hôn nhân trong tuổi thanh xuân, rồi dẫn dắt đến một quyết định chia ly về sau – một chia ly mà rồi sẽ được hóa duyên lần nữa bởi cuộc trùng phùng ở một mức độ cao thượng hơn, khi nỗ lực tâm linh của cả hai vị được thành tựu với thánh quả vô thượng dưới sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn.

Pipphali thật thất vọng khi nghe cha mẹ đã tìm được một người đẹp giống hệt bức tượng. Vẫn kiên quyết tránh thoát lời hứa với cha mẹ, Pipphali viết thư cho Bhaddā: “Xin nàng hãy hoan hỷ kết hôn với người nào khác cùng thân thế để gầy dựng hạnh phúc gia đình. Còn tôi chỉ muốn sống đời đạo sĩ. Xin đừng phải hối tiếc về sau.” Trong khi đó, Bhaddā có cùng ý nghĩ nên cũng gửi cho Pipphali lá thư tương tự. Nhưng cha mẹ đôi bên, vốn đã nghi ngờ điều này, nên chặn lấy thư trên và thay bằng thư đón mừng.

Vì vậy nhà trai đã đón Bhaddā về Magadha làm lễ thành hôn. Tuy nhiên, do ước nguyện tu hành phạm hạnh, hai vị thỏa thuận với nhau giữ vẹn một đời sống không luyến ái vợ chồng. Để bày tỏ quyết định của mình, hằng đêm trước khi ngủ, hai vị đặt một tràng hoa ở giữa giường để ngăn cách hai bên, tâm nguyện: “Nếu hoa phía bên nào héo úa, tức là bên ấy có ý nghĩ tham dục.” Về đêm họ không dám ngủ say vì sợ vô tình chạm vào thân nhau; cả ngày họ rất ý tứ, không cười với nhau.

Lúc cha mẹ còn sống, Pipphali và Bhaddā hờ hững với lạc thú thế tục, và không quan tâm chăm sóc đến tài sản. Đến khi cha mẹ Pipphali qua đời, họ phải cai quản một tài sản lớn lao khiến họ càng cảm thấy sự thôi thúc của đời sống thoát tục. Một hôm, khi đi thăm ruộng lúa, Pipphali bỗng thấy mình nhìn nó với cái nhìn thật khác xưa. Ngài thấy khi bác nông dân cày xới cho vỡ đất, vô số chim chóc bay đến tranh nhau ăn các côn trùng dưới mặt đất giữa hai luống cày. Cảnh tượng này trước đây thật quá quen thuộc, nhưng hôm nay làm ngài sửng sốt giật mình khi thấy tiền bạc của cải đến với mình được đổi từ đau khổ của nhiều chúng sanh khác, và đời sống của mình mua bằng sanh mạng của vô số sâu bọ và sanh vật nhỏ bé khác sống trong lòng đất. Ngài hỏi một người làm công:

“Ai sẽ là người nhận hậu quả của một hành động tàn ác như vậy?”

“Thưa, chính là chủ nhân,” người làm công trả lời.

Chấn động thêm bởi nhận thức về nghiệp quả, Pipphali bỏ về nhà và suy nghĩ: “Nếu ta cứ phải canh cánh trong lòng gánh nặng tội lỗi bởi nghiệp sát sanh này, thì tất cả tiền của này ích gì cho ta? Tốt hơn ta nên để lại tất cả cho Bhaddā và xuất gia sống đời tu hành đạo hạnh.”

Nhưng trong lúc ấy, Bhaddā cũng có kinh nghiệm tương tự do cái nhìn khác với thường ngày. Khi người tớ gái phơi nắng các sàng đựng hạt mè thì quạ và chim chóc đến mổ ăn các con bọ nhỏ nằm trong sàng mè. Khi hỏi người tớ gái ai là người có trách nhiệm về cái chết của vô số chúng sanh này, Bhaddā nhận câu trả lời tương tự:

“Thưa, chính là nữ chủ nhân.”

