ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (VIII)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

SĀMĀVĀTĪ – HIỆN THÂN CỦA LÒNG TỪ ÁI

Trong thời đại mà Ấn Độ là quê hương được hưởng nhiều phước lành của một bậc Toàn Giác, nơi vùng biên giới, có đôi vợ chồng sống với đứa con gái duy nhất tên Sāmāvātī, vô cùng xinh đẹp và đoan trang. Gia đình họ thuận hòa và hạnh phúc.

Nhưng một hôm thiên tai bỗng đến: nạn dịch hoành hành trên khắp tỉnh nhà nên hai vợ chồng, cùng cô con gái tuổi mới lớn, phải chạy nạn ra khỏi vùng ấy. Họ hướng về Kosambī, kinh đô của vương quốc Vaṁsa trong thung lũng sông Hằng, định xin sự giúp đỡ của một bạn thân cũ là Ghosaka, vị bộ trưởng tài chánh của đức vua.

Lúc ấy một trại tạm trú cho người tỵ nạn được dựng lên trong thành, nơi hằng ngày Sāmāvātī đến nhận thực phẩm. Ngày đầu tiên cô lấy ba phần ăn, ngày thứ hai lấy hai phần, đến ngày thứ ba chỉ lấy một phần. Mitta, người phân phát thực phẩm, lấy làm lạ nên hỏi cô một cách hơi mỉa mai rằng phải chăng cuối cùng cô đã lường được cái bao tử của cô. Sāmāvātī ôn tồn trả lời: “Ngày thứ nhất có ba người ăn, cha mẹ tôi và tôi. Hôm ấy cha tôi chết vì bệnh dịch. Ngày thứ hai mẹ tôi chết sau khi ăn. Cho nên hôm nay tôi chỉ cần thực phẩm cho một mình tôi.”

Mitta cảm thấy ân hận vì đã mỉa mai cô gái và chân thành xin lỗi cô. Sau khi chuyện trò, Mitta biết được rằng Sāmāvātī nay mồ côi, sống một mình trên đời này, nên đề nghị nhận cô làm con nuôi. Sāmāvātī thuận lòng nhận. Cô lập tức phụ giúp cha nuôi phân phát thực phẩm và chăm sóc người tỵ nạn. Nhờ cách làm việc có hiệu quả và thận trọng của cô, khu tập trung náo loạn và phức tạp trở thành một nơi sinh hoạt ổn định và trật tự. Không ai giành giựt với ai, không ai tranh cãi, và ai cũng hài lòng.

Không bao lâu tin này đến tai Ghosaka, vị bộ trưởng tài chánh. Khi ông gởi lời ngợi khen và cảm kích đến người phân phát thực phẩm, Mitta khiêm tốn trả lời đó là nhờ công của người con gái nuôi. Nhờ vậy Ghosaka gặp Sāmāvātī, người con gái mồ côi của người bạn cũ, và với lòng khâm phục phong cách thanh cao của cô, ông xin nhận cô làm dưỡng nữ. Dù không khỏi thoáng buồn, Mitta nhận lời vì không muốn cản trở phước phần của cô. Ghosaka mang cô về. Từ đó Sāmāvātī trở thành người thừa kế một tài sản lớn lao và giao thiệp với những tầng lớp cao sang quyền lực nhất trong vùng.

Lúc bấy giờ, vua xứ Kosambī là Udena đã có hai hoàng hậu. Một là Vāsuladattā mà vua kết hôn vì lý do chính trị và vì nhan sắc kiều diễm. Hai là Māgandiyā xinh đẹp và thông minh nhưng lạnh lùng và ích kỷ. Cả hai đều không mang lại cho nhà vua hương vị đầm ấm, luyến thương, và ngọt ngào của tình yêu mà ngài hằng mong ước.

