ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IV: A NAN ĐÀ

ĐỐI VỚI HUYNH ĐỆ SA MÔN

Trong chư sư đồng môn, Trưởng lão Sāriputta là người bạn thân thiết nhất của ngài Ānanda. Mối liên hệ giữa Ānanda và Anuruddha – người anh em cùng cha khác mẹ – dường như không khắng khít bằng vì Anuruddha chọn pháp hành độc cư tĩnh lặng, còn Ānanda thì thân cận hòa mình với tứ chúng.

Sāriputta là vị đệ tử có nhiều phẩm hạnh giống Bổn Sư nhất và là người Ānanda cảm thấy có thể đàm đạo cùng một cách thế đàm đạo với Bổn Sư. Một điều đặc biệt là trong Tăng chúng chỉ có Sāriputta và Ānanda được đức Phật ban tặng danh hiệu cao quý. Ngài Sāriputta – do oai lực thuyết pháp dũng mãnh như tiếng gầm sư tử – được gọi là vị tướng quân của Giáo Pháp (Dhammasenāpati). Ngài Ānanda – do khả năng thính pháp, ghi nhớ, gìn giữ và trùng tuyên Pháp Bảo uyên thâm và viên dung nhất – được gọi là vị giám hộ Pháp Bảo (Dhammabhaṇḍāgārika). Tuy nhiên, về mặt hướng dẫn tu tập cho hàng đệ tử, phương cách của ngài Ānanda lại giống của ngài Mahā Moggallāna hơn vì có chiều hướng chăm sóc, bảo bọc mềm mỏng như một người mẹ hiền.

Ngài Ānanda và ngài Sāriputta thường hợp tác làm chung các pháp sự, như hai lần cùng đến viếng thăm vị thí chủ Anāthapiṇḍika lúc ông lâm bệnh (MN 143; SN 55:26) và lần giải quyết mối bất hòa giữa các tỳ khưu ở Kosambī (AN 4:221). Đôi bạn còn thường luận đạo với nhau.

Tình bằng hữu của họ khắng khít đến độ khi ngài Sāriputta viên tịch, dù Ānanda hằng tu tập thiền định, Trưởng lão vẫn vô cùng bàng hoàng và hụt hẫng. Nỗi đau buồn của Ānanda khi được tin Sāriputta qua đời được diễn tả rất cảm động trong Cunda Sutta (SN 47:13).

Kinh sách cũng ghi chép lại một số lần Ānanda luận đạo với các vị tỳ khưu khác, như với Vaṇgīsa và Channa.

Với Tỳ khưu Vaṇgīsa:

Một ngày nọ ngài Ānanda cùng vị tân sa môn thị giả Vaṇgīsa vào hoàng cung nơi Ānanda thuyết pháp cho các vương phi.

Khi Vaṇgīsa trông thấy những vị vương phi xinh đẹp với trang phục lộng lẫy thì lòng ngập tràn dục vọng và bỗng nhiên sanh tâm bất mãn với nếp sống đơn độc của người tu sĩ. Ý muốn xả y và hưởng thụ nhục dục nung nấu tâm tư. Khi có thể đàm luận riêng, Vaṇgīsa liền trình bày lên Ānanda những ô nhiễm đang bùng cháy trong tâm và khẩn khoản yêu cầu sự trợ lực và hướng dẫn. Từng là một thi sĩ, Vaṇgīsa thổ lộ tâm tư với Ānanda Gotama qua một bài kệ:

Lửa dục vọng bùng cháy,
Thiêu đốt cả tâm tư.
Ôi Gotama bi mẫn,
Chỉ cách dập tắt lửa.

Đại đức Ānanda trả lời:

Chính vì điên đảo tưởng
Mà tâm bị thiêu đốt.
Hãy xa lánh sắc trần,
Cội nguồn của tham dục.

Hành uẩn là kẻ lạ,
Là khổ, không là ngã.
Dập tắt lửa ái dục

Chớ để cháy mãi hoài.
Tu pháp quán bất tịnh,
Nhất tâm, định tĩnh sâu,
Chánh niệm quán sát thân,

Nhiếp tâm ly ái dục.
Tu pháp thiền vô tướng,
Diệt ngã mạn khởi sanh.
Do diệt tận chấp ngã,
Tâm sẽ được an tịnh.
(SN 8:4; Thag. 1223 – 26)

