ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VIII: AṄGULIMĀLA – ƯƠNG QUẬT MA

SANH VÀO DÒNG THÁNH

Một ngày nọ trên đường đi trì bình ở Sāvatthi, Aṅgulimāla gặp một sản phụ bị sanh khó, rên siết thảm thiết, tình trạng thật nguy kịch mà đứa bé vẫn không ra. Động lòng trắc ẩn trước cảnh khổ ấy, Aṅgulimāla thầm nghĩ “Chúng sanh đau khổ biết bao! Chúng sanh quả thật vô cùng đau khổ!” Trở về tịnh xá, Đại đức thuật lại cho Bổn Sư và được Ngài dạy:

“Này Aṅgulimāla, hãy trở lại nói với sản phụ rằng: ‘Này hiền tỉ, từ khi được sanh ra, sư chưa bao giờ tác ý giết hại một mạng sống nào. Do oai lực của lời chân thật này, nguyện mẹ con chị sanh nở được vuông tròn!”

Nhưng Aṅgulimāla thưa lại rằng:

“Bạch Đức Tôn Sư, nếu con nói như thế thì chẳng phải con phạm giới nói dối sao? Bởi trong quá khứ con đã từng giết hại nhiều người.”

“Vậy, Aṅgulimāla, hãy nói rõ như thế này: ‘Này hiền tỉ, từ ngày sanh vào dòng thánh, sư chưa bao giờ tác ý giết hại một mạng sống nào. Do oai lực của lời chân thật này, nguyện mẹ con chị sanh nở được vuông tròn!”

Angulimāla báo tin sẽ trở lại. Gia đình ngăn một bức màn trong phòng để sản phụ nằm một bên, và bên kia đặt một chiếc ghế để vị sa môn ngồi. Và Angulimāla đã làm theo lời Đức Thế Tôn chỉ bày. Lời của Đại đức là chân thật, bởi khi Đức Phật cho thọ giới tỳ khưu, Đại đức đã được sanh vào đời phạm hạnh, thánh thiện – một tái sanh của tâm. Sự chuyển đổi này đã cho Angulimāla một năng lực tâm linh cứu giúp và chữa lành mạnh mẽ hơn cả sức mạnh thể chất gây khổ đau và giết hại trước kia. Kết quả là do lời nguyện của Đại đức mà mẹ con thiếu phụ được sanh nở an toàn.

Đức Phật thường không cho phép “cứu người chết sống lại” hay “chữa lành bệnh bằng tâm linh.” Ngài biết rằng người được cứu sống lại rồi cũng sẽ chết một ngày nào đó. Vì vậy Ngài hết lòng chỉ dạy cho chúng sanh về quả bất tử thật sự và phương pháp chứng đạt được quả bất tử, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Nhưng trong trường hợp Aṅgulimāla, tại sao Đức Thế Tôn đã ra ngoài thông lệ, cho phép vị đệ tử dùng năng lực của lời chân thật để chữa lành sự đau đớn? Các nhà chú giải có ghi lại vài quan điểm của họ về kinh Aṅgulimāla:

Vài người có thể thắc mắc: “Sao Đức Thế Tôn đã dạy một sa môn làm công việc của một y sĩ?” Câu trả lời là: Đức Phật không làm việc đó. Hành động dựa trên nguyện lực của sự chân thật không phải là một chức năng y khoa; đó là một hành động được làm sau khi quán tưởng phẩm hạnh của chính mình.

Đức Phật biết rằng Aṅgulimāla không có đủ thức ăn khất thực hằng ngày bởi vì dân chúng kinh sợ và bỏ chạy khi trông thấy bóng dáng. Để giúp Aṅgulimāla, Ngài để Đại đức thực hiện hành động “xác nhận sự thật” hay “nói lời chân thật.” Từ đó, dân chúng sẽ nghĩ rằng: “Đã khởi sanh ý nghĩ từ bi, Đại đức Aṅgulimāla giờ đây có thể mang lại sự an lành cho mọi người bằng nguyện lực của sự chân thật,” và họ không còn sợ hãi ngài nữa. Như thế Aṅgulimāla có thể tiếp tục hạnh nguyện của một vị sa môn.

