ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IV: A NAN ĐÀ

NẺO ĐƯỜNG RIÊNG

Trong hàng đại đệ tử xuất gia của Đức Phật, ngài Ānanda có một nẻo đường riêng với vị trí cao quý đặc biệt trong nhiều lãnh vực. Nẻo đường riêng này đã bắt đầu từ nhiều kiếp xưa, trước kiếp cuối cùng trong luân hồi của Đại đức.

Cũng như Đức Phật, Ānanda tái sanh vào cõi người từ cung trời Tusita (Đâu suất), trong cùng ngày trăng tròn tháng Vesākha (ngày rằm tháng Tư âm lịch, tương đương với ngày trăng tròn tháng Năm dương lịch) năm 623 trước Tây lịch, tại kinh thành Kapilavatthu, và cùng giai cấp chiến sĩ trong hoàng tộc Sākya, vốn là giai cấp cao quý nhất. Sự ra đời của Ānanda là một đại hạnh cho hoàng tộc, vì lẽ đó, Đại đức được đặt tên là Ānanda, nghĩa là an lành và hạnh phúc. Cha ngài, Hoàng vương Amitodana, là em của Vua Suddhodana. Như vậy, Ānanda là em chú bác ruột của Thái tử Siddhattha. Amitodana cũng là phụ vương của Anuruddha, nhưng có thể với một người vợ khác.

Năm ba mươi bảy tuổi – hai năm sau khi Đức Bồ Tát thành đạo – Ānanda gia nhập Tăng chúng cùng với Anuruddha, Devadatta và nhiều vương tử Sākya khác. Đại đức Belaṭṭhasīsa, một vị thánh a-la-hán, là thầy hướng dẫn và truyền giới cho Ānanda. Ānanda là một vị tỳ khưu luôn luôn quyết tâm và tinh tấn phấn đấu trên con đường thanh lọc tâm ý. Trong mùa nhập hạ đầu tiên, Đại đức chứng đắc quả nhập lưu (sotāpatti), tầng thánh thứ nhất trong Tứ Thánh (Vin. 2:183).

Về sau Ānanda kể lại cho các huynh đệ đồng tu rằng một lần nọ, Trưởng lão Puṇṇa Mantāniputta thuyết giảng cho các tân tỳ khưu về tương quan giữa ngũ uẩn và tự ngã (SN 22:83). Lắng nghe thời pháp, Ānanda quán chiếu sâu vào bản chất vô thường, khổ và vô ngã của ngũ uẩn. Khi tuệ giác minh sát chín muồi, ngài chứng đắc thánh quả nhập lưu.

Ānanda luôn luôn tri túc và hoan hỷ trong đời sống sa môn. Đại đức thấu hiểu phước lành của hạnh xuất gia, hương vị của thánh quả nhập lưu, cũng như niềm vui cao quý chia sẻ giữa những người bạn sa môn cùng hạnh nguyện. Trong những năm đầu của đời tỳ khưu, Ānanda dành trọn thời giờ vào việc thanh lọc tâm ý. Khiêm nhu, hòa nhã, thân thiện, và đầy lòng bi mẫn, Đại đức dễ dàng hòa mình vào Tăng chúng và dần dần phát triển thêm mãi một sức mạnh tâm linh dũng mãnh.

Khi Đức Phật và Ānanda cùng được năm mươi lăm tuổi, Đức Phật gọi các đệ tử đến và dạy: “Trong hai mươi năm hướng dẫn Tăng già, Như Lai đã có nhiều thị giả nhưng chưa một ai hoàn thành trách nhiệm thường trực hay toàn hảo. Một số thị giả không chuyên cần hay dần dà lộ chủ ý không trong sạch. Nay Như Lai đã năm mươi lăm tuổi và đến lúc cần một thị giả thường trực, cần mẫn và trung tín.”

Lập tức các vị đại đệ tử đều xin được hầu cận Bổn Sư, nhưng Ngài im lặng khước từ. Lúc ấy chư vị quay sang Ānanda, đang khiêm tốn nép mình phía sau, và yêu cầu Đại đức tình nguyện. Là một tỳ khưu giới hạnh toàn hảo, Ānanda được chư huynh đệ xem như đầy đủ nhân duyên cho trọng trách này, nhưng Đại đức lại không mở lời tình nguyện. Khi được hỏi vì sao, Ānanda nói rằng Đại đức tin tưởng Thế Tôn biết rõ và sẽ cho biết ai là người thị giả thích hợp nhất. Vì vậy, do lòng kính ngưỡng và trọn tin nơi Đức Phật, Ānanda đã không bày tỏ ước vọng của mình tuy trong thâm tâm tha thiết mong muốn được phục vụ Thế Tôn. Lúc ấy Đức Phật tuyên bố Ānanda chính là vị thị giả thích hợp nhất.

Ānanda xin được phục vụ Thế Tôn nếu Ngài chấp nhận tám điều kiện: bốn điều “khước từ” và bốn điều “chấp thuận”.

