ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT – CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT (III)

ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VII: NHỮNG VỊ NỮ ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

KHEMĀ – THÁNH NI ĐẠI TRÍ TUỆ

Như Đức Phật đã chọn hai vị trưởng đệ tử Sāriputta và Moggallāna cho Tăng chúng, Ngài cũng chỉ định hai vị đệ tử tỳ khưu ni đệ nhất cho Ni chúng: Khemā tối thắng về trí tuệ và Uppalavaṇṇā tối thắng về thần thông (AN 1:14). Đức Thế Tôn đề cao hai vị này như tấm gương mẫu mực để hàng nữ sa môn có thể tự đánh giá và phấn đấu đạt mục đích tu tập (SN 17:24).

Từ “Khemā” có nghĩa là an toàn, thái hòa, và đồng nghĩa với Nibbāna. Tỳ khưu ni Khemā xuất thân từ một gia đình hoàng tộc ở vương quốc Magadha. Cô có nhan sắc cực kỳ diễm lệ và thanh tú, và là một trong những vương phi được sủng ái nhất của Hoàng đế Bimbisāra.

Vua Bimbisāra vốn là một vị đại thí chủ của Đức Phật và đã đạt quả vị nhập lưu. Vua dâng cúng tịnh xá Trúc Lâm đến Tăng già và luôn luôn chu đáo quan tâm chăm sóc chư tăng. Thế nhưng, dù thường được nghe nhà vua nhắc về Đức Thế Tôn, Khemā vẫn từ chối đến viếng thăm Ngài. Do luôn kiêu mạn về nhan sắc của mình, Khemā lo sợ Đức Phật sẽ nêu ra những sự bất toàn trong sắc đẹp của cô, rồi thuyết giảng cho cô nghe về sự phù du của dục lạc thế gian mà bản thân cô vô cùng dính mắc. Dù biết vậy, nhà vua vẫn cố tìm cách thúc đẩy Khemā thính pháp. Vua thuê một đoàn ca nhạc đến hát cho Khemā nghe những bản nhạc ca ngợi phong cảnh tươi đẹp, thanh tịnh và hài hòa của tịnh xá Trúc Lâm. Vốn yêu thích vẻ đẹp của thiên nhiên, Khemā quyết định đến viếng Trúc Lâm.

Trang điểm phấn son, vàng ngọc, lụa là vô cùng lộng lẫy, Khemā đến viếng tịnh xá và tiến vào giảng đường nơi Đức Phật đang thuyết pháp. Ngài đọc được tâm của hoàng hậu, bèn dùng thần thông tạo ra hình ảnh một thiếu nữ tuyệt thế giai nhân đứng hầu quạt cạnh Ngài. Khemā bị mê hoặc ngay bởi sắc đẹp của mỹ nhân, nghĩ rằng: “Trước nay ta chưa hề thấy một người đẹp tuyệt sắc như vậy. Chính ta cũng không bì kịp một phần nhỏ nhan sắc yêu kiều ấy. Thì ra thiên hạ thật lầm lẫn khi nói rằng Sa môn Gotama hay xem thường sắc đẹp.”

Lúc ấy, Đức Phật biến hóa hình ảnh mỹ nhân này từ một thiếu nữ thanh xuân dần dần trở thành thiếu phụ trung niên, rồi thành một lão bà lưng còng, tóc bạc, răng rụng, da nhăn. Cuối cùng là một thân hình còm cõi yếu ớt ngã xuống đất, nằm bất động. Đến lúc đó, trước những hình tướng vô thường, dị biệt quá rõ ràng và nhanh chóng, Khemā nhận thức được vẻ hào nhoáng giả tạm của sắc đẹp bên ngoài và bản chất phù du của kiếp sống. Hoàng hậu tự nghĩ: “Làm sao một hình hài đẹp đẽ như vậy lại có thể tàn hoại mau chóng đến như thế? Thân xác ta rồi cũng chịu cảnh đó thôi.”

Đức Thế Tôn biết được tâm ý Khemā bèn thốt lên câu kệ: 

Hãy nhìn chiếc túi da
Bất tịnh cùng bệnh hoạn
Rữa nát và hôi thối;
Chỉ có kẻ thiểu trí
Mới mê đắm nó thôi.

