ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (VI)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

SOṆĀ – NGƯỜI MẸ ĐÔNG CON

Soṇā, một phụ nữ nội trợ ở thành Sāvatthi, có đến mười đứa con. Bà luôn luôn bận rộn chuyện sanh đẻ, nuôi nấng, dạy dỗ, rồi lập gia đình cho con cái. Cả cuộc đời bà chỉ tập trung vào những đứa con, và vì vậy, người ta hay gọi bà là “Soṇā đông con”. Ở xã hội châu Á thời đó và ngay cả bây giờ, nhiều con như vậy cũng là chuyện bình thường.

Chồng Soṇā là một thiện tín của Đức Phật. Sau khi nghiêm trì giới học của cư sĩ nhiều năm, ông quyết định xuất gia, tu hành theo nếp sống sa môn phạm hạnh. Không dễ dàng cho Soṇā chấp nhận sự lựa chọn này, nhưng bà không bỏ phí thời gian để thương tiếc và ưu sầu mà quyết định tự mình sống một đời sống đạo hạnh hơn. Soṇā gọi các con đến, phân chia gia tài khá đồ sộ, và dặn các con chỉ cần chu cấp cho mình những thứ cần thiết cơ bản cho đời sống.

Thoạt tiên, mọi việc diễn ra tốt đẹp. Bà được chu cấp đầy đủ và có thời giờ thực hiện các sinh hoạt tín ngưỡng của mình. Nhưng không bao lâu, bà mẹ trở thành một gánh nặng cho con cái và dâu rể. Các con bà chưa bao giờ thật sự tán thành quyết định xuất gia tu hành của cha mình, và càng không cảm thông với sự mộ đạo của mẹ. Quả vậy, họ nghĩ rằng cha mẹ mình thật khờ dại nên mới từ bỏ các lạc thú thế gian đã có thể mua được bằng của cải tiền bạc. Trong cái nhìn của họ, cha mẹ họ là những kẻ cuồng tín đạo giáo, tâm thần bất ổn, nên chẳng bao lâu thái độ họ đối với bà từ kính trọng trở thành khinh miệt.

Họ không còn nghĩ nhớ gì đến ân nghĩa mẹ thâm sâu mà họ đã thọ nhận, từ tài sản mẹ vừa ban cho, đến bao nhiêu năm trường mẹ đã xả thân hy sinh để chăm sóc bảo bọc cho họ. Chỉ nghĩ đến những thuận lợi của riêng mình, họ xem mẹ già như một gánh nặng phiền phức. Như Đức Phật đã từng nói, người biết tri ân thật hiếm hoi ở trên đời như bậc thánh nhân hiếm hoi trong phàm trần (AN 3:112, 5:143, 195).

Sự ruồng rẫy của các con làm bà đau lòng hơn cả việc phải chia lìa với người chồng. Bà bắt đầu thấy rõ những đợt sóng đắng cay đang trào dâng ở đáy lòng, những lời trách móc và kết tội các con hòa trộn với nhau. Nhưng rồi bà cũng nhận ra rằng những gì tưởng là yêu thương vị tha và vô điều kiện của tình mẫu tử trong sạch, thật ra chỉ là lòng luyến ái vị kỷ cộng với tâm mong cầu được đền đáp. Bà đã dựa hoàn toàn vào các con, tin tưởng rằng các con sẽ báo hiếu mình lúc tuổi già để đáp trả những năm dài bà hy sinh chăm lo cho chúng, rằng mình sẽ được bù đắp bằng lòng biết ơn và được tham dự trong sinh hoạt đời sống riêng của chúng. Phải chăng bà đã từng xem các con như một công trình đầu tư, một bảo hiểm để chống chọi với nỗi lo sợ và cô đơn của tuổi già? Qua nhận thức đó, bà tỉ mỉ tra xét những động cơ thực sự của mình, và cuối cùng tìm ra được sự thật trong lời dạy của đấng Chánh Biến Tri phản ảnh trong tâm tư mình rằng: người phụ nữ không dựa vào của cải, quyền lực, và tài năng, mà chỉ dựa vào con cái; trong khi đó, bậc tu hành chỉ dựa vào phẩm hạnh của chính mình (AN 6:53).

Từ chiêm nghiệm này, bà quyết định xuất gia, xin vào tu tập cùng Ni chúng, để trau giồi phẩm hạnh và lòng yêu thương vị tha. Cuộc sống tại gia lúc này đối với bà thật u ám nặng nề, và bà hình dung đời sống xán lạn đẹp đẽ của một vị nữ tu. Và như thế, theo bước chồng, bà xuất gia, sống đời khất sĩ trong Ni chúng của Đức Thế Tôn.

Nhưng chỉ một thời gian sau, Soṇā nhận ra mình đã đem theo tình yêu vị kỷ vào nếp sống mới của mình. Bước vào đời xuất gia tu hành lúc tuổi đã già, bà có hàng tá thói quen đời thường và tư cách lập dị, gây nhiều trở ngại cho môi trường mới này. Bà quen hành xử theo lối riêng, trong lúc chư ni khác đã tùy thuận với giới luật chung. Do đó, bà biến mình thành mục tiêu cho nhiều người trẻ phê bình, sửa sai.