Bốn điều khước từ:

1. Đức Phật không ban cho Ānanda những bộ y mà thiện tín dâng cúng đến Đức Phật.
2. Đức Phật không ban cho Ānanda những vật thực mà thiện tín dâng cúng đến Đức Phật.
3. Đức Phật không cho phép Ānanda cùng ở chung trong một tịnh thất được dành cho Đức Phật.
4. Đức Phật không cho phép Ānanda cùng đi đến các buổi thọ trai chỉ thỉnh Đức Phật.

Bốn điều chấp thuận:

1. Đức Phật sẽ hoan hỷ cùng đi với Ānanda đến nơi nào Đại đức đã nhận lời thỉnh mời của thí chủ.
2. Đức Phật sẽ hoan hỷ cho phép Ānanda được tiếp dẫn những vị khách từ phương xa đến yết kiến Đức Phật bất kỳ lúc nào.
3. Đức Phật sẽ hoan hỷ cho phép Ānanda được hỏi Đức Phật bất kỳ lúc nào có thắc mắc, hoài nghi về Giáo Pháp.
4. Đức Phật sẽ hoan hỷ lập lại thời pháp mà Đức Phật giảng lúc Ānanda vắng mặt.

Ānanda giải thích rằng bốn điều kiện đầu để tránh lời phê phán là Đại đức nhận trách nhiệm thị giả vì lợi lộc vật chất, và bốn điều kiện sau để tránh lời phê phán là Đại đức chỉ lo tròn trách nhiệm thị giả mà không chú tâm đến việc tu học để thăng tiến trên đường giải thoát cho chính mình.

Thế Tôn chấp thuận các yêu cầu hoàn toàn phù hợp với Chánh Pháp này. Và từ đó Ānanda trở thành vị thị giả cần mẫn và trung tín của Đức Phật. Như bóng không rời hình, Ānanda theo Đức Phật khắp nơi, nhiệt thành chăm sóc mọi nhu cầu của Bổn Sư với tất cả lòng kính mến. Trong suốt hai mươi lăm năm tận tụy phục vụ không hề suy suyển ấy, Ānanda vẫn sống khiêm cung, phạm hạnh và tiếp tục kiên trì phấn đấu thanh lọc tâm ý, y hệt như trong mười tám năm đầu khi còn là một vị tỳ khưu không tiếng tăm trong Tăng chúng. Trưởng lão Ānanda đã đọc hai câu kệ sau về chính mình:

Suốt hai mươi lăm năm
Tu tập trong dòng thánh
Dục tưởng không khởi lên

Vi diệu thay Giáo Pháp!
Suốt hai mươi lăm năm
Tu tập trong dòng thánh
Sân tưởng không khởi lên
Vi diệu thay Giáo Pháp!
(Thag. 1040 – 41)

Hai mươi lăm năm trên nói về khoảng thời gian Ānanda là thị giả của Đức Phật chứ không về trọn đời sa môn, hơn tám mươi năm tuổi hạ, của Trưởng lão. Dù Ānanda vẫn còn là sekha [sekha là một đệ tử của Đức Phật đã chứng đạt một đến ba thánh quả – nhập lưu, nhất lai, bất lai – và còn đang tu học để chứng đắc thánh quả cao nhất, thánh quả a-la-hán; còn gọi là bậc hữu học] trong thời gian này, tham dục và sân hận không hề khởi sanh trong tâm Trưởng lão. Hàm ý trong kệ ngôn là sự kề cận bên Đức Phật và sự tận tụy với trách nhiệm thị giả đã đẩy lùi khởi sanh của những ô nhiễm ấy. Một vị đệ tử như vậy mới có thể nhận lãnh và hoàn thành trọng trách này.

NGƯỜI KHÔNG CÓ KẺ THÙ

Các lời tán dương Ānanda được ghi chép lại nhiều nơi trong Tam Tạng Pāli.

Có lúc thiện tín trực tiếp thỉnh pháp Ānanda, như một lần nọ Vua Pasenadi nước Kosala gặp và đảnh lễ Ānanda và được Đại đức giảng giải về những chuẩn mực của thân, khẩu, ý thiện lành. Vua vô cùng hoan hỷ và cúng dường Đại đức một tấm vải quý để may y. Khi Ānanda tường thuật lại sự việc và dâng lên Đức Phật tấm vải này, Đức Phật nói với Tăng chúng: “Thật lợi lạc thay cho Vua Pasenadi, này chư tỳ khưu, thật là phúc duyên cho Vua Pasenadi đã được gặp gỡ và cúng dường Ānanda!” (MN 88).

