ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (IV)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

BHADDĀ KUṆḌALAKESĀ – NỮ DU SĨ BIỆN TÀI

Ở Rājagaha, kinh đô xứ Magadha, có một cô gái tên Bhaddā, con duy nhất của một thương gia giàu có. Cha mẹ cô giữ cô trên lầu cao nhất của dinh thự bẩy tầng, bởi vì cô có tâm tính đam mê cuồng nhiệt nên họ sợ tuổi dậy thì dễ động tình có thể gây cho cô con gái nhiều rắc rối.

Ngày nọ Bhaddā nghe có tiếng ồn ào dưới đường. Nhìn qua cửa sổ, cô thấy một phạm nhân đang bị áp tải đến nơi hành quyết. Anh ta là một thanh niên can tội trộm cướp. Vừa mới nhìn anh ta, cô cảm thấy yêu thương ngay. Cô nằm liệt giường và quyết không chịu ăn uống gì nếu không lấy được anh ta làm chồng. Mặc cho cha mẹ năn nỉ cô bỏ ý định điên rồ này nhưng không lay chuyển được cô. Thế là người cha đành phải tìm cách hối lộ người gác ngục để đem chàng thanh niên về dinh thự của ông.

Người gác ngục làm y theo lời ông, đem một kẻ vô gia cư vào thay cho tội phạm. Vị phú thương cho tên trộm cưới con gái mình, hy vọng rằng được thay đổi cuộc đời tốt đẹp như vậy, tâm tánh anh ta cũng được tốt đẹp theo. Tuy nhiên, ngay sau lễ cưới, chú rể đã bị ám ảnh với ý muốn chiếm đoạt các trang sức quý giá của vợ. Anh ta nói với vợ rằng hôm bị dẫn đến nơi hành quyết, anh có khấn nguyện nếu thoát được tử hình, anh sẽ dâng cúng lễ vật cho một vị thần núi nào đó. Anh thuyết phục vợ trang điểm với tất cả trang sức đắt giá nhất trên người và một mình cùng chồng đi đến hang của vị sơn thần ở trên một đỉnh núi cao rất dốc. Khi họ đến vách núi cao có tên là “Vực thẳm của các tên cướp”, nơi vua cho xô các tội phạm xuống vực sâu, người chồng đòi cô cởi hết nữ trang trao cho mình. Lúc ấy Bhaddā thấy rõ bộ mặt thật của chồng. Cô bình tĩnh và khôn ngoan nghĩ ra thật nhanh một cách thoát hiểm. Cô xin chồng cho phép cô bày tỏ sự phục tùng cuối cùng. Rồi khi cô ôm anh ta, cô lấy hết sức xô hắn xuống vực sâu, thân thể nát tan từng mảnh.

Tâm tư bị đè nặng bởi hành động tội lỗi quá tàn khốc của mình, Bhaddā không còn muốn trở lại đời thế tục, bởi những ham muốn dục tình và nhung lụa của cải không còn ý nghĩa gì với cô nữa. Do đó cô quyết định sống đời du sĩ lang thang. Lúc đầu cô tu theo đạo Jain khổ hạnh, và để tự trừng phạt mình, cô nhổ tận gốc hết mái tóc khi thọ giới xuất gia. Nhưng rồi tóc lại mọc ra và quăn tít lại. Vì thế cô có biệt danh là “Kuṇḍalakesā, nghĩa là “Tóc Quăn”.

Tuy nhiên, cô không tìm được giải đáp thỏa đáng trong giáo lý đạo Jain, nên sau đó cô trở thành một du sĩ độc hành. Lang thang khắp xứ Ấn, cô viếng thăm nhiều đạo sư nổi tiếng để học hỏi giáo lý, và do đó tiếp thu được một vốn kiến thức tinh hoa sâu sắc và phong phú về tôn giáo và triết lý. Cô trở thành một luận giả tài ba về tranh biện, và chỉ trong một thời gian ngắn đã nổi tiếng là một trong những nhà tranh luận xuất sắc nhất của Ấn Độ. Mỗi lần đi vào một tỉnh thành nào, cô đều vun một đống cát và cắm một nhánh hồng táo lên trên, làm dấu hiệu thông báo sự có mặt của mình. Bất cứ ai muốn tham gia tranh luận với cô thì đáp lời mời bằng cách giẫm chân lên ụ cát.

