VẤN ĐỀ CẦN SUY XÉT

Nghiên cứu cẩn thận bài Kinh Chuyển Pháp Luân, bắt đầu với “dveme, bhikkhave, antā pabbajitena na sevitabbā…” (Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo…) và kết thúc với những chữ “ayamantimā jāti, natthidāni punabbhavo” (đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa) cho chúng ta thấy rằng bài kinh đề cập đến đạo lộ Đức Thế Tôn đã bước đi, các pháp (dhamma) ngài đã khám phá ra và ngài đã khám phá ra chúng như thế nào. Mặc dù những chi tiết về việc thực hành đạo lộ được đề cập rất ít theo cách trực tiếp; chỉ có những dòng mở đầu “không nên đắm chìm trong hai cực đoan” truyền đạt một loại chỉ dẫn thực tiễn nào đó phải hành theo. Do đó vấn đề cần suy xét là các vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật đã đạt đến thắng trí thuộc thánh đạo và thánh quả như thế nào, bằng những pháp môn thực hành ra sao và họ đã đạt đến mục đích cuối cùng của họ theo cách nào. Vấn đề này chúng tôi sẽ giải thích như sau:

THẮNG TRÍ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI NGHE PHÁP

Trong những bài pháp do Đức Phật giảng dạy, dù không có những chỉ dẫn rõ ràng như “Hãy thực hành theo cách này; hãy ghi nhớ trong tâm theo cách nọ,” song những lời dạy của ngài phải được xem như chứa đựng những lời khuyến giáo và hướng dẫn thực tiễn về những gì cần phải hành theo, và những gì cần phải tránh. Theo các bậc cổ đức, “Mỗi lời của Đức Phật đều mang theo một huấn thị.” Để chứng minh, chúng ta hãy xét đoạn kinh:

Asevanā ca bālānaṃ

Paṇḍitanañca sevanā

Pujā ca pujaniyānaṃ

Etaṃmaṅgalamuttanaṃ

(Không thân cận kẻ ngu,

Gần gũi bậc hiền trí.

Kính lễ bậc đáng kính

Là phúc lành cao thượng.)

Bài kệ nằm trong Kinh Hạnh Phúc (Maṅgala Sutta) này chỉ kể ra ba điều hạnh phúc, đó là “Không thân cận kẻ ngu dốt, hãy gần gũi bậc hiền trí, kính lễ bậc đáng kính, đây là những hạnh phúc cao thượng.” Trong bài kệ này, không có sự khuyến giáo trực tiếp về những hạng người nào không nên gần gũi, những người nào nên thân cận và nên kính lễ những ai. Tuy nhiên, nó vẫn được xem như một sự khuyến giáo. Cũng vậy, chúng ta không tìm thấy bất kỳ một sự khuyến giáo, hay huấn từ trực tiếp nào trong Kinh Chuyển Pháp Luân. Đức Thế Tôn chỉ nói đơn giản, “Tránh xa hai pháp hành cực đoan, Như Lai đã khám phá ra Trung Đạo một cách sâu sắc.” Điều này phải được xem như muốn nói, “Giống như ta, các ngươi phải tránh hai cực đoan và đi theo pháp hành trung đạo.”

Khi nói “Trung đạo dẫn đến nhãn (sanh),…” thì đơn giản phải xem như, “Nếu các người tu tập theo trung đạo, nhãn cũng sẽ sanh khởi trong các người; thắng trí cũng sẽ đến với các người, các người sẽ có được những lợi ích cho đến khi chứng ngộ Niết Bàn.” Khi ngài kể ra bát thánh đạo, điều đó phải được xem như ngài đang đưa ra những chỉ dẫn nhằm thúc đẩy giới đạo (sīla magga), định đạo (samādhi magga), và tuệ đạo (paññā magga).

