ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (I)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

VISĀKHĀ – NỮ ĐẠI THÍ CHỦ CỦA ĐỨC PHẬT

Thuở nọ trong thành Bhaddiya xứ Aṅga có một phú gia tên Meṇḍaka. Trong một kiếp quá khứ, vào thời mọi người dân đều bị đói kém, ông đã phát tâm dâng cúng hết phần thực phẩm sau cùng của ông và gia đình đến cho một vị Phật Độc Giác. Do tấm lòng hy sinh tự phát và trong sạch đó mà kiếp này ông thọ nhận được nhiều phước quả siêu phàm như thực phẩm dự trữ trong nhà không bao giờ vơi cạn cho dù có tiêu thụ hay cho đi nhiều thế mấy, và hoa mầu thu hoạch trên đồng ruộng phì nhiêu của ông không bao giờ bị dứt đoạn.

Không chỉ một mình ông được hưởng phước báu siêu phàm này mà vợ, con, dâu, và người hầu, do cùng chung tạo công đức thù thắng ấy nên đều được thọ hưởng quả lành huyền diệu trong kiếp hiện tại. Cộng nghiệp cao quý này đã gieo duyên lành cho họ được sống gắn bó bên nhau liên tục trong nhiều đời kiếp. Con trai Dhanañjaya và con dâu Sumanādevi của ông có một đứa con gái tên Visākhā; đây cũng là một quả lành từ quá khứ. Trong một kiếp rất xa xưa, Visākhā đã từng phát nguyện dưới chân Đức Phật Padumuttara xin được thành đệ nhất nữ thí chủ của Đức Phật và Tăng chúng. Để thành tựu lời ước nguyện này, Visākhā đã phải thực hành vô số công hạnh với rất nhiều vị Phật quá khứ mới hoàn thiện đủ các ba la mật của một vị đại đệ tử. Vào kiếp này các công hạnh ấy đã hoàn thiện và đến ngày trổ quả.

Năm Visākhā lên bảy tuổi Đức Phật cùng chư tăng đến thành Bhaddiya. Nghe tin Đức Thế Tôn đến, Meṇḍaka bảo người cháu gái yêu quý:

“Đây là một ngày hoan hỷ vì Đức Tôn Sư đến ngay thành phố của chúng ta. Cháu hãy tụ tập hết tất cả hầu cận của cháu đến đảnh lễ Đức Phật.”

Visākhā làm y theo lời ông nội dạy và được Đức Thế Tôn thuyết pháp cho cả đại gia đình.

Cuối thời pháp, Visākhā và năm trăm người hầu cận, cùng ông bà nội, cha mẹ và người hầu của họ, đều đắc quả nhập lưu.

Vào thời đó, xứ Aṅga thuộc về vương quốc Magadha do vua Bimbisāra thuần thành cai trị. Khi vua Pasenadi xứ Kosala nghe tin có năm người được phước báu siêu phàm đang ở vương quốc lân cận, bèn thỉnh cầu vua Bimbisāra, là bạn và là anh rể mình, cho vời một trong năm người ấy sang xứ Kosala để quần thần Kosala được duyên lành chứng kiến trực tiếp tấm gương sáng của đức hạnh. Do đó con trai của Meṇḍaka, Dhanañjaya, cùng vợ con dọn về xứ Kosala, xây dựng một thành phố xinh đẹp là Sāketa, gần kinh thành Sāvatthi. Nơi đây Visākhā trưởng thành giữa một gia đình đạo hạnh, vô cùng kính ngưỡng Đức Phật và Tăng chúng của Ngài, thường xuyên thỉnh mời các vị đến nhà trai tăng và thuyết giảng Giáo Pháp cao thượng.

Tại Sāvatthi, kinh thành xứ Kosala, có một cư sĩ giàu có tên Migāra. Con trai ông là Puṇṇavaddhana vừa đến tuổi lập gia đình nhưng cương quyết chỉ thành hôn với người con gái nào có đầy đủ năm vẻ đẹp: tóc đẹp, thịt đẹp, răng đẹp, da đẹp và trẻ đẹp. Cha mẹ Puṇṇavaddhana mướn một đội bà-la-môn đi tìm cho con một thiếu nữ với năm vẻ đẹp ấy. Thế nhưng đã kiên trì đi khắp các thành phố trong xứ, họ vẫn không tìm được một thiếu nữ tuyệt sắc như thế. Trên đường trở về, khi đi ngang thành phố Sāketa, họ nhìn thấy Visākhā, bấy giờ đang độ mười lăm, mười sáu tuổi. Họ sửng sốt ngay trước vẻ đẹp toàn hảo của cô. Chỉ có một điểm họ chưa thấy được là hàm răng của cô. Do đó họ quyết định tới gợi chuyện với cô.