Bài kệ vừa dứt, Khemā chứng đắc quả nhập lưu. Nhưng biết rõ căn cơ của Khemā, Đức Thế Tôn, tiếp tục giảng dạy và kết luận bằng một câu kệ khác:

Người đắm say dục vọng,
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa lưới dệt;
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ lạc thú, không màng.
(Dph. 347)

Khemā thâm nhập trọn vẹn diệu pháp, và ngay tức khắc, trong khi vẫn còn mang trên mình bộ trang phục xa hoa lộng lẫy của triều đình, bà chứng thánh quả a-la-hán cùng với các tuệ phân tích. Sau đó, với sự cho phép của chồng, Vua Bimbisāra, Khemā xuất gia và gia nhập Ni chúng.

Phàm nhân, khi nghe câu chuyện trên, chỉ thấy điều kỳ diệu xảy ra trong hiện tại. Nhưng Đức Phật, bậc Minh Hạnh Túc, đã thấy xa hơn và hiểu rằng người phụ nữ này không đạt quả vị giác ngộ cao nhất do may mắn hay phước báu. Sự đắc quả nhanh như ánh chớp đó chỉ có thể xảy ra cho những ai căn cơ đã chín muồi, hạt giống trí tuệ đã nẩy mầm, và đức hạnh đã viên mãn.

Trong nhiều đời kiếp, Khemā đã gieo trồng gốc rễ thiện pháp dưới thời chư Phật quá khứ. Do bà có căn cơ hướng về Chân Lý cao thượng nhất, Khemā luôn luôn có duyên lành được tái sanh ở bất cứ nơi nào có một vị Phật, người đem Chân Lý tối thượng đến cho chúng sanh, đang thị hiện. Tương truyền rằng cách đây hàng trăm đại kiếp, bà đã bán mái tóc đẹp của mình để lấy tiền cúng dường thực phẩm cho Đức Phật Padumuttara. Trong thời Đức Phật Vipassī, cách đây chín mươi mốt đại kiếp, Khemā đã từng là một giáo thọ tỳ khưu ni. Cũng tương truyền rằng, trong thời kỳ Giáo Pháp của ba vị Phật trước Đức Phật Gotama, Khemā là một nữ cư sĩ đã phát tâm hoan hỷ xây cất nhiều tu viện cho Tăng già.

Trong khi, vào thời hiện tiền của một vị Phật, đa số chúng sanh vẫn trôi lăn trong vòng luân hồi từ các cõi trời đến chốn địa ngục, Khemā luôn luôn cố gắng được tiếp cận với nguồn cội của trí tuệ. Còn trong những chu kỳ không có chư Phật, Khemā tái sanh cùng thời các vị Phật Độc Giác hoặc ở vùng lân cận với Bồ Tát, tiền thân của Đức Phật Gotama – Sākyamuni.

Kinh Bổn Sanh (Jāt. 354) có ghi một kiếp Khemā là vợ của Đức Bồ Tát. Ngài luôn luôn khuyến khích gia đình hòa thuận an vui của mình như sau:

Tùy thứ mình có, hãy năng bố thí;
Hành trì Bố tát, giữ giới trong sạch;
Quán tưởng sự chết, suy niệm sanh diệt.
Vì trong hoàn cảnh chúng sanh như ta,
Sống là bất định, chết là nhất định;
Mọi pháp hữu vi đều phải hoại diệt,
Nên hãy tinh cần tỉnh giác ngày đêm.

