KHI ĐỨC PHẬT KHÔNG THỪA NHẬN SỰ GIÁC NGỘ

“Yāvakīvañca me, bhikkhave, imesu catūsu ariyasaccesu evaṃ tiparivaṭṭaṃdvādasākāraṃyathābhūtaṃñāṇadassanaṃna suvisuddhaṃ ahosi, neva tāvāhaṃ, bhikkhave, sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya ‘anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddho ’ ti paccaññāsiṃ [abhisambuddho paccaññāsiṃ(sī. syā. kaṃ.)].

(“Bao lâu, này các Tỳ-kheo, tri kiến về thực tại và tuệ giác liên quan đến tứ thánh đế trên ba phương diện và mười hai cách vẫn chưa rõ ràng nơi ta, chừng đó ta chưa thừa nhận rằng ta đã tự mình liễu tri, đã tự mình đạt đến, đã tự mình chứng ngộ một cách chân chánh Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, trong thế giới này với các hàng chư thiên, ma vương, phạm thiên, với quần chúng sa môn, bà la môn, vua chúa và con người của nó.”

(“Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-lamôn, chư Thiên và loài Người, Ta không chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác.” HT Minh Châu)

Sammāsambodhi (Chánh Đẳng Giác) là A-la-hán Thánh Đạo Trí (Arahatta Magga Ñāṇa), một loại trí chỉ có chư Phật mới đạt đến được. Chư Phật đạt đến A-la-hán thánh đạo trí này bằng trí tuệ trực giác với những nỗ lực tự thân không có bất kỳ sự chỉ dẫn nào từ người khác. Nhờ trí này, chư Phật biết mọi sự mọi việc một cách đúng đắn và hoàn hảo bởi vì nó khởi lên đồng thời với nhất thiết tri trí (sabaññutāñāṇa 一切知智). Do đó, A-la-hán thánh đạo của chư Phật được gọi là Sammāsambodhi (Chánh Đẳng Giác), sammā là chân chánh, saṃ là tự mình và bodhi có nghĩa là sự hiểu biết, sự hiểu biết chân chánh do tựmình biết. Đối với các vị Độc Giác Phật (Pacceka Buddha), A-la-hán thánh đạo trí của các vị chỉ được gọi là sambodhi, sự hiểu biết do tự mình biết, chứ không có sự phẩm định của sammā (chân chánh). A-la-hán thánh đạo trí của các vị đệ tử thì chỉ gọi là bodhi (giác hiểu), tức sự giác ngộ không có sự phẩm định của sammā và saṃ.

A-la-hán thánh đạo trí đã khởi lên đối với chư Phật và được các ngài tự mình biết một cách chân chánh, do đó gọi là Sammāsambodhi (Chánh Đẳng Giác). Sanh cùng với trí này là nhất thiết tri trí. Sau khi đã có được nhất thiết trí, Phật Quả vốn biết tất cả pháp cũng đạt đến. Do đó, chánh đẳng giác trí được xem như trí trách nhiệm cho sự chứng đắc Phật Quả. Vì vậy, trong đoạn kinh văn trên Đức Phật nói ngài vẫn chưa thừa nhận sự chứng đắc chánh đẳng giác trí làm phát sanh Phật Quả. Ngài đã từ chối thừa nhận Phật Quả này trong bao lâu? Kinh nói rằng ngài đã từ chối nó cho đến khi tri kiến về tứ đế trên ba phương diện gồm sự thực trí, phận sự trí, và dĩ tác trí cho mỗi đế, như đã giải thích ở trên, chưa được rõ ràng đối với ngài. Nếu xác định một giới hạn thời gian chắc chắn, có thể nói rằng sự thừa nhận đã được từ chối cho đến hừng đông ngày hôm sau ngày rằm tháng tư, ngay trước khi ngài đạt đến A-la-hánh thánh đạo.

Qua việc thông báo không thừa nhận Phật Quả cho đến lúc đó, ngài đã làm cho mọi người sáng tỏ rằng tuyên bố Phật Quả trong giai đoạn mà ngài còn đang thực hành các pháp khổ hạnh là điều không thể chấp nhận được.

Trong đoạn kinh văn trên, ba phương diện muốn nói đến sự thực trí, phận sự trí, và dĩ tác trí cho mỗi trong bốn đế. Còn mười hai cách có nghĩa là bốn lần ba trí hay tứ đế nhân với ba phương diện. A-la-hán thánh đạo trí cùng với mười hai trí, xuất hiện trước và sau nó, này là như thực trí (yathābhuta ñāṇa), trí thấy thực tại đúng như thực. Vì lẽ, bao lâu như thực trí này vẫn chưa rõ ràng đến ngài, Đức Thế Tôn vẫn từ chối thừa nhận ngài đã đạt đến Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddhi).