Lúc ấy Visākhā đang khoan thai cùng các tỳ nữ trên đường xuống sông tắm. Bất chợt một cơn giông lớn đổ ập xuống. Các tỳ nữ hấp tấp chạy tán loạn để tránh mưa, nhưng Visākhā vẫn ung dung tiếp tục bước đi với dáng điệu đoan trang và quý phái. Đoàn bà-la-môn đến gần và hỏi vì sao Visākhā không chạy đi trú mưa như các cô gái khác. Cô trả lời: “Cũng giống như một vị vua sẽ chẳng còn thể thống nếu hấp tấp chạy đi núp mưa như kẻ thường dân, một thiếu nữ con nhà gia giáo mà lại lật đật chạy tránh mưa thật chẳng nền nếp chút nào. Hơn nữa một cô gái chưa có gia đình như tôi phải biết tự bảo trọng, như phải nâng niu gìn giữ một món hàng để bán, để khỏi bị thương tích và trở thành gánh nặng cho gia đình.”

Nhóm bà-la-môn vô cùng khâm phục người thiếu nữ qua cuộc nói chuyện đến nỗi họ đi ngay đến nhà cha cô xin hỏi cưới cô cho con trai của chủ họ. Dhanañjaya chấp nhận lời cầu hôn, và ngay sau đó gia đình Migāra cùng con trai Puṇṇavaddhana đến thành Sāketa rước dâu. Nghe tin này, Vua Pasenadi và hoàng gia cũng tháp tùng.

Mọi người cùng hoan hỷ dự tiệc cưới thật tưng bừng ở nhà cô dâu. Đồng thời, các thợ kim hoàn ráo riết làm vô số nữ trang quý giá cho cô dâu. Mãi ba tháng sau họ vẫn chưa hoàn tất các món trang sức, trong lúc đó thì phải tận dụng củi lửa để nấu nướng thức ăn cho bao nhiêu là thực khách. Trong hai tuần lễ, người nhà phải phá các căn nhà cũ để lấy củi nấu nướng. Vẫn chưa đủ. Dân thành Sāketa bèn lấy áo quần trong rương ra tẩm dầu để nhóm lửa nấu ăn. Sau thêm hai tuần nữa các món nữ trang mới làm xong, và đoàn rước dâu linh đình trọng thể quay trở về Sāvatthi.

Dhanañjaya cho con gái của hồi môn gồm hàng trăm xe chở đầy tơ lụa, vàng bạc và nhiều nô tỳ. Ông còn cho Visākhā một đoàn gia súc đông đến nỗi đường phố bị tắc nghẽn. Khi đoàn gia súc này rời chuồng, các con bò ở lại cắn đứt dây trói để được nhập theo đoàn bò sắp đi xa. Dân chúng từ mười bốn làng thuộc về Dhanañjaya cũng muốn theo chân Visākhā về nhà mới, chứng tỏ mọi người yêu mến cô biết chừng nào! Bao nhiêu của cải và tùy tùng mà cô thọ nhận là bấy nhiêu công đức phụng sự Tam Bảo mà cô đã làm qua nhiều đời nhiều kiếp.

Khi giã từ gia đình, Visākhā đã được thân phụ truyền cho mười điều khuyên răn theo lối ẩn dụ, nhắc nhở cô phải luôn luôn hành hạnh bố thí, cúng dường ở mức độ cao cả nhất. Ông cũng cử tám người cố vấn trung tín theo dõi cẩn mật bất cứ lời phàn nàn nào về con gái của mình. Mười châm ngôn cho Visākhā như sau:

1. Đừng đem lửa trong nhà ra ngoài.
2. Đừng đem lửa bên ngoài vào nhà.
3. Chỉ cho những người cho.
4. Đừng cho những người không cho.
5. Cho cả hai, những người cho và những người không cho.
6. Ngồi một cách an vui.
7. Ăn một cách an vui.
8. Ngủ một cách an vui.
9. Canh kỹ lửa củi.
10. Tôn trọng các vị trời trong nhà.

