ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG IV: A NAN ĐÀ

SAU KHI ĐỨC PHẬT NHẬP DIỆT

Trưởng lão Tăng Kệ ghi lại hai bài kệ ngài Ānanda đã thốt lên sau khi Đức Phật nhập diệt. Kệ thứ nhất nói về Đức Bổn Sư, hiền hữu Sāriputta, và người bạn Chánh Niệm. Kệ thứ hai nói về “người xưa” (thế hệ Tăng chúng lão thành như Sāriputta, Mahā Moggallāna) và “người nay” (thế hệ Tăng chúng trẻ, mới.)

Hiền hữu đã ra đi
Bổn Sư cũng ra đi.
Nay người bạn nào bằng
Chánh niệm quán chiếu thân.

Người xưa giờ đã xa
Người nay không tri kỷ.
Giờ một mình ta thiền
Như chim ẩn trong tổ.
(Thag. 1035–36)

Sau khi các nghi thức tang lễ hoàn tất, ngài Ānanda tự biết rằng nhiệm vụ duy nhất còn lại của mình là chứng đạt quả vị giải thoát cao quý nhất như lời Đức Phật đã dạy. Trưởng lão Mahā Kassapa khuyên Ānanda nên đến tịnh tu trong một khu rừng ở địa phận Kosala, gần bộ tộc Mallā và Sākya.

Nhưng khi hay tin vị thị giả thân tín của Đức Phật đang ẩn cư nơi đây, các đệ tử cư sĩ nườm nượp đến viếng. Họ muốn được ngài Ānanda an ủi không chỉ vì sự ra đi của Đức Phật mà còn vì sự ra đi của ngài Sāriputta, ngài Moggallāna, và vị minh quân từ mẫn của họ, Vua Pasenadi. Bốn mất mát lớn lao đến với họ trong vòng một năm. Ngày cũng như đêm, trong thôn làng hay trong rừng, Ānanda bận rộn xoa dịu nỗi đau khổ của họ và không thể độc cư tu tập.

Do lo lắng cho thành quả tiến tu của Ānanda, một vị trời cư trú trong khu rừng ấy xuất hiện trước Trưởng lão và nhắc nhở (SN 9:5): 

Ngài đã quyết lựa chọn
Ngồi dưới cội cây rừng,
Tâm quy đặt Niết bàn.
Vậy này Gotama,
Thiền định, đừng chểnh mảng!
Náo động này ích chi?

Được vị trời cảnh giác, ngài Ānanda xúc động và cảm nhận lại sự khẩn thiết của việc tu tập.

Trong lúc đó, ngài Mahā Kassappa quyết định triệu tập một hội đồng gồm các vị tỳ khưu trưởng lão để kết tập Phật ngôn – Giáo Pháp (Dhamma) và Giới Luật (Vinaya) – thành Kinh và Luật hầu bảo tồn Chánh Pháp, ngăn ngừa sự dính nhiễm, pha trộn bởi các giáo pháp và giới luật sai lệch.

Địa điểm được chọn cho Hội nghị Kết tập Kinh điển Thứ nhất này là hang động Sattapanni trên sườn đồi Vebhāra ở Rājagaha, dưới sự bảo trợ và che chở của Vua Ajātasattu. Hội nghị sẽ khai mạc vào đầu mùa an cư tới, ba tháng sau khi Thế Tôn nhập Niết bàn, và kéo dài hơn sáu tháng.

Trong năm trăm vị tỳ khưu tham dự, chỉ có ngài Ānanda chưa đạt quả vị a-la-hán. Dù vậy, sự hiện diện của Ānanda vô cùng trọng yếu cho hội nghị vì ngài có trí nhớ phi thường lại được trực tiếp nghe các pháp thoại Đức Phật đã giảng dạy trong suốt thời gian làm thị giả Đức Phật. Trưởng lão Ānanda được chọn giữ nhiệm vụ đọc tụng và trả lời các câu hỏi về phần Kinh (Sutta). Trưởng lão Upāli, từng được Đức Phật tán dương trước đại chúng về tinh thông giới luật, giữ nhiệm vụ đọc tụng và trả lời các câu hỏi về Luật (Vinaya). Trưởng lão Mahā Kassapa chủ trì hội nghị và đồng thời là vị vấn đạo sư.

