TRUNG ĐẠO – SỰ THỰC HÀNH VÀ LỢI ÍCH

Ete Kho, Bhikkhave, ubho ante anupagomma majjhimā paṭipadā

Tathāgatena abhisambuddhā —Cakkhukaranī, Ñāṇakaranī,

Upasamāya, abhiñāya, Sambodhāya, Nibbānāya Savattati.

Đức Thế Tôn tiếp tục: “Này các Tỳ-kheo, tránh hai cực đoan này, Như Lai đã đắc được trí thể nhập về Trung Đạo, tạo thành mắt, tạo thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”

Với những lời này, Đức Thế Tôn đã để cho Nhóm Năm Vị Tỳ Kheo biết rằng sau khi từ bỏ hai pháp hành cực đoan, ngài đã tìm thấy Trung Đaọ, và bằng con đường đó ngài đã tự mình đạt đến giác ngộ, có được nhãn, có được trí, có được sự an tịnh…

Trong suốt mười ba năm, từ mười sáu cho đến năm hai mươi chín tuổi, ngài đắm chìm trong các dục lạc, một con đường cực kỳ dễ duôi. Năm hai mươi chín tuổi, ngài từ bỏ lối sống dễ duôi ấy bằng cách xuất gia, xa lìa đời sống thế tục. Sau đó, trong sáu năm ngài thực hành những hình thức khổ hạnh cực đoan qua việc tự hành xác mình. Sau sáu năm luyện tập khắc khổ, ngài không có được chút tri kiến thù thắng nào, cũng không có được sự lợi ích nào từ việc tu tập ấy và nhận ra rằng mình đã đi sai đường.

Do đó, ngài từ bỏ những pháp hành khổ hạnh và ăn uống bình thường trở lại để củng cố thể lực cho việc chứng thiền qua những bài tập hơi thở mà ngài đã hành trước đây. Việc ăn uống trở lại của ngài là một hành động đã được suy xét kỹ với mục đích giúp cho ngài có đủ sức khoẻ thể thực hành những bài tập thiền hơi thở, vốn là một phần của Trung Đạo. Khi thức ăn được thọ dụng có tiết độ, và trong chánh niệm, nó không thể được xem như sự hưởng thụ dục lạc, cũng không phải là khổ hạnh, vì không có cái khổ do khước từ thức ăn. Vì vậy nó dứt khoát là Con Đường Trung Đạo, không liên hệ gì đến hai pháp hành cực đoan.

Khi đã phục hồi sức khoẻ nhờ ăn uống bình thường trở lại, Đức Thế Tôn đi vào thực hành và đắc bốn bậc thiền. Định của những bậc thiền này là dấu hiệu báo trước cho các Thánh Đạo (pubba bhāga magga), hay nền móng cho sự phát triển Thiền Minh Sát và như vậy tạo thành Chánh Định, một trong những bước của Trung Đạo hay Bát Thánh Đạo. Dựa trên nền móng Chánh Định, Đức Thế Tôn phát triển minh sát và Chánh Kiến với tâm tập trung toàn triệt. Bằng cách này ngài đã tự thân khám phá Bốn Thánh Đạo hay Bát Thánh Đạo, không qua khổ hạnh khắt khe cũng không qua sự thọ hưởng các dục lạc, mà bằng con đường Trung Đạo. Do đó ngài tuyên bố: “Này các Tỳ-kheo, tránh hai pháp hành cực đoan này, Như Lai có được trí thể nhập về Trung Đạo.” Qua lời tuyên bố trên ngài muốn nói rằng ngài có được trí thể nhập Trung Đạo vốn không quá dễ duôi và cũng không quá khắt khe, nhờ từ bỏ hai pháp hành sai lạc, đó là kāmasukhallika (hưởng thụ các dục lạc) được xem là quá dễ duôi, và attakilamatha (tự hành hạ thân xác) được xem là quá khổ hạnh.

Hai con đường cực đoan,

Là pháp hành sai lạc,

Chúng cần phải được tránh.