Mười châm ngôn trên bao hàm ý nghĩa như sau:

1. Người vợ không nên nói xấu cha mẹ chồng và chồng, cũng không nên đem chuyện khiếm khuyết hay tranh chấp trong nhà thuật lại với người khác.
2. Người vợ không nên nghe chuyện thị phi, bất thiện từ các nhà khác rồi về nhà kể lại.
3. Chỉ nên cho vay những người biết trả.
4. Không nên cho ai mượn vật gì nếu người ấy không chịu trả lại.
5. Giúp đỡ thân bằng quyến thuộc nghèo khó dù họ không thể đền trả.
6. Phải ý tứ khi ngồi; nếu thấy cha mẹ chồng hay chồng đến thì đứng dậy để tỏ lòng tôn kính chớ không nên ngồi yên.
7. Trước khi sớt thức ăn cho mình, phải để ý xem cha mẹ, chồng và gia nhân đã được sớt thức ăn chưa.
8. Trước khi ngủ, phải đi xem xét cửa nẻo, đồ đạc trong nhà có an toàn không, xem gia nhân đã chu toàn mọi việc chưa, xem cha mẹ chồng đã ngủ chưa. Thường người vợ phải dậy sớm trước người khác và, trừ khi không được khỏe, không nên ngủ vào ban ngày.
9. Cha mẹ chồng và chồng phải được xem như là lửa; phải cẩn thận khi dùng lửa thế nào thì cũng phải cẩn thận khi đối xử với họ như thế ấy.
10. Tôn trọng cha mẹ chồng và chồng như chư thiên.

Vào ngày Visākhā đến nhà chồng ở Sāvatthi, cô được dân chúng mọi thành phần đến tặng quà. Nhưng Visākhā thật là nhân từ và rộng rãi nên đã phân chia tất cả quà tặng cho lại họ, kèm với lời cảm ơn thật tử tế và nồng hậu. Cô đối đãi với họ cũng hết lòng giống như đối với người dân ở quê hương cô. Với hành vi cao đẹp ấy, cô đã thân thiết với mọi người dân ngay ngày đầu đặt chân về nhà chồng.

Có một biến cố trong đời Visākhā biểu lộ được lòng nhân hậu của cô ngay cả đối với súc vật. Khi nghe tin con ngựa thuần của cô sanh con vào nửa đêm, lập tức Visākhā cùng vài tỳ nữ đốt đuốc đi vào chuồng, chăm sóc cho ngựa mẹ bằng tất cả sự cẩn trọng và lòng quan tâm.

Người cha chồng, Migāra, là một tín đồ trung kiên của giáo phái ẩn sĩ lõa thể, không khi nào thỉnh Đức Phật đến nhà trai tăng, mặc dù Ngài thường ngụ tại một tu viện gần đó. Chỉ vài ngày sau đám cưới con trai, để tạo phước, ông mời một số đông ẩn sĩ lõa thể đến nhà dâng cúng rất trọng thể. Khi họ đến nhà, ông bảo cô dâu mới hãy đến xưng tán các vị a-la-hán.

Nghe đến chữ “a-la-hán”, Visākhā rất đỗi hân hoan nên vội vàng đi đến phòng khách, tưởng sẽ gặp được chư vị tỳ khưu đệ tử của Đức Phật. Nhưng cô chỉ thấy toàn các ẩn sĩ lõa lồ, thiếu hẳn phong cách trang nghiêm và khiêm tốn, cảnh tượng mà một thiếu phụ đoan trang không thể nào chịu đựng nổi. Cô phiền trách cha chồng rồi rút lui về phòng, không dự buổi trai tăng.

Nhóm ẩn sĩ lõa thể cảm thấy bị xúc phạm nên trách mắng vị phú gia đã đem một tín nữ của Sa môn Cồ Đàm về làm dâu. Họ đòi ông phải tống khứ cô ra khỏi nhà ngay, nhưng Migāra đã cố gắng hết sức để làm họ nguôi giận.