Qua bài kệ, trước tiên Ānanda chỉ rõ cho Vaṇgīsa thấy nguồn gốc của những ô nhiễm trong tâm sư. Đây là do tri giác (hay tưởng uẩn) dính mắc vào nữ sắc phù du ảo ảnh mà tham dục liên tục khởi sanh và thiêu đốt tâm tư mãi. Tham dục khiến nảy sanh cảm giác thiếu thốn, thèm khát, từ đó dẫn đến tâm ngã mạn, chán ghét đời sống phạm hạnh, cho rằng bởi đời sống này mà “ta” không được hưởng thụ dục lạc. Vì vậy cần phải thu thúc lục căn, xa lánh sắc trần, đừng để lửa tham dục bốc cháy. Đừng chấp thủ vào những phản ứng của tâm (hay hành uẩn); chúng là đau khổ, chứ không phải là “ta”, “của ta”.

Sau đó, Ānanda hướng dẫn cho Vaṇgīsa các pháp thiền tập để diệt trừ những ô nhiễm này. Trước tiên, giữ chánh niệm, hành thiền minh sát quán thân bất tịnh để thấy rõ sự đau khổ và tàn hoại của thân mà nhiếp tâm xả ly ái dục. Rồi nhất tâm, định tâm hành thiền để giúp đối trị tham ái vì khi an trụ trên đề mục thiền thì tâm không bị dính mắc, chi phối bởi dục lạc. Tiếp đến, đoạn trừ ngã mạn bằng pháp thiền minh sát vô ngã tướng. Khi mọi hình thức tham ái, bao gồm ái dục và chấp ngã, được đoạn trừ thì tâm sẽ được thanh tịnh và bình an.

Với Tỳ khưu Channa:

Channa trước kia là người hầu cận thân tín nhất của Thái tử Siddhattha. Sau khi xuất gia, sư là một sa môn bướng bỉnh, ngã mạn và khó khuyên dạy. Vì vậy, ngay trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật căn dặn phải phạt nặng Channa. Nhận được hung tin, Channa xấu hổ và liền cảm nhận được tâm khẩn trương thúc bách tu tập.

Qua thiền quán, Channa thấy được đặc tính vô thường của ngũ uẩn, nhưng khi cố gắng quán chiếu đặc tính vô ngã thì sư bị khựng lại, kinh hoàng lo sợ rằng Niết bàn sẽ hủy diệt tự ngã quý báu của mình. Tâm hoài nghi nơi Giáo Pháp là chướng ngại cản trở sự hành thiền của Channa. Mặc dù đã tầm đạo ở nhiều bậc sa môn trưởng thượng, ông vẫn không chứng đạt như ý nguyện. Cuối cùng, Channa tìm đến Trưởng lão Ānanda xin được hướng dẫn.

Trước tiên ngài Ānanda hoan hỷ tán thán Channa đã từ bỏ được tánh ương ngạnh, tự phụ, và có quyết tâm học hỏi Chánh Pháp. Do lời tán thán này, Channa sanh hỷ tâm và chú tâm lắng nghe Ānanda trùng tuyên lại pháp thoại mà Đức Phật đã ban cho Đại đức Kaccānagotta (SN 12:15):

“… Người có chánh kiến không cho rằng: ‘Đây là tự ngã của tôi’. Khi khổ sanh, biết là sanh; khi khổ diệt, biết là diệt. Vị ấy không vì sanh diệt của các pháp mà hoài nghi, phân vân, lay chuyển, hay duyên vào đó mà cho là có, là không. ‘Tất cả là có’, này Kaccāyana, là một cực đoan. ‘Tất cả là không có’ là cực đoan thứ hai. Vượt ra ngoài hai cực đoan đó, này Kaccāyana, Như Lai thuyết pháp theo Trung Đạo.”

Trưởng lão Ānanda vừa chấm dứt bài pháp thì Channa chứng đắc thánh quả đầu tiên, thánh quả nhập lưu. Với ánh sáng trí tuệ được thắp lên trong tâm, Channa hoan hỷ tán dương phước lành có Ānanda là bậc thiện hữu tri thức dẫn dắt sư theo Chánh Đạo.

Cuối cùng Channa đã nhập vào dòng giải thoát, từ nay có thể tự tu tập theo Giáo Pháp và thăng tiến để đạt được những quả vị cao quý nhất (SN 22:90).

PHÁP ĐÀM VỚI ĐỨC PHẬT

Trong Phật giáo, đàm luận không phải lúc nào cũng phải phát ra bằng lời. Đôi khi sự im lặng là một câu trả lời hay một sự đồng ý, đón nhận.

