ĐẠI KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN – BẮT ĐẦU TỪ BẤT KỲ BƯỚC NÀO THEO NHỮNG ĐỊNH NGHĨA CỦA KINH

Sau khi đã học và biết được những định nghĩa và mô tả về Sắc, Danh,… từ Abhidhamma (Vi-diệu-pháp), hành giả có thể bắt đầu từ sắc y đại sanh (upāda) thay vì từ những sắc căn bản (tứ đại). Hành giả cũng có thể bắt đầu với Danh trước khi quán Sắc. Hay bỏ qua một bên Danh và Sắc, hành giả có thể bắt đầu suy xét các Nhân và Quả theo Pháp Duyên Sanh hay quán hiện tượng sanh và diệt; hay quán các đặc tính vô thường, khổ và vô ngã?

Có số người nói rằng bắt đầu với trí phân biệt danh và sắc (nāmarūpapariccheda ñaṇa) là một tiến trình tu chậm (tiệm tu). Sẽ là nhanh hơn nếu bắt đầu với việc chánh niệm trên sự sanh và diệt liên tục của Danh và Sắc (udayabbhaya ñaṇa-trí quán sự sanh và diệt), và sự diệt của Danh Sắc (bhanga ñaṇa – trí quán sự diệt). Thậm chí họ còn nói họ thích pháp môn tu nhanh hơn.

Nhưng học hỏi Danh và Sắc với những định nghĩa và mô tả về chúng từ kinh điển rồi bắt đầu quán chúng, khởi sự từ bất cứ chỗ nào người ta thích, sẽ không làm phát sanh Tuệ minh sát đích thực. Vì vậy, sự sanh khởi của trí sau thù thắng hơn trí trước, hợp theo Lời Dạy của Đức Phật, không thể kinh nghiệm bằng cách này. Cũng giống như một học nhân cố gắng gia tăng khả năng nhớ những bài mà mình đã học bằng cách đọc đi đọc lại như một con vẹt như thế nào, thì ở đây người thực hành như thế cũng sẽ chỉ giúp họ nhớ được những định nghĩa và mô tả về Danh và Sắc mà thôi. Sẽ không có tuệ giác đặc biệt nào phát sanh từ sự thực hành như vậy.

Theo sự hiểu biết của chúng tôi, ở một trung tâm thiền nổi tiếng nọ, người ta đã cố gắng đi qua các giai đoạn minh sát trí khác nhau, chỉ bằng cách hành theo từng giai đoạn như họ đã học từ kinh điển. Sau khi đạt đến giai đoạn Hành Xả Trí (saṅkhārupekkha-ñāṇa), một loại trí có được do suy quán trên các hành của hiện hữu, đã gặp phải khó khăn khi họ đến các giai đoạn Thuận Thứ (Anuloma), Chuyển Tộc (Gotrabhū), và Thánh Đạo (Magga Ñāṇa)Thánh Quả Trí (Phala Ñāṇa). Vì thế họ phải quay trở lại từ đầu. Đây là một trường hợp cho thấy rằng không thể đắc chứng cácTuệ Minh Sát theo con đường tắt.

Nhờ hành thiền hợp theo Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna Sutta) và tu tập đúng Trung Đạo hay Bát Thánh Đạo, người ta chắc chắn sẽ kinh nghiệm được thắng trí mỗi lần mỗi cao hơn mỗi trí trước như Kinh Chuyển Pháp Luân nói: Nhãn sanh, trí sanh.

NHỮNG PHIỀN NÃO (KILESA) ĐƯỢC LẮNG YÊN

Trung Đạo cũng dẫn đến sự lắng yên, hay tịnh chỉ của các phiền não (kilesa). Nơi một người tu tập Bát Thánh Đạo, các phiền não luôn luôn lắng yên. Minh Sát Trí tạo ra sự lắng yên tạm thời của các phiền não, trong khi Thánh Đạo tạo ra một sự huỷ diệt hoàn toàn của chúng.

Đắm mê trong các dục lạc thì hoàn toàn không đưa đến sự diệt của phiền não. Đúng hơn, nó giúp cho các phiền não ngày càng phát triển nhiều hơn. Một khi người ta đã đầu hàng trước sự cám dỗ để hưởng thụ các dục lạc, họ sẽ không bao giờ ngừng lại được trước sự đòi hỏi hưởng thụ này. Có được một dục trần họ lại càng muốn có nhiều hơn. Vì vậy càng ngày họ càng phát triển thêm nhiều tham ái, không bao giờ dừng lại.

Bạn chỉ cần lấy những người giàu có ở các nước phát triển làm ví dụ. Họ có tất cả mọi thứ họ cần, song họ không bao giờ biết thoả mãn. Lòng tham muốn của họ không có chỗ tận cùng. Do đó, một điều hiển nhiên rằng pháp hành đắm mê các dục lạc không thúc đẩy sự diệt của các phiền não. Nó chỉ khiến cho chúng tăng trưởng thêm mà thôi.

Pháp hành khổ hạnh cũng vậy, không hướng tới sự chấm dứt của các phiền não. Những người thực hành theo phương pháp này có thể chấp giữ niềm tin rằng phơi mình ngoài trời cực lạnh, cực nóng, và nhịn ăn nghiêm ngặt sẽ đưa đến sự diệt trừ các phiền não. Thực sự, do hậu quả của những pháp hành cực đoan ấy, sức sống của họ đã bị giảm đi, trong khi các phiền não chỉ được kiểm soát một cách tạm thời. Khi lâm bạo bệnh hay phải chịu những chứng bệnh đau đớn, thể lực suy sụp, những phiền não giữ trong trạng thái ngủ ngầm. Nhưng sau cơn bệnh, khi đã lấy lại sức khoẻ bình thường, những tham muốn hưởng dục xuất hiện trở lại như cũ, và có khi còn mãnh liệt hơn trước.

Như vậy sau khi hết hành khổ hạnh, hay ngưng hành trong một thời gian, khi mà sinh lực phục hồi, các phiền não sẽ trở lại như trước. Ngay cả khi đang hành khổ hạnh, mặc dù những phiền não thô bị đè nén, những phiền não vi tế vẫn tiếp tục sanh, trong đó có cả ước muốn được sống thoải mái thoát khỏi những khó chịu và đau đớn của pháp hành (khổ hạnh). Và chắc chắn những phiền não tà kiến về tự ngã (ngã kiến): “Ta đang hành”, mạn kiến: “Không ai có thể hành được pháp hành này,” hoặc tà kiến tin rằng “pháp hành này sẽ đến giải thoát” cũng sẽ sanh.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app