ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IV: A NAN ĐÀ

MAHĀ PARINIBBĀNA SUTTA

TỤNG PHẨM THỨ TƯ

Sáng hôm sau, Đức Phật vào Vesāli khất thực. Độ thực xong, Ngài rời thành. Nhìn lại Vesāli với cái nhìn oai nghi như một con voi chúa, Ngài nói với Ānanda:

“Này Ānanda, đây là lần cuối cùng Như Lai nhìn Vesāli.”

Rồi Thế Tôn cùng đại chúng tỳ khưu đi đến làng Bhandagāma. Nơi đây Ngài thuyết giảng cho các đệ tử về thánh giới, thánh định, thánh tuệ, và thánh giải thoát. Và một lần nữa, như đã nhiều lần trong chuyến du hành cuối cùng này, Bổn Sư khuyên nhủ Tăng chúng nỗ lực chuyên cần tiến tu Tam Học – giới, định, tuệ.

Rời Bhandagāma, Thế Tôn đi từ làng này đến làng khác: Hatthigāma, Ambagāma, Jambugāma, rồi Bhoganagara. Dù cam go khổ nhọc đến đâu, dù những bước chân chậm và yếu đi nhiều, Ngài vẫn cố gắng bộ hành từng ngày. Thân mệt mỏi đau yếu, nhưng tâm luôn minh mẫn. Đến đâu Ngài giảng giải Giáo Pháp và khuyến tu đến đó, để lại những bài Kinh Di Giáo mềm dịu lòng bi mẫn, sáng ngời trí tuệ và dũng mãnh ý chí tiến tu cho các hàng đệ tử bấy giờ và mai hậu.

Đến Bhoganagara, Đức Phật ngụ tại đền Ānanda. Nơi đây, Ngài thuyết giảng cho chư tăng về Bốn Đại Giáo Pháp hay Bốn Điều Tham Chiếu Lớn (Mahāpadesa), tức phương cách tìm hiểu Phật ngôn, để kiểm chứng khi được nghe về Giáo Pháp:

“Này các Tỳ khưu,

1. Nếu có vị sa môn nói rằng: “Tôi nghe lời này từ kim khẩu Đức Phật. Như vậy đây là Pháp, là Luật, là lời giáo huấn của Bổn Sư.”

2. Nếu có vị sa môn nói rằng: “Trong trú xứ kia có Tăng chúng đồng cư dưới sự hướng dẫn của các vị tỳ khưu trưởng thượng. Tôi nghe lời này từ chính Tăng chúng ấy nói. Như vậy đây là Pháp, là Luật, là lời giáo huấn của Bổn Sư.”

3. Nếu có vị sa môn nói rằng: “Trong trú xứ kia có nhiều vị tỳ khưu trưởng thượng, đạo cao đức trọng. Tôi nghe lời này từ chính các vị cao tăng ấy nói. Như vậy đây là Pháp, là Luật, là lời giáo huấn của Bổn Sư.”

4. Nếu có vị sa môn nói rằng: “Trong trú xứ kia có một vị tỳ khưu trưởng thượng, đạo cao đức trọng. Tôi nghe lời này từ chính vị cao tăng ấy nói. Như vậy đây là Pháp, là Luật, là lời giáo huấn của Bổn Sư.”

thì không nên tán thán, cũng không nên hủy báng lời nói ấy ngay mà phải tham cứu kỹ lưỡng từng chữ, từng câu, rồi đem đối chiếu với Kinh, với Luật. Nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thì các con có thể kết luận rằng: ‘Chắc chắn đây không phải là Phật ngôn, và vị Sa môn ấy đã thọ giáo sai lầm.’ Vậy các con hãy loại bỏ lời ấy.Nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thì các con có thể kết luận rằng: ‘Chắc chắn đây là Giáo Pháp, là Giới Luật, là lời giáo huấn của Bổn Sư, và vị Sa môn ấy thọ giáo chân chánh.’ Vậy các con hãy thọ trì lời ấy.”