Một hôm, Vua Udena gặp cô gái nuôi duyên dáng, khả ái của ông bộ trưởng, và đã yêu cô ngay phút đầu. Vua bị thu hút mãnh liệt bởi vẻ đẹp nhân từ phúc hậu và độ lượng vị tha của cô mà hai người vợ kia hoàn toàn không có. Vua Udena bèn sai sứ giả đến Ghosaka, xin cưới Sāmāvātī làm hoàng hậu. Lòng Ghosaka xao động đắn đo. Một mặt, ông thương yêu con hơn tất cả và không thể thiếu vắng con trong cuộc sống, Sāmāvātī là hạnh phúc của đời ông. Mặt kia, ông biết rõ tính khí của vua nên không dám từ chối lời cầu hôn. Nhưng cuối cùng, quá quyến luyến mến thương con, ông nghĩ: “ Thà chết còn hơn phải sống xa con.”

Như mọi khi, Vua Udena lại nổi cơn thịnh nộ. Trong cơn giận dữ điên cuồng, vua cắt chức Ghosaka, đày ông biệt xứ, và không cho phép Sāmāvātī đi theo. Vua còn chiếm giữ tài sản của Ghosaka và khóa cửa tòa lâu đài của ông. Sāmāvātī buồn bã, thương người cha nuôi đã vì mình phải chịu đau khổ và mất mát. Do lòng thương yêu và biết ơn cha nuôi, không muốn vì mình mà tạo ra nhiều rối rắm, nên cô tự nguyện làm vợ vua. Cô vào hoàng cung và tâu lên vua quyết định của mình. Lập tức, vua dịu cơn nóng giận, đưa Ghosaka trở lại tước vị cũ, và bãi bỏ các hình phạt đã áp đặt lên ông.

Quyết định này không khó khăn gì cho Sāmāvātī, người thiếu nữ đầy nội lực với lòng từ ái bao la, thương yêu tất cả mọi người. Đối với cô, nơi nào cô sống không quan trọng: ở dinh thự của vị bộ trưởng tài chánh trong quyền quý của người con gái được yêu thương nhất, ở cung đình trên ngôi cao của vị hoàng hậu được sủng ái nhất, ở căn nhà nhỏ xưa với cha mẹ lúc tối tăm hoạn nạn, hay ở trại tập trung trong khốn khó cùng cực của một người tỵ nạn. Cô luôn luôn tìm được bình an và hạnh phúc trong tâm, dù hoàn cảnh cuộc đời có ra sao. Và như thế, vào hoàng cung, Sāmāvātī mang theo khuôn mẫu hòa ái yên vui của tâm tánh mình đến người chung quanh.

Trong số cung nhân hầu cận có một người, tên Khujjuttarā, bề ngoài xấu xí dị dạng nhưng rất tài giỏi. Mỗi ngày hoàng hậu đưa cho Khujjuttarā tám đồng tiền vàng để mua hoa trang trí các phòng trong cung điện. Nhưng lúc nào Khujjuttarā cũng chỉ mua có bốn đồng, phần còn lại cô giữ lại chi dùng cho mình. Ngày nọ, khi tới mua hoa, Khujjuttarā được người chủ hàng hoa cho biết hôm đó có thỉnh Đức Phật cùng chư tăng đến thọ trai, và thuyết phục cô ở lại tham dự. Sau khi thọ thực, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho gia chủ. Cô lắng nghe và trực nhận lời Ngài dạy. Chú tâm thính pháp, an tịnh và phấn chấn, cô thọ nhận từng chữ một như thể Thế Tôn có chủ ý thuyết giảng riêng cho cô. Khi bài pháp kết thúc, cô đắc đạo quả nhập lưu, hoàn toàn biến đổi phẩm cách, có niềm tin vững chắc vào Tam Bảo, và không bao giờ có thể phạm các giới luật căn bản. Thế giới mà từ trước đến nay Khujjuttarā xem là rõ ràng và có thật, nay trở thành như một giấc mơ, như ảo ảnh.