Một hôm, đứa con trai duy nhất của bà trong kiếp ấy đột ngột qua đời vì bị rắn độc cắn, nhưng bà vẫn giữ được tâm bình thản, không than khóc. Vua trời Đế Thích hiện xuống bên giàn hỏa, hỏi bà: “Thưa bà, người chết liên hệ thế nào với bà?” Bà trả lời: “Tôi mang nó mười tháng trong bào thai, cho nó bú sữa của tôi, dạy nó cử động chân tay và đi đứng. Thưa ngài, nó là đứa con trưởng thành của tôi đấy.” Đế Thích hỏi: “Thưa bà, do bản tính nam giới, một người cha không khóc là phải. Nhưng trái tim một người mẹ chắc chắn là mềm yếu. Thế sao bà không khóc?” Bà điềm tĩnh đọc hai kệ sau để trả lời:

Không mời mà người đến, không cầu người vội đi;
Trong đến đã có đi. Cớ chi phải sầu bi?
Không lời than khóc nào chạm đến tro người chết:
Thương tiếc mà làm chi? Người theo đường phải đi.
Lợi ích gì ở đây? Dù bỏ ăn, khóc lóc.
Khiến thân bằng quyến thuộc, ôi, càng đau buồn hơn.
Không lời than khóc nào chạm đến tro người chết:
Thương tiếc mà làm chi? Người theo đường phải đi.

Có một kiếp, Khemā là con dâu của Đức Bồ Tát (Jāt. 397). Trong một kiếp khác, Khemā là một vị hoàng hậu nhiều lần khao khát ước mong được nghe Giáo Pháp của Đức Bồ Tát, và quả nhiên đã nhận được lời thuyết giảng (Jāt. 501,502, 534).

Kinh Bổn Sanh còn ghi lại một kiếp Khemā là hoàng hậu, và quốc vương là Sāriputta. Người chồng này là một vị minh quân đức độ, hành trì mười giới hạnh của bậc hiền vương: bố thí, trì giới, xả bỏ, chân thật, từ bi, kham nhẫn, thân thiện, hiếu hòa, khiêm nhu, và có công tâm. Do những phẩm hạnh này nhà vua sống an lành và hạnh phúc. Hoàng hậu, cũng vậy, hành trì các giới đức này (Jāt. 534).

Như thế, qua nhiều kiếp quá khứ Khemā đã thực hành Giáo Pháp thuần thục và tinh cần thanh lọc tâm ý, cho nên kiếp này căn cơ chín muồi. Vì vậy, khi gặp Đức Thế Tôn lần thứ nhất ở tịnh xá Trúc Lâm, chỉ trong chớp mắt Khemā chứng ngộ được sự thật tuyệt đối.

Thái độ của Khemā đối với dục lạc ngũ trần được thể hiện rõ nét qua cuộc đối thoại bằng thi kệ, ghi lại trong Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā), đoạn Khemā đánh lui sự cám dỗ của một người đàn ông quyến rũ. Theo chú giải, người đàn ông đó chính là Marā, Ma vương, đã ra sức cản trở cô trên đường thành tựu giác ngộ giải thoát – nhưng dĩ nhiên chỉ hoài công vì Khemā đã là một vị a-la-hán:

“Nàng trẻ và xinh đẹp thay,
Ta cũng sức sống thanh xuân.
Hãy đến cùng ta chung hưởng
Cung đàn ngũ khúc tuyệt vời.”

“Ta kinh tởm và chán chê
Thân hôi thối và ô uế,
Mỏng manh chứa đầy bệnh tật;
Ta đã nhổ sạch ái dục.

Dục lạc giờ như gươm nhọn,
Chặt xuống thớt dày ngũ uẩn.
Cái người gọi là khoái lạc
Với ta chẳng gì vui thú.

Lạc thú thảy đều hủy diệt,
Bóng tối vô minh xóa tan.
Hãy nghe đây, hỡi Ác ma,
Ngươi, Ma vương, đã đại bại.”
(Thig. 139-42)

Đức Phật ngợi khen Khemā là bậc đệ nhất trí tuệ trong các vị đệ tử tỳ khưu ni (etadaggaṁ mahāpaññanaṁ). Một cuộc pháp đàm ghi trong Tương Ưng Bộ Kinh (SN 44:1) chứng minh trí tuệ của Khemā đã ảnh hưởng sâu sắc đến vua Pasenadi đến thế nào. Một chiều nọ, vua vi hành đến một vùng quê ở Kosala. Với ước muốn được trao đổi về các vấn đề tâm linh, ngài sai người hầu đi tìm một đạo sĩ trí tuệ hay một vị bà-la-môn trong vùng. Người hầu không tìm được ai như ý vua ban truyền, nhưng được nghe về vị tỳ khưu ni đệ tử của Đức Phật đang cư trú trong vùng. Đó là thánh ni Khemā nổi tiếng khắp nơi về trí tuệ quảng bác, pháp học và pháp hành thâm sâu, và là một luận giả tài ba.