Rồi Đức Phật cùng Tăng chúng đến Pāvā. Nơi đây Ngài nghỉ trong vườn xoài của cư sĩ Cunda, con trai của một người thợ rèn. Vô cùng hoan hỷ sau khi được nghe Thế Tôn thuyết pháp, Cunda cung thỉnh Ngài và chư tăng ngày mai đến nhà thọ trai.

Với tâm kính thành trong sạch, Cunda chuẩn bị nhiều loại vật thực cúng dường, trong đó có một món nấm đặc biệt là sūkara-maddave. Theo lời dạy của Đức Phật, Cunda chỉ dâng món nấm lên Ngài mà thôi. Phần còn lại phải đem chôn để không ai khác dùng đến.

Sau khi thọ thực, Đức Phật thuyết pháp cho Cunda và gia đình, đem lại cho tất cả niềm hoan hỷ thiện lành. Rồi Ngài trở về vườn xoài nghỉ ngơi. Ngay ngày hôm ấy, Đức Phật nhiễm bệnh kiết lỵ trầm trọng, đau đớn gần như đến chết. Nhưng Ngài giữ chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại chịu đựng cơn đau, không một lời rên siết.

Dù bệnh tình nguy kịch và đã kiệt lực, Thế Tôn nhất định tiếp tục bộ hành đến thành Kusinārā, nơi Ngài định nhập diệt. Kusinārā ở cách đó chừng chín cây số. Kinh sách ghi lại rằng, vì đau bệnh và kiệt sức, Ngài đã phải ngừng nghỉ rất nhiều lần trên chặng đường cuối cùng này.

Đến một chỗ nọ trên địa phận Pāvā, Đức Phật cảm thấy mệt mỏi nên dừng lại. Ānanda xếp tư y tăng-già-lê của Bổn Sư và đặt dưới một cội cây để Ngài ngồi nghỉ. Đức Phật dạy Ānanda đi lấy nước uống ở một dòng suối nhỏ gần đó vì Ngài thấy khát. Nghe vậy, Ānanda thưa:

“Bạch Thế Tôn, nước suối đang vẩn đục vì bị khuấy động bởi năm trăm cỗ xe bò vừa chạy qua. Sông Kakutthā cách đây không xa. Nước sông ấy trong mát. Xin Thế Tôn chờ đến đó để uống nước và rửa mặt.”

Đức Phật lập lại lời yêu cầu ba lần nên Ānanda vâng lời, lấy bát và đi đến dòng suối nhỏ. Kỳ diệu thay, nước suối đã trở lại trong vắt. Và Ānanda múc nước suối dâng Bổn Sư.

Uống nước xong, Đức Phật tọa thiền dưới một gốc cây. Lúc này, Pukkusa, một đệ tử của đạo sĩ Ālāra Kālama (một trong những vị đạo sĩ mà Thái tử Siddhattha từng thọ giáo sau khi xuất gia), đi ngang qua. Nhìn thấy vẻ trầm tĩnh, thanh tịnh khác thường của Đức Phật, Pukkusa cảm kính đảnh lễ Ngài.

Sau khi nghe Ngài giải tỏa những thắc mắc của ông và thuyết giảng Giáo Pháp, ông xin quy y, về nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng. Lạy Bổn Sư xong, Pukkasa dâng lên Ngài hai bộ y màu hoàng kim sáng chói. Đức Phật nhận một y, và dạy Pukkusa dâng y thứ hai lên Ānanda.

Khi Ānanda thay y cho Đức Phật, Đại đức ngạc nhiên khi thấy màu da của Ngài trở nên tươi sáng, rạng rỡ lạ thường như tỏa hào quang, khiến màu hoàng kim của tấm y lu mờ hẳn. Đức Phật giải thích cho Ānanda:

“Này Ānanda, có hai trường hợp màu da của Như Lai vô cùng tươi sáng, rạng rỡ. Đó là trong đêm Như Lai đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, và trong đêm Như Lai nhập Niết bàn.”

Rồi Ngài cho biết:

“Khi canh cuối cùng đêm nay đã mãn, ở Kusinārā, trong rừng Sāla (Upavattana Sālavana) của bộ tộc Mallā, giữa hai cây sāla, Như Lai sẽ nhập diệt.”