Sau chuyển biến tâm thức kỳ diệu này, việc đầu tiên Khujjuttarā làm là mua hoa với trọn tám đồng tiền, lòng thực sự ân hận về hành động gian dối của mình trước nay. Khi hoàng hậu hỏi sao hôm nay có nhiều hoa như thế, Khujjuttarā quỳ xuống và thú nhận tội lỗi đã làm. Được hoàng hậu độ lượng tha tội, Khujjuttarā thuật lại điều kỳ diệu mới xảy ra trong tâm đã thay đổi đời cô, sau khi nghe một bài pháp từ Đức Phật. Khujjuttarā không thể thuật lại chính xác nội dung bài pháp, nhưng Sāmāvātī có thể thấy được ảnh hưởng thiện lành và thanh cao của bài pháp ấy trên phẩm hạnh biến đổi của Khujjuttarā.

Từ đó, Sāmāvātī cho Khujjuttarā làm cung nhân riêng của mình, và bảo cô hằng ngày đến tu viện nghe Giáo Pháp, rồi về thuật lại cho các hoàng hậu, vương phi, và cung nữ khác nghe. Khujjuttarā có một trí nhớ xuất sắc, và những gì nghe được chỉ một lần cô cũng có thể thuật lại đúng nguyên văn. Mỗi ngày, từ tu viện về, cô được các cung phi mời ngồi lên ghế cao như thể là Đức Phật, còn họ ngồi phía dưới thành tâm thính pháp.

Về sau, Khujjuttarā kết tập các bài pháp ngắn đã nghe từ kim khẩu Thế Tôn mà sau đó trở thành một quyển kinh trong Kinh Tạng Pāli, gọi là Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya), gồm 112 bài kinh ngắn – văn xuôi lẫn thi kệ. Phần lớn các bài kinh này bắt đầu với câu: “Đức Thế Tôn thuyết giảng như vầy” (itivuttam). Khujjuttarā được Đức Phật khen ngợi là vị đệ nhất thinh văn (được nghe nhiều) trong hàng nữ đệ tử cư sĩ (AN 1:14).

Khi Vua Udena, một lần nữa, nói với Hoàng hậu Sāmāvātī yêu quý rằng bất cứ điều gì bà mong cầu, vua cũng làm thỏa nguyện. Bà ước ao được Đức Phật hằng ngày đến hoàng cung thọ trai và thuyết pháp. Đức vua chuyển lời mời này đến Đức Phật, nhưng Ngài từ chối và gởi Ānanda thay thế. Từ đó, hằng ngày Đại đức Ānanda vào cung thọ trai và giảng dạy Giáo Pháp. Nhờ đã từng nghe Khujjuttarā thuật lại những lời Đức Phật dạy, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi nghe Đại đức thuyết giảng, hoàng hậu thấu hiểu ý nghĩa và đắc quả nhập lưu.

Giờ đây, hoàng hậu và Khujjuttarā ngang bằng nhau về mặt hiểu biết Giáo Pháp. Không bao lâu, Pháp Phật lan truyền khắp tam cung lục viện, và hầu như ai cũng trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn. Ngay cả cha nuôi của Sāmāvātī, Ghosaka, cũng rất động tâm khi nghe thuyết pháp. Ông cúng dường lên Đức Phật và Giáo đoàn một tu viện rất lớn ở Kosambī, gọi là Ghositārāma; vì vậy mỗi khi đến viếng kinh thành này, Thế Tôn và chư tăng có được một trú xứ an toàn và thoải mái.

Do ảnh hưởng của Giáo Pháp cao thượng, Sāmāvātī càng quyết tâm tu tập tinh tấn chuyên cần hơn. Tài sản tâm linh quý báu nhất của hoàng hậu là mối giao cảm chân thành và lòng từ bi vô lượng truyền trải chan hòa đến tất cả chúng sanh. Sāmāvātī đã phát triển mạnh mẽ khả năng này đến nỗi Đức Phật khen tặng bà là vị nữ đệ tử cư sĩ đệ nhất về an trú và niệm rải mettā, tâm từ (AN 1:14).