Khi đức vua đến gặp và tôn kính đảnh lễ Ni sư, ngài đưa ra bốn câu hỏi về trạng thái sau khi tịch diệt của một bậc Toàn Giác, đấng Như Lai, và được Ni sư trả lời như sau:

“Thưa Ni sư, một đấng Như Lai có tồn tại sau khi chết?”

“Tâu đại vương, Thế Tôn không có tuyên bố rằng Như Lai tồn tại sau khi chết.”

“Vậy thì, thưa Ni sư, một đấng Như Lai không tồn tại sau khi chết?”

“Tâu đại Vương, Thế Tôn cũng không tuyên bố như vậy.”

“Vậy thì, thưa Ni sư, một đấng Như Lai vừa tồn tại và vừa không tồn tại sau khi chết?”

“Ngay cả điều ấy, tâu đại vương, Thế Tôn cũng không tuyên bố.”

“Vậy thì, thưa Ni sư, một đấng Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết?”

“Điều ấy cũng vậy, Thế Tôn không tuyên bố.”

Và như vậy, Khemā đã trả lời rất chính xác tất cả những thắc mắc siêu hình này trong ý nghĩa: “Tất cả những gì sanh ra sẽ diệt đi, và không có tự ngã.” Chỉ khi nào từ bỏ, đoạn diệt được các pháp hữu vi này, ta mới có thể thật sự tìm được bờ bến an lành cao thượng. Do vậy Đức Thế Tôn dạy: “Những cánh cửa dẫn đến Bất tử luôn rộng mở. Những ai thính pháp sẽ có tín tâm.”

Sau khi nghe các câu trả lời của Ni sư Khemā, Vua Pasenadi hỏi:

“Thưa Ni sư, do nhân gì, duyên gì, Thế Tôn lại không tuyên bố những điều ấy?”

Để luận đàm cùng vua, Khemā minh họa quan điểm mình bằng một ẩn dụ. Ni sư hỏi nhà vua có một nhà toán học hay nhà thống kê thiện xảo nào có thể ước tính được cho vua số hạt cát dưới đáy sông Hằng, hay số lít nước trong lòng đại dương không. Vua trả lời điều này dĩ nhiên không thể có được vì cát sông Hằng vô lượng, không thể ước tính; và đại dương thâm sâu, vô lường, khó dò tận đáy được. Khemā nói bậc Toàn Giác cũng vậy. Bất cứ ai muốn định nghĩa về bậc Toàn Giác chỉ có thể làm như thế qua ngũ uẩn; nhưng những ai đã đạt giác ngộ thì đã đoạn tận, không còn sanh khởi, và không còn chấp thủ vào ngũ uẩn. “Đấng Như Lai đã giải thoát khỏi sự kết tụ của sắc, thọ, tưởng, hành, thức; Ngài thâm sâu, vô lường, vi diệu, không thể dò tận đáy, không thể nghĩ bàn, cũng tựa như cát sông Hằng, nước đại dương. Do vậy không thể chấp nhận khi nói rằng, sau khi nhập diệt, Như Lai tồn tại hay không tồn tại, hoặc vừa tồn tại và vừa không tồn tại, hoặc không tồn tại và cũng không không tồn tại.” Không một chế định nào có thể định nghĩa điều không thể định nghĩa theo suy nghĩ thế gian.

Nhà vua hoan hỷ thọ nhận lời giải thích thâm sâu của Ni sư Khemā. Sau đó, trong một lần đến viếng Đức Phật, vua cũng đưa ra bốn câu hỏi đó. Đức Tôn Sư đã trả lời tương tự như Khemā đã giải thích, cùng ý nghĩa, cùng văn ngôn. Vua kinh ngạc và thuật lại cuộc luận pháp với thánh ni Khemā, vị nữ đệ tử đệ nhất về trí tuệ.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app