Rồi Thế Tôn cùng Ānanda và đại chúng tỳ khưu đi về hướng Kusinārā. Đến sông Kakutthā, Đức Phật xuống tắm và uống nước. Sau đó Ngài đi vào một rừng xoài gần đó và bảo Đại đức Cundaka xếp tư y tăng-già-lê, trải xuống đất cho Ngài có chỗ nghỉ mệt.

Ngài nằm nghiêng mình bên mặt như dáng điệu oai nghi của một con sư tử, trầm lặng chánh niệm. Nghỉ ngơi giây lát xong, Thế Tôn dịu dàng dạy Ānanda:

“Này Ānanda, có thể sẽ có người oán trách hay buộc tội Cunda, khiến Cunda đau khổ và hối hận, rằng vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng do Cunda cúng dường mà mệnh chung. Này Ānanda, hãy giải thích cho Cunda rằng có hai quả báu cúng dường vật thực lớn nhất, một là bữa ăn cuối Như Lai thọ nhận trước khi đắc đạo quả Phật, hai là bữa ăn cuối Như Lai thọ nhận trước khi nhập Niết bàn. Do công đức cúng dường Như Lai bữa ăn cuối trước khi nhập diệt mà Cunda sẽ được hưởng nhiều phước báu: tuổi thọ cao, sức khỏe tốt, sắc đẹp, an lạc, danh tiếng, và tái sanh vào các cõi trời. Này Ānanda, cần phải giúp Cunda hiểu rõ phước báu cúng dường này mà tự hóa giải khổ đau và hối hận.”

Trong những giờ phút cuối đời, với thân xác đau yếu và mệt mỏi rã rời, Bổn Sư vẫn rủ lòng bi mẫn, thương tưởng và chăm sóc cho mai hậu của mọi chúng sanh.

TỤNG PHẨM THỨ NĂM

Sau khi nghỉ ngơi giây lát, Đức Phật dạy Ānanda và Tăng chúng cùng Ngài đi qua bên kia sông Hiraññavatī, đến rừng Sālā ở Kusinārā.

Khi nhìn thấy rừng Sālā, Đức Phật biết cuộc lữ hành cuối cùng đến đây là chấm dứt, Ngài nói: “Này Ānanda, hãy sửa soạn chỗ nằm cho Như Lai giữa hai cội cây sālā lớn kia. Như Lai mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi.”

Ānanda lấy một tấm y của Bổn Sư xếp làm tư, trải xuống mảnh đất giữa hai cây sālā làm chỗ để Bổn Sư nằm hướng đầu về phía Bắc. Bắc phận là nơi Ngài đã sống những ngày thơ ấu. Thế Tôn ngả lưng xuống chỗ nằm, không để ngủ mà chỉ để thân thể đau yếu rã rời của Ngài được tịnh dưỡng đôi chút. Còn tâm của Ngài thì vẫn minh mẫn và an định, không bao giờ mê mờ hay mỏi mệt.

Bấy giờ không phải mùa hoa sālā nở, nhưng hai cây sālā lại trổ hoa tươi thắm và rơi rắc khắp trên thân Đức Phật. Những thiên hoa mạn-đà-la (mandārava) từ hư không rơi xuống, cùng với hương thơm và nhạc trổi lên từ hư không do chư thiên cúng dường đấng Từ Phụ.

Thấy vậy, Đức Phật dạy: “Này Ānanda, như vậy không phải là sự lễ kính hay cúng dường Như Lai một cách cao quý nhất. Bất luận vị tỳ khưu, tỳ khưu ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ nào sống chân chánh trong Chánh Pháp, hành trì đúng theo Chánh Pháp, thời vị ấy đang lễ kính và cúng dường Như Lai một cách cao quý nhất. Này Ānanda, các con hãy sống và hành trì như vậy.”