Đôi khi Đức Phật chỉ thốt lên một câu pháp rất ngắn gọn và cô đọng, rồi Ngài lui về tịnh cốc, ý như khuyến khích các vị tỳ khưu hãy tự mình suy ngẫm ý nghĩa. Những lần như vậy, các vị thường tìm đến một vị trưởng lão pháp học uyên thâm, như Ānanda, xin được giảng giải. Ānanda luôn luôn thuyết giảng tường tận và toàn vẹn ý nghĩa của câu pháp ngắn gọn. Khi các vị tường thuật lên Thế Tôn, lúc nào Ngài cũng tán thán: “Này chư tỳ khưu, Ānanda có trí tuệ và hiểu biết Giáo Pháp thâm sâu. Nếu các con hỏi Như Lai thì Như Lai cũng sẽ giảng giải y như Ānanda đã giảng giải. Đó đúng là ý nghĩa của câu pháp; các con nên ghi nhớ và suy ngẫm” (SN 35:116, 117; AN 10:115).

Trưởng lão đã được Đức Phật ví như là một hiện thân của Giáo Pháp. Một ngày nọ, một vị cư sĩ thưa Đức Phật rằng, sau khi đảnh lễ Phật Bảo và Tăng Bảo, làm thế nào để đảnh lễ Pháp Bảo – thời ấy Giáo Pháp chưa được ghi chép vào kinh sách. Ngài trả lời: “Nếu muốn đảnh lễ Pháp, con hãy đến đảnh lễ Ānanda, vị giám hộ Pháp Bảo.”

Một lần khác, sau khi Ānanda trả lời một câu vấn pháp của Đức Phật rồi lui ra, Đức Phật nói với các tỳ khưu khác: “Ānanda vẫn còn trên đường tu học để chứng đắc thánh quả cao nhất, nhưng không dễ gì tìm được người có trí tuệ ngang bằng” (AN 3:78).

Và trước khi nhập Niết bàn, Thế Tôn nói: “Ānanda có bốn phẩm hạnh vô cùng hiếm quý. Đó là, nếu tứ chúng – tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, và cận sự nữ – muốn gặp gỡ Ānanda sẽ hoan hỷ phấn chấn khi được thấy mặt Ānanda; và nếu lúc ấy Ānanda giảng giải Giáo Pháp, họ hoan hỷ phấn chấn khi lắng nghe pháp thoại; và họ thất vọng nếu Ānanda im lặng” (DN 16).

Với bao nhiêu tán thán, ca ngợi dành cho Ānanda đó, tưởng chừng sẽ có những lời ganh tỵ, bất mãn, chống báng ngài. Thế nhưng hoàn toàn không như vậy, Ānanda là người không có kẻ thù. Phước báu hy hữu này không phải ngẫu nhiên mà đã đến với ngài trong nhiều tiền kiếp.

Ānanda dâng hiến cuộc đời cho Giáo Pháp thật trọn vẹn nên danh thơm, tiếng tốt không thể chạm đến ngài và gây ô nhiễm. Ngài biết rõ rằng tất cả phẩm hạnh và quả lành mà mình đã gặt hái được đều nhờ ân Pháp, và với thái độ khiêm cung, thuần hậu đó, sự kiêu hãnh và tự mãn không sao khởi sanh hay có chỗ đứng trong tâm ngài. Một người không ngã mạn thì khó có kẻ thù và người ganh tỵ.

Với một vị sống hoàn toàn khép kín và lui vào ẩn dật, như hiền huynh Anuruddha của ngài, thì dễ dàng không có kẻ thù. Còn Ānanda, người đứng liên lạc giữa Đức Phật và Tăng chúng cũng như rất nhiều thiện tín, thì phải thường xuyên tiếp cận với ác ý và hiềm hận của những người hay soi mói, bắt bẻ. Tuy nhiên, những mầm mống tiêu cực ấy đã được ngài hóa giải một cách tự nhiên bằng sự tận tụy phụng sự Đức Bổn Sư và hạnh khiêm hạ, nhu hòa và thân thiện với Tăng chúng.

Và như thế Ānanda sống không có kẻ thù, không người đối nghịch, không oan trái và xung đột căng thẳng. Phẩm hạnh này của ngài thật vô song, gần như là một phép nhiệm mầu.

ĐÓN NHẬN LỜI KHIỂN TRÁCH

Ānanda cũng từng bị phê bình và khiển trách. Tuy nhiên đó là những lời nhắc nhở, răn dạy hay thậm chí là lời quở trách về một số sai sót nhỏ trong cách giao tế hay trong vài quy luật sinh hoạt của tỳ khưu, và hầu như không bao giờ về phạm hạnh trong sạch hay về hiểu biết Giáo Pháp của ngài. Biết thành tâm đón nhận và hoan hỷ tuân hành theo những lời khiển trách đúng, tốt giúp tâm ý sáng trong hơn và được mọi người quý mến hơn.

Một lần nọ, Đức Phật bị đau bụng. Ānanda đích thân chuẩn bị vật liệu và nấu một loại cháo đặc biệt để Đức Phật dùng vì loại cháo này từng có tác dụng hữu hiệu khi Ngài cũng đau như vậy trước kia. Biết được việc làm của Ānanda, Đức Phật quở trách: “Hàng sa môn nấu ăn trong khuôn viên tu hành là điều không thích hợp.” Sau việc này, Đức Phật chế điều luật mới rằng một tỳ khưu sẽ phạm luật nếu tự nấu ăn trong khuôn viên tu hành (Vin. 1:210-11). Từ đó về sau Ānanda nghiêm giữ điều luật này và thấu hiểu sự cần thiết của nó trong đời sống xuất gia phạm hạnh chân chánh.

