ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VI: MA HA CA CHIÊN DIÊN

CÁC BÀI PHÁP KHÁC

Ngoài các pháp thoại diễn giải sâu rộng những lời dạy ngắn gọn của Đức Phật, Đại đức Mahākaccāna còn nhiều lần thuyết giảng Giáo Pháp, với tuệ quán của chính mình, cho thính chúng tỳ khưu nhằm hóa giải thắc mắc hoài nghi về đạo pháp của chư vị.

Một thí dụ được ghi lại trong Trung Bộ Kinh là Madhurā Sutta (MN 84). Lúc bấy giờ, Đại đức đang lưu trú ở Madhurā. Vua xứ này là Avantiputta đến viếng thăm ngài và hỏi tôn ý ngài về chủ trương của các bà-la-môn rằng: chỉ có giai cấp bà-la-môn là tối thượng, bạch chủng, thanh tịnh; ba giai cấp còn lại đều thấp hèn, hắc chủng, bất tịnh; chỉ có giai cấp bà-la-môn là con của Phạm thiên, thừa tự Phạm thiên.

Đại đức Mahākaccāna, mặc dù chính ngài thuộc dòng dõi bà-la-môn cũng thấy được đấy chỉ là điều giả định đầy ngạo mạn, trả lời rằng đó chỉ là lời nói suông, không căn cứ, và đưa ra các biện luận hùng hồn để giải thích:

1. Một người thuộc bất cứ giai cấp xã hội nào, khi có tiền của, đều có thể mướn người thuộc các giai cấp kia phục vụ cho mình; ngay cả một người hầu cận cũng có thể thuê một người bà-la-môn để sai sử.
2. Một người thuộc bất cứ giai cấp xã hội nào, khi phạm các bất thiện nghiệp, đều đọa khổ cảnh khi mệnh chung.
3. Một người thuộc bất cứ giai cấp xã hội nào, khi hành trì các thiện nghiệp, từ bỏ các bất thiện nghiệp, đều được tái sanh nhàn cảnh khi mệnh chung.
4. Một người thuộc bất cứ giai cấp xã hội nào, khi phạm tội, đều phải thọ hình phạt – bình đẳng trước pháp luật.
5. Một người thuộc bất cứ giai cấp xã hội nào, khi xuất gia, hành trì giới luật và sống phạm hạnh, đều được cung kính lễ bái, đều được gọi là bậc sa môn.

Sau mỗi lý lẽ được ngài Mahākaccāna trình bày, nhà vua hoan hỷ thốt lên: “Bốn giai cấp này đều đồng đẳng; không có sự khác biệt nào giữa các giai cấp.”

Cuối cuộc pháp đàm, Vua Avantiputta thưa với ngài:

“Con xin quy y Tôn sư Kaccāna, quy y Pháp, quy y Tăng.”

Nhưng ngài Mahākaccāna nói:

“Thưa đại vương, đừng quy y sư. Hãy đến quy y Đức Thế Tôn mà sư đã quy y.”

Khi vua hỏi Đức Thế Tôn, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác hiện trú ở đâu, vị trưởng lão cho biết Đức Thế Tôn đã nhập Niết bàn.

“Thưa Tôn sư Kaccāna,” vua thỉnh cầu, “vì nay Đức Thế Tôn đã nhập Niết bàn, con xin quy y Đức Thế Tôn đã nhập Niết bàn ấy, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn sư Kaccāna nhận con là đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến lúc mệnh chung, con nguyện trọn đời quy ngưỡng.”

Không phải lúc nào Trưởng lão Mahākaccāna cũng chuyển tải Giáo Pháp bằng ngôn từ mà còn bằng thân giáo im lặng. Một buổi chiều nọ, Đức Thế Tôn đang ngồi trong hương thất tại Kỳ Viên ở Sāvatthi. Ngài thấy Mahākaccāna kiết già tọa thiền gần đó, lưng thẳng, chánh niệm quán thân và an trụ trong định. Hiểu rõ ý nghĩa của thiền pháp này, Đức Thế Tôn thốt lên lời kệ cảm hứng tán thán vị đại đệ tử: 

Với ai luôn chánh niệm
Liên tục an trụ thân:
“Nếu trước không hề có,
Thì nay không, với ta;
Sẽ không hề có được,
Thì sẽ không, với ta,”
Tuần tự quán như vậy
Đúng thời sẽ vượt thoát
Mọi tham ái ràng buộc.
(Ud. 7:8)

Chú giải Udāna (Kinh Phật Tự Thuyết) của bài kinh này giải thích rằng trong lúc nỗ lực hành thiền để chứng đạt quả vị a-la-hán, thoạt tiên Mahākaccāna chú tâm đặt chánh niệm trên đối tượng thân. Từ đó, ngài phát triển các tầng định, rồi từ định (jhāna) chuyển sang thiền minh sát (vipassanā), và với tuệ giác sanh khởi từ pháp thiền quán này mà lần lượt chứng đạt các thánh đạo và thánh quả, và cuối cùng thành tựu quả a-la-hán. Giải thích về quá trình chứng đắc a-la-hán này mâu thuẫn với sự kiện “đột nhiên giác ngộ” được ghi lại trong chú giải Tăng Chi Bộ Kinh (xem phần Kaccāna Quy Y Giáo Pháp ở trên), nhưng có phần thực tế hơn.

Hai câu mà Đức Thế Tôn nói trong bài kệ cảm hứng để giải thích thiền án, theo chú giải, chỉ về sự rỗng không (suññatā) hay không có tự ngã: không có “ta” và “của ta” trong quá khứ và hiện tại (“Nếu trước không hề có, thì nay không, với ta”), và không có “ta” và “của ta” trong tương lai (Sẽ không hề có được, thì sẽ không, với ta”).

 

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app