Rồi Thế Tôn dạy Đại đức Upavāna, lúc ấy đứng trước mặt Đức Phật và quạt cho Ngài, hãy bước sang một bên. Ānanda ngạc nhiên hỏi lý do. Đức Phật giải thích rằng có vô số chư thiên ở mười phương thế giới đang tụ hội trước bậc Chánh Đẳng Chánh Giác để chiêm bái lần cuối cùng. Thế nhưng oai lực phạm hạnh của Đại đức Upavāna phi thường hơn cả thiên nhãn của các chư thiên nên các vị ấy không thể nhìn xuyên qua Đại đức để thấy được toàn diện Đức Phật.

Khi ngài Ānanda hỏi thêm về các hạng chư thiên, Đức Phật cho biết rằng có hạng chư thiên chưa thoát vòng tục lụy đang đau đớn khóc than vì bậc Thiện Thệ sắp nhập diệt, cạnh đó có hạng chư thiên đã diệt trừ ái dục đang bình tâm, tỉnh giác suy nghiệm về tánh vô thường của vạn pháp hữu vi.

Rồi Bổn Sư dạy: “Này Ānanda, có bốn thánh tích mà người tâm đạo thuần thành nên đến chiêm bái. Đến khi lâm chung, tâm người ấy sẽ rất hoan hỷ khi thành tín nhớ lại các cảnh ấy và sẽ được sanh vào nhàn cảnh của cõi trời. Bốn nơi ấy là nơi Như Lai đản sanh, nơi Như Lai thành đạo, nơi Như Lai thuyết bài pháp đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp Luân), và nơi Như Lai nhập diệt.”

Sau đó Ānanda hỏi Đức Phật về cách một tỳ khưu nên đối xử với nữ giới. [Xin xem lại đoạn “Đối Với Nữ Giới”.] Rồi Ānanda hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ làm gì để gìn giữ và tôn vinh nhục thân của Thế Tôn?”

“Này Ānanda, đừng lo nghĩ về các nghi thức này. Sẽ có các cư sĩ thiện tín chu toàn việc này. Thay vào đó, con hãy nỗ lực, cần mẫn chuyên chú tiến tu để thành đạt hạnh phúc cao quý nhất cho chính con.”

Lúc bấy giờ, khi nghe lời giáo huấn cuối cùng của Bổn Sư dành cho mình, Ānanda đau đớn tột cùng. Không dằn nén được nữa, ngài đi vào một tịnh cốc gần đó, trốn sau cánh cửa để khóc và nói với chính mình:

“Ta vẫn còn là một sa môn trên đường tu học, vẫn chưa thành tựu quả vị giải thoát cao quý nhất, mà nay Thầy đã đến phút lâm chung. Thầy lúc nào cũng hết lòng thương yêu dạy dỗ ta. Rồi đâu còn ai thương ta như vậy nữa.”

Không thấy Ānanda bên cạnh như thường lệ, Đức Phật bảo một vị tỳ khưu đi gọi Ānanda về. Sau khi Ānanda đảnh lễ và ngồi xuống một bên Ngài, Đức Phật nói: 

“Đủ rồi, Ānanda, đừng khóc, đừng đau buồn nữa! Không phải Như Lai đã bao nhiêu lần dạy rằng, rồi có một ngày chúng ta sẽ phải chịu sự ngăn cách, biệt ly tất cả những gì ta yêu mến? Ngày ấy là đây, Ānanda. Có sanh có diệt. Có hợp có tan. Làm sao tránh được? Này Ānanda, bấy lâu nay con đã hết lòng phụng sự chăm sóc cho Như Lai, với thân, khẩu, ý từ ái, trung kiên và hoan hỷ. Công đức đó vô lượng, có một không hai. Nay đến lúc con phải chuyên cần nỗ lực dẹp tan tất cả những chướng ngại ngăn cản con chứng đạt quả vị a-la-hán. Cố gắng lên, Như Lai biết không bao lâu nữa con sẽ thành tựu!”