Một lần khác, ngài Ānanda đi trì bình khất thực nhưng không đắp y saṅghāṭi [y tăng-già-lê, còn gọi là y thượng hay đại y. Có ba loại y: Saṅghāṭi: Y thượng, khoác trong các đại lễ hay khi thuyết pháp. Uttarasaṅga: Y trung hay y vai trái, khoác trong lúc lễ tụng, nghe pháp. Antaravāsaka: Y hạ hay y nội, được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày]. Các vị khất sĩ đồng môn nhắc nhở ngài điều luật đã được Đức Bổn Sư thiết lập là vị tỳ khưu nên luôn luôn khoác đủ tam y khi đi vào xóm làng. Ānanda hoan hỷ ghi nhận lời nhắc nhở về cách vận y phục trang nghiêm của một sa môn, và giải thích rằng ngài chỉ vô ý nên quên điều này (Vin. 1:298). Một vị có trí nhớ phi thường và giới hạnh thanh sạch như Ānanda cũng vẫn có thể quên một điều như vậy. Tuy nhiên, Đức Phật luôn dạy bảo chư tỳ khưu phải cẩn mật lưu ý đến từng hành vi thường nhật, nhỏ nhặt của đời sống xuất gia, và khuyên răn rằng sự nỗ lực tiến tu để chứng đạt thánh tâm, thánh quả phải xây dựng trên nền tảng của giới luật. Đây là vì giới hạnh có trong sạch mới tận diệt được tà kiến và ngã mạn.

Trưởng lão Mahā Kassapa cũng từng khiển trách ngài Ānanda nhưng trong một phạm vi khác.

Một lần nọ Ānanda thỉnh cầu Trưởng lão Mahā Kassapa cùng đi đến một trú xứ của các tỳ khưu ni để thuyết pháp. Sau ba lần thỉnh cầu, Trưởng lão nhận lời. Sau pháp thoại của Trưởng lão, tỳ khưu ni Thullatissā, vốn có nhiều thiện cảm riêng với ngài Ānanda, tỏ thái độ không hoan hỷ và trách cứ Trưởng lão Mahā Kassapa đã giành thuyết pháp một mình: “Làm sao Tôn sư Mahā Kassapa lại có thể nghĩ đến thuyết pháp trước mặt Tôn sư Ānanda, ví như một người bán kim lại nghĩ có thể bán kim cho người làm kim?” Ānanda cầu xin Trưởng lão Kassapa tha lỗi cho Thullatissā. Trưởng lão khiển trách Ānanda không làm sáng tỏ với Ni chúng về thánh tuệ viên mãn (a-la-hán) của Kassapa và chưa viên mãn của Ānanda, và khuyến cáo Ānanda chớ để cho Tăng già phải truy cứu về hành vi của mình (SN 16:10).

Khiển trách nghiêm khắc nhưng vô cùng hữu ích này nhằm nhắc nhở ngài Ānanda phải vô cùng thận trọng trong việc giảng dạy cho các tỳ khưu ni – cần luôn luôn minh bạch và chớ xem nhẹ sự nguy hiểm của tình cảm riêng tư từ phía Ni chúng – cũng như nhắc nhở Ānanda rằng thánh quả nhập lưu đã chứng đạt chỉ là chặng đầu của Tứ Thánh mà ngài cần nỗ lực tiến tu để viên mãn. Riêng về Thullatissā, không bao lâu bà rời bỏ đời sống tỳ khưu ni phạm hạnh.

Một lần khác xảy ra sau khi ba mươi tỳ khưu đệ tử trẻ tuổi của Ānanda rời bỏ Tăng chúng. Trưởng lão Kassapa khiển trách ngài Ānanda đã không quan sát thận trọng và dạy bảo các đệ tử đúng mức: “Vì sao sư lại cùng du hành với những tỳ khưu trẻ và mới tu này, những người không thu thúc lục căn, không tiết độ trong ăn uống, không chánh niệm tỉnh giác? Sư hành động như kẻ dẫm đạp ngũ cốc, phá hoại niềm tin của gia đình tín thí. Đồ chúng của sư đang tan rã.” Và Trưởng lão quở Ānanda là “một thiếu niên không biết tự lượng sức mình.” Ānanda không biện minh trách nhiệm giáo huấn đệ tử không chu toàn của mình và chỉ nhỏ nhẹ bạch lên Trưởng lão: “Thưa thầy, đầu tôi đã có tóc bạc mà hôm nay thầy gọi tôi là một thiếu niên. Tuy vậy, bạch thầy, tôi không có phật lòng.” (SN 16:11)

Ngài Ānanda không phủ nhận các khiển trách của ngài Kassapa, cũng không biện minh trách nhiệm giáo huấn đệ tử không chu toàn của mình, mà chỉ nhỏ nhẹ phản ứng lại lời chỉ trích rất nặng nề của ngài. Sau đó Ānanda đã cố gắng hướng dẫn các đệ tử khép mình vào giới luật chặt chẽ hơn.