Tình thương lan tỏa tràn đầy này được thể hiện rõ nét trong mối liên hệ giữa bà và vị hoàng hậu thứ nhì, Māgandiyā, người đàn bà cực kỳ căm thù tất cả những gì thuộc về Đạo Phật. Vài năm trước, cha bà gặp mặt Đức Phật và nghĩ rằng vị khất sĩ tuấn tú này là người xứng đáng nhất để cưới con gái ông. Vì không hiểu gì về luật lệ của chư tăng, ông ta đề nghị gả con gái cho Đức Phật.

Māgandiyā nhan sắc lộng lẫy, lúc ấy đang được nhiều người cầu hôn. Nhưng Đức Phật thẳng thắn từ chối lời đề nghị của cha cô qua một bài kệ ngắn về sự bất toàn, bất tịnh của thân thể (Snp. v. 835). Bài kệ này làm tổn thương lòng kiêu mạn của Māgandiyā, nhưng lại tác động sâu xa đến cha mẹ cô và, do căn cơ đầy đủ, ngay tức khắc ông bà chứng đắc thánh quả bất lai. Còn Māgandiyā lại xem lời từ chối của Đức Phật là một phỉ báng cá nhân nên nuôi oán hận thâm sâu. 

Sau khi cha mẹ cô xuất gia, người chú chăm sóc cô đem cô dâng lên vua. Vua Udena vừa thấy mặt cô liền say mê và cưới cô làm vợ thứ hai. Khi nhà vua cưới vợ thứ ba, Sāmāvātī, cô vui lòng chấp nhận, vì đa thê là phong tục thông thường của vua chúa thời bấy giờ. Nhưng Sāmāvātī trở thành đệ tử Đức Phật và chuyển hóa tâm các vương phi, cung nữ khiến họ cũng tín ngưỡng Giáo Pháp. Điều này Māgandiyā không thể chịu đựng được. Lòng thù hận tất cả những gì liên quan đến Đức Phật giờ đây trút lên Sāmāvātī.

Māgandiyā thông minh sắc sảo, dùng hết độc kế này đến độc kế khác để hãm hại Sāmāvātī. Thoạt tiên bà làm cho vua nghi rằng Sāmāvātī âm mưu giết hại vua. Nhưng vì nhà vua biết rất rõ lòng thương yêu mọi chúng sanh của Sāmāvātī nên không mắc kế.

Sau đó, Māgandiyā sai một nữ tỳ đi gieo tiếng xấu cho Đức Phật và Tăng già khắp thành Kosambī, và như thế Sāmāvātī cũng sẽ bị bêu xấu theo. Mưu kế này tương đối thành công. Một làn sóng thù nghịch chống đối Giáo đoàn lan mạnh mẽ khắp kinh thành, đến nỗi Đại đức Ānanda phải thỉnh cầu Đức Thế Tôn nên rời bỏ nơi đây. Ngài mỉm cười và dạy rằng: “Này Ānanda, đừng lo ngại. Những người này chỉ chửi mắng ta trong bảy ngày. Đến ngày thứ tám họ sẽ lặng yên. Chướng ngại khó khăn xảy đến cho chư Phật không thể kéo dài hơn bảy ngày.” Quả thật, âm mưu thứ hai cũng thất bại.

Cho ác kế thứ ba, Māgandiyā dâng lên vua tám con gà sống và đề nghị Sāmāvātī giết chúng để nấu một bữa ăn đặc biệt. Sāmāvātī từ chối sát sanh. Đã biết rõ từ tâm ban trải đến khắp tất cả chúng sanh của người vợ thứ ba, vua không hề nổi giận.