Rồi Thế Tôn nói với đại chúng tỳ khưu:

“Này các tỳ khưu, tất cả các vị Phật quá khứ đều có một đệ tử thị giả thật tốt như Như Lai có Ānanda. Tất cả các vị Phật tương lai cũng như vậy. Ānanda là một thị giả thông minh và trung thành, biết cách sắp xếp thích hợp cho từng vị khách đến viếng thăm Như Lai. Lúc nào Ānanda cũng cư xử tế nhị, nói năng hòa ái với họ khiến họ cảm kích hoan hỷ. Ānanda quả là một đệ tử và một thị giả xuất sắc của Như Lai.”

Tiếp lời của Bổn Sư, Ānanda xoay qua một vấn đề khác và bạch Ngài:

“Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn đừng nhập Niết bàn ở thị trấn nhỏ bé, hoang vu, tường bùn vách đất này. Có những thành phố lớn và trọng yếu như Campā, Rājagaha, Sāvatthi, Sāketa, Kosambī, hay Benares, nơi sẽ có đông đảo cư sĩ thiện tín đến chiêm bái và cử hành đại tang cho Thế Tôn.”

Đức Phật dạy (Mahāsudassana Sutta, DN 17):

“Này Ānanda, đừng nói như vậy. Đã có một thời Kusinārā là một đô thị sầm uất, hưng thịnh tên là Kusāvati, kinh đô hoành tráng và phú cường của Vua Mahāsudassana. Vua là một minh quân đức độ, một vị vua Chuyển Luân uy hùng được kính phục và mến mộ.

“Một ngày nọ, qua chiêm nghiệm, vua biết rằng những phước báu được hưởng hiện tại là quả lành do các thiện nghiệp từ các kiếp trước như bố thí, trì giới, thiền định, từ bi, và buông xả. Từ đó vua quyết tâm sống phạm hạnh, ly dục, ly ác pháp, tiếp tục vun bồi các thiện nghiệp.

“Lúc vua sắp mệnh chung, Hoàng hậu Subhaddā đến viếng thăm và thuyết phục vua khởi tâm luyến ái, tham sống để thọ hưởng phước báu thế tục. Vua yêu cầu hoàng hậu ngưng lời bất thiện và thay vào đó hãy nói về sự biến hoại, vô thường mà tất cả sự vật khả ái, khả lạc đều phải hứng chịu, và hãy nhắc nhở rằng: ‘Đau khổ thay, đáng trách thay, sự mệnh chung với tâm còn tham ái!’ Khi hoàng hậu đang nói những lời này, Vua Mahāsudassana qua đời và tái sanh vào cõi Phạm thiên.”

Thế Tôn dạy tiếp:

“Này Ānanda, vua Mahāsudassana là tiền thân của Như Lai. Hôm nay, tất cả các pháp hữu vi chịu điều kiện ngày ấy đã vào quá khứ, biến đổi và hoại diệt. Chúng vô thường như vậy, không bền vững như vậy, không đáng tin tưởng như vậy. Này con, vì vậy cần phải nhàm chán, thoát ly các pháp ấy. Qua hằng hà sa số kiếp, Như Lai đã để lại nhục thân ở đô thị này hết thảy bảy lần. Lần thứ tám và cũng là lần cuối cùng, hôm nay Như Lai sẽ để lại nhục thân ở đô thị này.”

Ngài Ānanda im lặng lắng nghe lời Bổn Sư giảng giải.

“Thôi, Ānanda,” Đức Phật dạy, “con hãy đi vào Kusinārā thông báo với dân Mallā rằng đêm nay, vào canh cuối, Như Lai sẽ nhập Niết bàn.”

Ānanda vâng lời Thế Tôn, cùng một vị tỳ khưu khác vào Kusinārā báo tin Đức Phật sẽ nhập diệt đêm nay để dân chúng kịp vào rừng Sālā đảnh lễ và viếng thăm Đức Tôn Sư lần cuối. Lúc bấy giờ, một vị du sĩ ngoại đạo ở Kusinārā là Subhadda nghe được tin này. Biết sự xuất hiện trên thế gian của một vị Phật, đấng Chánh Biến Tri thật là hy hữu, Subhadda lập tức đến viếng Ngài và xin Ngài giảng dạy Chánh Pháp để giải tỏa một hoài nghi khởi lên trong tâm ông.

