ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (VII)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

NANDĀ – NGƯỜI EM GÁI KHÁC MẸ CỦA ĐỨC PHẬT 

Khi chào đời, Nandā được cha mẹ – Vua Suddhodana và Hoàng hậu Mahāpajāpatī Gotamī, cha và di mẫu của Đức Phật – vui sướng đón mừng. Tên Nandā nghĩa là niềm vui, toại nguyện, hạnh phúc. Nandā vô cùng nền nếp đoan trang, duyên dáng, và xinh đẹp. Để phân biệt với những người khác có cùng tên, cô thường được gọi là Rūpā-Nandā hay Sundarī-Nandā, đều có nghĩa là “Nandā diễm lệ”.

Khi nhân duyên đầy đủ, nhiều thân quyến của cô – hoàng tộc Sākya – lần lượt rời bỏ đời thế tục để trở thành khất sĩ không nhà, do ảnh hưởng kỳ diệu của một thành viên trong dòng dõi đã thành đạt quả vị Phật, Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong số đó có anh trai Nanda của cô, các người anh họ khác, sau cuối là mẹ cô và nhiều công nương của hoàng tộc Sākya. Vì thế Nandā cũng tiếp bước họ, nhưng thật ra không phải do niềm tin nơi Bậc Đạo Sư và Giáo Pháp, mà do tình luyến thương ruột thịt và ý muốn được hòa hợp với họ.

Ai ai cũng yêu mến và ngưỡng mộ người em gái xinh đẹp của Đức Thế Tôn, và càng xúc động biết bao trước hình ảnh một công nương lá ngọc cành vàng lang thang đó đây dưới lớp y tỳ khưu ni đơn sơ. Nhưng chẳng bao lâu, hiển nhiên Nandā không thể thích hợp với lối sống ấy. Tâm Nandā vẫn say mê và kiêu mạn với sắc đẹp được sở hữu cũng như sự mến mộ của dân chúng dành cho cô. Đó là những phước quả kết thành do bao thiện nghiệp từ quá khứ. Nhưng nay chúng lại trở thành mối nguy hại cho cô, bởi cô quên lãng việc vun bồi công đức ấy bằng nỗ lực chân thật để thanh tịnh tâm ý. Nandā tự cảm thấy không thể đáp ứng các lý tưởng cao thượng mà mọi người ngưỡng vọng nơi cô, cũng tự xét mình còn quá xa với mục tiêu mà bao nhiêu bậc cao quý đã xuất gia tu hành để đạt được. Đức Thế Tôn chắc đã khiển trách cô, bởi thay vì tu sửa, cô lại luôn tìm cách lẩn tránh Ngài.

Một hôm Đức Phật yêu cầu tất cả chư ni tề tựu và từng người đến nhận lời chỉ dạy của Ngài. Tuy nhiên, Nandā không tuân theo. Bổn Sư phải đặc biệt gọi tên cô nên cô đành ra đứng trước mặt Ngài, tỏ vẻ xấu hổ và lo lắng. Bổn Sư nói về những phẩm tính tốt đẹp của cô để cô lắng nghe và phát hỷ tâm. Mặc dù Thế Tôn biết rằng lời nói này đã khiến cô phấn chấn, hoan hỷ, và sẵn sàng thọ nhận Giáo Pháp, nhưng Ngài không thuyết giảng về Tứ Diệu Đế cho cô nghe ngay lúc ấy như thường lệ. Ngài đã quán thấy căn cơ cô chưa đầy đủ để có thể thấu hiểu bốn sự thật, và do đó, Ngài dùng một phương tiện để rút ngắn thời gian rèn luyện tâm của Nandā.

Biết Nandā rất say đắm dính mắc với sắc đẹp ngoại hình của mình, Đức Phật dùng thần thông tạo ra hình ảnh một thiếu nữ kiều diễm tuyệt trần, hơn cả cô nữa. Rồi từ độ xuân sắc nhất, tuổi già của thiếu nữ nhanh chóng hiển hiện ngay trước mắt cô, liên tục biến đổi, không chút đình trệ. Chỉ trong thoáng chốc, Nandā có thể thấy sự tàn hoại nhanh chóng của sắc thân trần thế, điều mà phàm nhân chỉ có thể nhận ra được ở người chung quanh họ sau nhiều thập niên tuổi đời. Do sự gần gũi, gặp gỡ thường xuyên và thói quen quan sát thường tình, con người ít nhận ra cũng như không sao hiểu nổi trọn vẹn sự tàn phai của tuổi xuân và sắc đẹp, bước tiến khốc liệt của sự hoại diệt, và sự cận kề của cái chết. Hình ảnh này rúng động mạnh mẽ tâm can của Nandā. Cô khiếp đảm, run sợ.

Sau khi mang đến cho người em gái bài học về vô thường qua hình ảnh sinh động này, Đức Phật thuyết giảng Giáo Pháp một cách thích hợp với căn cơ và nhân duyên mới của cô.

Nandā lắng nghe và thâm nhập trọn vẹn Bốn Sự Thật cao quý. Trí tuệ khởi sanh, cô đắc quả nhập lưu. Sau đó, cô được Bổn Sư ban cho đề mục suy niệm và thiền quán về tính vô thường, bất tịnh của thân. Nandā dành nhiều thời giờ để thiền tập, kiên trì và tinh tấn, thực hành ngày đêm không mệt mỏi, như các câu kệ của cô sau đây:

Nandā, hãy nhìn kỹ hình hài này
Yếu đau, bất tịnh, và tan rã,
Thực hành thiền quán thân bất tịnh,
Nhất tâm, an trụ, và tịch tĩnh.

“Giờ như vậy, trước đây cũng vậy,
Giờ như thế, sau cũng thế thôi,
Tan rã, mùi hôi xông nồng nặc,
Chỉ kẻ thiểu trí mới ưa thích.”

Xem xét nó vốn là như vậy,
Quán sát ngày đêm không mệt mỏi,
Bằng trí tuệ ta đã thấu suốt
Và rồi thân chứng được sự thật.

An trụ sâu, quán trong tỉnh giác,
Phân biện bằng như lý tư duy,
Ta thấy thân, cả trong lẫn ngoài,
Thực chất nó chính là như vậy.

Từ đó ta nhàm chán sắc thân,
Tâm tham ái, dính mắc phai dần.
Quyết tinh cần đoạn ái ly tham,
Ta sống an bình, tâm tươi mát.
(Thig. 82-86)

Vì quá say mê sắc đẹp ngoại hình của mình, Nandā cần nghiêm túc thực tập thiền quán về thân bất toàn, bất tịnh như một biện pháp đối phó với tham ái này, trước khi có thể đạt được tâm xả bỏ và quân bình. Khi đã nhiếp phục được dính mắc nơi thân giả tạm và sắc đẹp chóng tàn hoại, Nandā thấy được sự thật và vẻ đẹp của Bất Tử, và rồi không còn gì có thể khuấy động được sự an bình tươi mát của nội tâm.

Sau này Đức Phật tán dương Nandā là đệ tử tỳ khưu ni đệ nhất về hành thiền. Điều đó có nghĩa là Nandā không chỉ thành tựu về thiền quán với các tầng tuệ giác phân tích, mà còn thực chứng được các tầng thiền vắng lặng (jhāna). Dù trước đây xuất gia sống đời khất sĩ chỉ vì quyến luyến thân quyến, nhưng nay Nandā đã thực sự hoàn toàn giải thoát, xứng đáng là một người thừa kế tinh thần của Bổn Sư mà Nandā hằng tôn kính.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app