ĐẾN VƯỜN NAI (ISIPATANA)

Khi nhóm năm Tỳ-kheo (nhóm Kiều Trần Như)nhìn thấy Đức Thế Tôn từ đằng xa đang đi về phía họ, họ đã thoả thuận với nhau rằng, “Này các bạn, sa-môn Cồ Đàm đang đến đây, ông ta đã trở nên dễ duôi, từ bỏ sự phấn đấu và trở lại đời sống xa hoa; chúng ta đừng tỏ lòng tôn kính, cũng đừng chào hỏi và rước bát và y cho ông ta. Nhưng vì ông thuộc dòng dõi cao quý (thọ sanh cao quý), chúng ta sẽ chuẩn bị sẵn sàng chỗ ngồi cho ông ta. Nếu thích thì ông ấy sẽ ngồi.”

Nhưng khi Đức Thế Tôn đến gần, do hào quang rạng rỡ của ngài, họ tự thấy mình không thể nào giữ được sự thoả thuận giữa họ nữa. Một vị đi ra chào ngài và nhận lấy bát, vị thứ hai nhận y và vị thứ ba chuẩn bị chỗ ngồi cho ngài. Hai vị còn lại một vị mang nước rửa chân cho ngài trong khi vị kia sắp đặt ghế để chân. Tuy nhiên họ vẫn xem Đức Thế Tôn như ngang hàng với họ, gọi ngài bằng tên tộc Gotama và với cách xưng hô “hiền giả” thiếu tôn kính như trước. Đức Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn và nói với họ.

“Này các Tỳ-kheo, đừng gọi ta bằng tên tộc Gotama (Cồ Đàm) cũng đừng xưng hô với ta bằng hiền giả như vậy. Ta đã trở thành một Bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Ta đã hoàn thành sự Giác Ngộ Viên Mãn tối thượng giống như chư Phật thuở xưa. Hãy lóng tai, này các Tỳ-kheo, cửa Bất Tử đã mở, ta đã đạt đến trạng thái Bất Tử. Ta sẽ hướng dẫn cho các vị và dạy Pháp cho các vị. Nếu các vị thực hành đúng như ta chỉ dạy, không bao lâu, ngay trong kiếp sống này, bằng chính thắng trí của mình, các vịsẽ chứng ngộ và an trú trong A-la-hán Thánh Quả, Niết Bàn, mục tiêu tối thượng và cao quý nhất của đời Phạm Hạnh mà vì mục đích đó các thiện nam tử con nhà hiền lương từ bỏ đời sống gia chủ để sống đời không gia đình của người xuất gia.” Mặc dù với sự cam đoan chắc chắn như vậy, nhóm năm Tỳ-kheo cũng vẫn ngờ vực và vặn lại: “Này Hiền-giả Gotama, ngay cả với thói quen tiết chế và khổ hạnh nghiêm khắc mà trước đây bạn đã hành, bạn còn không thành tựu được điều gì vượt qua những chứng đắc xứng đáng của hàng phàm phu (bạn không thể vượt qua những giới hạn của con người ‘uttarimanussadhamma’), cũng chẳng đạt đến tri kiến thù thắng và trí tuệ của bậc Thánh, mà chỉ những vị (thánh) này mới có thể huỷ diệt các phiền não. Bây giờ bạn đã từ bỏ pháp hành khổ hạnh và đang hành vì lợi đắc cá nhân, bạn đã đạt đến sự xuất chúng và tri kiến thù thắng như thế nào?”

Đây là điều chúng ta cần phải suy xét. Năm vị Tỳkheo này trước đây là những nhà chiêm tinh của triều đình, ngay sau khi ngài chào đời, họ đã từng tin chắc và tiên đoán rằng ấu nhi Bồ-tát này nhất định sẽ đạt đến sự giác ngộ tối thượng. Nhưng khi đức Bồ-tát từ bỏ lối sống thiếu thốn (ăn ít, mặc ít) và khổ hạnh, họ nghĩ lầm rằng Phật Quả thế là xong không còn có thể đắc được nữa. Điều đó cũng hàm ý rằng họ không còn tin vào những lời tiên tri của chính họ. Bây giờ đây Đức Thế Tôn tuyên bố rõ rệt là ngài đã đạt đến Bất Tử, đã trở thành Bậc Chánh Đẳng Giác, họ ngờ vực vì họ vẫn giữ quan niệm sai lầm cho rằng khổ hạnh là con đường chính đáng đưa đến giác ngộ. Ngày nay cũng vậy, khi đã nuôi dưỡng một quan niệm sai lầm nào rồi, người ta chấp chặt vào nó và cho dù có chỉ ra cho họ thấy sự thực nhiều bao nhiêu cũng sẽ không lay động được họ và làm cho họ tin. Thậm chí họ còn chống lại những người đang cố gắng đưa họ về với chánh đạo và nói năng một cách bất kính, khinh miệt những người mong muốn điều tốt lành cho họ. Chúng ta nên tránh những lỗi ấy và đừng tự dối mình.