Ba lần Subhadda nài nỉ xin Ānanda cho ông được hầu chuyện cùng Đức Phật trước khi Ngài nhập diệt, ba lần Ānanda từ chối:

“Này đạo hữu Subhadda, Thế Tôn rất mệt. Xin đừng làm phiền Ngài nữa.”

Nghe được những lời trao đổi giữa hai vị, Đức Phật gọi Ānanda đến và dạy:

“Ānanda, hãy để Subhadda đến gặp Như Lai. Những gì ông ấy muốn hỏi Như Lai là để hiểu biết chứ không để phiền nhiễu Như Lai. Ông ấy sẽ lãnh hội mau chóng những điều Như Lai giảng dạy.”

Lúc ấy Ānanda liền đưa Subhadda vào gặp Thế Tôn. Ông thành kính đảnh lễ Ngài và hỏi:

“Bạch Thế Tôn, tất cả các vị đạo sĩ và trưởng giáo đương thời của các giáo phái khác đều tuyên bố đã giác ngộ. Thế nhưng giáo pháp của họ mâu thuẫn với nhau. Vậy những vị nào thật sự đã giác ngộ?”

“Này Subhadda, đừng bận tâm với câu hỏi đó nữa. Hãy lắng nghe và suy nghiệm, Như Lai sẽ giảng Chánh Pháp cho ông nghe.”

Subhadda lắng tâm nghe lời Thế Tôn dạy:

“Bất cứ nơi nào không hành trì Bát Chánh Đạo, sẽ không có người chứng đạt Tứ Thánh quả. Bất cứ nơi nào hành trì Bát Chánh Đạo, sẽ có những vị chứng đạt Tứ Thánh quả. Chỉ có Chánh Pháp mà Như Lai giảng dạy chứa đựng đạo lý Bát Chánh Đạo. Nếu những đệ tử sa môn của Như Lai nghiêm chỉnh hành trì đạo lý này, thế gian sẽ không bao giờ vắng bóng các vị a-la-hán.”

Subhadda vốn đầy đủ căn cơ nên bài pháp được Đức Phật trực tiếp giảng dạy tuy ngắn gọn nhưng đã khai sáng tâm ông. Subhadda vô cùng hoan hỷ và xin được Đức Phật nhận ông là đệ tử xuất gia. Ngài chấp thuận và truyền Trưởng lão Ānanda cho Subhadda làm lễ xuất gia, thọ đại giới tỳ khưu với Đức Phật.

Như vậy, Subhadda là vị đệ tử Tỳ khưu cuối cùng của Đức Thế Tôn. Thọ đại giới không bao lâu, Subhadda tìm nơi độc cư an tịnh, tinh tấn, cần mẫn tu tập. Rồi trong một thời gian ngắn, Đại đức chứng đắc thánh quả a-la-hán.

TỤNG PHẨM THỨ SÁU

Đêm đã khuya. Giờ đến lúc Bổn Sư căn dặn Ānanda những lời sau cuối.

Thứ nhất: “Này Ānanda, có thể một số đệ tử của Như Lai nghĩ rằng: ‘Từ nay ta không còn được nghe lời Thầy giảng dạy nữa. Từ nay ta không còn được ai dẫn dắt nữa.’ Suy nghĩ như vậy là không đúng. Giáo Pháp và Giới Luật mà Như Lai đã giảng dạy và hướng dẫn tứ chúng lúc Như Lai còn sống sẽ là Thầy cho tứ chúng theo bước khi Như Lai đã ra đi.

Thứ hai: “Này Ānanda, hiện nay các vị tỳ khưu gọi nhau là ‘hiền hữu’ (āvuso). Sau khi Như Lai nhập diệt, vị tỳ khưu cao tuổi hạ có thể gọi vị tỳ khưu nhỏ tuổi hạ hơn là ‘hiền hữu’ hoặc bằng tên. Còn vị tỳ khưu nhỏ tuổi hạ phải gọi các vị cao tuổi hạ hơn là ‘ngài’ (bhante:ngài, đại đức,venerable sir).”