Ngày nọ, khi Migāra đang ăn một món cháo thật bổ dưỡng nấu bằng gạo trộn mật ong, đựng trong bát bằng vàng. Một thầy tỳ khưu đến trước nhà trì bình khất thực. Visākhā đang hầu quạt cha chồng nên đứng qua một bên cho ông thấy rõ vị sa môn mà phát tâm sớt bát. Nhưng Migāra giả vờ không thấy và vẫn tiếp tục ăn. Visākhā bèn nói với vị sa môn:

“Bạch ngài, xin hãy đến nơi khác hóa duyên. Cha chồng tôi đang ăn đồ cũ!”
Migāra rất giận dữ khi nghe những lời mà ông xem như sỉ nhục này, muốn đuổi cô ra khỏi nhà ngay, nhưng các gia nhân cô đem theo không chịu tuân theo lệnh này. Ông bèn mời tám vị cố vấn để phàn nàn về người con dâu.

Visākhā giải thích rằng tất cả những phước báu mà ta được thọ hưởng hôm nay đều là quả lành của những thiện nghiệp trong quá khứ, cũng như ăn thức ăn cũ mà thôi; không cúng dường chư tăng là không tạo nên công đức mới cho quả lành mai hậu. Nghe những lời này, các vị cố vấn kết luận rằng thái độ của cô không có gì sai quấy.

Sau sự việc này, Visākhā báo cho gia đình chồng biết cô muốn trở về nhà cha mẹ cô. Migāra mở lời xin lỗi, và Visākhā bằng lòng ở lại, với điều kiện là cô được phép thỉnh Đức Phật và chư tăng đến nhà thọ trai. Migāra miễn cưỡng chấp thuận nhưng, tuân theo lời dặn của nhóm ẩn sĩ lõa thể, ông không đích thân cúng dường chư tăng. Để giữ lễ độ, ông chỉ xuất hiện chốc lát khi vật thực được dâng cúng rồi rút lui, nấp sau một bức màn để nghe Đức Phật thuyết pháp.

Kỳ diệu thay! Những lời Đức Phật giảng dạy đã làm ông xúc động tận tâm can đến nỗi, dù ngồi khuất mắt, ông vẫn thâm nhập từng lời dạy về thực tánh của các pháp sanh khởi và hiện hữu, và ông chứng đắc quả nhập lưu. Tràn ngập lòng biết ơn, ông nói với Visākhā rằng từ đây ông kính trọng cô như mẹ và gọi cô là Migāra-mātā, có nghĩa là “Mẹ của Migāra” hay “Lộc Mẫu”. Rồi ông tiến đến Đức Thế Tôn, đê đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, và nguyện nương tựa nơi Tam Bảo. Visākhā thỉnh Đức Phật đến thọ trai ngày hôm sau, và vào dịp đó, mẹ chồng cô thính pháp và cũng đắc quả nhập lưu. Bắt đầu từ đó, toàn thể gia đình trở thành thiện tín thuần thành của Bậc Giác Ngộ và Giáo đoàn của Ngài.

Thời gian qua đi, Visākhā sanh hạ không dưới mười con trai và mười con gái. Tất cả người này đều có số con cháu cũng đông như vậy suốt bốn thế hệ. Visākhā hưởng thọ đến một trăm hai mươi tuổi, nhưng theo các chú giải thì suốt đời bà vẫn giữ vẹn dáng vẻ của một cô gái thanh xuân mười sáu tuổi. Đây là phước quả do công đức và niềm hoan hỷ hưởng thọ Giáo Pháp lúc nào cũng tràn ngập trong tâm bà.

Chú giải còn ghi rằng Visākhā có sức mạnh phi thường như sức voi, và có thể làm việc cật lực, không hề mệt mỏi, để chăm sóc cả đại gia đình. Bận bịu như thế nhưng bà vẫn tìm được thời giờ cúng dường chư tăng hằng ngày, viếng thăm các tịnh xá, và đảm bảo cho chư tăng ni luôn có đầy đủ tứ vật dụng: vật thực, y phục, chỗ ở, và thuốc men. Trên tất cả, bà còn tìm được thời giờ nghe đi nghe lại Giáo Pháp của Đức Thế Tôn. Do đó Đức Thế Tôn đã nói: “Visākhā đứng hàng đầu trong các nữ cư sĩ hộ trì Giáo đoàn của Như Lai” (AN 1:14).

