KHỔ ĐẾ (DUKKHA SACCA)

Idaṃ kho pana, bhikkhave, dukkhaṃ ariyasaccaṃ – jātipi dukkhā, jarāpi dukkhā, byādhipi dukkho, maraṇampi dukkhaṃ, appiyehi sampayogo dukkho, piyehi vippayogo dukkho, yampicchaṃ na labhati tampi dukkhaṃ – saṃkhittena pañcupādānakkhandhā [pañcupādānakkhandhāpi (pī. ka.)] dukkha[1]

Đoạn Kinh Pāḷi trên đưa ra sự định nghĩa và liệt kê về khổ đế. Câu ‘byādhipi dukkho’(bệnh là khổ) có vẻ xa lạ, không tìm thấy trong những định nghĩa Pāḷi về khổ đế cung cấp ở các bản kinh khác. Đồng thời, những từ “soka parideva dukkha domanassupāyasāpi” (sầu, bi, khổ, ưu, não) đi liền sau “maraṇampi dukkhaṃ” (chết là khổ) ở các bản kinh khác lại bị khuyết trong bản kinh Chuyển Pháp Luân hiện tại này. Rõ ràng có một sự bất đồng giữa Kinh Chuyển Pháp Luân và các bản kinh khác trên sự định nghĩa về khổ đế mà chúng ta cần phải xem xét.

XÉT LẠI SỰ KHÁC BIỆT

Sārattha Dīpanī, phụ chú giải của Tạng Luật (Vinaya) đã đưa ra những nhận xét có tính phê phán về sự khác biệt giữa những bản kinh đã nói ở trên như sau: câu “byādhipi dukkho” (bệnh là khổ) không xuất hiện trong phần định nghĩa chi tiết về khổ đế đưa ra trong bộ Phân Tích (Vibhanga) của Tạng Diệu Pháp. Vì thế cho nên Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) khi đưa ra định nghĩa toàn diện về khổ đế không bao gồm câu ‘bệnh là khổ’ mà vốn chỉ có trong Kinh Chuyển Pháp Luân, này vào đó. Một sự ngiên cứu cẩn thận cần phải được thực hiện liên quan đến lý do tại sao câu này chỉ xuất hiện trong Kinh Chuyển Pháp Luân mà không có trong bất kỳ bản kinh nào khác. Bộ này nói tiếp: “Lại nữa, trong định nghĩa về khổ đế của bộ Phân Tích thuộc Tạng Diệu Pháp, những chữ “soka parideva dukkha domanassupāyasāpin dukkha” (sầu, bi, khổ, ưu, nào là khổ) đi liền sau câu “maranami dukkha” (chết là khổ). Trong khi những chữ này không có trong Kinh Chuyển Pháp Luân. Tại sao lại như vậy cũng là điều cần xem xét một cách kỹ lưỡng.”

Tác giả của bộ phụ chú giải dường như không vui gì lắm đối với những định nghĩa khác nhau này trong các bản kinh. Do đó vị ấy đã khôngđưa ra bất kỳ sự bình luận nàovề những chữ ‘bệnh là khổ’mà vốn không có mặt trong các bản kinh khác và chú giải thì lại giữ thái độ im lặng. Chúng tôi đã chọn sự gợi ý mà tác giả của bộ phụ chú giải đề nghị để tiến hành một sự kiểm tra vào những khác biệt này và đã truy tìm lý do tại sao những khác biệt ấy xảy ra.

Chắc chắn Đức Phật không thể không đưa ra một sự định nghĩa nhất quán về khổ đế trong mọi bài pháp nói về đề tài ấy. Vì thế, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng các vị Trưởng Lão thọ trì Tạng Luật, những vị chuyên nghiên cứu về Tạng Luật, không tinh thông trong những vấn đề liên quan đến Tạng Kinh và Tạng Diệu Pháp, đã bỏ những chữ ‘soka parideva dukkha domanassupāyasāpin dukkha’ (sầu, bi, khổ, ưu, nào là khổ) và chèn những chữ ‘byādhipi dukkho’ (bệnh là khổ) vào bài Kinh Chuyển Pháp Luân trong Mahāvagga (Đại Phẩm) của Tạng Luật (Vinaya Piṭaka). Như vậy, bản Kinh Chuyển Pháp Luân của họ trong Tạng Luật khác với bản ở Tạng Kinh và Tạng Diệu Pháp.

Kết luận của chúng tôi được dựa trên sự suy xét rằng các bản chú giải về Kinh và Vi Diệu Pháp khi đưa ra những giải thích cho định nghĩa ngắn gọn của nó về Khổ Đế không cung cấp bất kỳ một chú thích nào về ‘Bệnh Là Khổ’ (byādhipi dukkho)mà chỉ chú thích cho ‘sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ’ (soka parideva dukkha domanassupāyasāpin dukkha), và trên sự kiện rằng các bản phụ chú giải cũng không đề cập đến những điểm khác nhau trong Kinh Tạng.