Câu hỏi có thể phát sanh là, “Sự từ chối thừa nhận này được tuyên bố giữa những ai?” Câu trả lời là, “Trong thế giới này.” Trong thế giới này, có những vị chư thiên quyền lực với trí tuệ sắc bén; và có những ma vương (māras) đối kháng với giáo pháp, cũng có những vị phạm thiên quyền lực hơn, trí tuệ hơn những chư thiên và ma-vương. Nếu sự chứng đắc Phật Quả được tuyên bố trước khi tri kiến về tứ đế phát sanh rõ ràng đến ngài, ngài sẽ khó lòng đưa ra những câu trả lời thoả mãn cho những câu hỏi, những chất vấn, những tranh luận mà các vị chư thiên, ma vương, và phạm thiên này nêu lên. Bỏ qua một bên những vị chư thiên và phạm thiên vốn không gần gũi với con người ấy ra, trong thế giới loài người, trên mặt đất này, có những sa-môn, bà-lamôn, và những vị vua được định danh là thiên tử cũng như hàng phàm nhân có trí. Cũng sẽ rất khó cho ngài để trả lời những chất vấn có tính cách thẩm tra và những câu hỏi mà họ đưa ra. Sống vào thời đó có những vị giáo chủ của các giáo phái khác như Purana Kassapa, người từng tuyên bố biết tất cả về quá khứ, hiện tại, và tương lai. Khi một người đa văn học rộng, có thể là sa-môn hay người thế tục, đưa ra một lời tuyên bố gì, các vị giáo chủ của họ sẽ tìm ra những bất cập trong lời tuyên bố của họ. Nếu Đức Phật tuyên bố Phật Quả trước khi thực sự chứng đắc chánh đẳng giác trí (sammāsambodhi ñāṇa), ngài cũng có thể phải đối diện với tình trạng khó xử tương tự.

Có lần, thậm chí Đức Phật đã phải đương đầu với đức Vua Pasenadi Kosala, dựa vào địa vị làm vua của mình, ông đã đưa Đức Phật vào cái thế phải tìm một sự thẩm xét. Ông hỏi “Thưa Sa-môn Gotama, có phải ngài tuyên bố đã tuệ tri, đã thành tựu, đã chứng đắc sự Giác Ngộ toàn hảo, vô song hay nói khác hơn đã chứng đắc Phật Quả không?” Thời ấy các vị giáo chủ như Purana Kassapa, v.v… thường đưa ra những lời tuyên bố mạnh bạo về Phật Quả trước công chúng, nhưng khi được đức Vua Pasenadi Kosala kiểm tra họ đã ấp úng trong lời tuyên bố của họ. “Trong khi các vị giáo chủ lão thành của các giáo phái khác do dự khi tuyên bố Phật Quả, thì ngài, thưa Sa-môn Gotama, ngài trẻ tuổi hơn, ít kinh nghiệm trong đời sống tâm linh hơn, có phải ngài thực sự thừa nhận rằng mình đã trở thành một vị Phật không? đức vua cứ khăng khăng những nghi vấn của mình bằng cách lập đi lập lại câu hỏi như vậy.

Đức Phật, là một vị Phật đích thực, đã đưa ra cho đức vua những câu trả lời thoả mãn. Hoàn toàn tin chắc vào những chứng đắc của ngài, vua Pasenadi Kosalaxin quy y Đức Phật, Giáo Pháp, và chư Tăng, và từ đó trở thành một vị đệ tử hộ pháp của Đức Phật. Do đã biết trước trong tâm những người như vậy sẽ thẩm tra và xét nét sự chứng đắc của ngài, Đức Phật nói, “Ta chưa tuyên bố giữa thế giới này với các hàng chư thiên, ma vương, phạm thiên, với quần chúng sa môn, bà la môn, vua chúa và con người của nó, rằng ta đã đạt đến Phật Quả.”

Với những lời này Đức Phật đã để cho người hiểu rằng bao lâu ngài chưa trở thành một vị Phật thực sự, chừng đó ngài sẽ không tuyên bố về nó. Nhưng khi đúng thời để tuyên bố Phật quả của mình, ngài sẽ tuyên bố. Và đây là cách ngài đưa ra lời tuyên bố.

 

—————————–

Bài viết được trích từ Phần VIII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân, tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw

Link  Phần VIII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  tải sách ebook Phần VIII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  video Phần VIII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  audio Phần VIII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  thư mục ebook Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app