Khiển trách nặng nề này cũng phát sanh từ lòng từ bi và trí tuệ của Trưởng lão Kassapa, nhằm lưu ý Ānanda đến giới luật của Tăng chúng, đến bổn phận của một vị thầy với các đệ tử tỳ khưu – cần nhận thức rõ ràng mức độ bất tịnh của thân, khẩu, ý thế tục của họ để răn dạy – cũng như lưu ý ngài Ānanda rằng đường tu của chính ngài vẫn còn dài và, vì vậy, phải thận trọng cân nhắc khả năng hướng dẫn đệ tử của mình. Với bản tánh thuần hậu và biết phục thiện, Ānanda khiêm cung đón nhận lời khiển trách ấy để trưởng dưỡng thánh tâm và giữ vẹn toàn một tình huynh đệ sa môn vô cùng cao đẹp.

Đại đức Udāyī cũng có lần đã chỉ trích ngài Ānanda. Ānanda hỏi Đức Thế Tôn có thể biến hóa cho tiếng của Ngài vang xa đến đâu trong vũ trụ. Ngài trả lời rằng các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác chiếu ánh sáng vô lượng, xa hơn một ngàn thế giới (gồm một ngàn mặt trời, một ngàn cõi trời và một ngàn cõi Phạm thiên), và thậm chí còn xa hơn cả ba ngàn thế giới tức ba đại thiên thế giới. Khi hào quang này được chúng sanh khắp ba đại thiên thế giới nhận thức được, các Ngài sẽ phát diệu âm để tất cả được nghe tiếng.

Ānanda hoan hỷ thốt lên: “Thật lợi lạc thay, tôi có được bậc Đạo Sư uy lực, dũng mãnh như vậy!”

Udāyī liền phản đối: “Này hiền hữu, Đạo Sư của hiền hữu uy lực và dũng mãnh thì lợi ích gì cho hiền hữu?” Lời nói này hàm ý chỉ trích Ānanda luôn luôn tôn sùng Đức Phật và do đó quên đi sự lợi lạc thật sự cho mình, sự giải thoát của chính mình.

Nghe thế, Đức Phật dạy: “Không phải như vậy đâu, này Udāyī, không phải như vậy đâu! Giả như Ānanda mệnh chung khi chưa chứng đắc thánh quả giải thoát cao nhất, thì với tín tâm trong sạch Ānanda sẽ hóa sanh làm vua của các vị vua cõi trời bảy lần. Nhưng, này Udāyī, Ānanda sẽ chứng đạt quả vị giải thoát cao nhất ngay trong kiếp sống này” (AN 3:80).

Việc Thế Tôn nói lời tiên đoán này khi có mặt Ānanda tỏ rõ niềm tin vững chắc của Ngài nơi Ānanda. Ngài biết Đại đức sẽ không vin vào đó mà bê trễ, chểnh mảng việc tu hành. Lời tiên đoán này còn như một cách che chở hữu hiệu cho Ānanda trước các phê phán – từ sự tự kiểm hay từ người khác – bằng cách động viên tinh thần, khuyến khích Ānanda nỗ lực hành trì và cho biết những nỗ lực của Ānanda sẽ đưa đến thánh quả cao quý nhất ngay trong kiếp sống này. Thế Tôn chỉ tuyên bố như vậy cho những ai có khuynh hướng quá nhiệt tâm, tinh tấn khiến nảy sanh sự lo lắng, bất an.

Lần duy nhất mà ngài Ānanda bị Đức Phật khiển trách do một lầm lỗi về sa môn hạnh cũng là lần bị khiển trách quan trọng nhất. Một thời nọ, Ānanda hoàn tất mỹ mãn bổn phận Đức Phật giao phó là trông nom việc phân phối vải may y cho chư tăng. Đức Phật ngợi khen sự thận trọng của Ānanda và nói với Tăng chúng rằng Ānanda còn may vá rất khéo léo, biết nhiều mũi khâu khác nhau. Một vị sa môn tốt cần biết tự viền y của mình để đường lai của y không dễ bị sờn rách, và như vậy sẽ không bị trách cứ là bất cẩn và phí phạm vải của đàn na tín thí (Vin. 1:287).