Gần đến ngày Hội nghị, ngài Anuruddha đề nghị rằng Ānanda chỉ được tham dự sau khi đã diệt trừ những ô nhiễm cuối cùng ở trong tâm và chứng đắc thánh quả a-la-hán. Nêu lên điều kiện này, Anuruddha hiểu rõ rằng sức mạnh của một động lực như vậy sẽ kích động và thúc giục Ānanda mau đạt đến thánh quả cuối cùng.

Khi nghe điều kiện nghiêm khắc ấy, ngài Ānanda quyết tâm chuyên cần thiền tập, nỗ lực ráo riết để chứng đắc thánh quả giải thoát tối hậu, tức quả Hữu dư Niết bàn – Niết bàn mà vị a-la-hán chứng ngộ lúc sanh tiền vì vẫn còn ngũ uẩn. Hữu dư Niết bàn còn gọi là Phiền não Niết bàn (Kilesa Parinibbāna), có nghĩa là hoàn toàn diệt tận tham ái phiền não.

Trước ngày hội nghị khai mạc, ngài Ānanda hành thiền minh sát Tứ Niệm Xứ suốt đêm – tọa thiền rồi kinh hành, tọa thiền rồi kinh hành, tọa thiền rồi kinh hành, liên tục không ngừng nghỉ. Rạng sáng hôm sau, ngài muốn ngả lưng nằm nghỉ sau trọn một đêm nỗ lực hành thiền. Ngay khoảnh khắc đang nghiêng mình, hai chân vừa nhấc khỏi mặt đất nhưng đầu chưa chạm gối, ngài chứng đắc thánh quả a-la-hán. Kinh sách ghi lại rằng, Ānanda là vị duy nhất chứng đắc quả a-la-hán không đang trong những tư thế bình thường như nằm, ngồi, đứng hay đi.

Sáng hôm ấy, với kỳ vọng và tin tưởng rằng Ānanda sẽ thành đạt điều kiện tối hậu, chư thánh tăng a-la-hán đã dành riêng cho Trưởng lão một chỗ ngồi trong hang động Sattapanni. Không bao lâu sau khi các vị a-la-hán khác đã an tọa, Ānanda sử dụng thần thông bay qua không trung để vào hang động và ngồi xuống chỗ của mình. Thấy như vậy, Anuruddha và Kassapa biết Ānanda đã viên thành hạnh nguyện, liền hoan hỷ tán dương vị sư đệ và tuyên bố khai mạc hội nghị.

Trong phần đầu của hội nghị, sau khi Trưởng lão Upāli ôn tụng những giới luật mà Đức Phật đã thiết lập, Trưởng lão Kassapa đặt các câu hỏi chi tiết về chúng. Qua phần trả lời, Upāli nhắc lại địa điểm, thời gian, và nhân duyên của sự thiết lập từng giới luật.

Tiếp theo đó, Trưởng lão Ānanda ôn tụng những pháp thoại Đức Phật đã thuyết giảng. Rồi Trưởng lão Kassapa đặt các câu hỏi chi tiết về chúng. Theo đó, Ānanda trình bày địa điểm, thời gian, và nhân duyên đưa đến từng pháp thoại.

Chư vị trưởng lão hiện diện cùng góp phần trong việc bổ túc và làm sáng tỏ các chi tiết của cả hai phần Pháp và Luật. Kinh Tạng (Sutta Piṭaka) và Luật Tạng (Vinaya Piṭaka) đã được trùng tuyên tại kỳ Kết tập Kinh điển Thứ nhất này. Các kinh được phân thành bộ tùy theo sự dài ngắn của mỗi kinh, và cũng được xếp đặt theo đề tài và pháp số.