Trước đó, Aṅgulimāla không thể trụ tâm vào đề mục hành thiền. Mặc dù ngày đêm hết sức tinh cần thiền tập, con mắt tâm của Đại đức không bao giờ vắng bặt được hình ảnh khu rừng trước kia mình đã tàn sát bao nhiêu người, bên tai lúc nào cũng nghe những lời van xin thảm thiết: “Lạy ngài, xin tha mạng! Con nghèo đói lại đông con cái!” và trong tâm luôn hiện rõ những đôi tay, đôi chân cuống quýt khiếp đảm thấy cái chết gần kề. Khi đối diện với ký ức đó, bao cơn hối hận, ăn năn dày vò, cấu xé tâm can khiến Aṅgulimāla không thể nào ngồi yên trên tọa cụ. Do đó Bổn Sư dạy và cho phép Đại đức thực hiện hành động “xác nhận sự thật” về việc tái sanh vào dòng thánh. Đức Thế Tôn muốn Aṅgulimāla nhận biết rằng tái sanh vào dòng thánh là một phước báu kỳ diệu, từ đó gợi niềm cảm kích và thôi thúc ngài tăng trưởng tuệ giác và thành tựu quả vị giải thoát a-la-hán.

Sự việc này là một hỗ trợ lớn lao cho Aṅgulimāla, và Đại đức đã bày tỏ lòng tri ân sâu xa lên Bổn Sư bằng một cúng dường cao thượng nhất có thể đạt được, đó là thành tựu viên mãn việc Thầy đã giao phó cho vị đệ tử (AN 86):

Không bao lâu, sống một mình, thu thúc, chuyên cần, nhiệt tâm, và kiên quyết, Đại đức Aṅgulimāla tự thân chứng ngộ được tuệ giác, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại cứu cánh phạm hạnh mà các thiện nam tử vì đó đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống đời không gia đình. Đại đức biết rằng: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã làm, từ nay không còn trở lại nữa.” Và như vậy Đại đức Aṅgulimāla trở thành một vị a-la-hán.

Cuối cùng thì cái tên đầu tiên của Đại đức, Ahiṁsaka – Vô hại, đã thật sự thích hợp với phẩm hạnh của ngài. Sau câu chuyện cứu được người sản phụ do năng lực của lời chân thật, đa số dân chúng đã hoàn toàn tin tưởng vào sự chuyển hóa tâm linh của ngài và thành kính cúng dường ngài mỗi khi ngài khất thực ở Sāvatthi. Dù vậy vẫn còn một số người để tâm thù hận vì tướng cướp Aṅgulimāla ngày nào đã sát hại thân nhân của họ. Không thể trả thù bằng luật pháp, họ tự ý trừng phạt ngài bằng cách dùng gậy gộc đánh đập và ném đá vào ngài khi ngài trên đường trì bình khất thực. Cuộc tấn công thật tàn bạo, đến nỗi khi Aṅgulimāla trở về bên Bổn Sư, toàn thân Đại đức đẫm máu, lỗ đầu, bình bát bị vỡ, ngoại y bị rách. Đức Phật thấy vậy, khuyên nhủ người đệ tử:

“Hãy kham nhẫn, này bà-la-môn [ở đây có nghĩa là bậc giác ngộ A-la-hán]! Hãy kham nhẫn, này bà-la-môn! Con đang gặt hái, trải nghiệm ngay trong hiện tại quả báo của ác nghiệp mà đáng lẽ con phải chịu đựng, đày đọa ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm.”

Là một vị a-la-hán, tâm Aṅgulimāla luôn vững vàng, không thể bị tổn hại. Tuy nhiên tấm thân vật chất vẫn phải gánh chịu quả báo của bất thiện nghiệp từ vô lượng kiếp. Ngay cả Đức Phật cũng bị người em họ Devadatta gây thương tích. Và cả hai vị trưởng đệ tử của Ngài cũng không tránh được bạo hành về thể xác: Sāriputta bị một quỷ dạ xoa ác ý đánh trên đầu, Moggallāna phải chịu một cái chết vô cùng thảm khốc. Ngay cả ba vị đại thánh nhân trên còn không tránh được tổn thương thân xác, thì làm sao Aṅgulimāla – trong kiếp hiện tiền đã tạo vô số ác nghiệp – thoát khỏi được quả dữ? Thế nhưng, chỉ có thân xác Aṅgulimāla phải chịu đựng những thương tích này, còn tâm Đại đức tự tại an nhiên, không thể bị tổn hại. Là một vị a-la-hán, Aṅgulimāla cũng không cần sự an ủi hay khuyến khích. Vì vậy ta có thể hiểu những lời Đức Thế Tôn nói với Aṅgulimāla như một nhắc nhở về nghiệp báo nhân quả mà Đại đức vẫn phải gặt hái và chịu đựng, dù đã được giảm thiểu rất nhiều bởi sự chuyển hóa nội tâm.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app