SỰ THỰC TRÍ ĐỐI VỚI KHỔ ĐẾ

Ở phần VI chúng tôi đã đề cập đến Đạo Đế (Magga Saccā). Trong phần VII này chúng tôi sẽ tiếp tục xét đến sự thực trí (saccā ñāṇa), trí biết rằng đó là sự thực (đế); phận sự trí (kicca ñāṇa), tức trí biết rằng một phận sự liên quan đến sự thực hay đế này đã được thực hiện.

Idaṃdukkhaṃariyasaccanti me, bhikkhave, pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi.

“Đây là thánh đế về khổ hay đây là sự thực về khổ mà các bậc Thánh phải liễu tri. Như vậy này các Tỳ-kheo, đối với các pháp (ta) chưa từng được nghe trước đây, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta, minh đã sanh khởi nơi ta, quang đã sanh khởi nơi ta.”

Đây là cách trí biết rằng đó là sự thực (đế) phát sanh đối với khổ đế. Ở một phần trước, chúng tôi đã liệt kê khổ đế như sanh là khổ, già là khổ…rồi. Ở đây chúng tôi sẽ chỉ lập lại một ít để làm cho nó sáng tỏ hơn mà thôi. Chữ ‘Đây’ trong câu “Đây là khổ đế” muốn nói tới các loại khổ khác nhau bắt đầu với sanh (jāti) và chấm dứt với các thủ uẩn upādānakkhandhās). Mục quan trọng ở đây là “Thủ Uẩn” mà phần lớn mọi người đều hiểu như đã học từ kinh sách. Rất ít người hiểu được nó như một kinh nghiệm tự thân, và dĩ nhiên đây là điều chính yếu phải làm. Chúng tôi sẽ lượt qua điều này trở lại để chỉ ra cách làm thế nào để có thể hiểu được Thủ Uẩn như một kinh nghiệm tự thân.

Bất cứ cái gì trở nên nổi bật ở ngay sát-na thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, đều tạo thành thủ uẩn (upādānakkhandhās). Các bậc thánh chỉ thấy cái khổ đáng sợ trong những đối tượng này; trong khi phàm phu nhìn chúng theo cách khác. Phàm phu không xem chúng như sự thể hiện của phiền não và khổ, mà như khả lạc và tốt đẹp. Họ nghĩ đó là niềm vui khi được thấy những cảnh đẹp, nghe những tiếng nói ngọt ngào, ấn tượng, ngửi những mùi thơm, nếm những thức ăn ngon và thọ hưởng những cảm giác thú vị của sự xúc chạm… Những chúng sanh ở cõi dục xem cảm giác xúc chạm là điều thú vị nhất. Chìm đắm trong những hình ảnh tưởng tượng và mơ mộng cũng là một niềm vui đối với họ. Sẽ là một điều khủng khiếp đối với họ và là một sự mất mát lớn nếu mọi thứ kể cả những mơ mộng của họ đột ngột biến mất. Thực sự thì tất cả những gì được thấy, được nghe… ấy đều là các thủ uẩn (upādānakkhandhās), hay khổ đế. Thiền minh sát được thực hành nhằm làm cho người ta hiểu được sự thực của khổ này, bằng cách nhận thức rõ bản chất vô thường…đáng sợ và đích thực, do sự sanh và diệt không ngừng của chúng.