Nếu cho rằng sự đón nhận trong im lặng một pháp thoại được nghe trực tiếp từ kim khẩu Đức Phật cũng là một cuộc đàm luận với Ngài, thì trọn Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) đúng là bao gồm tất cả pháp đàm giữa Đức Phật và Ānanda. Đây là vì Ānanda, vị thị giả thân tín của Đức Thế Tôn, hầu như luôn luôn hiện diện khi Ngài thuyết pháp. Còn những bài pháp mà Ngài ban khi Ānanda vắng mặt thì đều được Ngài lập lại cho Ānanda nghe. Bởi vậy, các bài pháp của Bổn Sư trong Tạng Kinh thường được khởi đầu bằng câu: “Tôi nghe như vầy,” (Evaṃ me sutaṃ) với chữ “tôi” (me) chỉ Trưởng lão Ānanda.

Đức Phật thường mở đầu một bài pháp bằng cách đặt cho Ānanda các câu hỏi liên quan đến giáo huấn của Ngài, với mục đích giúp Ānanda và những ai hiện diện được tăng trưởng trí tuệ. Cách thuyết giảng này rất hữu hiệu vì người nghe luôn luôn hứng thú và dễ thấm nhuần hơn khi hai bậc trí tuệ đàm luận với nhau, thay vì chỉ một vị thuyết giảng, như qua thí dụ sau từ chú giải Kinh Pháp Cú (Dhammapada Aṭṭhakathā):

Sau khi bị Đức Phật từ chối kết duyên, Māgandiyā nuôi dưỡng hiềm hận vì lòng tự ái bị tổn thương. Về sau bà trở thành một vương phi quyền thế. Để trả thù, bà bỏ tiền thuê mướn người mắng chửi hạ nhục Đức Phật bằng những lời nguyền rủa tục tằn, thô bạo nhất khi Ngài vào thành giáo hóa khất thực. Nghe họ mắng chửi như vậy, Đức Thế Tôn vẫn điềm nhiêm. Ngài Ānanda không thể chịu đựng nổi nên bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, dân cư nơi đây nguyền rủa nhục mạ chúng ta thậm tệ. Xin Thế Tôn hãy đi nơi khác.”

“Này Ānanda, thế thì chúng ta đi đâu?”

“Bạch Thế Tôn, đến một thành phố khác.”

“Nếu dân cư nơi ấy cũng nguyền rủa nhục mạ chúng ta như vậy rồi chúng ta sẽ đi đâu?”

“Bạch Thế Tôn, thì chúng ta lại đi đến một thành phố khác.”

“Này Ānanda, không nên nói như thế. Nơi nào có khó khăn chướng ngại, đó chính là nơi cần được giàn xếp hóa giải. Và chỉ đến lúc đó chúng ta mới có quyền đi nơi khác. Nhưng này Ānanda, ai nguyền rủa nhục mạ chúng ta?”

“Bạch Thế Tôn, ai cũng chửi mắng chúng ta, những người cùng đinh, nô lệ, và tất cả.
Nhân cơ duyên này, Đức Phật dạy ngài Ānanda về hạnh nhẫn nhục và tự điều phục của một bậc giới đức cao quý qua ba kệ sau:

Như voi chiến giữa trận
Hứng đạn tên bốn phía,
Ta chịu mọi mắng chửi

Không giới đức lắm người.
Giữa đám đông voi ngựa
Thuần thục nhất, vua cưỡi.
Người giới đức, tối thượng
Chịu đựng mọi mắng chửi.

Quý báu thay lừa thuần,
Ngựa giống và đại tượng!
Nhưng người cao quý nhất
Giới đức, tự điều phục.
(Dhp. 320-22)

Sau khi lắng nghe lời dạy của Đức Thế Tôn qua pháp đàm giữa Ngài với Đại đức Ānanda, dân cư hai bên đường và những kẻ nhận tiền chửi mướn đều thấm nhuần ân pháp và tỉnh ngộ.

Và Đức Phật dạy thêm: “Này Ānanda, đừng lo ngại. Những người này chỉ chửi mắng ta trong bảy ngày. Đến ngày thứ tám họ sẽ lặng yên. Chướng ngại khó khăn xảy đến cho chư Phật không thể kéo dài hơn bảy ngày.”