Ngày nọ cô đến thành Sāvatthi và lại vun đống cát nhỏ của cô. Lúc đó Trưởng lão Sāriputta đang ngụ tại tịnh xá Jetavana. Ngài nghe tin có du sĩ Bhaddā đến thành. Để tế độ cô, ngài bảo vài đứa trẻ đến giẫm chân lên đống cát, tỏ ý muốn tranh luận. Bhaddā liền đi thẳng đến Jetavana, lòng tự tin sẽ đắc thắng. Theo sau cô có rất đông người hiếu kỳ.

Cô đưa ra rất nhiều câu hỏi, và câu nào cũng được Trưởng lão trả lời thỏa đáng cho đến khi cô chẳng còn điều gì để hỏi nữa.

Rồi đến lượt ngài Sāriputta hỏi cô. Ngay câu hỏi đầu tiên đã đánh động tâm cô. Đó là: “Thế nào là một?” Cô lặng thinh, không thể nào xác định được ý nghĩ sâu xa của Trưởng lão trong câu hỏi đơn giản này. Chắc cô cũng suy đoán được rằng là ngài không có ý hỏi về một vị Thượng đế, một vị Phạm thiên hay một đấng Toàn năng nào. Vậy thì là gì? Câu trả lời là “vật thực”, bởi vì mọi chúng sanh đều nhờ vật thực mà tồn tại, sống còn. Bhaddā chịu thua và xin lời giải đáp.

Nhưng Sāriputta nói chỉ trả lời sau khi Bhaddā chịu xuất gia theo đạo Phật. Thế rồi ngài gửi cô đến Ni chúng để thọ giới tỳ khưu ni. Chỉ vài ngày sau, Bhaddā đắc thánh quả a-la-hán.

Giai thoại Bhaddā được gặp Giáo Pháp trên được ghi trong chú giải Kinh Pháp Cú. Nhưng những câu kệ của Bhaddā trong Trưởng Lão Ni Kệ lại trình bày một hình ảnh khác:

Trước ta sống một y,

Tóc nhổ, thân đầy bùn,

Không lỗi xem có lỗi,

Có lỗi xem là không

Một ngày ta rời cốc,

Trên ngọn núi Linh Thứu

Ta thấy Phật vô uế,

Dẫn đầu chúng tỳ khưu.

Ta phủ phục quỳ gối,

Chắp tay đảnh lễ Ngài.

“Hãy đến, này Bhaddā,”

Và ta thọ đại giới.

Theo lời thuật này thì Bhaddā được gặp Đức Thế Tôn không phải ở Sāvatthi mà trên núi Linh Thứu, gần Rājagaha. Bhaddā không thọ giới theo nghi lễ truyền thống chính thức mà chỉ do lời gọi trở thành tỳ khưu ni từ Bổn Sư (ehi, bhikkhunī.) Cuộc nói chuyện giữa Đức Phật không được ghi rõ trong các câu kệ Therīgāthā trên, nhưng chắc chắn Bhaddā đã đạt giác ngộ thật nhanh chóng, bởi vì sau này Đức Phật có tuyên bố Bhaddā là tỳ khưu ni đệ nhất về tốc trí (khippābhiñña).

Chú giải Trưởng Lão Ni Kệ kết hợp cả hai trường hợp trên để đưa ra lời giải thích: Sau khi được Trưởng lão Sāriputta nhiếp phục, Bhaddā đảnh lễ ngài và được ngài dẫn đến yết kiến Đức Phật. Bổn Sư biết căn cơ của Bhaddā đã chín muồi nên thốt lên một pháp kệ:

Dù nói ngàn câu kệ,
Nhưng không chút lợi ích,
Tốt hơn nói một câu
Nghe xong được tịnh lạc.