Bhaddā tự nghĩ: “Chỉ với một ác nghiệp này, ta cũng sẽ không thể nào ngóc đầu lên khỏi biển khổ trầm luân qua cả ngàn kiếp tái sanh. Khi nào Pipphali trở về, ta sẽ lập tức trao lại tất cả cơ nghiệp, rời bỏ nơi đây, xuất gia và sống đời tu hành.”

Khi hai vị thấy cùng lúc có chung quyết định, họ sửa soạn y bát, và cạo tóc cho nhau. Và như thế họ trở thành hai du sĩ, với tâm nguyện xuất gia tu hành dưới các thánh a-la-hán trong thế gian này. Mặc dù chưa gặp Đức Phật và chưa biết đến Giáo Pháp của Ngài, do hạt giống giác ngộ trong tâm, họ trực nhận rằng họ nên sống nếp sống xuất gia đạo hạnh của một đệ tử theo bước chân những vị thầy trí tuệ và phạm hạnh cao thượng. Rồi họ đeo bát lên vai, rời bỏ nhà cao cửa rộng, không cho gia nhân hay biết. Thế nhưng, khi hai vị đi đến làng kế cận cùng địa phận của gia đình Pipphali, các công nhân nhận ra họ, bèn đến dưới chân than khóc van lơn họ ở lại. Pipphali nói:

“Vì thấy được tam thế này là căn nhà đang bốc lửa nên ta ra đi, sống đời không nhà.”

Pipphali Kassapa bãi nợ, trả tự do cho các nông nô, rồi cùng Bhaddā tiếp tục đi, để lại sau lưng những người dân làng vẫn còn than khóc.

Khi cả hai bộ hành, Kassapa đi trước, Bhaddā theo sau. Rồi ý nghĩ sau chợt đến với Kassapa: “Bhaddā đi ngay sau mình, lại là một phụ nữ đẹp tuyệt thế. Vài người có thể dễ dàng dị nghị: ‘Là đạo sĩ mà cũng không thể sống rời nhau! Thật là khó coi!’ Nếu họ nghĩ những điều sai quấy như vậy, thậm chí còn loan tin đồn xấu xa, họ sẽ tạo ác nghiệp, mang hại vào thân. Vậy tốt hơn ta nên chia tay nhau.” Do đó, đến ngã rẽ, Kassapa nói với Bhaddā những suy nghĩ của mình và bảo rằng:

“Bhaddā hãy chọn một trong các nẻo đường này để đi, và ta sẽ đi nẻo khác.”

“Đúng vậy,” Bhaddā trả lời, “phụ nữ là một chướng ngại cho người tu sĩ. Người ta có thể nghi ngờ và phỉ báng chúng ta. Vậy thì chúng ta hãy chia tay. Mỗi người một nẻo đường.”
Bhaddā cung kính đi nhiễu ba vòng quanh Kassapa, sụp lạy dưới chân Kassapa, chắp tay thưa:

“Nghĩa đồng hành và tình bằng hữu thắm thiết của chúng ta, dài lâu từ vô lượng kiếp, nay đến lúc chấm dứt. Xin đi con đường bên tay phải. Bhaddhā sẽ đi hướng khác.”

Rồi hai vị chia tay mỗi người một nẻo nhưng cùng quyết tâm hướng đến đạo quả giải thoát cao thượng. Tương truyền rằng, bởi sức mạnh giới đức và đại nguyện xuất gia tầm đạo của họ, trái đất đã chuyển mình rung động, sấm sét nổ vang rền và núi non vang rền tiếng dội đến tận cùng thế giới.

BHADDĀ KAPILĀNI

Con đường Bhaddhā Kapilāni đi theo dẫn bà về đến thành Sāvatthi, nơi bà được nghe Đức Phật thuyết pháp ở tịnh xá Jetavana. Thời gian ấy chưa có Ni chúng nên bà phải cư ngụ chung với các nữ đạo sĩ không theo Phật giáo, không xa Jetavana. Bà ở đó năm năm cho đến khi thọ giới tỳ khưu ni, gia nhập Ni chúng của Đức Phật. Không bao lâu sau đó Bhaddā đạt thánh quả a-la-hán và được Đức Phật khen ngợi là đệ nhất tỳ khưu ni biết được nhiều kiếp quá khứ (AN 1:14).