Māgandiyā, lần thứ tư, lại tìm cách hãm hại Sāmāvātī. Vua Udena có lệ mỗi tuần lần lượt đến ngự ở cung ba vị hoàng hậu – Vāsuladdattā, Māgandiyā, Sāmāvātī. Đến một tuần của Sāmāvātī, Māgandiyā viện cớ gặp điềm bất tường cho vua trong ác mộng nên xin tháp tùng, dấu theo một con rắn độc đã lấy nọc ra. Lúc vua ngủ, bà thả rắn rồi giả bộ hoảng sợ, hô hoán đổ tội cho Sāmāvātī nuôi rắn để giết vua. Lần này, chứng cớ quả hiển nhiên. Vua nổi cơn thịnh nộ, dùng cung tên tự tay bắn vào ngực Sāmāvātī. Nhưng năng lực do tâm từ trong sạch và vô điều kiện của hoàng hậu đã bảo vệ bà, như một tấm giáp che vô hình, khiến mũi tên bị nẩy lại và rơi xuống.

Khi Vua Udena lấy lại được bình tĩnh và chứng kiến điều kỳ diệu – rằng mũi tên của vua không gây thương tích, nguy hại đến Sāmāvātī – vua rúng động tâm can. Udena xin bà tha thứ và, hơn lúc nào hết, càng tin tưởng sự cao thượng và trung kiên của bà. Từ đó vua khởi tâm muốn học hỏi Giáo Pháp mà hoàng hậu tu tập theo. Vào thời gian này, có một vị sa môn nổi tiếng là Piṇḍola Bhāradvāja đến tạm trú tại tu viện Ghosita. Đức vua đến thăm và đàm luận Giáo Pháp với Trưởng lão. Trong một pháp đàm, vua hỏi vì sao các vị tỳ khưu trẻ có thể sống đời độc thân phạm hạnh một cách tự tại an vui. Trưởng lão giải thích rằng nhờ họ thực hành theo lời dạy của Bổn Sư là hãy xem phụ nữ như mẹ, chị em gái, hay con gái của mình. Cuối thời pháp, nhà vua rất hoan hỷ và xin được quy y với Đức Phật, trở thành một đệ tử cư sĩ (SN 35:127).

Đức vua bây giờ càng nỗ lực điều phục tâm tính đam mê, giảm bớt sân hận. Những thời luận đàm Phật Pháp với Sāmāvātī rất lợi lạc cho nhà vua, và dần dần đi đến kết quả là nhà vua mất đi tất cả dục vọng thể xác khi giao tiếp với hoàng hậu. Vua nhận thức được tâm linh thanh khiết, cao quý của cô và đối xử như một người em gái hay người bạn hơn là người tình. Trong lúc nhà vua vẫn còn ham muốn ái dục với các bà vợ khác, ông không đòi hỏi điều ấy ở Sāmāvātī và sẵn sàng để bà giữ gìn những giới hạnh thanh cao để thẳng tiến trên con đường giải thoát. Nhờ vậy, không bao lâu sau bà thành tựu thánh quả nhất lai và càng ngày càng gần đến thánh quả bất lai, một quả vị mà nhiều cư sĩ thời ấy có thể chứng đắc.

Māgandiyā tạm đình hoãn việc mưu hại Sāmāvātī một thời gian, nhưng vẫn tiếp tục tìm kế trả thù. Lần này, với sự xảo quyệt và những bịa đặt vu khống, bà thuyết phục một số thân quyến cùng bà thực hành mưu kế hãm hại Sāmāvātī. Bà mưu định giết người bằng cách thiêu hủy nội cung phía Sāmāvātī, và xếp đặt tinh vi để mọi việc xảy ra như một tai nạn. Māgandiyā rời thành trước đó một thời gian để khỏi bị nghi ngờ.

Đám cháy tạo ra một ngọn lửa cao ngất trời, thiêu hủy toàn bộ khu nội cung của Sāmāvātī làm bằng gỗ quý. Tất cả phụ nữ trong đó đều bị chết cháy, kể cả Sāmāvātī. Tin tức về tai họa này lan nhanh khắp thành phố. Dân chúng xôn xao. Vài vị tỳ khưu mới xuất gia bị chấn động mạnh mẽ. Sau khi trì bình khất thực về, họ trình lại với Đức Bổn Sư và thắc mắc không biết các vị nữ đệ tử cư sĩ mà Sāmāvātī là người dẫn đầu, tái sanh về đâu.