Kế tiếp, sự định nghĩa về khổ đế (dukkha saccā) phải được xem như những chỉ dẫn để người ta gắng sức hiểu khổ đế một cách toàn diện. Cũng vậy, cần phải hiểu rằng, những gì ngài dạy về tập đế (nhân sanh của khổ) cũng là một chỉ dẫn để loại trừ nó; còn diệt đế và đạo đế phải được xem như những chỉ dẫn để tu tập (đạo đế) và chứng ngộ (diệt đế) vậy.

Sau đó, khi ngài dạy về bốn sự thực trí (saccā ñāṇa), điều này phải được xem như ngài đang khuyến giáo rằng hãy nỗ lực để đạt đến bốn sự thực trí liên quan đến tứ đế; rồi khi ngài dạy về bốn phận sự trí (kicca ñāṇa)thì đó cũng là một chỉ dẫn để hiểu khổ đế bằng cách quán các hiện tượng vô thường, khổ, vô ngã. Điều này quả thực rất hiển nhiên. Khi Đức Phật mô tả nó là một pháp cần phải hiểu biết một cách đúng đắn và toàn diện (tuệ tri), rõ ràng điều ấy có nghĩa rằng một nỗ lực phải được thực hiện để thành tựu sự tuệ tri khổ đế. Khổ Đế đã được giải thích trước đây như bao gồm sanh là khổ,…chấp thủ năm uẩn là khổ, tự chúng thể hiện trong thân khi thấy, nghe,…Như vậy có thể hiểu rằng điều ấy có nghĩa là phải quán tính chất vô thường bằng cách ghi nhận mọi trường hợp thấy, nghe…

“Đạo đế là con đường phải được tu tập” muốn nói đến sự tu tập bằng cách ghi nhận từng hiện tượng thấy, nghe…Tương tự “tập đế phải được đoạn trừ” hàm ý ‘tham ái’ phải được dập tắt bằng cách quán khổ đế. “Diệt đế là pháp phải được chứng ngộ” muốn nói rằng sau khi đã tuệ tri khổ đế, qua việc quán và tu tập minh sát đạo (vipassanā magga), cuối cùng diệt đế sẽ được chứng ngộ.

Khi Đức Phật nói với mọi người rằng ngài đã tuệ tri những gì cần phải được tuệ tri bằng cách tu tập theo trung đạo hay bát thánh đạo như thế nào, thính chúng của ngài liền hiểu rằng họ cũng sẽ phải tuệ tri những gì cần phải tuệ tri bằng sự tu tập theo trung đạo như vậy. Điều này cũng giống như một người kể lại việc họ đã chữa lành chứng bệnh của mình bằng cách dùng một loại thuốc hiệu quả nào đó. Những người có cùng chứng bệnh sẽ hiểu ra rằng họ cũng có thể chữa lành chứng bệnh của họ bằng loại thuốc tương tự như vậy.

Thính chúng của Đức Phật thời đó gồm những người đã hoàn thành các ba-la-mật để đạt đến tri kiến cao thượng bằng cách nghe bài pháp đầu tiên của Đức Phật. Nói chung họ đã ở trong cái thế sẵn sàng hiểu được những gì ngài muốn nói. Do đó, có thể hiểu rằng (khi Đức Phật thuyết pháp) họ liền quán trên khổ đế ngay sát-na chúng xảy ra, tu tập minh sát trí (vipassanā ñāṇa) theo tuần tự, và cuối cùng chứng ngộ Niết Bàn bằng phương tiện bốn thánh đạo.

Chắc chắn, những người đang ngồi nghe hôm nay cũng vậy, nhờ quán trên khổ đế, bằng cách ghi nhận hiện tượng sanh và diệt, sẽ tuệ tri tứ đế đúng như chúng phải được tuệ tri và chứng đắc tri kiến cao thượng của thánh đạo và thánh quả.