Tạng Luật (Vin 4:161) đặc biệt ghi rõ sự kiện đó. Một hôm sau khi nghe thuyết pháp, bà để quên bộ nữ trang hôn lễ vô giá của bà và được Đại đức Ānanda cất giữ giùm. Bà cho sự sai sót vô ý đó là một nhắc nhở để bà tạo thiện nghiệp nên quyết định đem bán bộ nữ trang này để lấy tiền mua thực phẩm cúng dường chư tăng. Nhưng tất cả dân thành Sāvatthi không ai có khả năng mua nổi. Cuối cùng chính bà tự bỏ tiền ra mua lại. Với số tiền này, bà xây dựng một tịnh xá thật khang trang ở Đông Viên (Pubbārāma), trước cổng thành Sāvatthi. Một giảng đường lớn được dựng lên ở trung tâm tịnh xá mang tên là “Giảng Đường của Mẹ Migāra” hay “Giảng Đường Lộc Mẫu” (Migāramātupāsāda), thường được nhắc trong các bài kinh Phật. Đức Thế Tôn thường xuyên ngụ ở đó trong hai mươi năm cuối cùng, giống như Ngài hay ngụ tại tịnh xá Jetavana do vị đại thí chủ Anāthapiṇḍika dâng cúng.

Kinh điển Pāli ghi lại nhiều giai thoại về cuộc đời của Visākhā. Lần nọ, một số thân hữu của Visākhā nhờ bà đưa các phu nhân của họ đến viếng Đức Phật. Một vài phụ nữ trong nhóm đang say rượu và, vì vậy, thiếu sự đoan chánh trước mặt Đức Tôn Sư. Nhân dịp này Visākhā hỏi Ngài về nguồn gốc của chất say làm hư hoại giới hạnh của con người. Ngài bèn thuật chuyện tiền thân Kumbha (Jāt. 512) như sau:

Jātaka 512

Trong khu rừng nọ, một cây cổ thụ có lỗ lớn ở giữa thân chứa nước mưa. Trái chín thường rơi vào lỗ này. Chim chóc cũng hay mổ lúa thóc đến đậu trên cây để ăn. Trong lúc chim ăn, lúa gạo rơi xuống lỗ. Lâu ngày, phơi dưới nắng trời, nước này lên men và hóa thành rượu.

Ngày kia, một người thợ rừng tìm thấy thứ nước men này, nếm thử, và thấy lâng lâng sảng khoái. Lần này sang lần khác, ông quay lại uống để tiếp tục thưởng thức cảm giác đê mê này. Không bao lâu ông trở thành một kẻ nghiện rượu say sưa. Ông còn mời bằng hữu và thân quyến cùng uống với ông, và rồi cứ như thế họ chế tạo và buôn bán rượu, luân phiên truyền thói hư tật xấu cho người khác. Theo đà ấy, toàn dân nước Ấn Độ có thể đã nghiện rượu hết nếu không nhờ vua trời Sakka xuống can thiệp và giảng giải cho họ nghe về những ác quả kết thành do dùng các chất say.

Một lần khác, khi Visākhā gởi một số quà quý giá cho thân quyến ở quê nhà Aṅga, bà bị lính biên phòng đánh thuế rất nặng. Bà phẫn uất thưa việc này lên nhà vua, nhưng vua chưa giải quyết vì bận việc triều chính. Visākhā tìm đến Đức Thế Tôn thỉnh cầu lời khuyên dạy. Đức Tôn Sư chỉ đọc vài câu kệ ngắn nhưng đã hóa giải được phiền não và tức giận của bà:

Đau khổ là để tâm bị khuất phục;
Hạnh phúc là làm chủ được tâm ta;
Người rối rắm trong sầu lo thường tình,
Ràng buộc ấy không dễ gì vượt thoát.
(Ud. 2:9)

Lại một lần khác, Dattā, đứa cháu yêu quý của Visākhā, thường giúp đỡ bà trong việc cúng dường trai tăng, đột ngột qua đời. Visākhā đau lòng vô cùng. Vào lúc giữa trưa, dưới nắng mặt trời như thiêu đốt, Visākhā tìm đến Đức Thế Tôn và kể cho Ngài nghe nỗi buồn khổ của mình. Đức Phật hỏi bà:

“Này Visākhā, bà có muốn số con và cháu của bà nhiều như dân chúng thành Sāvatthi không?”