Riêng Vi Diệu Pháp, do vô cùng thâm sâu, vi diệu, và được truyền thừa bởi nhiều đạo sư khác nhau, nên chỉ có phần đại cương được ngài Ānanda ôn tụng như là một phần của Kinh Tạng. Vi Diệu Pháp được truyền tụng liên tục cho đến kỳ Kết tập Kinh điển Thứ tư thì “Giỏ” (Piṭaka) thứ ba của Tam Tạng Pāli là Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma Piṭaka) lần đầu tiên được chép bằng chữ viết trên lá bối.

Kinh và Luật được trùng tuyên xong, ngài Ānanda thuật lại những lời di chúc của Đức Phật.

Trưởng lão cho biết Thế Tôn có căn dặn rằng sau khi Ngài nhập diệt, chư tăng được phép hủy bỏ các giới học nhỏ nhặt và không trọng yếu, nếu muốn. Tuy nhiên, do Ānanda không hỏi Đức Phật nên không biết đó là các giới điều gì.

Vì không rõ ý Bổn Sư, chư trưởng lão không thống nhất được những gì nên hủy bỏ. Cuối cùng ngài Kassapa đề nghị và chư vị trưởng lão cũng đồng lòng rằng: “Nếu bây giờ Tăng già bắt đầu hủy bỏ hay thay đổi giới học, các hàng cư sĩ sẽ dị nghị, cho rằng Thế Tôn mới vừa nhập diệt mà các đệ tử tỳ khưu của Ngài đã dễ duôi, giới luật đã lỏng lẻo. Vì không biết điều răn nào là nhỏ nhặt và không trọng yếu, tốt nhất là đừng hủy bỏ gì cả. Như vậy chắc chắn không làm sai tôn ý của Bổn Sư.”

Sau khi hoàn tất phần kết tập Kinh và Luật, chư vị trưởng lão khiển trách Ānanda về các lỗi lầm Trưởng lão đã phạm và yêu cầu ngài nhận lỗi và sám hối.

Ngài Ānanda giải thích tường tận nguyên do của từng sự việc và nói rằng ngài không nghĩ mình đã phạm lỗi. Tuy nhiên, vì ý thức được những việc này xảy ra không hoàn toàn như kỳ vọng của Tăng chúng và vì lòng kính trọng chư trưởng lão, ngài Ānanda phục tùng phán quyết của chư vị và hoan hỷ sám hối. Hạnh nhẫn nhịn và tôn kính bậc trưởng thượng này quả thật đáng kính trọng vô cùng. Các lỗi lầm của Trưởng lão được nêu ra là:

  • Thứ nhất, Ānanda đã không hỏi Đức Phật những giới luật nào là nhỏ nhặt, có thể hủy bỏ được.
  • Thứ hai, có lần trong khi vá y tăng-già-lê cũ của Đức Phật, Ānanda đã giẫm chân lên y này. Nhưng Ānanda nói đó là do vô ý, và tâm ngài không bao giờ có chút mảy may bất kính với Đức Phật.
  • Thứ ba, trong lúc cử hành tang lễ của Đức Phật, Ānanda đã cho phép phụ nữ được đảnh lễ thi thể của Đức Phật trước. Trưởng lão trình bày rằng lúc ấy ngài làm như vậy chỉ vì muốn các tín nữ được trở về nhà sớm, trước khi trời sụp tối.
  • Thứ tư, Ānanda đã không thỉnh cầu Đức Phật khoan nhập Niết bàn và kéo dài thêm kiếp sống ở thế gian. Ānanda giải thích rằng lúc đó Trưởng lão đang bị Ma vương ám ảnh, che mờ tâm trí, chứ làm sao ngài có thể không muốn bày tỏ lên Bổn Sư nguyện vọng lớn lao này trong tâm khảm của mình.

Sau phần sám hối trước chư trưởng lão, ngài Ānanda thuật lại lời căn dặn cuối của Đức Thế Tôn ngay trước khi nhập diệt, đó là ấn định hình phạt nặng hơn cho sa môn Channa: hình phạt phạm-đàn. Trước khi xuất gia, Channa là người giữ ngựa cho Thái tử Siddattha. Ỷ mình từng thân cận với Thế Tôn trước kia, tỳ khưu Channa rất hung hăng, ngang bướng, cao ngạo và bất tuân giới luật của Tăng chúng.

