ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (II)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

MALLIKĀ – CÔ GÁI HÀNG HOA LÊN NGÔI HOÀNG HẬU

Vào thời Đức Phật hiện tiền, một người thợ trưởng của hiệp hội những thợ kết tràng hoa sanh được một con gái tên Mallikā xinh đẹp, khéo léo, nết na, và là nguồn vui bất tận cho cha mình.

Một ngày nọ, lúc vừa lên mười sáu tuổi, Mallikā đến vườn hoa công cộng cùng với các bạn gái, mang theo trong giỏ ba phần cơm. Khi cô vừa rời cổng thành thì có một nhóm tu sĩ đi vào thành trì bình khất thực. Vị khất sĩ đứng đầu mang dáng vẻ thật xuất phàm – vô cùng cao quý và thanh thoát – một dáng vẻ thôi thúc lòng kính ngưỡng trong sạch, khiến cô phát tâm dâng cúng hết thức ăn trong giỏ.

Vị sa môn cao quý ấy chính là Đức Phật, bậc Giác Ngộ. Ngài im lặng để Mallikā sớt tất cả vật thực vào bát của Ngài, trong lúc chính cô hoàn toàn không biết ai là người mình đang đặt bát. Sau khi Mallikā phủ phục đảnh lễ dưới chân Đức Phật, cô bước đi, lòng ngập tràn hoan hỷ. Đức Phật mỉm cười. Đại đức Ānanda biết rằng Đức Phật không mỉm cười nếu không có lý do nào đó, bèn hỏi Ngài vì sao. Đức Phật cho biết thiếu nữ này sẽ được gặt hái phước quả của công đức cúng dường ngay trong ngày hôm nay: trở thành hoàng hậu xứ Kosala.

Thật khó tin lời tiên đoán này. Làm sao quốc vương của Kosala có thể tấn phong một cô gái thường dân lên ngôi hoàng hậu được? Điều này hầu như không thể xảy ra ở Ấn Độ vào thời ấy, nơi mà sự phân biệt giai cấp rất khắc nghiệt.

Lúc bấy giờ hai nước Benares và Kosala trong thung lũng sông Hằng được sáp nhập và nằm dưới sự trị vì của Vua Pasenadi, vị đế vương quyền lực nhất. Thời gian này vua đang lâm chiến với Ajātasattu, vị vua phạm tội giết cha ở xứ Magadha lân cận. Vua Ajātasattu đang trên đà thắng trận nên Vua Pasenadi buộc lòng phải rút lui. Khi đang buồn bã trên lưng ngựa tiến vào cổng thành để hồi cung, vị vua thất trận bỗng nghe được giọng hát thanh tao của một thiếu nữ ở trong vườn hoa. Đó là Mallikā đang cất tiếng ca thánh thót diễn tả lòng hân hoan vừa được diện kiến một vị sa môn rạng ngời vẻ từ bi thoát tục. Vua ngẩn ngơ mê say lắng nghe bài hát và cưỡi ngựa vào vườn hoa. Thấy người chiến sĩ xa lạ nhưng oai phong trên lưng ngựa, Mallikā không bỏ chạy mà lại bước đến gần, nắm lấy bờm ngựa, và nhìn thẳng vào đôi mắt của vua. Vua hỏi cô đã có gia đình chưa. Khi nghe cô trả lời chưa thì vua xuống ngựa, nằm ngả đầu trên chân cô cho cô an ủi niềm đau của một đại đế không may thất trận.

Sau khi vơi được nỗi buồn, vua đặt cô ngồi sau mình trên lưng ngựa, rồi đưa cô về nhà cha mẹ cô. Chiều hôm đó, vua cho quần thần với đoàn xe ngựa trang hoàng thật tráng lệ xa hoa đến rước Mallikā về và tấn phong cô lên ngôi chánh cung hoàng hậu.