Đức Thế Tôn điềm đạm trấn an các sa môn và đổi hướng tâm hiếu kỳ của họ bằng câu trả lời vắn tắt: “Này các tỳ khưu, trong các nữ đệ tử cư sĩ này, có vị đã đắc quả nhập lưu, có vị đắc quả nhất lai, và có vị đắc quả bất lai. Không một ai trong các vị mệnh chung mà chưa nhập vào dòng thánh” (Ud. 7:10). Tất cả nữ đệ tử này đều đã vĩnh viễn tránh khỏi tái sanh vào khổ cảnh dưới cõi người – địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula – và chắc chắn sẽ được an toàn đi đến cứu cánh giải thoát cuối cùng. Đó là điều quan trọng nhất nên biết về sự sống và chết của họ.

Một lần sau tai nạn đó, khi chư tăng bàn luận về việc các đệ tử thuần thành này sao phải chịu một cái chết thảm khốc như vậy, Đức Tôn Sư giải thích rằng các vị này chịu chung một quả báo nặng nề như vậy do đã phạm một cộng nghiệp từ nhiều kiếp trước.

Kiếp ấy, Sāmāvātī là hoàng hậu xứ Benares cùng đoàn cung nữ đi tắm sông. Bị lạnh, Hoàng hậu truyền đốt một bụi cây để sưởi ấm. Khi ngọn lửa lên cao rồi, họ mới phát hiện có một người đang ngồi nhập định bất động trong bụi cây. Vì đó là một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha) nên không bị lửa thiêu đốt. Tuy nhiên họ không biết được điều ấy và sợ sẽ bị khép tội đốt lửa tắc trách. Hoàng hậu nảy ra một âm mưu gian dối là tưới dầu và hỏa thiêu vị khất sĩ đang nhập đại định, như vậy sẽ thủ tiêu thân xác nạn nhân và phi tang mọi dấu vết tội lỗi của họ. Mưu đồ này không thành công, nhưng ác ý và mưu toan sát nhân đó sẽ phải trổ quả, và vào kiếp này thì quả trổ chín muồi.

Đức Phật thường dạy rằng quả báu tốt đẹp nhất cho một người thực hành niệm rải tâm từ là người ấy không bị lửa, thuốc độc, và khí giới làm hại được. Điều này phải được hiểu là, trong thời điểm một người đang chú tâm thành ý niệm rải tâm từ, người ấy không thể bị hãm hại, như đã được chứng minh qua sự kiện Sāmāvātī không bị mũi tên của vua xuyên thân, gây thương tích. Sāmāvātī đã thành một vị thánh bất lai, và vì vậy đã đoạn diệt ái dục, sân hận, và thân kiến. Chỉ có thân hoàng hậu bị thiêu cháy còn tâm vẫn vẹn toàn. Trái tim mềm dịu, tỏa sáng, tràn đầy từ ái và bi mẫn của Sāmāvātī, không hề bị lửa chạm vào.

Rất hiếm hoi khi một thánh đệ tử bị sát hại, hay một vị Phật bị đe dọa tánh mạng bởi mưu sát; cũng hiếm hoi như vậy cho một vị toàn hảo về tâm từ ái (mettā) và là một vị thánh bất lai phải chịu một cái chết khốc liệt. Cả ba hạng người trên có một điểm chung; đó là tâm các vị luôn bình an tự tại, không còn bị dao động vì bạo lực nữa.

Lời sau cùng của Sāmāvātī là: “Thật không dễ dàng, ngay cả với trí tuệ của một vị Phật, xác định chính xác được số lần thân ta đã bị lửa thiêu hủy từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, trong vòng sanh tử luân hồi vô thủy vô chung này. Do đó, chớ buông lung, hãy nỗ lực tinh tấn!”

Được lời dạy này khích lệ động viên, các vị nữ nhân trong cung điện tinh tấn hành thiền, chánh niệm tỉnh giác quán cảm giác đau, và vì vậy chứng đắc các thánh đạo, thánh quả cao quý.