Tác giả của bộ phụ chú giải ‘Sārattha Dīpanī’ là một vị Trưởng Lão sống trong thời kỳ cai trị của đức Vua Prakama Bāhu, nghĩa là từ giữa năm 1153 và năm 1186. Tong khi các nhà chú giải và phụ chú giải từ Trưởng Lão Buddhaghosa đổ xuống đến Trưởng Lão Dhammapāla sống vào khoảng 1300 đến 1600 năm trước. Các vị cổ đức này đã viết những giải thích về Kinh Chuyển Pháp Luân, một bài kinh nằm trong Tương Ưng Sự Thực (Saccā Saṃyutta), của Tương Ưng Bộ Kinh, mà không đề cập gì đến sự khác biệt trong các bản Kinh. Sự im lặng của họ đơn giản là vì Kinh Chuyển Pháp Luân có mặt lúc đó (trong Tạng Luật) không khác với những bản kinh Pāḷi của Tạng Kinh và Tạng Diệu Pháp.

Tuy nhiên, lúc tác giả của bộ phụ chú giải Sārattha Dīpanī xuất hiện khoảng 500 năm sau đó, sự bất đồng đã nảy sanh giữa các bản kinh Pāli mà vị ấy là người phát hiện ra đúng lúc. Chính vì thế vị ấy đã mạnh mẽ thúc giục phải có một sự xem xét cấp bách và một sự điều tra cẩn thận về nguyên nhân có sự khác nhau giữa các bản kinh này.

Nếu chúng ta cho rằng ngay bài pháp đầu tiên Đức Phật đã đưa ra một sự định nghĩa về Khổ Đế khác với các bản kinh khác, điều đó sẽ có nghĩa là chúng ta chấp nhận quan niệm cho rằng Đức Phật bắt đầu với một định nghĩa về Khổ ở bài pháp đầu tiên, rồi sau đó thay đổi định nghĩa ấy ở một bản kinh khác. Loại quan niệm này sẽ là hoàn toàn không thích hợp. Một nghiên cứu thích đáng sẽ cho thấy rằng Đức Phật, người mà trí về các pháp không bị ngăn ngại, có đầy đủ với toàn giác trí (sabaññuta ñāṇa), từ đầu đến cuối đã đưa ra một sự định nghĩa nhất quán, tuy nhiên sau đó, các vị mang Tạng Luật (các vị Trưởng Lão thọ trì Tạng Luật), do sự hiểu biết và trí nhớ còn thiếu khuyết, đã khiến cho sự không nhất quán này lẻn vào các bản Kinh trong quá trình lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những trường hợp không nhất quán trong nguyên văn thời hiện đại này ai cũng biết. Các bản chú giải và phụ chú giải được thấy ở mỗi nước mỗi khác. Một điều hiển nhiên là những bất đồng như vậy không có mặt trong các bản kinh nguyên thuỷ, mà chỉ phát triển ở những giai đoạn sau đó mà thôi.

Sau khi nghiên cứu cẩn thận như đã trình bày ở trên, chúng tôi đi đến kết luận rằng các bản kinh khác là chính xác và rằng Kinh Chuyển Pháp Luân mà giờ đây trong một phạm vi nào đó, nhất là phần định nghĩa về Khổ Đế đã có những chữ phụ thêm vào, đó là chữ ‘Bệnh Là Khổ’ (byādhipi dukkho) trong khi những chữ “sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ” (soka parideva dukkha domanassupāyasāpin dukkha)lại bị bỏ khuyết. Kết luận của chúng tôi cũng dựa trên sự cân nhắc rằng chữ “bệnh” (byādhi: 病) được bao gồm trong chữ “Khổ” (dukkha) của câu “sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ” (soka parideva dukkha domanassupāyasāpin dukkha), trong khi “soka” (sầu)… không được bao quát bởi từ “bệnh” này.

Do đó chúng tôi tin rằng những bản kinh mang đoạn ‘sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ’ (soka parideva dukkha domanassupāyasāpin dukkha) không có những chữ ‘Bệnh Là Khổ’ (byādhipi dukkho) là chính xác và hợp với những lời dạy trong Kinh của Đức Phật. Sở dĩ chúng tôi thực hiện sự nghiên cứu tỷ mỉ về những bản kinh khác nhau trên là vì chúng tôi có ý định dùng bản kinh sau mà chúng tôi cho là chính xác hơn trong bài giảng pháp của chúng tôi vậy.

[1] Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka Sutta)

 

 

—————————–

Bài viết được trích từ Phần IV – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân, tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw

Link  Phần IV – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  tải sách ebook Phần IV – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  video Phần IV – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  audio Phần IV – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  thư mục ebook Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app