Khi bài kệ kết thúc, Bhaddā đắc quả a-la-hán đồng thời với các tuệ phân tích (paṭisambhidā-ñaṇa). Liền sau đó cô xin xuất gia. Đức Phật chấp nhận và gởi cô đến Ni chúng để thọ giới xuất gia theo nghi lễ chính thức.

Kinh Apadāna (Tiểu Bộ Kinh, tập 13) đưa thêm một giải thích khác về việc chứng ngộ của Bhaddā. Sau khi Bhaddā xuất gia theo giáo phái Jain, cô chuyên cần tu học giáo lý. Một hôm, khi cô đang ngồi một mình chú tâm suy niệm về triết học này, một con chó đến gần, miệng ngậm một bàn tay người bị xẻo ra và đặt xuống ngay trước mặt cô. Khi nhìn bàn tay đầy dòi bọ lúc nhúc, cô cảm nhận một chấn động tâm linh sâu xa. Trong niềm cảm xúc, cô tìm hỏi xem ai có thể giải thích ý nghĩa của sự kiện. Thắc mắc của cô dẫn dắt cô đến gặp chư tỳ khưu, và chư vị đem cô đến yết kiến Đức Tôn Sư:

Thế rồi Ngài dạy tôi Giáo Pháp
Ngũ uẩn, căn trần, mười tám giới;
Tôn Sư giảng về thân bất tịnh,
Về vô thường, khổ và vô ngã.

Thính pháp từ kim khẩu Thế Tôn,
Tôi được thấy Chánh Pháp thuần khiết.
Đã thấu hiểu Pháp Bảo chân chánh,
Tôi xin xuất gia và thọ giới.

Được thỉnh cầu, Tôn Sư bèn nói:
“Con hãy đến đây, này Bhaddā!”
Sau khi thọ nghi thức xuất gia
Tôi quan sát một dòng nước nhỏ.

Nhìn theo dòng nước rửa chân này
Tôi thấy được tiến trình sanh diệt.
Rồi thấy rằng mọi pháp khởi sanh
Đều có cùng bản chất như vậy.

Ngay tức khắc, tâm tôi giải thoát
Chấm dứt mọi tham ái bám níu.
Bậc Tối Thắng bèn ca ngợi tôi
Là tỳ khưu ni đệ nhất tốc trí.

Hai câu kệ chót nói về nhân duyên Đức Phật tuyên bố Bhaddā là tỳ khưu ni đệ nhất về tốc trí, nhanh chóng chứng ngộ Giáo Pháp (AN 1:14). Đây là một danh hiệu cao thượng Bhaddā cùng chia sẻ với tỳ khưu Bāhiya. Bāhiya cũng chứng đắc a-la-hán chỉ trong chốc lát sau khi Đức Thế Tôn dạy ông tu tập như sau: “Trong cái thấy chỉ có cái thấy, trong cái nghe chỉ có cái nghe, trong cái cảm thọ chỉ có cái cảm thọ, trong cái thức tri chỉ có cái thức tri. Do vậy, này Bāhiya, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bāhiya, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như thế là đoạn tận khổ đau” (Ud. 1:10). Cả hai đều nắm bắt được sự thật tối hậu nhanh chóng, và quán chiếu thâm sâu, đến nỗi chỉ trong thoáng chốc từ một người phàm đã trở thành bậc thánh a-la-hán giác ngộ hoàn toàn.

Đoạn cuối cuộc đời của Bhaddā dành cho sứ mạng hoằng hóa, du hành khắp miền quê vùng Bắc Ấn để giảng dạy Giáo Pháp và hướng dẫn người khác đạt được cứu cánh giải thoát như chính mình đã thành tựu được:

Thoát nhiễm ô, trong năm mươi năm
Tôi du hành khắp Aṅga và Magadha.
Trên khắp miền Vajjī, Kāsī và Kosala,
Tôi khất thực thức ăn quốc độ.

Vị tín nam ấy – thật thiện trí –
Cúng dường Bhaddā một chiếc y,
Nên gieo trồng được nhiều công đức,
Bởi Bhaddā đã đoạn diệt chấp thủ.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app