Nói về thảm kịch ở Kosambī, Đức Phật thốt lên những lời kệ sau:

Thế gian trói buộc bởi si mê
Chỉ giả tạm và không bền vững.
Với kẻ ngu, bị nghiệp giam cầm,
Bao phủ trong vô minh dày đặc,
Lại chấp thủ xem đó thường còn;
Nhưng bậc trí xem đó là không.
(Ud. 7:10)

Vua Udena ngập chìm trong thương tiếc đau khổ vì cái chết của Sāmāvātī và quyết tìm ra ai là kẻ chủ mưu tội ác tày trời này. Vua cũng nghiệm ra được đó chính là Māgandiyā, nhưng không muốn hỏi thẳng vì biết bà sẽ chối tội. Vua bèn nghĩ ra một kế và phán với các cận thần rằng:

“Bấy lâu nay trẫm cứ phập phồng lo lắng vì biết Sāmāvātī luôn luôn tìm dịp sát hại trẫm.

Nhưng bây giờ thì trẫm có thể ngủ yên giấc rồi vì Sāmāvātī đã bị triệt hạ.”

Các quan hỏi ai là người dám triệt hạ Sāmāvātī. Vua trả lời:

“Chỉ có người nào chân thành yêu thương trẫm vô cùng mới dám.”

Đang đứng cạnh vua, nghe vậy Māgandiyā bước ra, tự hào nhận rằng chính mình đã chủ động cuộc hỏa thiêu và thảm sát, với sự phụ giúp của một số thân quyến. Lúc đó, vua cho tập họp những người này lại rồi thiêu sống tất cả. Riêng Māgandiyā bị giết bằng một hình phạt vô cùng tàn khốc. Bà chết trong đau đớn tột cùng, nhưng đó chỉ là khúc mở đầu của chuỗi cực hình tra tấn đang chờ đợi bà ở cõi địa ngục. Rồi sau đó, bà sẽ còn phải chịu đày đọa dài lâu trong vòng luân hồi saṁsāra cho ác nghiệp đã tạo.

Nhưng không bao lâu sau, Udena hối hận vì hành động trả thù tàn ác của mình và cứ thấy trước mắt gương mặt hiền hậu của Sāmāvātī, tràn đầy từ ái với mọi chúng sanh, ngay cả đối với kẻ thù. Vua cảm thấy rằng, vì cơn giận dữ điên cuồng của mình, ông đã tự đẩy mình ra xa khỏi hoàng hậu Sāmāvātī nhân từ hơn cả cái chết đã phân ly họ. Udena quyết tâm chế ngự sân hận nhiều hơn và hơn nữa mỗi ngày, và nỗ lực tinh cần tu tập hành theo lời dạy của Đức Phật. 

Trong lúc đó, Sāmāvātī đã tái sanh vào cõi trời Tịnh cư trong sạch (Suddhavasa), nơi bà – một vị thánh bất lai – sẽ chứng đắc Niết Bàn cuối cùng, không bao giờ phải trở lại tam giới nữa. Kết quả khác biệt giữa yêu thương và hận thù có thể thấy rõ ràng qua cuộc sống và cái chết của hai vị hoàng hậu này.

Một ngày nọ, khi nghe chư tăng bàn luận về ai sống và ai chết, Bổn Sư dạy rằng Māgandiyā khi còn sống thực ra đã chết. Còn Sāmāvātī tuy chết nhưng thực sự đang sống. Rồi Ngài giảng giải thêm qua các kệ sau:

Không phóng dật, bất tử,
Phóng dật phải tử sanh.
Không phóng dật, không chết;
Phóng dật như chết rồi.

Biết rõ khác biệt này,
Người trí không buông lung,
Hoan hỷ, không phóng dật,
An vui cõi chư thánh.

Người kiên định hành thiền,
Luôn chuyên cần tinh tấn,
Nguyện chứng đắc Niết Bàn,
Quả an bình vô thượng.
(Dhp. 21-23)

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app