Đối với Đức Phật, sau khi hoàn thành viên mãn minh sát đạo, ngài đã thấy được sự tịnh lạc cao quý nhất, đó là Niết-Bàn, nhờ đắc A-la-hán thánh đạo trí (Arahatta magga ñāṇa). Và sau khi chứng ngộ Niết-Bàn, ngài thấy chỉ có khổ trong các thủ uẩn (upādānakkhandhās). Sự nhận thức này đã đến với ngài, không phải do nghe từ người khác, không phải do những pháp hành mà ngài đã học từ các vị đạo sĩ Āḷāra và Udaka. Điều này xảy ra nhờ kinh nghiệm trực tiếp của tự thân sau khi ngài đã phát triển Bát Thánh Đạo. Đó là lý do tại sao ngài tuyên bố: “Đối với các pháp chưa từng được nghe trước đây, nhãn đã khởi lên trong ta…”

Với những lời này ngài cũng tự xưng rằng mình quả thực đã trở thành một bậc Chánh Đẳng Giác (Sammā Sambudha), bậc đã tự mình đi tìm và thấy được chân lý nhờ sự tự chứng và trực giác trí, không do bất kỳ nguồn hướng dẫn hay chỉ dạy nào trợ giúp. Một lời tuyên bố công khai như vậy thực sự là cần thiết. Thời bấy giờ, những hình thức khổ hạnh như nhịn ăn…mà tín đồ của phái Ni-kiền-tử (Nigandas) thực hành, được người ta kính trọng như một pháp hành cao quý và thiêng liêng. Chính nhóm năm vị Kiều Trần Như trước đó cũng có ấn tượng cho rằng nó là như vậy. Chỉ khi Đức Phật tuyên bố công khai rằng “ngài đã phát hiện ra pháp hành và có được tri kiến này, không phải do nghe người khác, cũng không phải do suy đoán, hay suy luận, mà bằng sự tự chứng của ngài, bằng kinh nghiệm cá nhân và trực giác trí của ngài,” lúc đó những người nghe mới tin chắc là ngài đã đạt được sự giác ngộ tối cao, đã trở thành một vị Phật (bậc Giác Ngộ) đích thực.

Có được trực giác trí không cần sự trợ giúp bên ngoài là lĩnh vực độc nhất của chư Phật Chánh Đẳng Giác và Độc Giác. Các vị đệ tử Phật đạt đến giai đoạn giác ngộ và tri kiến như vậy là nhờ nghe những lời dạy của Đức Phật và trau dồi chúng qua pháp hành. Ngày nay cũng thế, nếu có nguyện vọng, người ta có thể đắc trực giác trí ấy bằng cách phát triển chúng qua pháp hành hợp theo những lời dạy của Đức Phật lưu giữ trong Kinh Điển như Kinh Đại Niệm Xứ … chẳng hạn. Như vậy, nhờ thực hành theo sự chỉ dẫn trong Kinh, các thủ uẩn sẽ được thấy đúng như thực, đó là, chỉ có khổ. Ngoài ra, lời tuyên bố của Đức Phật lúc ấy cũng có ý định khích lệ nhóm năm vị Kiều Trần Như ra sức nỗ lực để thấy được bản chất thực của các thủ uẩn.

Trong lời tuyên bố của Đức Phật vừa nói ở trên, sự phát triển của tri kiến siêu nhiên đã được mô tả như ‘nhãn đã khởi lên, trí đã khởi lên, tuệ đã khởi lên, minh đã khởi lên, ánh sáng đã khởi lên’, ở đây năm sự mô tả đã được đưa ra cho một hình thức tri kiến duy nhất. Chú giải Tương Ưng Kinh nói rằng: “nhãn, trí, tuệ,…là những từ đồng nghĩa và muốn nói đến cùng một sự việc, đó là tri kiến. Do khả năng thấy, nên tri kiến được gọi là nhãn; do khả năng biết, nên nó được gọi là trí; do khả năng biết theo phép phân tích trên nhiều phương diện hay nhiều cách khác nhau, nó được gọi là tuệ; do khả năng biết một cách thấu suốt, nên nó được gọi là minh; do khả năng toả ra ánh sáng, nên nó được gọi là quang.”

Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidā magga) giải thích những từ này giống như nhau. Từ cakkhu trong Pāḷi truyền đạt ý niệm thấy, vì thế mà gọi là nhãn. Những từ Pāḷi khác đã được dùng vì mục đích truyền đạt ý nghĩa hay khái niệm mong muốn cho những thính chúng khác nhau. Vì vậy, để mô tả tri kiến thấy một cách rõ ràng như thể với con mắt vật lý, nó được gọi là nhãn. Chú giải đưa ra một ví dụ để minh hoạ, một người kia bị mù nhiều năm, nay phục hồi thị lực nhờ dùng đúng thuốc hay nhờ một chuyên gia về mắt phẫu thuật. Trước khi điều trị, anh ta không thấy gì hết; bây giờ anh ta thấy mọi thứ một cách rõ ràng. Cũng vậy, trước khi người hành thiền phát triển được minh sát trí hay thánh đạo trí, người ấy vẫn ở dưới ảo tưởng cho rằng năm thủ uẩn, tiêu biểu cho sự khổ, là tốt đẹp và vừa ý. Nhưng khi, nhờ ghi nhận với chánh niệm liên tục vào lúc thấy, nghe,… minh sát trí trở nên mạnh mẽ, người hành thiền nhận thức một cách rõ ràng rằng các hiện tượng thấy, nghe, hay gọi cách khác là các thủ uẩn (upādānakkhandhās), thực sự là cái khổ đáng sợ do bản chất sanh diệt không ngừng của chúng. Điều này cũng giống như phục hồi được thị lực sau một thời gian bị mù. Với sự phát triển của thánh đạo trí (ariya magga ñāṇa), sự nhận thức của vị ấy về bản chất đích thực của khổ thậm chí sẽ nhạy bén hơn nữa. Như vậy, bởi vì nó thấy rõ như thể (thấy) bằng con mắt, tri kiến này được gọi là nhãn.

Liên quan đến ‘trí đã sanh khởi’ (ñāṇaṃudapādi); ñāṇa là một từ Pāḷi mang nghĩa biết. Còn về ‘tuệ đã sanh khởi’ (paññā udapādi), Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidā magga) nói rằng paññā là một từ Pāḷi mang nghĩa biết theo phép phân tích trên nhiều phương diện hay nhiều cách khác nhau. Đối với pháp hành minh sát, trong lúc đang ghi nhận phồng, xẹp,…danh và sắc được thấy tách rời nhau như sự chuyển động và tâm biết. Người không quen không thể kinh ngiệm được sự khác biệt này trong con người của họ.

Người hành thiền cũng có thể phân biệt được nhân và quả, đó là biết sự sanh mới khác với sự diệt của nó. Vị ấy biết rằng, do sự sanh và diệt không ngừng mà các uẩn (được xem) là vô thường, khổ; và chúng tự sanh, tự diệt, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai, nên chúng không có tự ngã, không có thực chất (vô ngã). Cái biết của vị ấy không phải là cái biết mơ hồ, lờ mờ, không rõ rệt, mà là một sự hiểu biết rõ rệt, xác định như nhìn một vật trong lòng bàn tay mình vậy. Sự hiểu biết như vậy được mô tả như cái biết theo phép phân tích trên nhiều phương diện khác nhau, hay cái biết của tuệ (paññā).

Trong ‘Vijjā udapādi’(minh đã sanh khởi), vijjā là một từ Pāḷi có nghĩa là sự thấu suốt (minh). Không nên lầm lẫn từ này với từ ‘vijjadhāra’chú thuật sư (咒術師), một người thành thạo trong các chú thuật (mantras), được mô tả trong các cuốn sách như người có khả năng bay qua hư không. Ở đây Vijjā không biểu thị một con người mà muốn nói tới khả năng thấu suốt, vì vậy gọi là minh.

