ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

LỜI TỰA

Ở phương Tây những năm gần đây, vô số giấy mực đã được dùng để viết về Đức Phật (Buddha) và Giáo Pháp (Dhamma) của Ngài, hai Ngôi Báu đầu tiên của đạo Phật, nhưng quá ít được viết về Ngôi Báu thứ ba, là Tăng già (Sangha). Ngay đến ý nghĩa của chữ Tăng già cũng từng là một đề tài tranh luận, khi mà đối với những ai chưa được tiếp xúc với kinh điển Pāli, một màn mây khói mờ tối còn che phủ trên sự hiểu biết về các vị đệ tử nòng cốt đầu tiên của Đức Phật.

Sự thiếu sót này thật rõ ràng vì để có khái niệm thực tiễn về sự thành tựu của Đức Phật trên phương diện một bậc thầy tâm linh, chúng ta cần phải tìm hiểu về biệt tài huấn luyện đệ tử của Ngài. Một câu kệ tán thán Đức Phật đã ca tụng Ngài là bậc “Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu”, có khả năng điều phục tâm người và hướng dẫn họ trên con đường giải thoát. Giá trị câu tuyên bố như thế phải được chứng minh bằng sự quyết tâm của những nam nữ thiện tín hoàn toàn đặt để mình dưới sự dẫn dắt của Ngài.

Cũng như mặt trời được trân quý không chỉ bởi ánh sáng tự nó có mà còn bởi khả năng soi rọi vạn vật và thế giới chung quanh, sự xuất chúng của Đức Phật như một đạo sư tâm linh không chỉ phản ảnh qua Giáo Pháp trong sáng của Ngài mà còn qua khả năng soi sáng cho những ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, biến chính họ trở thành những thể sáng do phẩm chất tâm mà họ đã đạt tới. Nếu không có Tăng già để chứng minh cho sức mạnh chuyển hóa đó của Phật Pháp, thì Phật Pháp sẽ chỉ đơn giản là một bộ giáo lý kèm theo phương pháp thực hành, tuyệt vời trong sáng, ưu việt và nghiêm túc, nhưng lại hoàn toàn xa cách với con người trước những mối ưu tư thiết yếu nhất của họ. Giáo Pháp chỉ sống khi tiếp xúc với cuộc đời, chuyển hóa người tín thành trở nên thánh thiện, trở nên những gương sáng trí tuệ, từ bi và thanh tịnh.

Ước mong của cuốn sách này là lấp đầy khoảng trống đó trong văn học Phật giáo phương Tây với những chân dung sống động của hai mươi bốn vị đại đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật. Cuốn sách được khai triển từ một loạt những bài viết riêng biệt về các đại đệ tử đã được Hội Xuất Bản Kinh Sách Phật Giáo (Buddhist Publication Society- BPS) ấn hành dưới tên nhà xuất bản nổi tiếng của hội, The Wheel.

Tiểu sử đầu tiên ra đời là Cuộc Đời Ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất, còn gọi là Xá Lợi Tử) của ngài Trưởng lão Nyanaponika. Tiểu sử này được xuất bản lần đầu năm 1966 như một tài liệu chuyên khảo độc lập, không hề có dự tính sẽ có những bài tiếp nối. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, một tác giả Phật tử người Đức là ông Hellmuth Hecker bắt đầu cho xuất bản những sơ lược tiểu sử các đại đệ tử trong tờ báo định kỳ Phật giáo Đức là Wissen und Wandel (có nghĩa là Biết và Thay Đổi, do Paul Debes thành lập vào năm 1955). Trong hai mươi năm kế tiếp, tờ Wissen und Wandel đăng tải bốn mươi mốt tiểu sử như vậy, đa số đều là những bài khá ngắn.

Cuối thập niên 1970, ngài Nyanaponika, lúc đó là chủ bút của Hội BPS, có ý định tiếp tục nghiên cứu về ngài Sāriputta và sử dụng các bài viết của Tiến sĩ Hecker làm căn bản cho một loạt các bài về các đại đệ tử khác, dưới nhãn hiệu Wheel. Vậy là từ năm 1979 đến 1989 Wheel đã cho ra đời những cuốn sách nhỏ viết về tiểu sử của các ngài Mahāmogallāna (Đại Mục Kiền Liên), Ānanda (A Nan Đà), Aṅgulimāla (Ương Quật Ma), Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc), Mahākassapa (Đại Ca Diếp), Anuruddha (A Nậu Lâu Đà), và tám vị nữ đệ tử nổi bật nhất. Các sách này được chính ngài Nyanaponika và một số những vị khác, mà ngài yêu cầu, dịch sang tiếng Anh. Sau cùng, năm 1995 tôi viết một cuốn sách nhỏ về ngài Mahākaccāna (Đại Ca Chiên Diên), đó là cuốn cuối cùng xuất hiện trong loạt sách.

Hầu hết tất cả các nguyên bản của Tiến sĩ Hecker đều được ngài Nyanaponika triển khai thêm ra khá nhiều với những tài liệu gom góp từ Kinh điển Pāli và các bài chú giải, cộng thêm ý tưởng thâm sâu đến từ trí tuệ của ngài.

Trong khi soạn quyển sách này từ những nguyên bản, tôi đã sửa đổi khá nhiều hầu hết các bài cũ và thêm vào nhiều tài liệu để có được một chân dung đầy đủ hơn của vị đệ tử mà tôi đang tìm hiểu. Chương về các vị nữ đệ tử có thêm được bốn tiểu sử mới không có mặt trong ấn hành đầu tiên của Wheel, mặc dù công việc cung cấp một tiểu sử đầy đủ về các vị nữ đại đệ tử, so với việc nghiên cứu các vị nam đại đệ tử, không thể thực hiện được vì thiếu hụt nguồn tài liệu. Văn phong trong các chân dung đầu tiên cũng đã được duyệt lại kỹ lưỡng.

Tôi đã dịch lại hầu hết những bài kệ trong các cuốn sách của nhà xuất bản The Wheel. Những bài kệ này đã được trích ra từ những bản dịch viết theo thể văn mà có lẽ độc giả ngày nay sẽ cho là gò bó và khô khan. Để cho phần văn xuôi được linh động thêm tôi đã thêm vào những bài kệ mới, đặc biệt được trích ra từ các bộ Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ (TheragāthāhveàrīTgāthā). Ngoại trừ một số bài, thì hầu hết những bài kệ này đều do tôi dịch ra, mặc dù phần diễn dịch từ hai bộ này dựa nhiều trên các bản dịch nguyên văn và sát nghĩa của K.R. Norman, xuất bản với tựa đề Elders’ Verses (Trưởng Lão Kệ), phần 1 và 2.

Tôi xin cảm ơn Ni Sư Nyanasirī, người phụ tá bền bỉ của tôi trong Hội BPS, là người đầu tiên duyệt qua các ấn hành gốc của Wheel, đã đưa ra ý kiến ấn bản lại tất cả trong một cuốn sách. Tôi cũng xin cảm ơn Savithri Chandraratne đã sốt sắng đánh máy rất chính xác các bản thảo vào máy vi tính. Tôi vô cùng biết ơn nhà xuất bản Wisdom Publications đã hợp tác cùng chúng tôi trong công việc ấn hành cuốn sách này, đặc biệt là Sara L. McClintock với công việc bình phẩm bài vở giúp hoàn chỉnh tác phẩm.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app