Sau đó, khi Thế Tôn ngụ ở gần quê nhà, Ngài thấy rất nhiều tọa cụ trong một tịnh xá nên hỏi Ānanda có phải nơi đây có nhiều tỳ khưu hiện đang cư trú không. Ānanda xác nhận và trình thêm: “Nơi đây có giờ may vá y, bạch Thế Tôn.” Dựa vào lời dạy của Bổn Sư về việc bảo trì y của một sa môn, Đại đức đã tụ họp các tỳ khưu để cùng nhau may vá y mà không biết rằng giờ tụ họp đó đã trở thành giờ tán gẫu như một sinh hoạt đời thường của người thế tục. Do đó Đức Phật đã ban huấn thị nghiêm khắc về sự nguy hại của việc thích tụ họp đời thường đối với một sa môn: “Không xứng đáng được ngợi khen là một sa môn ưa bạn bè, thích tụ họp, tìm vui và toại ý trong sự giao du. Một tỳ khưu như vậy không thể nào tùy tâm đạt được trọn vẹn hạnh phúc của đời xuất gia, hạnh phúc của sự đơn độc, hạnh phúc của sự yên tĩnh, hạnh phúc của tỉnh thức.”

Bất cứ ai thỏa thích đắm mình trong giao du thân cận sẽ không tìm được nẻo vào sự an lạc cao thượng, điều chỉ có thể đạt được trong tĩnh lặng, ẩn dật. Dù người ấy có an trú trong thiền định, an trú đó cũng mỏng manh, dễ bị lay chuyển và đánh mất. Ai còn tìm vui trong tình thân hữu sẽ còn gặp thêm khó khăn, trở ngại trên đường tu đến thánh quả giải thoát cuối cùng. Vì vậy Đức Phật kết thúc rằng không có một đối tượng của sự dính mắc nào mà không gây khổ não bởi bản chất vô thường của nó.

Rồi sau đó Đức Bổn Sư giảng giải cho Ānanda phương pháp tu tập thích hợp với căn cơ. Vì Đại đức có khả năng nhập định sâu, Đức Phật không nói đến bảy chi đầu tiên của Bát Chánh Đạo [Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm] mà bắt đầu với chi thứ tám, Chánh Định. Đức Phật dạy rằng mục đích cao quý nhất – hoàn toàn phá chấp, vượt thoát mọi ý niệm, hình tượng và danh xưng – chỉ có thể chứng đạt bởi những ai điều phục được tâm ý trong đơn độc. Ngài còn kêu gọi tình thương mến Bổn Sư của Ānanda và nhấn mạnh rằng tình thương mến này chỉ thực sự được chứng minh nếu Ānanda theo bước Bổn Sư đi đến đạo quả cao quý nhất.

Như vậy Đức Phật đã dùng cả hai phương pháp, căn cứ trên sự thật chung của các pháp và căn cứ vào duyên nghiệp riêng giữa Ānanda và Bổn Sư, để giúp Ānanda cắt đứt mọi ràng buộc thế tục còn sót lại trong tâm. Rồi Ngài kết luận với sự so sánh như sau: “Vì vậy, này Ānanda, để được thọ hưởng phước lành và an vui, hãy thương mến Như Lai và không bao giờ oán hận Như Lai. Đó là vì Như Lai sẽ không đối xử với con như người thợ gốm gượng nhẹ với những chiếc bình gốm nung chưa tới. Ngược lại Như Lai sẽ nhắc đi nhắc lại với con, Ānanda, những lời răn bảo, khiển trách, và sẽ thử thách con hết lần này qua lần nọ. Ai kiên định tiến tu sẽ vượt qua được thử thách này.”

Đọc chuyện Tiền Thân Gandhāra (Jāt. 406) sẽ giúp hiểu rõ hơn về sự so sánh này.

Jātaka 406

Ngày xưa Bồ Tát là thái tử xứ Gandhāra. Khi vua cha băng hà, Ngài lên ngôi vua, trị nước anh minh và chân chánh. Đồng thời, ở xứ Videha lân cận có vị quốc vương là tiền thân của Ānanda cai trị. Hai vị quốc vương chưa hề gặp nhau nhưng xem nhau như bằng hữu và tin cậy lẫn nhau.

Một hôm, vào ngày rằm trai giới, Vua Gandhāra phát nguyện giữ giới. Ngồi trên tọa cụ đặt giữa ngai vàng, nhìn ra một cửa sổ rộng mở, Ngài thuyết giảng giáo lý căn bản cho quần thần. Lúc ấy, thần Rāhu, vua các thần atula, bỗng che hết mặt trăng tròn đầy đang tỏa sáng cả bầu trời (hiện tượng nguyệt thực). Ánh trăng biến mất.

Vua quan sát mặt trăng, thầm nghĩ: “Mặt trăng đã mất ánh sáng vì bị một biến động từ bên ngoài chiếm ngự. Nay triều thần chính là mối ưu tư, phiền lụy của ta. Ta không nên để mất ánh sáng tâm linh như ánh sáng của trăng bị thần Rāhu hủy hoại. Ta sẽ rời quốc độ bây giờ, tâm như vầng trăng đang chiếu sáng trên bầu trời trong vắt, và trở thành ẩn sĩ. Tại sao ta lại khuyến giáo người khác? Ta sẽ ra đi, từ giã thân quyến, thần dân để khuyến giáo chỉ chính bản thân ta. Điều ấy mới thích hợp với ta.”