Từ đó Mallikā được nhà vua vô cùng sủng ái. Với đoàn cung tần trung thành dưới trướng do vua ban tặng, với sắc đẹp yêu kiều sẵn có, hoàng hậu uy nghi và sáng chói như một nữ thần. Khắp vương quốc ai cũng biết câu chuyện do công đức cúng dường bậc cao thượng mà Mallikā được vinh thăng đến địa vị cao quý nhất nước của một nữ nhân, và câu chuyện ấy đã khuyến khích thần dân theo gương nhân từ và bố thí rộng rãi của bà. Mỗi lần Mallikā xuất cung, họ đều hân hoan reo hò: “Đó là Hoàng hậu Mallikā, người đã cúng dường thực phẩm cho Đức Phật.”

Không bao lâu sau khi lên ngôi hoàng hậu, Mallikā đến viếng thăm Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác để hỏi một điều chưa thông suốt: nguyên nhân gì khiến một phụ nữ xinh đẹp, giàu có, và rất quyền thế; một phụ nữ khác xinh đẹp nhưng nghèo khổ và cô thế; nhưng lại cũng có một phụ nữ xấu xí nhưng giàu có và đầy quyền lực; và cuối cùng là một phụ nữ vừa xấu xí, vừa nghèo khổ lại vừa hạ tiện? Những khác biệt này ta hằng thấy đầy dẫy trong đời sống thường nhật. Trong lúc người thế gian bằng lòng với cách giải thích thông thường như do định mệnh, di truyền, hay may rủi, Mallikā muốn tìm hiểu sâu sắc và trung thực hơn vì tin rằng không có gì xảy ra mà không có nguyên nhân của nó.

Đức Phật giảng giải tận tường rằng phẩm chất và điều kiện sống của con người trên thế gian phản ảnh bản chất đạo đức của nghiệp họ đã tạo tác trong các kiếp quá khứ. Sắc đẹp là quả của hạnh kham nhẫn và nhu hòa, giàu có do phước bố thí, và quyền thế là do không ganh tỵ với người khác mà còn chung vui với thành công của họ. Ít người được thừa hưởng cả ba phước đức trên, thường là kết hợp pha trộn ít nhiều giữa ba quả lành ấy mà thế gian hay gọi là số phận.

Sau khi lắng nghe bài pháp Đức Tôn Sư giảng dạy, Mallikā phát nguyện sẽ luôn đối xử nhân hậu với quần thần và thuộc cấp; thường xuyên bố thí cúng dường thực phẩm đến chư tăng ni, đạo sĩ bà-la-môn, và người nghèo khổ; và không bao giờ ganh tỵ với bất cứ ai đang hạnh phúc. Khi bài pháp chấm dứt, hoàng hậu quy y Tam Bảo và suốt đời luôn là một đệ tử thuần thành của Đức Phật (AN 4:197).

Mallikā còn xây dựng một giảng đường rộng lớn, viền gỗ mun, để chư tăng ngồi luận pháp (MN 78; DN 9). Bà thể hiện năm đức hạnh của một người vợ toàn hảo: luôn luôn dậy sớm trước chồng, đi ngủ sau chồng, vâng lời chồng, lúc nào cũng lễ phép với chồng, và chỉ nói lời từ ái với chồng. Ngay cả chư tăng cũng khen ngợi hạnh hòa nhã, nhân hậu của bà khi bàn luận về vấn đề phẩm hạnh.

Khi nhà vua quyết định cưới người em họ của Đức Phật làm thứ cung hoàng hậu, Mallikā không hề tỏ ra giận hờn hay ganh ghét (AN 6:52). Hai người phụ nữ chung sống hòa thuận êm ấm. Ngay cả khi thứ phi hạ sanh hoàng nam, và Mallikā chỉ sanh được một công chúa, bà cũng không đố kỵ. Khi nghe nhà vua thốt lời thất vọng về tin hoàng hậu sanh con gái, Đức Phật giảng giải rằng một người phụ nữ khéo léo, đoan trang, đức hạnh và chung thủy còn cao quý hơn một người nam. Rồi vị ấy có thể trở thành vợ của một quốc vương tài đức và hạ sanh một hoàng đế dũng mãnh (SN 3:16). Quả nhiên con gái vua Pasenadi, công chúa Vajirā, về sau trở thành hoàng hậu khả kính xứ Magadha.