Trung Đạo là Chánh Đạo.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH HAI CỰC ĐOAN

Về năm dục trần — sắc, thanh, hương, vị và xúc, nếu những đối tượng ấy không xâm phạm vào việc giữ giới hay nếu chúng giúp ích cho việc thực hành Pháp, thì có thể hưởng thụ được. Ăn cần phải ăn bình thường, mặc cần phải mặc bình thường giúp cho việc thực hành pháp được dễ dàng, như vậy tránh được cực đoan khổ hạnh hay tự hành hạ thân xác.

Những nhu cầu cần thiết như thức ăn, y phục, thuốc trị bệnh, và nơi trú ngụ (cốc, liêu) phải được sử dụng kèm với sự quán tưởng hoặc thực hành thiền định, hay thiền minh sát. Tức là, mỗi lần xúc chạm với năm dục trần, cần phải ghi nhận chúng như những đối tượng của thiền minh sát. Nhờ áp dụng một sự quán tưởng hay ghi nhận những dục trần này như những đối tượng của minh sát, việc ăn, mặc…sẽ không phát triển thành sự hưởng thụ chúng với tâm thích thú, nhờ đó tránh được cực đoan khác, đó là đắm mê trong các dục lạc. Bởi thế, Đức Thế Tôn nói rằng “Nhờ tránh hai cực đoan này, Như Lai có được trí thể nhập Trung Đạo.”

 THUỐC GIẢI ĐỘC CHO THỨC ĂN KHÓ TIÊU HOÁ

Áp dụng sự quán tưởng hay hành thiền minh sát có nghĩa là phát triển niệm, định và tuệ, vốn là những bước trong Bát Thánh Đạo. Nó cũng giống như uống thuốc giải độc sau khi ăn trúng thức ăn không thích hợp và khó tiêu hoá vậy. Sau một cơn bạo bệnh, thời kỳ dưỡng bệnh cần phải thận trọng về chế độ ăn uống kiêng khem của mình. Bạn phải biết tránh những loại thức ăn không thích hợp, có thể làm tổn hại đến sức khoẻ. Nếu bạn không thể kháng lại sự cám dỗ khiến phải ăn loại thức ăn ấy, bạn phải uống thuốc tiêu liền để làm mất tác dụng cái hậu quả tai hại của thức ăn bạn đã ăn. Theo cách này, bạn có thể thoả mãn ước muốn của mình để ăn những gì bạn thích, và đồng thời tránh được những hậu quả xấu của việc ăn ấy.

Tương tự, nhờ quán những vật dụng mà chúng ta đang dùng hay ghi nhận nó như những đối tượng của thiền, chúng ta đã ngăn được việc thọ dụng chúng phát triển thành sự hưởng dục.

Mỗi lần thấy, nghe, xúc chạm, nhận thức, nếu người hành thiền ghi nhận và hiểu rõ bản chất vô thường, khổ và vô ngã trong mọi hiện tượng sanh và diệt, thì tham và sân đối với việc thấy, nghe, …ấy không thể phát triển nơi họ. Khi thọ dụng bốn món vật dụng cần yếu, như thức ăn, y phục, thuốc trị bệnh và chỗ ở (cốc, liêu…) cũng vậy, nếu người hành thiền cứ liên tục ghi nhận chúng, không phiền não nào có thể sanh đối với những vật dụng này.

Như vậy chúng ta có thể tận dụng những vật dụng cần yếu cho cuộc sống được thoải mái, mà vẫn tránh được sự phát triển của tâm ham thích đối với chúng qua việc thực hành sự quán tưởng và Thiền Minh Sát. Theo cách này, hai cực đoan đã được tránh, vì thực hành quán tưởng và thiền Minh Sát vào lúc thọ dụng thức ăn,… có nghĩa là thực hành Con Đường Trung Đạo.

Với sự thực hành theo Trung Đạo bằng cách liên tục ghi nhận mọi đối tượng xuất hiện tại sáu cửa giác quan, nhờ đó biết được bản chất thực của chúng này, tuệ nhãn sẽ sanh, con mắt của trí tuệ sẽ mở ra dẫn đến sự chứng đắc Niết-bàn. Đó là những lợi ích xuất phát từ việc hành theo Trung Đạo. Đức Phật tiếp tục giải thích: “Trung Đạo do Như Lai thể nhập tạo ra mắt (tác thành mắt), tạo ra trí (tác thành trí).”

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app