Rồi Ngài trao quốc độ cho triều thần, từ bỏ vương quốc, và sống đời tu hành. Ngài an cư mùa mưa ở vùng núi Tuyết Sơn (Himālaya) tu hành và chuyên tâm vào sự an lạc của thiền định.

Vua Videha hỏi thăm và được tin Vua Gandhāra đã xuất gia, vua suy nghĩ: “Hiền hữu của ta đã xuất gia tu hành, ta còn luyến lưu gì với ngai vàng điện ngọc?” Rồi vua thoái vị, lên Tuyết Sơn tu hành, sống độc cư thanh đạm, chỉ dùng trái cây rừng.

Cả hai vị vua ẩn dật an tịnh trong cùng một vùng núi. Họ gặp nhau nhưng không nhận ra nhau. Tuy vậy, họ sống cạnh nhau trong tình đồng đạo, và ẩn sĩ xứ Videha tôn kính phục vụ ẩn sĩ xứ Gandhāra.

Vào một ngày trăng tròn, trong lúc hai vị ngồi dưới gốc cây đàm đạo, thần Rāhu lại che khuất ánh trăng đang tỏa sáng. Ẩn sĩ xứ Videha nhìn lên và nói:

“Ánh sáng của trăng đã bị hủy hoại.”

Rồi nhận ra trăng đã bị vị thần chiếm đoạt, ẩn sĩ xứ Videha hỏi:

“Bạch Tôn Sư, vì sao vị thần che khuất mặt trăng khiến tối tăm như vậy?”

“Đó là do nghịch duyên, tên gọi là Rāhu, quấy nhiễu và ngăn cản trăng chiếu sáng. Trước đây, khi thấy cảnh tượng này, ta đã suy nghĩ: ‘Mặt trăng đang sáng trở nên tối vì bị quấy nhiễu từ bên ngoài. Nay quốc độ là mối phiền nhiễu đối với ta. Ta sẽ thoát vòng tục lụy, sống đời phạm hạnh để quốc độ không thể làm ta mịt mờ như thần Rāhu làm tăm tối mặt trăng kia.’ Và như vậy, lấy chuyện ánh trăng bị thần Rāhu che khuất làm đề mục hướng tâm, ta từ giã vương quốc và xuất gia tu hành.”

“Bạch Tôn Sư, thế Ngài là cựu vương xứ Gandhāra ư?”

“Phải rồi.”

“Bạch Tôn Sư, đệ tử là vua xứ Videha. Dù chưa bao giờ gặp nhau nhưng chúng ta chẳng phải đã từng là bạn với nhau đó sao?”

“Vậy đề mục của hiền hữu là gì?”

“Đệ tử nghe tin Tôn Sư đã xuất gia sống đời phạm hạnh nên suy nghĩ: ‘Chắc chắn Ngài đã tìm thấy lợi ích của nếp sống ấy.’ Vì vậy, đệ tử xem Ngài là đề mục hướng tâm của mình và rời bỏ vương quốc, xuất gia tầm đạo.”

Từ đấy trở đi, hai vị vô cùng thân thiết, quý mến nhau, cùng sống thanh đạm chỉ bằng quả rừng. Sau một thời gian an trú nơi rừng núi, hai vị từ Tuyết Sơn xuống đồng bằng tìm muối và giấm. Họ đến một ngôi làng ở biên địa. Hoan hỷ trước phong cách thanh tịnh và oai nghiêm của hai vị, dân chúng cúng dường vật thực, xây tịnh cốc trong rừng cho hai vị cư trú ban đêm, và dựng thảo am bên đường để cả hai vị thọ trai ban ngày, trước khi về tịnh cốc.

Thực phẩm do dân làng cúng dường hôm có kèm muối, hôm lại không. Một bữa nọ, họ cúng dường hai vị rất nhiều muối trong một cái rổ bằng lá. Ẩn sĩ xứ Videha lấy muối vừa đủ phần dâng Bồ Tát, lấy thêm một phần vừa đủ cho mình, sau đó cất phần còn lại vào trong một cuộn cỏ, tự nhủ: “Phần này sẽ có ích cho những ngày không có muối.”

Một hôm thức ăn thọ nhận không có muối. Ẩn sĩ xứ Videha mang món khất thực đến ẩn sĩ xứ Gandhāra rồi lấy muối trong cuộn cỏ ra và nói:

“Bạch Tôn Sư, hãy lấy muối.”

“Dân làng hôm nay không cho muối, vậy hiền hữu lấy đâu ra muối?”

“Bạch Tôn Sư, hôm kia dân làng cho nhiều muối. Đệ tử cất phần dư và tự nhủ: ‘Phần này sẽ có ích cho ngày không có muối.’”

Bồ Tát quở trách:

“Ôi khờ dại thay, hiền hữu đã từ bỏ vương quốc Videha rộng ba trăm dặm và mười sáu ngàn phố thị giàu sang để xuất gia tu hành, sống theo hạnh ly tham, ly dục, mà nay lại khởi tâm tham muốn một chút muối!”