Chư vị trưởng lão ủy nhiệm ngài Ānanda trực tiếp thông báo giáo lệnh này đến Channa. Trưởng lão vâng lời, dẫn một đoàn tỳ khưu đi đến Kosambī – nơi Channa đang cư trú – để thông báo cho Channa lời di huấn của Đức Phật và giải thích rằng với hình phạt phạm-đàn thì Tăng chúng xem như vị sa môn đã chết.

Khi nghe quyết định tẩy chay của Tăng chúng, Channa kinh sợ đến ngất xỉu. Khi hồi tỉnh, Channa vô cùng hổ thẹn vì lời căn dặn cuối cùng Bổn Sư để lại cho Giáo đoàn là giáo lệnh tuyên phạt ông. Niềm hối hận thúc đẩy Channa quyết tâm nỗ lực tu sửa, và trong một thời gian ngắn Channa chứng đắc quả a-la-hán.

Sau khi chứng ngộ, Channa đến đảnh lễ Ānanda và cầu xin Trưởng lão hủy bỏ hình phạt dành cho Channa. Ngài Ānanda nói rằng khi Channa tận diệt mọi tham ái ô nhiễm thì hình phạt này cũng đã tự động hết hiệu lực. Và như thế hình phạt này thật ra là hành động cuối cùng thể hiện lòng bi mẫn của Bổn Sư dành cho Channa, với ước mong vẫn chuyển hóa được và mang lại lợi ích và an vui cho người đệ tử lầm lạc này dù Ngài không còn tại thế nữa.

Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, Trưởng lão Mahā Kassapa, vị thánh tăng được kính trọng nhất trong hàng đại đệ tử Phật lúc bấy giờ, tiếp nhận trọng trách hướng dẫn Tăng già. Tuy nhiên, vai trò của Trưởng lão không phải là bậc để thiện tín nương tựa hay quy y như Đức Phật, cũng không phải là một giáo chủ. Uyên thâm trong đạo học, khổ hạnh trong nếp sống, và thuần thục trong thiền định, Mahā Kassapa là hiện thân của Giáo Pháp và biểu tượng Giới Luật, được đại chúng trọn lòng tín cẩn. Vai trò của Ngài, vì vậy, là gương sáng, là đầu tàu, là bậc trưởng thượng và có thẩm quyền nhất trong Tăng già. Ngài được xem là vị Tăng thống Phật giáo đầu tiên.

Sau Mahā Kassapa, Ānanda là vị đại đệ tử Phật thứ nhì nhận trọng trách hướng dẫn Tăng già. Ngài được đại chúng vô cùng kính trọng và quý mến. Lúc Thế Tôn nhập diệt, Ānanda đã hơn bốn mươi năm tuổi hạ, trong đó có hai mươi lăm năm làm thị giả phục vụ Đức Phật. Sau đó, ngài sống thêm bốn mươi năm nữa, là vị thánh tăng a-la-hán hết lòng phụng sự Đạo Pháp.

Đến năm một trăm hai mươi tuổi, ngài Ānanda biết rằng ngày mệnh chung đã gần kề. Từ Rājagaha, ngài khởi chuyến du hành cuối cùng về Vesāli, như Bổn Sư ngày xưa. Khi vua nước Magadha và các hoàng tử xứ Vesāli được tin Trưởng lão Ānanda sắp viên tịch, họ lập tức tìm đến đảnh lễ ngài lần cuối và xin ngài nhập Niết bàn trong địa phận của họ. Với bản tính hiếu hòa và từ mẫn, ngài Ānanda chọn một cách thức nhập diệt riêng để giữ hòa khí cho hai bên. Ngài sử dụng thần thông nâng thân thể mình lên không trung, rồi dùng hỏa đại [một trong tứ đại: đất, nước, gió, lửa] tự thiêu thân. Xá lợi của ngài được phân chia công bình để hai xứ cùng dựng tháp thờ.

Câu kệ sau được ngài Ānanda nói lên trong giờ phút cuối cùng trước khi nhập Niết bàn: 

Ta phụng sự Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
(Thag. 1050)

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app