Hiểu được bài pháp theo như cách tôi vừa giải thích, một trong những thính chúng có mặt khi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, Tôn-giả Kiều Trần Như (Koṇḍañna), đã ghi nhận được mọi hiện tượng nghe, biết, cảm giác thành kính và vui mừng, cảm giác hoan hỷ, sự xúc chạm, hay sự thấy… xuất hiện đối với vị ấy vào sát-na sanh, phát triển minh sát đạo và chứng đắc đao quả nhập lưu (sotāpatti). Vị ấy đã chứng ngộ đạo quả nhập lưu như thế nào sẽ là đề tài thảo luận của chúng tôi lát nữa đây.

Mười tám Koṭi (kô-ti)[1] Phạm Thiên cũng thành tựu sự chứng ngộ tương tự. Theo Kinh Mi-Tiên (Milinda Pāḷi), vô số chư thiên dục giới(kāmāvācara) cũng hành thiền theo cách này và đạt đến tri kiến cao thượng của thánh đạo và thánh quả. Do tất cả những chúng sanh này đã phát triển ba-la-mật đủ để tiếp nhận pháp và đạt đến tri kiến cao thượng và do Đức Phật đã bao quát hết tất cả pháp mà ngài sẽ giảng dạy, Đức Phật đã kết luận bài kinh bằng những từ như vừa trích dẫn ở trên. Các vị trùng tuyên kinh điển ở kỳ Kết Tập lần Thứ Nhất đã giữ lại sự giải thích về phần cuối của bài pháp này và cách nhóm năm vị Tỳ-kheo (Kiều Trần Như) được bài pháp làm cho hoan hỷ bằng những lời như sau:

NHỮNG LƯU GIỮ CỦA SANGHĀYANĀ TRONG CUỘC KẾT TẬP LẦN THỨ NHẤT

Idamavoca bhagavā. Attamanā pañcavaggiyā bhikkhū bhagavato bhāsitaṃabhinandunti.

(Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Chúng năm Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Đức Thế Tôn dạy.)

Các vị Trưởng Lão của cuộc Kết Tập lần Thứ Nhất cũng ghi lại cách Tôn-giả Kiều Trần Như đạt đến tri kiến cao thượng như vậy.

Imasmiñca pana veyyākaraṇasmiṃ bhaññamāne āyasamato koṇḍaññassa virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi – ‘‘ yaṃ kiñci samudayadhammaṃ, sabbaṃtaṃnirodhadhamma ’’ nti.

(Trong khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Kondanna đã khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế hay gọi cách khác là nhập lưu thánh đạo trí (sotāpatti magga ñāṇa), như sau: “Phàm pháp nào có bản chất sanh, pháp ấy cũng có bản chất diệt”.)

Điều đáng lưu ý ở đây là: Trong khi bài kinh này được  thuyết giảng hay vừa được thuyết giảng xong, pháp nhãn hay nhập lưu thánh đạo trí đã khởi lên cho Tôn Giả Kiều Trần Như. Nói tóm lại, kỳ Kết Tập lần Thứ Nhất cho rằng Tôn Giả Kiều Trần Như đã trở thành một bậc thánh nhập lưu nhờ chứng đắc đạo quả nhập lưu. Và điều này xảy ra khi nào? Ngài đã đắc nó trong lúc “Đức Thế Tôn đang giảng giải bài kinh.” Đây là cách dịch chính xác về thì (tense) theo văn phạm như đã được ghi lại trong kinh, đó là, bhanamāne, bhaniyamāne. Phụ chú giải Sāratta Dipānī chép lại đúng theo thì ấy. Tuy nhiên, chú giải Vô Ngại Giải Đạo lại thích dùng thì hoàn thành (perfect tense), tức thì quá khứ gần với thì hiện tại, bhanite, có nghĩa là ‘sau khi đã được Đức Thế Tôn đã giảng giải xong.’ Chúng tôi đã dịch theo cách tương tự, nghĩa là ‘khi bài kinh vừa được giảng giải xong’.

[1] 1 Koṭi=10 triệu, 18 kô-ti= mười tám triệu.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app