Cũng có vài lần Đức Thế Tôn tạo cơ duyên mở đầu cho một pháp thoại bằng nụ cười nở nhẹ khi đi ngang qua nơi nào đó. Biết một bậc Toàn Giác chỉ mỉm cười khi có nguyên do, Ānanda lập tức hiểu rằng câu hỏi cần được nêu lên để biết căn duyên. Bởi thế Ānanda hỏi vì sao Ngài mỉm cười. Theo đó Bổn Sư kể lại và giảng giải cặn kẽ một sự kiện trong quá khứ, hay một chuyện tiền thân, đã xảy ra ở nơi ấy. Một cơ duyên như vậy đã mở đầu cho Kinh Makhādeva (MN 83):

Một thuở nọ, khi Thế Tôn đi ngang một địa điểm ở Mithilā, Ngài mỉm cười. Thấy vậy, Đại đức Ānanda bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì Thế Tôn lại mỉm cười?” Đức Phật kể lại cho Ānanda rằng xưa kia Mithilā là lãnh thổ của Vua Makhādeva, một vị minh quân đức độ, sống theo Chánh Pháp, trị vì theo Chánh Pháp, và hành trì lễ Bố tát. Sau nhiều trăm ngàn năm tuổi thọ, vua dặn người thợ cắt tóc khi thấy tóc bạc mọc trên đầu vua thì cho vua biết. Khi người thợ nhổ những sợi tóc bạc đầu tiên và đặt chúng trên bàn tay vua, vua gọi thái tử đến, cho con biết mình sẽ xuất gia, sống đời khất sĩ phạm hạnh. Vua truyền ngôi lại cho thái tử, căn dặn con phải trị vì theo Chánh Pháp, và rồi khi thấy tóc bạc xuất hiện thì hãy làm như vua cha: trao ngai vàng lại cho người con trưởng để xuất gia tu tập. Sống như vậy thì sẽ được sanh vào cõi Phạm thiên khi mệnh chung. Truyền thống này trải qua nhiều đời vua của xứ sở này cho đến đời Vua Nemi. Con của Vua Nemi không theo lời cha dặn và đã cắt đứt truyền thống ấy.

Rồi Đức Phật dạy: “Này Ānanda, Vua Makhādeva thời ấy là một tiền thân của Như Lai. Xưa kia Như Lai đã lập truyền thống tốt đẹp ấy, nhưng nó không đưa đến ly dục, ly tham, giác ngộ, Niết bàn. Giờ đây Như Lai thiết lập một truyền thống tốt đẹp hơn, đưa đến ly dục, ly tham, giác ngộ, Niết bàn. Đó là Tám Thánh Đạo.” Rồi Ngài khuyên răn đại chúng: “Này các tỳ khưu, hãy tiếp tục duy trì Tám Thánh Đạo, chớ trở thành người làm đứt đoạn truyền thống ấy.”

Các pháp đàm thường mở đầu bằng một câu hỏi từ ngài Ānanda hơn là mở đầu bởi Đức Phật. Thí dụ như một lần nọ, Ānanda hỏi hương hoa không thể bay ngược gió, vậy có loại hương nào bay ngược gió được không. Đức Phật trả lời rằng hương của người quy y Tam Bảo có giới hạnh và tâm bố thí bao la bay ngược được chiều gió thổi (AN 3:79).

Một lần khác, Ānanda hỏi Đức Thế Tôn làm cách nào để một sa môn sống an vui trong Tăng chúng. Ngài trả lời rằng vị sa môn sống an vui trong Tăng chúng nếu mình đầy đủ giới đức nhưng không phiền trách các sa môn kém giới đức; nếu tự quán sát mình chứ không quán sát người khác; nếu không buồn bực vì không được danh thơm tiếng tốt; nếu có thể chứng đắc bốn tầng thiền mà không gặp chướng ngại nào; và nếu là một vị a-la-hán. Như vậy bước tu tập đầu tiên trên thánh đạo không là phê phán hay soi mói người khác, mà là tự quán chiếu và thúc đẩy chính mình (AN 5:106).
Lại một lần khác, Tăng Chi Bộ Kinh ghi lại như sau (AN 10:1):

Một thời nọ, Thế Tôn đang trú ở tịnh xá Jetavana. Đại đức Ānanda đến đảnh lễ Thế Tôn rồi thưa:

“Bạch Thế Tôn, ý nghĩa và phước báu của giới đức là gì?”

Thế Tôn trả lời:

“Này Ānanda, có giới đức sẽ không bao giờ phải tự khiển trách, hối tiếc, và tâm được trong sáng.”

“Bạch Thế Tôn, ý nghĩa và phước báu của tâm trong sáng là gì?”