Sau khi trở thành một nữ cư sĩ thuần thành của Đức Phật, Mallikā đã thuyết phục được chồng phát khởi tín tâm vào Giáo Pháp. Câu chuyện xảy ra như sau. Một đêm nọ, nhà vua thấy mười sáu ác mộng liên tiếp, đầy những âm thanh khủng khiếp và bí ẩn từ bốn giọng nói ghê rợn, phát ra âm: “Du, Sa, Na, So.” Ngài thức giấc nửa đêm, co quắp run rẩy vì sợ hãi, rồi ngồi phắt dậy, chờ sáng để hỏi các đạo sĩ bà-la-môn về những điềm mộng đầy đe dọa này. Các đạo sĩ khuyên vua nên dâng một lễ tế thần để làm êm dịu các sức mạnh ma quỷ. Đang trong cơn sợ hãi nên vua đồng ý tiến hành.

Các đạo sĩ bà-la-môn vui mừng, nghĩ đến những món quà hậu hĩ chắc chắn sẽ thâu nhận được khi cử hành cuộc lễ. Họ liền sốt sắng chuẩn bị nghi lễ. Họ dựng một lễ đài và buộc nhiều gia súc vào cột làm vật tế thần. Cho hữu hiệu hơn, họ còn trói vào cột bốn người tử tội để cùng làm vật hy sinh.

Khi biết được sự việc này, Mallikā đến nhà vua và được nghe kể về mười sáu cơn ác mộng. Bà hỏi chồng đã thỉnh cầu hay chưa ý kiến của vị bà-la-môn xuất chúng và trí tuệ nhất: Đức Phật, bậc Thiên Nhân Sư, vị thầy cao cả nhất của nhân loại và chư thiên. Lúc ấy vua quyết định đến tịnh xá Jetavana xin Đức Thế Tôn khuyên giải.

Vua kể lại những ác mộng cho Đức Thế Tôn nghe và hỏi Ngài, qua các điềm mộng ấy, việc gì sẽ xảy ra cho vua. Đức Phật trả lời rằng không có việc gì cả và giải thích ý nghĩa của chúng. Mười sáu điềm mộng là lời tiên tri báo trước đời sống trên thế gian sẽ ngày càng suy thoái vì đạo đức lỏng lẻo, xuống dốc của các vị vua. Vua Pasenadi có thể thấy được tương lai xảy ra trong phạm vi quan tâm của mình vì ngài là một minh quân luôn lưu tâm đến sự an vui của thần dân.

Bốn giọng nói thảm thiết mà nhà vua nghe được là giọng của bốn người đàn ông ở Sāvatthi đã từng quyến rũ các phụ nữ đã có chồng. Vì bất thiện nghiệp này, họ phải tái sanh vào địa ngục, và trong ba mươi ngàn năm họ chìm trong vạc dầu sôi nóng đỏ, càng lúc càng tiến gần ngọn lửa hơn khiến càng cực kỳ đau đớn. Rồi thêm ba mươi ngàn năm nữa, họ từ từ nhô lên trong vạc dầu, và giờ đây đã đến mặt vạc, ít nhất họ có thể hít thở lại không khí của cõi nhân gian.

Mỗi người đều muốn đọc một bài kệ, nhưng do trọng nghiệp nặng nề họ không thể phát tròn âm của chữ đầu tiên trong bài. Họ không thể bày tỏ được đau khổ của mình, dù chỉ qua tiếng thở dài, bởi từ lâu rồi họ đã đánh mất khả năng nói thành lời. Bốn bài kệ bốn câu, tổng cộng mười sáu câu, với tiếng Pāli bắt đầu bằng âm du, sa, na, và so – âm thanh mà Vua Pasenadi đã nghe trong mười sáu ác mộng.