Phụ chú Pāli và Kinh Bổn Sanh có lưu lại một vài câu chuyện về những kiếp Bhaddā là vợ của Kassapa.

Một hôm, Bhaddā xướng lên những câu kệ sau đây, được ghi lại trong Trưởng Lão Ni Kệ, ca ngợi ngài Mahā Kassapa cùng nói lên sự chứng đắc của mình:

Con trai thừa tự của Đức Phật
Kassapa tinh thông thiền định
Biết được nhiều cảnh giới tiền kiếp
Thấy cõi trời và cõi khổ đau.
Ngài đã chứng ngộ quả vô sanh
Một thánh nhân thành tựu thắng trí;
Đầy đủ ba năng lực tuệ giác
Vị bà-la-môn đắc tam minh.
Bhaddā Kapilāni cũng thế
Bậc Tam minh, chứng quả bất tử
Đoạn sanh diệt, chiến thắng Ma vương,
Xác thân này sống kiếp cuối cùng.
Thấy thế gian hiểm nguy kinh sợ
Cả hai xuất gia sống không nhà.
Mọi lậu hoặc giờ đã đoạn trừ
Nhiếp phục, an nhiên, đạt Niết bàn.

(Thig. 63-66)

Là một thánh ni a-la-hán, Bhaddā cống hiến phần lớn cuộc đời cho công việc giảng dạy Giáo Pháp cho các tỳ khưu ni trẻ và hướng dẫn họ giới luật tu hành. Trong quyển Bhikkhunī Vibhaṅga (Phân tích Giới luật Tỳ khưu ni) có ghi vài trường hợp về học trò của Bhaddā, liên quan đến việc đặt thêm một số giới luật cho Ni chúng.

Ngoài ra còn có hai trường hợp Bhaddā bị một tỳ khưu ni khác, tên là Thullanandā, ganh tỵ. Vị tỳ khưu ni này cũng mang lòng căm ghét ngài Mahā Kassapa. Thullanandā giỏi giáo lý và là một giảng sư tài ba, có trí, nhưng kém từ bi. Thullanandā ương ngạnh và không muốn sửa đổi giới hạnh. Khi Bhaddā cũng trở thành một vị giảng sư Giáo Pháp được ngưỡng mộ, ngay cả một số môn đồ của Thullanandā cũng thích tìm đến nghe thuyết pháp, Thullanandā sanh tâm ganh ghét. Để trêu tức Bhaddā, một lần nọ Thullanandā cùng các đệ tử đi qua lại trước cốc của Bhaddā, lớn tiếng tụng kinh. Vì việc này Thullanandā bị Đức Thế Tôn quở trách. Một lần khác, Thullanandā sắp xếp chỗ tạm trú cho Bhaddā thể theo lời thỉnh cầu của thánh ni khi đến viếng Sāvatthi. Thế nhưng, lòng đố kỵ lại nổi lên, Thullanandā xua đuổi thánh ni ra khỏi chỗ cốc. Nhưng Bhaddā đã là một vị a-la-hán nên chỉ ứng xử với tâm xả bỏ và lòng bi mẫn.

NGƯỢC DÒNG LUÂN HỒI

Mahā Kassapa và Bhaddā đã phát lời nguyện đầu tiên muốn được làm đại đệ tử của vị Phật tương lai với Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa), vị cổ Phật thứ mười lăm cách đây một trăm ngàn đại kiếp. Vào thời đó Kassapa tương lai là một địa chủ phú hộ tên Vedeha, và Bhaddā là vợ của ông. Một hôm Vedeha đến viếng tu viện và được xếp ngồi cùng đại chúng ngay đúng lúc Đức Phật tuyên bố Trưởng lão Mahā Nisabha, vị đại đệ tử thứ ba của Ngài, là đệ tử đệ nhất về tu hành khổ hạnh (etadaggaṁ dhutavādānaṁ). Cư sĩ Vedeha rất hoan hỷ với việc này nên thỉnh Đức Phật và toàn thể Tăng chúng đến nhà để cúng dường trai tăng.