Thứ ba: “ Này Ānanda, sau khi Như Lai nhập diệt, Tăng chúng có thể, nếu muốn, hủy bỏ những giới luật nhỏ nhặt và ít quan trọng.”

Thứ tư: “Này Ānanda, sau khi Như Lai nhập diệt, chư tăng hãy thi hành hình phạt phạm-đàn (brahmadaṇḍa) đối với sa môn Channa. Phạm-đàn nghĩa là Channa muốn nói gì thì nói, còn Tăng chúng sẽ không nói chuyện, không hướng dẫn, không giảng dạy Channa nữa, trừ khi Channa thành tâm hối cải.”

Rồi Thế Tôn nhìn đại chúng tỳ khưu đang tề tựu quanh Ngài và nói:

“Này các tỳ khưu, nếu ai còn hoài nghi hay thắc mắc nào về Như Lai, Giáo Pháp, Tăng già, về Chánh Đạo hay phương pháp tu tập, thì hãy hỏi ngay lúc này đây. Đừng để sau này hối tiếc rằng: ‘Lúc ấy ở trước mặt Thế Tôn mà ta không nhớ để hỏi.’”
Các vị tỳ khưu im lặng. Đức Phật lập lại câu nói lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Các vị vẫn im lặng.

Với lòng từ bi vô lượng, Bổn Sư hiền hòa dạy:

“Này các đệ tử, nếu vì tôn kính Thầy mà các con không nêu lên câu hỏi, thì giữa bạn đồng tu, hãy hỏi nhau đi.”

Các vị tỳ khưu vẫn im lặng.

Ānanda lên tiếng:

“Bạch Thế Tôn, thật là vi diệu! Con vững tin rằng tất cả chư tỳ khưu nơi đây không một ai còn chút hoài nghi hay thắc mắc nào về Tam Bảo, Con Đường hay phương pháp tu tập nữa.”

“Này Ānanda, con nói vậy là do đức tin. Còn Như Lai, Như Lai biết rằng không một tỳ khưu nào ở đây còn chút hoài nghi hay thắc mắc gì nữa. Này Ānanda, trong tất cả năm trăm chư tăng hiện diện nơi đây, vị có trình độ tu chứng thấp nhất cũng đã chứng đắc được quả nhập lưu, không còn tái sanh vào khổ cảnh nữa, và chắc chắn sẽ thẳng tiến chứng đạt Niết bàn.”

Rồi Đức Phật ban lời giáo huấn cuối cùng cho các đệ tử:

“Giờ đây, này chư tỳ khưu, Như Lai khuyên nhắc các con:

Mọi pháp hữu vi đều vô thường.
Hãy tinh tấn tìm cầu giải thoát!
Sabbe sankhara anicca.
Appamādena sampādetha!”

Đó là lời cuối cùng của Đức Phật trước khi từ giã kiếp sống mà Ngài đã hết lòng phụng sự và giảng dạy Chân Lý cho chúng sanh hầu giải thoát khỏi biển khổ luân hồi. Nói xong lời di huấn tối hậu này, Đức Phật nhắm mắt.

Ngài nhập vào các tầng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền sắc giới và các tầng thiền vô sắc giới. Lúc Đức Phật đang an trú trong tầng thiền vô sắc, bậc diệt thọ tưởng định, Ānanda nói với Anuruddha, lúc đó cũng đang có mặt bên cạnh Đức Bổn Sư:

“Bạch Đại đức, Thế Tôn đã nhập diệt.”

Nhưng Anuruddha đính chính rằng:

“Không phải vậy đâu, này Ānanda, Thế Tôn chưa nhập diệt. Ngài mới nhập diệt thọ tưởng định.”

Rồi Đức Phật lần lượt ra khỏi các tầng thiền. Kế đến Ngài lại nhập từ sơ thiền đến tứ thiền. Tức khắc sau khi xuất tứ thiền, Đức Phật nhập diệt, không bao giờ còn trở lại sanh tử luân hồi nữa.