Sau khi được nghe Đức Phật giải mộng, Vua Pasenadi đồng ý với lời yêu cầu của vị hoàng hậu đầy lòng bi mẫn, ra lệnh thả tù nhân cùng súc vật, và phá hủy đài tế thần (Jāt. 77, 314).

Từ đó nhà vua trở thành một đệ tử thuần thành của Đức Phật. Một ngày nọ, vua đến viếng Đức Thế Tôn và thỉnh cầu Ngài cho phép một vị tăng đến hoàng cung giảng pháp cho hai vị hoàng hậu và các phi tần trong cung. Đức Phật chỉ định Đại đức Anandā đảm nhận việc này. Chánh cung hoàng hậu Mallikā tiếp thu Giáo Pháp dễ dàng dù không có căn bản học thức. Trong lúc đó, thứ cung hoàng hậu Vasabhakhattiyā, em họ của Đức Phật và mẹ của đông cung thái tử, lại không thể tập trung tâm ý và học tập rất khó khăn (Vin. 4:158).

Một ngày nọ, Vua Pasenadi và Hoàng hậu Mallikā từ hoàng cung nhìn xuống dòng sông và thấy một số sa môn của Đức Phật đang đùa nghịch nước. Vua nói với hoàng hậu bằng giọng trách móc: “Các sa môn đang nghịch nước kia lẽ ra là bậc a-la-hán.” Đó là tiếng xấu cho nhóm mười bảy vị tỳ khưu tương đối trẻ tuổi và giới hạnh trong sạch này. Mallikā trả lời rằng có thể Đức Phật chưa thiết lập một giới học nào về việc tắm rửa, hoặc nếu có thì các vị này không biết đến giới học đó vì không nằm trong các giới bổn thường tụng đọc. Để tránh cho thanh danh của các vị tỳ khưu này bị bôi nhọ, vua gián tiếp trình bày vấn đề lên Thế Tôn bằng cách nhờ chư sư thay mặt vua mang một món quà đặc biệt về dâng lên Đức Tôn Sư. Nhận được tặng vật, Đức Phật hỏi các đệ tử vào dịp nào đã gặp nhà vua. Khi biết rõ câu chuyện, Ngài ban hành một giới học mới, thích ứng cho hoàn cảnh này (Vin. 4:112).

Một hôm khác, nhà vua và hoàng hậu đứng trên bờ thành cao của hoàng cung nhìn xuống giang san. Vua hỏi Mallikā có ai trong cuộc đời này hoàng hậu thương yêu hơn cả bản thân mình. Vua nghĩ bà sẽ nói người ấy chính là ngài, người đã đưa bà lên tột đỉnh danh vọng và giàu sang. Nhưng mặc dầu rất yêu thương chồng, hoàng hậu vẫn thành thật nói rằng bà không thương yêu ai hơn chính mình. Rồi bà cũng hỏi chồng câu hỏi đó. Nhờ câu hỏi này mà nhà vua cũng nhận ra rằng lòng yêu thương chính mình là mạnh mẽ hơn cả.

Nhưng sau đó nhà vua đến viếng Đức Phật, tường trình mọi việc để thỉnh ý bậc Chánh Biến Tri về vấn đề này. Đức Thế Tôn công nhận quan điểm của vua và hoàng hậu, nhưng từ đó đưa ra một bài học về lòng từ bi và bất bạo động:

Đã đi qua mọi ngõ ngách tâm hồn,
Sẽ thấy rằng ta thương yêu ta nhất.
Cũng như thế người thương yêu người nhất;
Ai tự yêu thương không hại một ai.
(SN 3:8, Ud. 5:1)