Có thể nói minh là một trạng thái vi tế, khó hiểu. Ở đây, chúng tôi phải liên hệ lại một trường hợp đã xảy ra khá lâu. Trong một buổi luận pháp giữa chúng tôi với vị Sayādaw trưởng làng, chúng tôi có thông báo cho vị ấy biết rằng tuệ (paññā) đã sanh khởi trong lúc ghi nhận hiện tượng sanh và diệt vào sát-na sanh khởi của nó. Vị Sayādaw không chấp nhận loại nhận thức ấy là tuệ (paññā). Ngài cho rằng tuệ là cái thấu suốt; chỉ khi biết một cách thấu suốt mới gọi là tuệ (paññā). Khi chúng tôi hỏi cách làm thế nào để một người tạo ra ‘cái biết thấu suốt’, ngài ngập ngừng một lát, rồi nói, “À,biết một cách thấu suốt là biết một cách thấu suốt.”

“Biết một cách thấu suốt xuất phát từ chữ ‘paṭivedha’, một từ Pāḷi có nghĩa là thông đạt (通達). Nó hơi giống như ‘sambodhāya’ (chánh giác), như đã giải thích ở Phần Hai của cuốn sách này. Bị che lấp bởi một bức màn hay một bức tường, các vật đằng sau đó không thể thấy được. Nhưng khi chọc một cái lỗ trên bức màn hay mở một cánh cửa sổ trên bức tường, thì nhờ những khe hở này các vật trở nên rõ rệt để có thể thấy được. Cũng vậy, trí này chọc thủng qua bức màn vô minh (moha). Thoạt tiên, do vô minh che đậy, những gì được thấy, nghe,…không được thấy hay biết như vô thường, khổ, và vô ngã; người ta tin chúng là thường (nicca), lạc (sukha), và hữu ngã (atta). Đây là vô minh, và si mê. Khi minh sát trí (vipassanā ñāṇa)trở nên mạnh mẽ, tri kiến rõ ràng sanh khởi như thể bức màn vô minh đã bị chọc thủng. Sự nhận thức như vậy được gọi là biết một cách thấu suốt hay minh. Đức Thế Tôn đã tuyên bố rằng minh đã sanh khởi nơi ngài.

Về “quang đã sanh khởi” (aloko udapādi), theo Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidā magga), aloko hay quang chỉ là một từ được dùng để biểu thị sự thắp sáng, hay làm cho sáng lên. Ở đây, quang không chỉ có nghĩa là ánh sáng bình thường được thấy bằng con mắt. Nó muốn nói đến tri kiến biện biệt mọi hiện tượng một cách rõ ràng, minh bạch. Trước đây, bản chất thực của vô thường, khổ, vô ngã không được thấy và biết do chúng bị bóng tối che phủ. Khi minh sát trí (vipassanā ñāṇa)và thánh đạo trí (magga ñāṇa)phát triển, bản chất thực của chúng trở nên rõ ràng. Do đó sự nhận thức như vậy được mô tả như “quang sanh hay ánh sáng đã sanh khởi” theo phép ẩn dụ.

Từ một hình thức tri kiến phi thường đã được mô tả theo năm cách “nhãn, trí, tuệ, minh, và quang” như vậy là cốt để làm cho người nghe dễ hiểu hơn mà thôi. Có thể nói đây là lời dạy đã được trù định để đáp ứng những yêu cầu của người nghe. Nó cũng giống như đôi khi chúng ta phải dùng hai hay ba từ đồng nghĩa trong vị trí của một từ để cho thính chúng có thể nắm bắt được ý nghĩa của những gì chúng ta muốn nói vậy.

Những từ Pāḷi và ý nghĩa của chúng chúng tôi đã giải thích ở trên đều liên quan đến Sự Thực Trí (saccā ñāṇa). Như vậy, đến đây chúng tôi đã đề cập đầy đủ về Sự thực trí. Bây giờ chúng tôi sẽ tiếp tục nói đến nhiệm vụ của nó, vốn phải được hoàn thành liên quan đến khổ đế.

 

—————————–

Bài viết được trích từ Phần VII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân, tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw

Link  Phần VII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  tải sách ebook Phần VII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  video Phần VII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  audio Phần VII – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  thư mục ebook Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app