Soṇā nhanh chóng thấy rõ rằng các chứng đắc cao quý không dễ để đạt đến, và rằng đời sống trong Ni chúng chẳng phải thiên đường như bà đã tưởng tượng. Cũng như bà đã không tìm được sự an lành nơi gia đình với con cái, đời sống xuất gia tỳ khưu ni không mang lại cho bà bình yên trong tâm. Bà còn thấm thía hơn về những giới hạn của nữ giới. Không chỉ chán ngán thể lực yếu đuối của mình, bà còn ước ao có thêm các phẩm tính của nam giới. Bà cần biết những gì phải làm để có thể thực hiện sự thay đổi bà mong muốn. Bà chấp nhận sẽ phải hết sức cố gắng, nỗ lực, không chỉ vì tuổi đã cao nhưng còn vì xưa nay bà chỉ quen vun bồi phẩm hạnh nữ giới. Nam tính mà bà thiếu sót là nhiệt tâm tinh tấn và sự thận trọng – theo lý trí hơn theo tình cảm – trước khi hành động. Nhưng Soṇā không chùn lòng hay thất chí, cũng không nghĩ rằng con đường tu tập, vì vậy, mà quá khó khăn.

Với Soṇā, rõ ràng rằng bà sẽ phải tranh đấu dũng cảm với chính mình để chiến thắng bẩm tính ương ngạnh cố chấp và nhẹ dạ cả tin. Con đường duy nhất để vượt lên tất cả trở ngại này là phải kiên quyết thực tập chánh niệm và minh sát quán, gieo trồng và trưởng dưỡng hạt giống Giáo Pháp trong tâm. Chánh niệm để nhận biết biến động của tâm; minh sát quán để hiểu rõ bản chất của chúng; hạt giống Giáo Pháp là trí tuệ để sáng suốt và dũng mãnh đoạn trừ lậu hoặc, chấp thủ. Và như thế, bà quyết tâm quy phục vào con đường tu tập cao quý nhất.

Vì gia nhập Giáo đoàn lúc tuổi đã già nên Soṇā thực hành Giáo Pháp với tâm khẩn trương thúc giục. Bà có thể thức trọn đêm để thực tập thiền tọa và thiền hành, ngủ nghỉ rất ít. Để tránh phân tâm, bà thiền hành vào ban đêm, trong bóng tối ở cuối hành lang. Bà dò dẫm từng bước chân bằng cách bám vào các cột trụ, như thế sẽ khỏi bị vấp ngã hay va vào các vật không thấy được. Nhờ vậy mà nhiệt tâm tinh tấn của bà nhanh chóng phát triển tới đỉnh điểm.

Chứng đắc thánh quả a-la-hán của Soṇā xảy ra không có một nhân duyên đặc biệt nào báo trước, trong khoảng thời gian tất cả tỳ khưu ni đều ra ngoài, để lại một mình bà trong ni viện. Bà thuật lại sự kiện này qua các câu kệ trong Kinh Apadāna:

Các ni hữu rời tu viện
Để tôi ở lại một mình.
Họ dặn tôi đổ nước vào
Một chảo to để đun sôi.

Sau khi đã đi lấy nước,
Tôi đổ nước vào chảo to,
Đặt lên bếp, và ngồi xuống.
Rồi tâm trở nên định tĩnh.

Tôi thấy ngũ uẩn là vô thường,
Là khổ, bất toại, và vô ngã.
Tẩy trừ mọi ô nhiễm trong tâm,
Ngay lúc ấy tôi đắc a-la-hán.
(Ap. ii, 3:6, vv. 234-36)

Khi các tỳ khưu ni trở về hỏi đến nước nóng, Soṇā vẫn chưa nấu sôi. Rồi dùng thần lực chú tâm vào yếu tố lửa, thánh ni Soṇā nhanh chóng đun sôi chảo nước và dâng chư ni. Chư ni trình sự kiện này lên Đức Phật. Ngài hoan hỷ và thốt bài kệ tán dương quả vị giải thoát cao quý nhất mà Soṇā vừa đạt được:

Dù sống một trăm năm
Nhác lười không chuyên cần,
Không bằng sống một ngày
Nhiệt tâm khởi tinh tấn.

Do phẩm hạnh trên, Đức Thế Tôn tán thán rằng trong hàng đệ tử tỳ khưu ni, đệ nhất tinh tấn là Soṇā (AN 1:14)

Trong Trưởng Lão Ni Kệ, Soṇā mô tả đời mình qua năm câu kệ:

Ta mang mười đứa con,
Trong thân mỏng manh này.
Rồi khi ta già yếu
Đến gặp một ni sư.

Ni sư thuyết ngũ uẩn,
Căn trần, và tứ đại.
Nghe được lời Pháp Bảo,
Ta cắt tóc xuất gia.

Khi còn đang tu tập
Ta thanh tịnh thiên nhãn;
Giờ thấy được tiền kiếp,
Nơi nào ta đã sống.

Với nhất tâm, an trụ,
Định trong thiền vô tướng
Tức thời ta giải thoát,
Dứt chấp thủ, tịch tĩnh.

Thấu suốt ngũ uẩn thủ,
Chặt được tận gốc rễ.
Hỡi tuổi già khốn khổ:
Từ nay ta vô sanh.
(Thig. 102-106)

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app