Ngày nọ, một người đàn ông quẫn trí vì cái chết của đứa con duy nhất đến tìm Đức Phật. Ông không ăn, không ngủ, không làm việc được; ông buồn chán, cả ngày lang thang trên bãi tha ma, than khóc: “Con ở đâu, con duy nhất của cha? Con ở đâu, con yêu quý của cha?” Đức Phật điềm đạm ban cho ông một bài học cứng rắn: “Những người ta thương yêu mang đến cho ta phiền muộn, than khóc, đau buồn, sầu khổ, và thất vọng” – những quả khổ đau nảy sanh từ dính mắc, tham ái. Nhận thức lời Đức Phật dạy qua kinh nghiệm thấp thỏi của bản thân mình, người đàn ông phẫn nộ bỏ đi. Câu chuyện đến tai nhà vua, và ngài hỏi hoàng hậu có thật không rằng đau khổ nảy sanh từ yêu thương. Bà trả lời với tín tâm vững chắc: “Nếu Đức Phật dạy như thế, tâu hoàng thượng, thì đúng là như vậy.”

Thế nhưng vua hoài nghi cho rằng hoàng hậu tin tất cả những lời Phật dạy như một tín đồ tin vị giáo chủ. Vì vậy Mallikā gởi sứ giả đến Đức Phật xin Ngài minh xác và cho thêm chi tiết về lời dạy trên. Đức Tôn Sư khẳng định và giảng giải cặn kẽ về “tham ái là cội nguồn của đau khổ.” Tuy nhiên hoàng hậu không trực tiếp kể lại cho vua nghe lời Phật dạy mà dùng một phương pháp gián tiếp. Bà hỏi nhà vua có thương yêu công chúa, thứ cung hoàng hậu, đông cung thái tử, bà, và vương quốc của ngài không. Đương nhiên vua công nhận đó là năm nguồn thương yêu và thân thiết vô cùng của ngài. Bà lại hỏi, nhưng nếu có bất hạnh nào xảy đến cho năm nguồn thương yêu này, liệu vua có sẽ phiền muộn, than khóc, đau buồn, sầu khổ, và thất vọng hay không? Lúc ấy nhà vua mới nhận thức được trí tuệ thâm diệu, hiểu thấu tất cả các pháp thế gian của Đức Phật. Vua nói với hoàng hậu: “Lành thay, Mallikā, hãy tiếp tục kính ngưỡng đấng Ứng Cúng.” Và nhà vua đứng dậy, trật hoàng bào cho lộ vai để tỏ lòng kính trọng, rồi hướng về trú xứ của Đức Phật, phủ phục xuống đất, đảnh lễ và niệm danh hiệu Phật ba lần: “Thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán cao thượng, đấng Toàn Giác!” (MN 87).

Nhưng cuộc sống hôn nhân của vua và hoàng hậu không phải lúc nào cũng ấm êm, không cắn đắng nhau. Một ngày nọ họ tranh cãi về các bổn phận của hoàng hậu trong nội cung. Vì lý do nào đó, nhà vua nổi giận đến độ không cần biết đến sự hiện diện của bà. Ngày hôm sau, khi Đức Phật vào hoàng cung thọ trai, Ngài hỏi về hoàng hậu, vì bà lúc nào cũng có mặt sớm nơi ấy. Pasenadi lộ vẻ bất bình và nói: “Bạch Thế Tôn, Ngài hỏi bà ấy làm gì? Bà ấy còn biết gì nữa đâu, đang say sưa với danh vọng được thọ hưởng rồi.” Đức Phật nói chính vua đã nâng bà lên đỉnh danh vọng ấy, và vì vậy phải hóa giải xích mích với bà. Tuy lưỡng lự nhưng vua cũng truyền gọi bà. Lúc ấy Đức Tôn Sư tán dương hạnh phúc của sự hòa thuận, và việc bất hòa giữa hai vị được xóa tan như chưa hề xảy ra (Jāt. 306).