Bị khiển trách, ẩn sĩ xứ Videha không kham nhẫn ghi nhận mà lạnh lùng nói:

“Bạch Tôn Sư, Ngài không thấy lỗi của Ngài mà lại thấy lỗi của tôi. Ngài đã chẳng rời bỏ vương quốc, xuất gia tu hành, và tự bảo: ‘Tại sao ta phải khuyến giáo kẻ khác? Ta nên khuyến giáo bản thân ta mà thôi’ ư? Thế sao nay Ngài lại khuyến giáo tôi?”
Bồ Tát điềm đạm giải thích:

“Ta chỉ khuyên răn hiền hữu những điều chân chánh. Khi khuyến giáo hiền hữu về giới hạnh, thân tâm của chính ta trong sạch, chân chánh, không vết lỗi lầm.”

Ẩn sĩ đáp lại: “Bạch Tôn Sư, thuyết giảng cho người khác sau khi làm họ thương tổn và oán giận là điều không thích hợp, dù đó là lời trung thực và dù lợi ích của lời ấy lớn đến đâu. Tôn Sư đã nặng lời với tôi như thể cạo đầu tôi bằng con dao cùn!”

Nghe vậy, Bồ Tát đọc bài kệ sau:

Mặc kẻ nghe ta chế giễu ta
Hay kẻ nghe ta phải mất lòng
Khi khuyến giáo người về giới hạnh
Thân tâm ta không vết lỗi lầm.

Rồi Ngài tiếp lời,“Ta sẽ không cư xử với hiền hữu như người thợ gốm gượng nhẹ với những chiếc bình gốm nung chưa tới. Ta sẽ còn khiển trách lần nữa rồi lần nữa. Cái gì là lẽ phải, cái ấy sẽ tồn tại.”

Do vậy, Ngài cương quyết giữ cách xử sự phù hợp với lời giáo huấn của chư Phật. Ví như người thợ gốm sau một thời gian thường xuyên đập gõ lên các bình gốm sẽ không chọn những bình nung chưa tới mà chỉ chọn những chiếc đã được nung kỹ, Ngài cũng chọn người phạm hạnh như chọn bình gốm tốt bằng cách khuyến giáo và khiển trách nhiều lần như thế.

Rồi để giảng giải thêm cho vị ẩn sĩ xứ Videha hiểu rõ, Ngài đọc thêm hai bài kệ:

Nếu trí đức không được luyện rèn
Để trưởng dưỡng tâm linh vững chãi,
Bao người rồi buông lung, giải đãi
Như trâu mù cứ mãi bước càn.

Còn bậc trí khéo léo luyện rèn,
Giới đức luôn cần mẫn vun bồi,
Gương phạm hạnh sáng ngời mọi lối
Soi đường cho người tiến bước tu.

Nghe những lời giảng dạy cao quý này, ẩn sĩ xứ Videha thức tỉnh và hối lỗi, thưa rằng:

“Bạch Tôn Sư, từ nay về sau xin Ngài cứ giáo huấn đệ tử. Trong lúc giận dỗi đệ tử đã trót nói lời bất kính. Xin Tôn Sư tha thứ cho đệ tử.”

Rồi cung kính đảnh lễ Bồ Tát, vị ấy được thứ lỗi.

Hai vị sống thuận hòa với nhau và trở về Tuyết Sơn. Sau đó Bồ Tát chỉ dạy ẩn sĩ xứ Videha phương pháp thiền định để hành trì và thành tựu các chứng đắc cao thượng. Cả hai vị chuyên tâm hành thiền và vào cuối kiếp sống cùng tái sanh lên cõi Phạm thiên.

Thuở ấy sự mỏng manh, dễ hư vỡ của những chiếc bình gốm sứ nung chưa chín thường được so sánh với tính đa cảm, hay giận dỗi, dễ chạnh lòng của con người. Vì vậy người thợ gốm nhẹ nhàng nâng niu chúng trên cả hai tay để khỏi vỡ. Sau khi nung qua lửa, họ cẩn thận tìm kiếm những vết nứt hay đường nẻ và chỉ dùng những chiếc bình lành lặn, đã nung tới. Rồi họ còn gõ lên bình hết lần này đến lần nọ để thử độ toàn hảo của nó. Cũng như vậy, chỉ những ai qua bao thử thách đã luyện rèn tâm tính thuần thục, có giới hạnh toàn hảo, mới có thể chứng đạt được thánh quả a-la-hán.

Trong kiếp tiền thân đó những lời khiển trách của Bồ Tát đã trổ quả lành và giúp Ānanda – vị ẩn sĩ xứ Videha – tái sanh vào cõi Phạm thiên. Cũng như vậy, quả lành lại trổ sanh trong kiếp cuối của cả hai vị bởi vì Ānanda đã hoan hỷ đón nhận lời khiển trách của Đức Phật, ghi khắc trong tâm, và hành trì theo đó trên con đường diệt khổ cho đến khi chứng đạt toàn mãn thánh quả cao quý nhất.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app