“Bạch Thế Tôn, con muốn chứ.”

“Này Visākhā, vậy mỗi ngày có bao nhiêu người chết ở Sāvatthi?”

“Ồ, bạch Thế Tôn, ở Sāvatthi ngày nào cũng có mười hay chín người, năm hay ba người, hay hai người, ít nhất thì cũng một người chết. Sāvatthi không bao giờ thoát khỏi sự chết chóc.”

“Nếu thế thì có lúc nào bà sẽ không phải chịu đau khổ?”

“Bạch Ngài, thật thể được, con sẽ phải sống trong đau khổ mỗi ngày.”
Đức Tôn Sư hiền từ giảng giải cho Visākhā:

“Này Visākhā, những ai có một trăm người thân yêu có một trăm đau khổ. Những ai có chín mươi người thân yêu có chín mươi đau khổ… Những ai có một người thân yêu có một đau khổ. Nhưng những ai không có người thân yêu không có đau khổ. Như Lai nói rằng những người ấy thoát khỏi đau khổ, thoát khỏi ưu phiền, thoát khỏi tuyệt vọng.”
Ngài dạy tiếp:

“Có đối tượng để dính mắc thương yêu là có đau khổ khởi sanh. Vì thế, những ai không có đối tượng để dính mắc thương yêu ở bất cứ nơi nào trên thế gian, những người ấy có sự an lạc, không còn đau khổ. Do đó, ai ước nguyện không còn đau khổ, không còn ô nhiễm, thì không nên tạo tác đối tượng để dính mắc thương yêu ở bất cứ nơi nào trên thế gian” (Ud.8:8).

Tăng Chi Bộ Kinh có ghi ba bài pháp của Đức Phật thuyết theo thỉnh cầu, trực tiếp hay gián tiếp, của Visākhā.

Vào một ngày rằm, Visākhā đến tịnh xá Đông Viên và đảnh lễ Đức Thế Tôn. Visākhā thưa rằng hôm nay bà hành trì lễ Uposatha (Bố tát), và dành trọn tâm ý để tu học Giáo Pháp. Trước lời thỉnh pháp thầm lặng này, Đức Tôn Sư ban một thời pháp dài (AN 3:70) về hai phương pháp sai và một phương pháp đúng để hành trì lễ Uposatha. Uposatha của người thế tục là, trong ngày thọ giới, sống cả ngày hôm nay với tâm mơ tưởng, dính mắc vào những hưởng thụ cho ngày mai. Uposatha của các đạo sĩ ngoại đạo là, trong ngày thọ giới, chỉ rải tâm từ đến một số chúng sanh nào đó mà thôi và khoe khoang về hạnh ly dục, ly tham của mình một cách không chân thật. Uposatha chân chánh của bậc phạm hạnh là, trong ngày thọ giới, nghiêm giữ Tám giới, quán tưởng ân đức Tam Bảo, và quán tưởng giới hạnh thanh tịnh của chư thiên và của chính mình. Đức Phật so sánh vinh quang của một người trị vì mười sáu quốc độ lớn không bằng một phần mười sáu hạnh phúc cao thượng của một ngày Uposatha chân chánh. Rồi Ngài nói về tuổi thọ và hạnh phúc của chư thiên ở các cõi trời và kết luận: “Nhỏ nhoi thay là vinh quang của loài người so sánh với hạnh phúc của chư thiên.”

Trong một lần thỉnh pháp khác, Visākhā hỏi Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, nhờ thành tựu bao nhiêu thiện pháp, một nữ nhân khi thân hoại mạng chung được hóa sanh vào hàng thiên nữ có sắc đẹp khả ái và quyền lực như ý (manāpakāyikā devā)?” Đức Thế Tôn giảng giải tám pháp lành để thành tựu phước quả ấy (AN 8:47):

1. Luôn luôn yêu thương và hòa nhã với chồng vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì lòng từ mẫn cho người ấy;
2. Kính trọng, chăm sóc, cúng dường những ai chồng mình kính mến – như cha mẹ chồng và những bậc thiện trí mà chồng tôn thờ;
3. Thiện xảo, siêng năng, và thận trọng khi quán xuyến công việc nhà;
4. Biết rõ năng lực của những người hầu để giám sát và trông nom hữu hiệu, cạnh đó biết quan tâm đến sức khỏe và thực phẩm của họ;
5. Gìn giữ tài sản của chồng và không làm thất thoát của cải của chồng;
6. Quy y và nương tựa Tam Bảo;
7. Thọ trì Ngũ giới;
8. Hoan hỷ trong hạnh bố thí và đức tánh xả bỏ.