Tuy nhiên, sau đó một xung đột mới giữa hai vợ chồng lại xảy ra, và nhà vua một lần nữa không nhìn đến Mallikā, coi như bà không hiện hữu. Khi Đức Phật hỏi đến bà, Pasenadi lại kể rằng bà đang chìm đắm trong quyền quý vinh quang. Nghe vậy, Đức Thế Tôn kể lại một chuyện tiền thân, khi vua và hoàng hậu là hai vị tiên, một đôi vợ chồng, thương yêu nhau tha thiết. Một đêm nọ, hai vị phải rời xa người bạn đời của mình vì vô ý để dòng nước lũ trong con suối ngăn cách đôi bờ. Sáng hôm sau, con suối cạn khô, họ lại đến được bên nhau. Chỉ một đêm cách biệt, nhưng họ nuối tiếc mãi đêm ấy trong suốt cuộc đời gần bảy trăm năm của họ, do không thể tìm lại được và thay thế được khoảng thời gian của một đêm đã qua rồi. Từ đó đến hết cuộc đời còn lại, họ không bao giờ xa cách nhau, và luôn luôn nghĩ nhớ đến cuộc biệt ly này như một nhắc nhở cảnh cáo để có thể giữ tròn hạnh phúc hôn nhân cho đến lúc lìa đời. Vua xúc động bởi câu chuyện và làm hòa với hoàng hậu. Mallikā cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn và đọc bài kệ sau:

Con hoan hỷ lắng nghe lời dạy
Ngài ban vì hạnh phúc chúng con;
Phật ngôn này tẩy sạch ưu phiền,
Lạy Tôn Sư dạy nguồn hạnh phúc!
(Jāt. 504)

Rồi một lần khác Đức Thế Tôn kể câu chuyện tiền thân của hai vị, khi Pasenadi là đông cung thái tử và Mallikā là chánh phi, một người vợ hiền tận tụy. Dần dần thái tử trở bệnh phong cùi. Các lương y đều phải bó tay. Khi những vết lở loét hôi tanh và thân đau đớn tột cùng, thái tử tuyệt vọng từ bỏ ngôi vương giả, một mình đi vào rừng để khỏi làm gánh nặng cho bất cứ ai. Tuy nhiên, chánh phi vẫn một lòng chung thủy với người chồng mang căn bệnh kinh khiếp, bị người chung quanh ghê tởm. Nàng lìa bỏ đời sống vương giả nhung lụa và quyền quý, đi theo và tận tụy chăm sóc chồng trong rừng thẳm.

Một hôm khi nàng vào rừng sâu hái trái cây về cho thái tử, một quỷ dạ xoa mê đắm sắc đẹp của nàng nên bắt giữ lại. Nàng chẳng thà bị ăn thịt chứ không chịu làm vợ quỷ. Cảm động vì đức hạnh và lời khẩn cầu cứu nạn của chánh phi, Thiên chủ Đế Thích xuống cứu nàng. Khi trở về lều cỏ của hai vợ chồng thì trăng đã lên. Thấy chánh phi về trễ, thái tử tỏ ý nghi ngờ sự chân thành và đức hạnh của vợ. Nàng nguyện cầu rằng, với đại lực của lời nói thật về lòng chung thủy chỉ yêu thương thái tử, xin cho căn bệnh nan y của thái tử được tiêu tan. Và thái tử lành bệnh rồi cùng chánh phi trở về hoàng cung.

Không bao lâu sau, phụ vương nhường ngôi vua cho thái tử và sắc phong chánh phi làm hoàng hậu. Riêng ngài xuất gia tu hành. Thế nhưng vị vua trẻ lập tức bỏ quên người vợ hiền và chỉ mải mê thọ hưởng lạc thú với những mỹ nữ vũ công. Khi biết được việc này, vua cha ẩn sĩ nhắc nhở vương nhi về những điều thiện lành mà chánh hậu đã làm, và rằng thật là một tội lớn nếu vương nhi phản bội một người vợ hiền như vậy. Lắng nghe lời khiển trách của phụ vương, vị vua trẻ ăn năn, cầu xin hoàng hậu tha thứ lỗi lầm. Từ đó vua cùng hoàng hậu sống hạnh phúc bên nhau trong hòa hợp, cùng thực hành các thiện pháp và tu tập hạnh lành (Jāt. 519).