“Tâm trong sáng mang lại hoan hỷ từ thân, khẩu, ý thiện lành, mang lại an lạc trong các thành quả tu tập.”

“Bạch Thế Tôn, ý nghĩa và phước báu của hỷ lạc trong tu tập là gì?”

“Hỷ lạc giúp định tâm.”

“Bạch Thế Tôn, ý nghĩa và phước báu của định tâm là gì?”

“Định tâm soi sáng chánh kiến, từ đó sẽ nhàm chán, đoạn ly tham ái.”

“Bạch Thế Tôn, ý nghĩa và phước báu của ly tham ái là gì?”

“Là chứng nghiệm giải thoát, này Ānanda.” Và Thế Tôn dạy tiếp: “Như vậy, này Ānanda, các thiện giới theo thứ lớp dẫn đến quả tối thượng.”

Thỉnh thoảng cũng có lúc Ānanda trình lên Bổn Sư những hiểu biết nào đó của mình để Bổn Sư xác nhận hay chỉnh sửa. Thí dụ như một lần Ānanda thưa:

“Bạch Thế Tôn, đối với con dường như phân nửa đời sống phạm hạnh thánh thiện là tình bạn thiện lành, tình đạo thiện lành, tình đồng môn thiện lành.”

Thật bất ngờ khi Đức Phật không đồng ý:

“Chớ nói như thế, này Ānanda! Toàn bộ đời sống phạm hạnh thánh thiện là tình bạn thiện lành, tình đạo thiện lành, tình đồng môn thiện lành. Khi một sa môn có được những bậc thiện lành là bạn đường, bạn đạo, và bạn đồng môn, vị ấy có thể học hỏi từ họ để tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo. Những ai xem Như Lai là người bạn thiện lành để tu học theo sẽ giải thoát khỏi sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não” (SN 45:2).

Lời nhận xét được biết đến nhiều nhất của Ānanda là một câu khẳng định đã mở đầu cho Kinh Đại Duyên (Mahānidāna Sutta, DN 15):

“Vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Pháp Duyên khởi (paṭicca-samuppāda) thật sự thâm sâu; tuy nhiên con thấy pháp này hết sức rõ ràng minh bạch.”

Đức Phật trả lời:

“Chớ nói như vậy, này Ānanda! Pháp Duyên khởi vi diệu, thâm sâu và thật sự vi diệu, thâm sâu, khó mà hiểu thấu đáo tường tận. Vì không thấu hiểu pháp này mà chúng sanh hiện tại như cuộn chỉ rối, như tơ vò, như mớ bòng bong, mắc kẹt mãi trong bánh xe sanh tử luân hồi và không tìm được ngõ giải thoát.”

Rồi Ngài thuyết giảng cho Ānanda nghe pháp Duyên khởi hay Mười hai nhân duyên. Ānanda hoan hỷ ghi nhận lời dạy của Bổn Sư.

Lần nọ, ngài Ānanda chứng kiến tài nghệ độc đáo của một người bắn cung và thuật lại cho Đức Phật nghe sự ngưỡng mộ của mình. Xuất thân từ giai cấp chiến sĩ trong hoàng tộc, Ānanda vốn ưa thích một môn võ nghệ như thế. Nhân dịp này Đức Phật dùng chuyện bắn cung để nêu so sánh và dạy rằng thấu hiểu xuyên suốt được Tứ Diệu Đế khó hơn là dùng mũi tên bắn chẻ một sợi tóc ra làm bảy (SN 56:45).

Một lần khác, Ānanda trông thấy vị bà-la-môn danh tiếng Jāṇussoṇi, một vị đệ tử của Đức Phật, đang cưỡi cỗ xe trắng lộng lẫy của ông và nghe dân chúng khen ngợi rằng cỗ xe ấy là cỗ xe đẹp nhất. Ānanda thuật lại với Đức Phật và hỏi làm thế nào để diễn tả một cỗ xe đẹp nhất theo Giáo Pháp. Thế Tôn giải thích về cỗ xe đưa đến Niết bàn:

“Đức tin và trí tuệ là những con tuấn mã; hổ thẹn là thắng xe; hiểu biết là dây cương; chánh niệm là người đánh xe; giới hạnh là phụ tùng; thiền định là trục xe; tinh tấn thể chất là bánh xe; tâm xả là sự thăng bằng; xuất gia là sườn xe; thương yêu, vô hại, và ẩn cư là vũ khí; và nhẫn nại chính là áo giáp” (SN 45:4).

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app