Ngay khoảnh khắc Đức Phật nhập diệt, đại địa chấn động và sấm sét rền vang. Lúc ấy là canh ba, giữa khuya ngày trăng tròn tháng Vesākha. Ānanda cũng như chư thiên và các vị tỳ khưu chưa tận diệt tham ái bàng hoàng, than khóc vật vã. Còn các chư thiên và các vị tỳ khưu đã tận diệt tham ái chánh niệm, tỉnh giác, và suy nghiệm về định luật vô thường không sao tránh được của tất cả các pháp hữu vi.

Ngài Anuruddha khuyên nhắc chư tăng:

“Này chư huynh đệ, đừng sầu não, đừng khóc than như thế. Không phải Thế Tôn đã từng dạy rằng những gì ta thương mến, thân tình đều phải một ngày chịu sanh biệt, tử biệt, và dị biệt?”

Suốt cả đêm còn lại, hai ngài Anuruddha và Ānanda luận bàn về Chánh Pháp. Trong suốt bốn mươi ba năm hai vị theo chân Đức Phật sống đời khất sĩ, không có một cuộc pháp đàm nào giữa hai vị được ghi lại trong kinh sách. Nhưng đêm ấy, Anuruddha dành trọn thời giờ an ủi, khuyên nhủ và đàm đạo với người em cùng cha khác mẹ và cũng là sư đệ của mình.

Rạng sáng hôm sau, Anuruddha bảo Ānanda thông báo tin Đức Phật nhập Niết bàn cho người dân Mallā biết để họ chuẩn bị những gì cần làm cho tang lễ của Ngài.

Trong suốt sáu ngày đêm dân Mallā đảnh lễ, lắng nghe chư tăng tụng đọc Phật ngôn, tưởng niệm ân đức Đức Thế Tôn và cúng dường Ngài bằng hương, hoa, vũ, nhạc. Vào ngày thứ bảy, họ dựng giàn hỏa và đặt kim quan của Ngài lên để làm lễ thiêu thân. Thế nhưng khi họ muốn châm lửa hỏa đàn thì lửa không cháy.

Ngài Anuruddha giải thích rằng chư thiên muốn trì hoãn lễ trà tỳ để chờ Trưởng lão Mahākassapa cùng năm trăm vị sa môn đang trên đường về Kusinārā đảnh lễ Thế Tôn lần cuối.

Vừa đến đền Makutabandhana, nơi dựng hỏa đàn cho lễ trà tỳ, Trưởng lão Mahākasappa và năm trăm tỳ khưu chắp tay, vai phải hướng về nhục thân Đức Bổn Sư, cung kính đi quanh hỏa đàn ba lần, rồi phủ phục đảnh lễ dưới chân Thầy ba lần.

Trưởng lão và chư tăng vừa lễ bái xong thì lửa hỏa đàn tự bốc cháy. Khi đốm lửa cuối cùng đã tàn lụi, nước thơm tinh khiết được tưới lên giàn hỏa. Thân Đức Phật cháy sạch, chỉ còn xương xá lợi.

Khi biết tin Đức Thế Tôn nhập diệt, các nước láng giềng đều cử sứ giả đến Kusinārā xin thỉnh xá lợi đem về xây tháp thờ. Vị nào cũng đưa ra lý do để dành xá lợi cho riêng đất nước mình.

Bấy giờ một vị đạo sĩ bà-la-môn khuyên tất cả không nên tranh chấp xá lợi của một bậc luôn luôn dạy dỗ chúng ta hạnh hiếu hòa và kham nhẫn. Sau khi được ông giảng hòa, các sứ giả hoan hỷ nhờ ông chia xá lợi thành tám phần đồng đều để họ mang về. Để tỏ lòng tri ân, hội chúng tặng cho vị đạo sĩ chiếc bình đã đựng xá lợi để đong chia. Một sứ giả đến muộn nhận phần tro tàn của củi và trầm hương hỏa đàn.

Và như vậy mười tháp thờ được xây dựng: tám tháp xá lợi, một tháp bình (đã dùng đựng xá lợi), và một tháp tro.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app