Với lòng đại bi và thương cảm đối với nhóm năm vị Tỳ-kheo Đức Thế Tôn đã nói với họ như vầy: “Này các Tỳkheo, Bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác giống như Đấng Như Lai thuở xưa không làm việc vì lợi lộc thế gian, không có sự từ bỏ sự phấn đấu, không rời bỏ chánh đạo đưa đến đoạn trừ phiền não; vị ấy không quay trở lại lối sống xa hoa”, và một lần nữa ngài tuyên bố rằng ngài đã trở thành một Bậc A-lahán Chánh Đẳng Giác. Ngài thúc giục họ hãy lắng nghe ngài trở lại.

Lần thứ nhì, nhóm năm vị Tỳ-kheo cũng hỏi vặn lại ngài như trước; và Đức Thế Tôn, hiểu rằng họ vẫn còn đang đau khổ vì ảo tưởng và vô minh, và vì lòng đại bi đối với họ, ngài đã đưa ra cho họ câu trả lời như cũ lần thứ ba.

Khi thấy nhóm năm vị Tỳ-kheo cứ khăng khăng giữ nguyên sự phản kháng, Đức Thế Tôn nói với họ như vầy, “Này các Tỳ-kheo, hãy suy nghĩ về điều này. Các vị và ta không phải là những người xa lạ, chúng ta đã sống cùng nhau suốt sáu năm trường và các vị đã hầu hạ ta trong lúc ta hành pháp khổ hạnh. Có bao giờ các vị thấy ta nói như thế này chưa?” Năm vị Tỳ-kheo suy xét lời Đức Thế Tôn. Họ nhận ra rằng ngài chưa bao giờ nói như vậy trước đây bởi vì lúc đó ngài chưa đắc được Tri Kiến Thù Thắng. Họ bắt đầu tin là chắc hẳn ngài đã đắc được Tri Kiến Thù Thắng nên bây giờ ngài mới nói với họ như vậy. Vì thế họ cung kính trả lời, “Không, bạch Ngài, chúng tôi chưa từng biết ngài có nói như vậy trước đây.”

Rồi Đức Phật nói, “Này các Tỳ-kheo, Ta đã trở thành một bậc A-la-hán (Arahan), bằng chính nỗ lực của mình Ta đã thành tựu tối thượng giống như các đấng Như Lai (Tathāgate) thuở xưa, đã trở thành bậc Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddho), đã đạt đến Bất Tử (amatamadhigataṃ). Hãy lắng tai, này các Tỳ-kheo, Ta sẽ hướng dẫn cho các vị và dạy Pháp cho các vị. Nếu các vị thực hành theo lời ta chỉ dẫn, không bao lâu trong kiếp sống này, bằng chính thắng trí của mình, các vị sẽ chứng nhập và an trú trong Thánh Quả A-lahán, Niết Bàn; mục tiêu tối hậu và cao quý nhất của đời Phạm Hạnh mà vì mục đích đó các thiện nam tử con nhà hiền lương đã từ bỏ đời sống gia chủ sống đời không nhà của người xuất gia.” Một lần nữa, Đức Thế Tôn đưa ra cho họ lời bảo đảm như vậy.

Năm vị Tỳ-kheo lúc đó rơi vào một trạng thái dễ dàng chấp nhận và sẵn sàng lắng nghe những gì Đức Phật nói một cách cung kính. Họ háo hức chờ đợi được tiếp nhận tri kiến do Đức Thế Tôn chia xẻ.

Từ trước đến đây, những gì chúng tôi đề cập là những sự kiện xác đáng được chắt lọc từ phần Giới Thiệu thuộc Giai Đoạn Trung Gian.

Bây giờ chúng tôi sẽ nói đến phần Giới Thiệu thuộc Quá Khứ Gần Nhất, qua những lời: “Tôi nghe như vầy”, đưa ra một sự giải thích về cách Đức Thế Tôn bắt đầu chuyển vận Bánh Xe Pháp bằng việc thuyết bài Pháp đầu tiên.

Thời gian là lúc chiều tối ngày rằm tháng Sáu 2600 năm trước. Mặt trời sắp lặn nhưng vẫn có thể thấy được như một bầu trời đỏ rực; mặt trăng vàng vừa nhô lên ở chân trời phía đông. Chú giải Mahāvagga Saṃyutta (Tương Ưng Đại Phẩm) nói rằng bài pháp đầu tiên Đức Phật thuyết khi mặt trời và mặt trăng cùng được thấy rõ một lúc trên bầu trời.