Khi tất cả chư tăng sắp sửa thọ thực thì Vedeha thấy Trưởng lão Mahā Nisabha đang đi khất thực ngoài đường. Vedeha ra mời Trưởng lão vào nhà thọ trai thì ngài từ chối. Vedeha thỉnh bát của Trưởng lão, sớt thức ăn, rồi dâng cúng ngài. Trở vào nhà, ông bạch hỏi Đức Thế Tôn về sự khước từ khác thường của Trưởng lão. Đức Tôn Sư giải thích:

“Này thiện tín, chư tăng nhận lời thỉnh mời đến nhà thí chủ trai tăng, nhưng vị tỳ khưu đó chỉ sống bằng thực phẩm đã trì bình khất thực; chư tăng ngụ ở các tu viện trong tỉnh thành, nhưng vị ấy chỉ sống trong rừng; chư tăng sống dưới mái che, nhưng vị ấy chỉ sống ngoài trời.”

Vị cư sĩ nghe được những lời này lại càng hoan hỷ hơn nữa, như “một ngọn đèn được châm thêm dầu.” Ông tự nghĩ: “Ta không nên chỉ hài lòng với quả vị a-la-hán, mà hơn nữa phải phát nguyện sẽ trở thành vị đệ nhất đệ tử về khổ hạnh của một vị Phật tương lai, giống như Trưởng lão Mahā Nisabha bây giờ.”

Vedeha thỉnh Đức Phật và chư tăng về nhà cúng dường trai tăng trọn một tuần. Trong ngày trai tăng cuối, sau khi dâng cúng tam y đến toàn thể chư tăng, Vedeha phủ phục dưới chân Đức Phật đảnh lễ rồi thốt lời phát nguyện. Đức Phật nhìn vào tương lai và thấy ước nguyện này sẽ thành tựu nên nói với Vedeha: “Trong một trăm ngàn đại kiếp nữa, Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện, và con sẽ là trưởng đệ tử thứ ba của Ngài có tên là Mahā Kassapa.” Phần Bhaddā cũng rất phấn khởi khi chứng kiến Đức Phật tuyên bố một vị ni sư là đệ nhất trong các đệ tử tỳ khưu ni biết được nhiều kiếp quá khứ nên cũng xin phát nguyện sẽ được ở vị trí ấy của một vị Phật tương lai. Ước nguyện này cũng được Đức Phật Padumuttara thọ ký. Từ đó đến cuối đời, hai vị trì giới nghiêm túc và làm nhiều việc phước thiện, rồi khi mệnh chung được tái sanh vào cõi trời.

Kiếp quá khứ thứ đến của hai vị được ghi lại trong kinh điển là vào dưới thời Đức Phật Vipassi (Tỳ-bà-thi), vị Phật thứ sáu trước Đức Phật Gotama. Họ là một đôi vợ chồng bà-la-môn sống trong cảnh cực kỳ nghèo khó. Họ chỉ có một chiếc áo duy nhất. Do đó cả hai không thể ra đường cùng một lúc, và người chồng có biệt danh là “người đàn ông chỉ có một cái áo” (ekasātaka). Đối với chúng ta, có lẽ không dễ mà tưởng tượng ra được một cảnh bần cùng đến vậy, nhưng lại càng khó cho chúng ta hiểu được rằng đã có những người không hề cảm thấy sự bần cùng đó như một sự thiếu thốn khốn khổ. Đó là trường hợp của đôi vợ chồng này, về sau trở thành Kassapa và Baddhā. Dù sống trong cảnh túng quẩn như vậy nhưng họ hết sức hòa thuận, và hạnh phúc bên nhau.

Một hôm, biết Đức Phật Vipassi sẽ ban một bài pháp rất đặc biệt, cả hai vợ chồng đều muốn được thính pháp, nhưng vì chỉ có một chiếc áo nên người vợ đến nghe thuyết giảng vào ban ngày, còn người chồng thì đi ban đêm. Khi người chồng được nghe lời giảng về công đức cúng dường bố thí, ông vô cùng cảm kích nên phát tâm muốn cúng dường Đức Phật chiếc áo duy nhất của mình. Sau đó ông hơi đắn đo khi nghĩ đến gia cảnh nên định về nhà bàn với vợ. Nhưng cuối cùng ông gạt qua mọi suy nghĩ tính toán và đặt mảnh áo của mình dưới chân Đức Phật. Làm xong việc ấy, ông tự vỗ tay và vui reo lên: “Ta đã chiến thắng, Ta đã chiến thắng!” Lúc đó đức vua, đang đứng sau một bức màn để lắng nghe thuyết pháp, nghe tiếng reo chiến thắng bèn bước ra tìm hiểu lý do. Khi biết được tự sự, đức vua ban nhiều bộ y phục cho người bà-la-môn nghèo này và về sau tiến cử ông làm giáo sĩ của triều đình.