Và câu hỏi thứ ba của Visākhā là do những đức hạnh nào mà một nữ nhân thành đạt trong đời này và đời sau. Đức Thế Tôn trả lời rằng: Một nữ nhân thành đạt trong đời này bằng khả năng quán xuyến công việc nhà, quan tâm đến người hầu, thương kính chồng, và gìn giữ tài sản của chồng. Một nữ nhân thành đạt trong đời sau do đức tin, giới hạnh, bố thí, và trí tuệ (AN 8:49).

Việc ban hành một số giới luật của Tăng già có liên hệ đến Visākhā. Chẳng hạn một người cháu của bà phát nguyện xuất gia, sống đời phạm hạnh, nên thỉnh cầu chư tỳ khưu ở Sāvatthi cho phép cậu gia nhập Tăng chúng. Tuy nhiên, việc này xảy ra vào mùa mưa, và trong ba tháng nhập hạ thì chư tăng có lệ không ban giới sa di. Vì vậy cậu phải chờ đến khi mãn hạ. Nhưng khi mùa mưa đã qua thì cậu nhụt chí, không còn ý muốn xuất gia tu hành nữa. Khi biết việc này, Visākhā thưa với Đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, đạo pháp không chịu giới hạn của thời gian. Không có một lúc nào mà Giáo Pháp không thể được truyền thừa.” Nhân dịp này, Đức Phật thiết lập điều luật rằng thỉnh nguyện xuất gia thọ giới không được từ chối trong mùa an cư kiết hạ (Vin.1:153).

Một lần nọ, khi Đức Thế Tôn và chư tăng được Visākhā thỉnh đến nhà thọ trai, bà yêu cầu Ngài ban cho bà tám ân huệ (Vin. 1:290-294). Đức Phật nói Ngài không ban ân huệ. Visākhā liền thưa rằng bà không ao ước những điều đáng chê trách mà chỉ mong cầu những điều thiện lành, đó là được cúng dường Giáo đoàn theo tám cách:

1. Dâng y dùng cho mùa mưa;
2. Dâng thực phẩm cho chư tăng mới đến;
3. Dâng thực phẩm cho chư tăng sắp du hóa đường xa;
4. Dâng thuốc men cho chư tăng đau bệnh;
5. Dâng thực phẩm cho chư tăng đau bệnh;
6. Dâng thực phẩm cho chư tăng chăm sóc người bệnh;
7. Dâng cháo nếp lên chư tăng đều đặn mỗi sáng;
8. Dâng y cho chư ni khi phải tắm ở sông.

Đức Phật hỏi lý do đặc biệt nào khiến Visākhā yêu cầu các điều trên. Bà trả lời cặn kẽ như sau:

1. Chư tăng chỉ có tam y. Để giữ y khỏi bị hư hoại, một số vị tỳ khưu bị bắt buộc phải để nửa thân trần khi đi bộ dưới cơn mưa lớn. Vì vậy chư vị bị nhầm lẫn là các ẩn sĩ lõa thể. Do đó bà muốn dâng y đi mưa (lễ dâng y nhập hạ Vassa);
2. Các vị tỳ khưu mới đến thành Sāvatthi chưa thuộc đường sá nên rất khó nhận được vật thực cúng dường đúng ngọ, và họ còn phải đi bộ khất thực dù rất mệt nhọc sau cuộc hành trình. Do đó các vị cần được đưa đến nhà bà để dâng thức ăn đúng bữa, đúng thời;
3. Cũng với lý do tương tự với các vị tỳ khưu sắp đi xa, bà muốn được cúng dường thực phẩm đầy đủ, tươi tốt, và đúng thời;
4. Các vị tỳ khưu đau bệnh phải chịu nhiều khổ sở, và có thể mệnh chung nếu thiếu thực phẩm thích hợp. Do đó bà muốn dâng thức ăn cần thiết cho chư tăng đau bệnh;
5. Các vị tỳ khưu đau bệnh phải chịu nhiều khổ sở, và có thể mệnh chung nếu thiếu thuốc men thích hợp. Do đó bà muốn dâng thuốc men cần thiết cho chư tăng đau bệnh;
6. Một vị tỳ khưu chăm sóc người bệnh vẫn phải trì bình khất thực cho mình và cũng như cho vị tỳ khưu bị bệnh. Vì bận bịu, vị ấy dễ bị chậm trễ, và cả hai sư sẽ không thể ăn kịp giờ ngọ. Do đó bà xin được dâng thức ăn cho các sư chăm sóc người bệnh;
7. Bà đã được nghe về nhiều lợi ích của việc thọ dụng cháo nếp vào lúc sáng sớm. Do đó bà xin được dâng cúng cháo nếp đều đặn cho buổi điểm tâm;
8. Chư ni cũng chỉ có tam y. Thật không thích ứng khi chư ni phải tắm sông mà không có y che thân, và điều đó vừa mới xảy ra. Do đó bà xin được dâng cúng chư ni y che khi tắm sông.

Sau khi Visākhā trình bày cặn kẽ về mặt lợi tha của các công đức trên, Đức Thế Tôn hỏi bà có mong cầu gì về mặt tự lợi cho tâm linh do các thiện nghiệp này không? Câu trả lời của bà tỏ rõ sự tinh tế và thâm sâu do đã lãnh hội được sự khác biệt giữa quả lành lợi tha do thiện nghiệp và phước báu của sự rèn luyện tâm linh cho chính mình: 

“Bạch Đức Thế Tôn, theo thông lệ hàng năm, sau khi an cư nhập hạ, các tỳ khưu từ trú xứ khắp miền khác nhau sẽ tụ hội về Sāvatthi để đảnh lễ thăm viếng Ngài. Họ sẽ hỏi Thế Tôn: “Bạch Đức Tôn Sư, tỳ khưu tên… đã nhập diệt. Vị ấy đi về đâu? Tái sanh như thế nào?” Đức Thế Tôn sẽ nói vị ấy đạt quả vị nhập lưu, nhất lai, bất lai hay a-la-hán như thế nào. Rồi con sẽ đến hỏi các vị khách tăng ấy rằng: “Bạch quý ngài, vị tỳ khưu ấy đã có khi nào đến Sāvatthi không?” Nếu câu trả lời là có, con sẽ kết luận rằng chắc chắn vị sư ấy có dùng y đi mưa, hay có độ thực phẩm dâng cúng khi sư mới đến hay sắp đi xa, hoặc có nhận vật thực, thuốc men khi đau yếu, hoặc thực phẩm khi chăm sóc cho các sa môn ngã bệnh, hoặc có dùng cháo nếp buổi sáng.

“Khi quán tưởng lại những sự việc ấy, con sẽ vô cùng hoan hỷ. Khi hoan hỷ, con sẽ thấy hạnh phúc. Khi tâm con tràn đầy hạnh phúc, thân con sẽ được an định. Khi thân an định, hỷ lạc sẽ tràn dâng giúp tâm con an trụ. Điều ấy sẽ dẫn đến sự phát triển các khả năng tinh thần cũng như các năng lực tâm linh và các yếu tố giác ngộ trong con. Đó là các phước báu mà con thấy trước được cho bản thân khi con thỉnh cầu tám ân huệ từ Bổn Sư.”

Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác dạy:

“Lành thay, Visākhā, lành thay! Visākhā thỉnh cầu Như Lai chấp thuận tám ước nguyện này vì đã thấy trước được các lợi lạc. Như Lai cho phép Visākhā thực hiện tám điều này.”
Như vậy Visākhā, “Mẹ của Migāra”, một nữ thí chủ mẫu mực, đã huân tập được một đức tin trong sạch và bất thối chuyển nơi Tam Bảo, đã an trú chắc chắn vào dòng thánh với quả vị nhập lưu, sẽ tái sanh vào một kiếp sống đầy phước báu, và cuối cùng sẽ giải thoát mọi đau khổ trong vòng luân hồi.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app