Thính chúng chỉ gồm năm vị Tỳ-kheo từ cõi người. Nhưng chư thiên và phạm thiên, theo bộ Milinda Pañhā (Bộ Mi Tiên Vấn Đáp), thì vô số kể. Như vậy khi năm vị Tỳkheo cùng với Phạm thiên và chư thiên, những người được may mắn nghe bài Pháp đầu tiên này, đang cung kính chờ nghe với sự chăm chú thì Đức Thế Tôn bắt đầu giảng dạy bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka Sutta) với những lời: “Dve me, Bhikkhave, antāpabbajitena na sevitabbā.”

“Này các Tỳ-kheo, người xuất gia đã từ bỏ đời sống thế tục không nên theo đuổi hai phần cực đoan sẽ được giải thích sau đây (Ime dve antā)”

Ở đây chữ antā, theo Chú giải giải thích, về mặt ngữ pháp có nghĩa là Koṭṭhāsa hay Bhāga hàm ý cổ phần hay phần. Nhưng bởi vì giáo lý Trung Đạo sau đó được dạy trong bài pháp, nên việc dịch Antā là cực đoan hay thái cực là điều thích hợp. Hơn nữa chữ “phần” ở đây cũng không nên xem như một phần của vật gì, mà chỉ như những phần nào nằm trong hai thái cực của sự vật. Vì thế chúng tôi dịch là hai phần. Các bản Chú Giải của Tích Lan và Thái Lan cũng dịch nó là Lamaka Koṭṭhāsa với nghĩa ‘phần thấp hèn, hay phần xấu’, hơi giống như cách dịch cũ của Miến Điện: “pháp hành thấp hèn”.

Như vậy, điều đầu tiên cần phải lưu ý ở đây là “Người xuất gia không nên theo đuổi hai phần cực đoan hay hai pháp hành cực đoan.”

Katame dve. Yo cāyaṃ Kāmesukhalikānuyogo —hino, gamo, pothujjaniko, anariyo, anatthasamhito. Yo cāyaṃattakilamathaanuyogo —dukkho, anariyo, anatthasamhito.

Thế nào là hai pháp hành cực đoan? Thích thú trong các dục trần, theo đuổi các dục lạc, cố gắng để tạo ra các dục lạc ấy và hưởng thụ chúng. Cực đoan này là thấp hèn, là thói quen thông tục của hàng dân dã và tỉnh thành; được ấp ủ bởi hàng phàm phu; không trong sạch, đê tiện, vì thế các Bậc Thánh không theo đuổi; không hướng tới lợi ích (không liên hệ đến mục đích giải thoát). Sự theo đuổi các dục lạc như vậy là một pháp hành cực đoan phải nên tránh.

Cảnh sắc, âm thanh, mùi, vị và sự xúc chạm khả ái tạo thành những dục trần đáng mong muốn. Do thích thú trong những đối tượng ấy và do mong muốn được hưởng thụ chúng bằng thân hay tâm, người ta theo đuổi các dục lạc. Pháp hành này là thấp hèn, dung tục, tầm thường, đê tiện và không lợi ích, tạo thành một cực đoan, bởi thế người xuất gia không nên theo đuổi.

Phần cực đoan khác hay pháp hành cực đoan khác liên quan đến những cố gắng tự hành hạ mình chỉ có thể dẫn đến khổ đau. Kiêng ăn, kiêng mặc những gì mà bình thường mình quen dùng là một hình thức tự hành hạ mình và không đem lại lợi ích. Pháp hành này không trong sạch cũng không cao thượng và không được các Bậc Thánh theo đuổi. Nó cũng không liên quan đến mục đích mà người xuất gia đang đi tìm. Pháp hành tự hành xác như vậy, tạo thành một cực đoan khác, cũng phải nên tránh. Tránh hai cực đoan này, người ta đạt tới chánh đạo gọi là Trung Đạo.

 ĐỨC THẾ TÔN TIẾP TỤC

“Ete kho, Bhikkhave, ubho ante anupāgamma majjhimā paṭipadā Tathāgatena abhisambuddhā cakkhukaranī, ñāṇakaranī, upasamāya, abhiññāya, sambo-dhāya, nibbānāya saṃvattati.”

Này các Tỳ-kheo, tránh hai phần cực đoan này, Như Lai đã đạt đến Tri Kiến Thù Thắng về Trung Đạo, tạo thành mắt, tạo thành trí, đưa đến an tịnh (an tịnh các phiền não), thắng trí và Niết-bàn, đoạn tận mọi khổ đau.

Tránh xa hai cực đoan, 

Loại bỏ các tà đạo, 

Trung Đạo được đạt đến. 

Đi trên Chánh Đạo này, 

Giác ngộ, chứng Niết Bàn.

Trung Đạo hay còn gọi là Bát Chánh Đạo này tạo thành mắt, tạo thành trí như thế nào và nó đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết-bàn ra sao sẽ được bàn đến ở phần sau.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app