Hoàng hậu Mallikā có phạm một bất thiện trọng nghiệp trong kiếp này. Tuy tạo nhiều phước đức hộ Pháp trợ Tăng, nhưng lúc lâm chung bà không nhớ tưởng đến các thiện nghiệp đã làm, trái lại bà bứt rứt lo âu nhớ đến bất thiện nghiệp đã gieo. Vì thế, khi từ trần bà phải thọ sanh vào địa ngục trong bảy ngày. Bà từ trần khi Vua Pasenadi đang nghe Đức Phật thuyết pháp. Nhận được hung tin, vua bàng hoàng rúng động, co rúm trong đau đớn, không nói nên lời. Đức Thế Tôn liền nhắc nhở cho vua rằng tất cả chúng sanh hữu tình không sao tránh được lẽ vô thường, dị biệt, ly biệt và tử biệt. Nhưng những phàm nhân không tu tập, khi bị trúng mũi tên sầu muộn tẩm độc, thì đau khổ than khóc. Còn vị thánh đệ tử tinh tấn tu học sẽ nhổ mũi tên ấy, không tự làm mình sầu ưu khổ não. Vị ấy tự thanh tịnh tâm ý. (AN 5:49).

“Tham ái là cội nguồn của đau khổ.” Vua đã từng được nghe và được giảng giải điều ấy. Tuy vậy, do dính mắc quá mãnh liệt trong tình yêu vợ chồng, ngày nào vua cũng tìm đến
Đức Phật để hỏi xem hoàng hậu đã tái sanh về cõi giới nào. Nhưng suốt bảy ngày, mỗi khi đàm đạo với vua, Thế Tôn đều ban những pháp thoại diệu kỳ và cảm động cho vua nghe, khiến vua quên đi câu hỏi đã dự định thưa lên Ngài. Vua chú tâm thính pháp rồi hoan hỷ ra về; đến hoàng cung, vua mới sực nhớ lại câu hỏi và lại dặn lòng ngày mai sẽ thưa Đức Tôn Sư. Cứ như vậy cho đến ngày thứ tám, khi vua bạch hỏi, đấng Toàn Giác mới cho vua biết rằng hoàng hậu đã tái sanh vào cõi trời Tusita (cõi trời Đâu suất, nơi chư thiên luôn luôn sống trong hỷ lạc), và Ngài không nhắc gì đến bảy ngày đọa địa ngục của bà.

Vì sao Đức Phật làm như vậy? Đây là vì Ngài thực hành lời Ngài từng dạy về năm yếu tố của một lời nói thiện lành: “Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời lợi ích, nói với từ tâm” (AN 5:198). Hoàng hậu Mallikā được vua sủng ái nhất và lại là một tín nữ thuần thành với Phật Pháp Tăng. Nếu vua biết bà đang thọ khổ trong địa ngục, với suy nghĩ của một phàm nhân, vua sẽ càng thêm đau khổ, mất tín tâm nơi Tam Bảo, rơi vào tà kiến, và tạo các bất thiện nghiệp. Với trí tuệ và vì lòng bi mẫn, Đức Thế Tôn đã làm vua lãng quên câu hỏi; rồi khi đúng thời đúng lúc, Ngài mới nói sự thật cho vua nghe.

Dù Mallikā chỉ lưu lại địa ngục trong bảy ngày ngắn ngủi, qua đó ta có thể thấy rằng bà chưa chứng đắc thánh quả nhập lưu khi còn tại thế, và vì thế còn phải tái sanh vào cõi thấp hơn cõi người. Tuy nhiên, nhờ trải nghiệm đau khổ trong cảnh giới địa ngục, cùng với sự am hiểu Giáo Pháp khi được học hỏi với Đức Phật, Mallikā chắc chắn rút ngắn được con đường đưa đến quả vị nhập lưu, vững bước trên con đường giác ngộ.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app