Do quả báu của sự cúng dường cao thượng này, người chồng được tái sanh vào cõi trời. Vào kiếp kế tiếp, ông tái sanh vào cõi người, là một vị minh quân nhân từ phúc hậu, luôn hộ trợ cúng dường các đạo sĩ đương thời. Bhaddā là chánh cung hoàng hậu của ông trong kiếp ấy.

Về phần Bhaddā, trong một tiền kiếp bà là mẹ của một thanh niên bà-la-môn đang theo học với Đức Bồ Tát (vị Phật tương lai) và muốn xuất gia sống đời khất sĩ. Chồng bà là tiền thân Kassapa, và người con trai ấy là tiền thân Ānanda. Bhaddā muốn con hiểu biết về đời thế tục trước khi cho phép con xuất gia. Thế nhưng hiểu biết ấy đến với con bà khi phải đương đầu với tâm bất tịnh và nghiệp bất thiện của thế nhân; chấn động này khiến người thanh niên bà-la-môn càng thêm khiếp sợ vòng tục lụy. Sau biến cố này, Bhaddā và Kassapa cho phép con, tiền thân của Ānanda, xuất gia sống đời khất sĩ phạm hạnh (Jāt. 61).

Trong một kiếp khác, Kassapa và Bhaddā là cha mẹ của bốn người con trai – tiền thân của Đức Bồ Tát, Anuruddha, Sāriputta, và Mahāmoggallāna. Cả bốn người con đều muốn xuất gia tu hành. Thoạt tiên, cha mẹ các vị từ chối, nhưng về sau khi hiểu được về phước quả của đời sống xuất gia phạm hạnh, chính họ cũng trở thành bậc tu hành cao thượng (Jāt. 509).

Lại trong một kiếp khác, có hai người trưởng làng là đôi bạn thân thiết, giao ước với nhau sẽ gả con cho nhau nếu là đôi nam nữ. Và rồi việc ấy xảy ra. Thế nhưng, trong kiếp quá khứ vừa qua, đôi trẻ là bậc thanh tịnh sống ở cõi Phạm thiên nên họ không chút mảy may ham thích dục lạc. Cuối cùng, với sự chấp thuận của cha mẹ, họ xuất gia sống đời ẩn sĩ. Đôi trẻ ấy chính là Kassapa và Bhaddā (Jāt. 540).

Hai kiếp trước kiếp hiện tại, Bhaddā là hoàng hậu xứ Benares và thường cúng dường các vị Phật Độc Giác. Quá xúc động vì cái chết đột ngột của các vị này, hoàng hậu từ bỏ đời thế tục và ẩn tu, thiền tập trên núi Hy mã lạp sơn. Do phước quả của việc xuất gia và các chứng đắc thiền định, bà được tái sanh vào cõi Phạm thiên. Kassapa cũng như thế. Sau kiếp sống ở Phạm thiên, họ tái sanh trở lại cõi người, là Pipphali Kassapa và Bhaddā Kapilāni hiện tại.

Những câu chuyện này cho thấy trong các kiếp quá khứ hai vị đã sống cuộc đời thanh tịnh trên cõi Phạm thiên cũng như liên tiếp nhiều kiếp người đã hành trì hạnh xuất gia và thiền định. Vì thế, trong kiếp sau cùng này, không khó khăn cho họ chút nào khi giữ nếp sống không luyến ái vợ chồng, khi lìa bỏ của cải tài sản thế gian, và khi xuất gia sống đời sa môn phạm hạnh, nương theo lời giảng dạy của Đức Thế Tôn để thành tựu quả vị a-la-hán.

 

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app